SSDH – Tháng 11 năm 2013, Hương được trao bằng khen Sinh viên quốc tế xuất sắc năm của bang Victoria và Sinh viên quốc tế xuất sắc 2013 do Thủ hiến bang Victoria, Denis Napthine, trao tặng. Em là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất nhận cùng lúc hai giải thưởng danh giá này.
Khi tôi liên lạc với Đặng Thị Hương để hẹn phỏng vấn qua điện thoại, vì vẫn nghĩ rằng hiện Hương đang ở nước Úc xa xôi, nhưng không ngờ, Hương email lại luôn cho tôi và em cho biết, hiện em đang ở Việt Nam, nếu có thể chúng tôi sẽ nói chuyện trực tiếp. Nhận được sự hồi âm ngay lập tức này, tôi đã rất vui và chúng tôi đã có buổi hẹn ngay sau đó tại nhà hàng, thuộc hệ thống nhà hàng mà Hương đang có những dự án làm việc khi trở về Hà Nội.
Tại sao tôi lại gọi Hương – một du học sinh đang học tại Úc là “cô gái ôsin”, bởi vì Hương đã từng là một người giúp việc chính hiệu, và khi trả lời phỏng vấn, tham gia ghi hình các chương trình, Hương không hề phủ nhận điều đó, và em còn rất cảm ơn quãng thời gian đó để em có thể rèn luyện và có những thành công như ngày hôm nay.
Dáng người nhỏ bé, phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát, cái bề ngoài ấy thể hiện một điều, Hương là một cô bé sống từng trải và có nhiều kinh nghiệm. Ngay từ những năm 2000, khi còn là một cô bé đang học cấp II, khi nghĩ về gia cảnh của mình, nhất là bắt nguồn từ sự thương mẹ, một phụ nữ, phải một mình nuôi 3 đứa con ở một vùng quê nghèo của huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, Hương đã sớm có những suy nghĩ chín chắn khi quyết tâm đi tìm việc làm để giúp mẹ. Khi đó cô bé Hương mới 13 tuổi.
Ra thủ đô khi còn lạ nước lạ cái, ban đầu cũng chỉ nghĩ là làm công việc giúp việc. Một người hàng xóm của chủ nhà đã hỏi Hương có muốn đi học lại không? Hương bày tỏ ý nguyện với chủ nhà, và họ đã xin cho Hương vào Trung tâm giáo dục thường xuyên. Ở đây Hương đã bắt đầu học lại lớp 7. Mặc dù chỉ tranh thủ học buổi tối nhưng cũng chỉ được hai tháng, gia chủ không muốn Hương đi học tiếp, vì sợ ảnh hưởng đến công việc Hương đang làm. Hương đã phải chuyển đi ở cho 3, 4 nhà khác.
Tuy vậy nhưng quyết tâm đi học vẫn mạnh mẽ trong Hương, mặc dù mẹ em đã rất sốt ruột muốn Hương bỏ việc làm giúp việc và đi học thêm nghề may hay gì đó mà có thể dễ dàng kiếm việc hơn. Nhưng Hương không thích. Lúc đó trong đầu Hương mong muốn học để sau này làm nghề cô giáo. Thế rồi sự quyết tâm ngày càng lớn mạnh. Hương đã phải đi bán rau thuê, đi bán xôi thuê để có chỗ ở và để được đi học, mặc dù có khi chỉ được ở những gầm cầu thang. Và việc học của em rất vất vả.
Bán xôi cũng phải dậy sớm, bán rau cũng phải dậy sớm. Đi học buổi tối về, em lại chuẩn bị gạo, vo gạo, chuẩn bị đồ đạc cho buổi bán hàng sáng mai. Song đâu đấy mới học bài. Có những lúc sợ ảnh hưởng đến gia chủ, Hương đã phải bật điện phòng vệ sinh, chỉ để hé chút ánh sáng từ khe cửa để học bài. Những ngày đó em chỉ được ngủ rất ít, ngày có khi chỉ 3, 4 tiếng. Gần 2 năm ở gầm cầu thang là khoảng thời gian tồi tệ.
Đặng Thị Hương, nữ sinh Việt Nam đầu tiên và duy nhất nhận đúp hai giải thưởng Sinh viên quốc tế xuất sắc năm 2013 do Thủ hiến bang Victoria Denis Napthine trao tặng.
Hương phải tiếp xúc với đủ thành phần xã hội, từ cửu vạn, nghiện ngập, trộm cắp… 2h sáng phải thức dậy thổi xôi đi bán, chiều bán bánh ngô, tối học bổ túc xong lại bán hàng. Một số người luôn muốn đuổi Hương đi để chiếm chỗ. Họ mắng chửi, dọa nạt, thậm chí đổ rác lên chỗ Hương ngồi. Mỗi ngày Hương đều sợ bị xua đuổi, sợ thanh niên trêu chọc, sợ phải ăn mì tôm cân. Cho dù, tuổi còn trẻ, ý nghĩ còn non nớt, nhưng Hương đã không bị những khó khăn cản trở, khi Hương cho biết là vì sự quyết tâm cao, suy nghĩ tích cực vào một sự thay đổi trong tương lai mà em đã vượt qua mọi khó khăn.
Và cho dù ngày đó, các phương tiện liên lạc điện thoại còn rất khó khăn, không dễ dàng như bây giờ, cộng với việc học, làm việc bận rộn, Hương ít có thời gian về thăm nhà. Đối với một người lớn, mà những lần đầu tiên xa nhà, nhiều khi còn khó khăn khi vượt được sự xa cách, nhớ nhung.
Và cho đến bây giờ, thì Hương đã có đến 15 năm sống xa gia đình, xa bố mẹ, nhưng xuất phát tự sự thương mẹ, muốn thay đổi cuộc sống, đã cho Hương có một nghị lực như ngày hôm nay – một du học sinh tại Úc. Ngoài việc học, Hương chăm chỉ, nghị lực và Hương còn đi làm thêm trong hệ thống nhà hàng Koto, một hệ thống đa ngành, vừa đào tạo, vừa kinh doanh, với thời gian làm việc 20 tiếng/tuần.
Quay trở lại câu chuyện của Hương, làm sao từ một cô bé giúp việc, lại được du học tại Úc. Đó là khi tốt nghiệp bổ túc lớp 12, Hương được một người quen giới thiệu cho vào học ngành nhà hàng, khách sạn của hệ thống Koto. Đây là một doanh nghiệp xã hội dạy nghề miễn phí cho các thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam, có trụ sở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và văn phòng đại diện ở Úc.
Học sinh ở đây được dạy nghề, luyện tiếng Anh và sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ và đủ tiêu chuẩn để được giới thiệu vào các khách sạn. Học ở đây, Hương đã được học bổng của chính phủ Úc và được đi du học tại Úc.
Tôi nói tôi rất khâm phục nghị lực này của Hương, và việc học tiếng Anh để đủ trình độ đi du học chắc chắn rất vất vả. Vậy bí quyết của Hương là gì? Hương cười xòa, nói em chẳng có bí quyết gì cả, chỉ một sự đơn giản là Hương rất thích học và có lẽ em có một chút năng khiếu tiếng Anh.
Cái tiêu chuẩn “rất thích học”, có lẽ đó là thứ trời cho để Hương có sự thành công. Tháng 11 năm 2013, Hương được trao bằng khen Sinh viên quốc tế xuất sắc năm của bang Victoria và Sinh viên quốc tế xuất sắc 2013 do Thủ hiến bang Victoria, Denis Napthine, trao tặng. Em là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất nhận cùng lúc hai giải thưởng danh giá này.
Ngoài ra, Đặng Thị Hương còn là Đại sứ sinh viên quốc tế của Học viện Box Hill 2013. Giờ đây Hương đã là du học sinh năm thứ 3 ở Úc. Hương tâm sự, em rất sợ sự nhàn rỗi, chính sự nhàn rỗi làm bào mòn con người. Chia sẻ với bạn đọc và nhất là lớp trẻ ngày nay, em cho rằng luôn có ý thức cầu tiến, muốn thay đổi và phải thay đổi để thời gian rỗi đặc biệt phải có ý nghĩ tích cực. Đó là những liều thuốc cực tốt cho sự thành công.
Nếu không có sự thay đổi, không dám bước chân ra đi, thì Hương, có lẽ giờ cũng như bao cô gái làng quê khác, nghỉ học giữa chừng và đã là mẹ của những đứa con. Còn giờ đây, Hương giờ vẫn bận rộn như xưa. Là một sinh viên, ngoài việc phải hoàn thành những tiết học ở trường, em vẫn đi làm thêm ở khách sạn, một tuần 20 tiếng, Hương rất thích nấu ăn và làm những việc từ thiện. Hệ thống Koto mà Hương đang tham gia làm tình nguyện viên là một tổ hợp đa ngành nghề, kinh doanh du lịch, dạy và đào tạo nghề.
Và Hương, với vai trò là tình nguyện viên, sẽ là cầu nối với các tổ chức thiện nguyện để lấy kinh phí dạy dỗ cho các học sinh ở đây. Những em được chọn vào học ở đây, là những em có hoàn cảnh khó khăn, các em hoàn toàn không phải đóng học phí, học xong ra trường sẽ được cấp chứng chỉ và đủ năng lực, tiêu chuẩn làm việc ở những nhà hàng của Koto hoặc các khách sạn lớn. Cứ 6 tháng Koto lại tuyển sinh khoảng 30 trẻ em đường phố có hoàn cảnh khó khăn vào chương trình đào tạo 24 tháng của Koto.
Các em sẽ được học lớp kỹ năng sống, lớp tiếng Anh và đào tạo kỹ năng nghề trong lĩnh vực khách sạn nhà hàng. Để trở thành một học viên, Koto, các em phải ở trong độ tuổi từ 16 đến 22 và sẽ được tuyển sinh dựa trên hoàn cảnh gia đình. Các em cũng phải có khả năng học nghề, làm việc trong ngành và tuân thủ theo phương châm của Koto.
Đặng Thị Hương và tác giả.
Khi tốt nghiệp, các học viên được nhận chứng chỉ quốc tế được cấp bởi Trường dạy nghề Box Hill TAFE tại Úc. Điều này có nghĩa là học viên Koto sẽ sở hữu một trình độ quốc tế sau khi tốt nghiệp. Học viên Koto cũng phải hoàn thành khoá học tiếng Anh bởi đây là ngôn ngữ cần thiết cho bất cứ ai làm trong ngành khách sạn, nhà hàng.
Tôi ngồi chuyện trò với Hương trong một nhà hàng của Koto ở Văn Miếu. Đúng như Hương nói, khách của nhà hàng chủ yếu là khách nước ngoài. Còn những nhân viên của Koto, họ rất chuyên nghiệp. Và Hương, đối với họ, rất gần gũi.
Ngoài làm tình nguyện viên cho Koto, Hương còn rất thích nấu ăn và cô thể hiện sự đam mê đó bằng việc tổ chức các buổi nấu ăn để gây quỹ từ thiện, mà gần đây nhất là những buổi nấu gây quỹ cho những bệnh nhân bị ung thư vú của chị Nguyễn Khánh Thương. Hai chị em, Hương và chị Khánh Thương gặp và quen nhau tại nước Úc xa xôi. Chị Khánh Thương là một bệnh nhân ung thư vú và đã sáng lập Mạng lưới ung thư vú tại Việt Nam. Chị cũng từng là du học sinh tại Úc và đang sống cùng chồng tại Úc.
Chị Khánh Thương đã liên lạc với Hương và hai chị em đã có những hoạt động gây quỹ cho Mạng lưới ung thư vú tại Việt Nam, giúp cho các bệnh nhân có sự tự tin, niềm vui sống cho dù biết mình đã mắc bệnh. Khánh Thương trong mắt của Hương là cực kỳ nghị lực. Mặc dù chị bị bệnh nhưng luôn lạc quan và có rất nhiều hoạt động, chị làm như quên mình, quên đi mình là một người bệnh.
Giờ đây, sau khi đã có một chút thành công, mặc dù việc học vẫn còn đang tiếp tục, Hương vẫn giữ ý nguyện như khi bước chân ra đi khỏi làng, đó là được thay đổi cuộc sống, được giúp đỡ gia đình, đặc biệt là Hương muốn được gần mẹ hơn, muốn bù đắp những vất vả của người mẹ, giờ đây đã ốm yếu hơn xưa. Hương muốn thời gian trôi thật nhanh để được nhanh chóng trở về bên mẹ. May mắn thay, năm nay em được nghỉ và về Việt Nam đúng vào dịp tết, được trở về bên mẹ đúng dịp tết đã làm Hương ấm lòng.
Nguồn: Cảnh Sát Toàn Cầu