SSDH – Chảy máu chất xám hiện đang là một thực trạng đáng báo động tại Việt Nam mà những người làm quản lý đã và đang cố gắng tìm các biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, đi ngược lại dòng chảy này, vẫn có những du học sinh nuôi mơ ước trở về đóng góp cho quê hương sau thời gian dài học tập tại nước ngoài.
Ảnh minh họa
Nguyễn Đường Giang, một nghiên cứu sinh ngành du lịch tại Trường Đại học AUT (Auckland University of Technology), New Zealand, vừa trở về Việt Nam sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ với đề tài “Du lịch, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và phát triển kinh tế địa phương: Phân tích chuỗi giá trị tại Làng cổ Phước Tích, Việt Nam”.
Trưởng thành, làm việc trong lĩnh vực du lịch, Giang lại có nhiều cơ hội đi khắp Việt Nam và đến thăm rất nhiều làng nghề truyền thống. Nhưng, đối với anh, thật buồn khi tận mắt chứng kiến những sản phẩm thủ công của các làng nghề này đang bị từ chối cũng như rất nhiều sản phẩm và kỹ năng làm nghề lâu năm đang dần mai một.
Những trải nghiệm này đã tác động tới việc hình thành niềm tin và các giá trị riêng của chính anh, thúc đẩy anh phải tìm ra các giải pháp hữu ích để lưu giữ các ngành nghề thủ công truyền thống cho các thế hệ sau này. Trên hết, Nguyễn Đường Giang còn muốn tìm ra giải pháp để các ngành nghề thủ công truyền thống có thể hội nhập, phát triển cùng du lịch như một công cụ để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Nỗ lực giành học bổng
Đường Giang tốt nghiệp Khoa Quản trị du lịch của Viện Đại học Mở (chi nhánh TP.HCM) năm 2000, đồng thời hoàn tất chương trình cử nhân tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ. Năm 2001, khi có sự bùng phát về lượng khách du lịch Nhật Bản tới Việt Nam, với nỗ lực của bản thân, Giang đã giành được học bổng cho khóa học tiếng Nhật 2 năm cấp tốc của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Năm 2005, anh lại tiếp tục giành được cơ hội tham gia vào chương trình “200 thạc sĩ, tiến sĩ” của UBND TP.HCM cho khóa học thạc sĩ chuyên ngành du lịch tại Học viện Vatel, Pháp. Trong thời gian ở Pháp, Giang đã hoàn thành cùng lúc hai bằng thạc sĩ, một về quản trị nhà hàng – khách sạn, một về quản trị du lịch.
Trở về Việt Nam sau thời gian học tại Pháp, Giang làm việc tại Phòng Kinh doanh Tiếp thị của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn. Dù môi trường làm việc và mức lương hấp dẫn, nhưng Giang vẫn thấy mình chưa đạt được mục tiêu của bản thân. Anh muốn được đóng góp hiệu quả hơn cho ngành du lịch và thủ công mỹ nghệ của nước nhà, đặc biệt là khi du lịch có thể trở thành công cụ giảm nghèo tại các vùng nông thôn và ven đô, từ đó phát triển kinh tế địa phương.
Đây cũng chính là lý do đưa anh đến với học bổng tiến sĩ của Chính phủ Việt Nam. Giang luôn mong muốn tìm cơ hội ngay trong thử thách, mong muốn thúc đẩy mạnh vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế địa phương. Anh hy vọng có thể áp dụng các bài học từ ngành nghề thủ công mỹ nghệ và du lịch vào việc phát triển kinh tế địa phương tại các khu vực nông thôn và ven đô của Việt Nam ngay khi hoàn tất chương trình tiến sĩ trở về.
Cơ hội trong thử thách
Khi được hỏi về thực trạng du lịch Việt Nam và giải pháp đi kèm, Đường Giang không ngần ngại chia sẻ: Du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế hơn các nước trong khu vực vì tính đa dạng sản phẩm về mặt thiên nhiên, văn hóa nhưng hầu hết các sản phẩm này vẫn còn trong giai đoạn tiềm năng hoặc sơ khai, chưa phát huy được hết thế mạnh để biến tiềm năng thành tiềm lực phát triển.
Du lịch Việt Nam vẫn trong giai đoạn đầu của sự phát triển nên nhiều người, đặc biệt là các cấp quản lý địa phương, chưa thực sự hiểu về du lịch, chưa biết cách làm du lịch và quan trọng nhất là chưa biết cách hợp tác, phối hợp làm du lịch.
Bên cạnh đó, việc quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài so với các nước trong khu vực còn khá non yếu, chưa có được các chiến dịch quảng bá phù hợp cho từng thị trường trọng điểm, thủ tục cấp visa còn rườm rà, trong khi xu hướng các nước trên thế giới là miễn visa, hoặc nộp hồ sơ xin visa trực tuyến…, dẫn tới sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam chưa được như mong đợi.
Tuy vậy, Giang khá lạc quan tin rằng, mặc dù đầy thách thức nhưng tiềm năng và cơ hội cho du lịch Việt Nam là rất lớn nếu khắc phục được các nhược điểm trên.
Ra đi để trở về
Đề cập vấn đề chảy máu chất xám khi có quá nhiều sinh viên sau thời gian du học đã không trở về, Đường Giang thẳng thắn nhận định: Có hai vấn đề cơ bản cần được nhìn nhận.
Thứ nhất là ngành học mà sinh viên chọn để du học tại nước ta chưa có nhiều cơ hội ứng dụng (khoa học tự nhiên, nghiên cứu cơ bản), trong khi các ngành xã hội thì Việt Nam vẫn đang thiếu.
Thứ hai là do chính khả năng và nhận thức của sinh viên. Đa phần những sinh viên này chưa chuẩn bị tâm lý để tái hòa nhập trên chính quê hương mình, một môi trường nhiều thử thách đòi hỏi không chỉ trình độ học vấn mà cả các kỹ năng mềm do truyền thống văn hóa phương Đông.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, với các bạn trẻ thì xã hội phương Tây đem lại khá nhiều cơ hội tốt trong công việc và cuộc sống sau khi các bạn nỗ lực học tập và có được bằng cấp tại những nước phát triển này.
Riêng với Giang, ra đi là để trở về. Lý do thúc đẩy anh phải nghiên cứu và học lên cao hơn là do anh muốn được tìm kiếm cơ hội trong thử thách, muốn được thực hiện hoài bão của mình bằng việc đem những kiến thức có được sau thời gian học tập ở nước ngoài về áp dụng để phát triển ngành du lịch và các ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống, đưa hình ảnh đất nước Việt Nam mang sắc thái đặc trưng và giàu tính truyền thống tới bạn bè thế giới. Và hơn hết, anh muốn du lịch trở thành công cụ phát triển nền kinh tế quê hương. Giang tin, khi trở về, anh sẽ có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành du lịch nước nhà.
Nguồn: DNSG