SSDH- Làm thế nào để ở lại và nhập tịch sau khi du học? Đây là câu hỏi mà tất cả các bạn du học sinh và cả những bạn đang lên kế hoạch du học đã có ít nhất một lần thắc mắc. Không nói đến những vấn đề quá xa vời như lấy quốc tịch, hiếm có ai đã đi du học mà không muốn có cơ hội làm việc và sống thêm ở nước đó sau khi tốt nghiệp.
Cá nhân người viết bài này là một người luôn muốn có cơ hội ở lại làm việc ở nước ngoài và có cả tham vọng lấy được quốc tịch của một nước phát triển (như Anh, Úc, Mỹ, Canada, hay New Zealand) sau khi học xong để mang về nước. Tuy nhiên tôi đã thất bại toàn tập trong lần đầu tiên đi du học Mỹ. Mặc dù tôi thành công trong việc xin học bổng và được học ở một ngôi trường nổi tiếng như mình mong muốn, nhưng mọi kế hoạch liên quan đến ‘đầu ra’ sau khi tốt nghiệp lại không được như mong đợi.
Khi đi Úc học nghiên cứu sinh (tiến sỹ), tôi chỉ thuần túy đi học với mục đích thăng tiến trong sự nghiệp chứ không còn lên kế hoạch kiếm việc làm và đã từ bỏ ước mơ kiếm quốc tịch của nước lớn. Vì ở thời điểm đó tôi đã có kinh nghiệm đau thương với nước Mỹ, và cũng ‘già cả’ hơn nên sống thực tế hơn và bớt mơ mộng. Kì lạ là khi bạn không expect quá nhiều một điều gì đó thì nó lại đến với bạn một cách tự nhiên.
Nước Úc quá dễ sống, có nhiều cơ hội nghề nghiệp và quan trọng nhất, Chính Phủ của họ có chính sách nhập cư vô cùng cởi mở. Kết quả là tôi có cơ hội trải nghiệm rất nhiều công việc ở Úc và có được PR sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh. (PR, đọc là Pi-A, viết tắt của Permanent Residence – tương đương ‘thẻ xanh’ ở Mỹ, là loại visa cho các bạn ở lại nước đó vô thời hạn, có quyền lao động và hưởng phúc lợi như một công dân, và sau một khoảng thời gian theo luật sẽ cho phép bạn apply xin quốc tịch, hiểu nôm na đây là bước dự bi cho việc trở thành công dân chính thức – citizenship)
Tôi đã may mắn khi đi du học lần hai ở một nước khác để có được trải nghiệm khác, và nhận ra rằng mình đã phạm nhiều sai lầm ở ngay khâu ‘lên kế hoạch’, đặt quá nhiều cảm tính vào việc chọn trường/chọn nước du học mà không quan tâm đến những yếu tố thực tế hơn.
Trong post này, tôi sẽ đưa ra một số lời khuyên và chia sẻ từ kinh nghiệm và va chạm thực tế của mình để các bạn trẻ và phụ huynh lên được kế hoạch du học hiệu quả nhất, đáp ứng được nguyện vọng ‘có cơ hội làm việc’, ‘có cơ hội lấy được passport của nước lớn’ sau khi hoàn thành chương trình học ở nước ngoài. Và đương nhiên khi tôi nói hiệu quả, có nghĩa chúng ta phải tiết kiệm được nhiều nhất có thể để đạt được mục tiêu của mình.
1. Đừng dựa theo cảm tính khi đưa ra quyết định, phải nhìn vào các yếu tố thực tế
Đa số các bạn trẻ hiện nay (mà thực ra cả chính tôi trước đây) không có một lý do thực sự cụ thể hay dựa trên nghiên cứu nghiêm túc để lựa chọn quốc gia du học mà thường dựa theo cảm tính, tức chúng ta sẽ nói ‘em thích đi Mỹ’, ‘em thích đi Anh’, ‘em thích đi Pháp’, mà không có một lý do thuyết phục. Do ảnh hưởng sâu rộng của phương tiện truyền thông (media) và văn hóa đại chúng (pop culture) thông qua Phim Ảnh, m Nhạc, Mạng Xã Hội, hay các brand – thương hiệu về thời trang, đồ ăn thức uống của phương Tây (mà cụ thể hơn là Mỹ), tất cả chúng ta đều hiểu rõ và ít nhiều cảm thấy ‘relate’ với văn hóa Mỹ. Do đó, không ai trong chúng ta có thể phủ nhận chúng ta ít nhiều đều bị brainwash bởi văn hóa đại chúng (phim ảnh, ca nhạc…) của các nước lớn như Anh, Hàn, Trung… và đặc biệt là Mỹ.
Chính những sự tác động ngầm này dẫn tới rất nhiều người trong số chúng ta, không chỉ là người Việt Nam đâu, mà cả người châu Á, châu Phi, châu u đều mong muốn được đặt chân đến Mỹ để học. Những ai đã nghiên cứu qua về thị trường giáo dục các nước đều biết Mỹ có mức học phí cao nhất thế giới. Họ kiếm được rất nhiều tiền từ ngành giáo dục và các ngành liên quan (tiêu dùng, du lịch) nhờ lượng du học sinh đổ về từ khắp nơi trên thế giới.
Chưa biết đầu ra có thực sự tạo ra sự khác biệt không, nhưng thực tế là cạnh tranh ở những quốc gia như Mỹ là rất ‘căng’, nếu không muốn nói là ‘căng’ nhất trong số các nước phát triển. Lượng công việc thì chỉ có giới hạn, nhưng du học sinh quốc tế với các loại American dream thì cứ đổ về. Với tôi, việc kiếm cả công việc full-time và part-time đều rất khó khăn khi ở Mỹ, trái ngược hoàn toàn với thị trường lao động nhộn nhịp và cởi mở ở Úc.
Sau này, tôi mới nhận ra sự khác biệt giữa Úc và Mỹ là điều hoàn toàn dễ hiểu (dù với đa số các bạn trẻ ở Việt Nam thì thấy đó đều là các nước Tây nói tiếng Anh). Ở những nước như Mỹ, cạnh tranh là quá lớn, thị trường lao động đã đạt đỉnh, bạn sẽ mất nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn để có được những thứ tương tự ở một quốc gia khác (quốc tịch, công việc, nhà, xe oto). Đây là lý do bạn thường xuyên nghe thấy Tổng Thống Mỹ ra rả trên phương tiện truyền thông về việc sẽ ‘TẠO RA VIỆC LÀM’, các bạn đã hiểu chưa, việc làm còn là vấn đề người Mỹ quan tâm và đánh nhau vỡ đầu để có được, liệu nó có dễ dàng với du học sinh và dân nhập cư không?
Còn ở Úc, đây là quốc gia còn trẻ hơn Mỹ, đất rộng, người thưa, thời tiết dễ chịu, thiên nhiên trù phú, và vô cùng nhiều tài nguyên (dầu mỏ, vàng, than, quặng kim loại…), đó là lý do trên thế giới người ta vẫn gọi Úc là LUCKY COUNTRY. Tuyệt vời hơn là Úc có chính sách nhập cư còn cởi mở vì nhiều ngành của họ hiện nay vẫn THIẾU lao động. Tương tự như Úc, những quốc gia như New Zealand hay Canada cũng là các quốc gia cởi mở về vấn đề nhập cư và cần thêm nhân lực cho thị trường lao động của mình.
Như vậy, các bạn có thể thấy các quốc gia ‘nói tiếng Anh’ hoàn toàn không giống nhau như các bạn nghĩ mà họ khác nhau rất nhiều về bối cảnh kinh tế, thị trường lao động, những thứ ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách nhập cư. Nếu các bạn thực sự nghiêm túc với kế hoạch xin việc hay nhập tịch của mình, thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng chính sách nhập cư và thị trường lao động của quốc gia đó chứ không nên lựa chọn dựa theo cảm tính. Ở những quốc gia ‘già’, đã chạm ngưỡng ‘phát triển’ và đặc biệt quá nhiều nhân tài như Mỹ, mọi thứ luôn khó khăn x10 so với các nước nói tiếng anh khác (Úc, New Zealand, Canada).
Có thể bây giờ các bạn còn trẻ, bị ảnh hưởng quá nhiều bởi phim ảnh nên các bạn bị ám ảnh và thần tượng nước Mỹ thái quá, nhưng sau này trưởng thành hơn các bạn sẽ hiểu, ở nước nào cạnh tranh ít thôi, tài nguyên dồi dào, nhiều CƠ HỘI kiếm việc – làm giàu, xã hội yên bình, ít tiếng súng, ít nạn kì thị – phân biệt chủng tộc, đấy mới là thiên đường, đấy mới là nơi chúng ta cần đầu tư vào. Và nên nhớ những nước tôi vừa nêu đều có học phí ít hơn Mỹ rất nhiều.
2. Đừng nghĩ ‘ở lại đi làm’, hoặc ‘nhập tịch’ là một sự lựa chọn, đó là 1 privilege và các bạn cần nghiêm túc với kế hoạch của mình
Trước đi du học Mỹ, do nghe các anh chị đi trước nói đơn giản quá, tôi nghĩ rằng đi du học phải 80-90% là ‘ở lại được’ và coi nó là một sự lựa chọn. Rất tiếc, không chỉ Việt Nam mà sinh viên ở các nước khác cũng đều mơ mộng ở lại, xin việc và nhập tịch ở các nước nói tiếng Anh. Vì vậy khi nộp đơn xin thường trú nhân (thẻ xanh) hay xin một công việc nào đó ở Anh, Úc, Mỹ là các bạn đang cạnh tranh với chính du học sinh Việt Nam và cả sinh viên đến từ mọi nơi trên thế giới.
Khi còn làm tiến sỹ ở Úc, tôi từng làm việc cho một công ty luật, có nhận các vụ việc về di trú nên tôi đã được mở rộng tầm mắt về thị trường nhập cư ở Úc vô cùng nhộn nhịp. Ngoài các trường hợp apply theo diện tay nghề từ du học sinh, còn có các hồ sơ theo diện kết hôn và đặc biệt là diện đầu tư dành cho giới doanh nhân giàu có của Việt Nam. Với những người có tiền đầu tư, họ có thể đầu tư trái phiếu chính phủ để được cấp PR.
Như vậy các bạn có thể hiểu được cuộc chiến ‘lấy quốc tịch’ là thực sự khốc liệt, chứ không hề đơn giản, và đây là cuộc chiến của những người giàu (visa đầu tư), người giỏi (visa tay nghề), hoặc người may mắn (visa kết hôn). Để có được quốc tịch, có thể cầm trên tay passport quyền năng của các nước lớn, các bạn cần đầu tư rất nhiều thời gian nghiên cứu, hoạch định chiến lược (học ngành gì, apply trong độ tuổi nào…), thời gian làm các thủ tục/giấy tờ và trên thực tế các bạn sẽ phải đầu tư một số tiền không nhỏ để theo đuổi toàn bộ quá trình apply và hoàn thiện bộ hồ sơ xin PR. Nếu chỉ đầu tư tiền bạc ra du học rồi giành được quốc tịch dễ dàng như vậy, chắc chắn không nhiều đại gia ở Việt Nam đầu tư vài triệu đô mua trái phiếu để lấy quốc tịch phải không các bạn.
Đừng nhầm lẫn giữa các khái niệm ‘đi về’ để xây dựng đất nước hay ‘ở lại xứ người’, vì chúng ta đang ở năm 2022, không phải 1992. Khi đã cầm trên tay quốc tịch hay passport của nước lớn thì các bạn thích về Việt Nam ngay cũng được hay ở lại nước đó làm việc một thời gian rồi về cũng được mà?!? Bây giờ đã là thế giới phẳng, các bạn thích đi đâu, ở đâu cũng được. Nhưng phải hiểu vấn đề quan trọng nhất là quyền năng mà quyển hộ chiếu bạn đang có trong tay mạnh đến đâu. Đây cũng là lý do mà những người giàu chấp nhận bỏ một số tiền lớn để có được quốc tịch những nước như Anh, Úc, Mỹ, Canada; họ muốn có được sự tự do khi di chuyển ở phạm vi toàn cầu (được miễn xin visa rất nhiều nước chứ không giới hạn như với hộ chiếu của VN).
3. Think Outside of the Box! Đôi khi phải đi đường vòng để đạt được mục tiêu của mình.
Cũng trong quãng thời gian làm việc cho công ty luật trong lĩnh vực di trú, tôi nhận được nhiều hồ sơ rất hay và thú vị, khiến tôi không khỏi có nhiều suy nghĩ. Chuyện là lần đó tôi nhận được hồ sơ của một bạn người Việt đang làm việc ở Singapore. Bạn này tốt nghiệp ở một trường Đại học ở Sing, đã đi làm ở đó được một vài năm, và đang chuẩn bị hồ sơ apply xin PR của Úc. Là người có nghiên cứu về học phí của các nước nói tiếng Anh, tôi biết rõ đi học ở Sing rẻ hơn đi Úc và chắc chắn rẻ hơn đi Mỹ rất nhiều lần. Tính ra, bạn này dù là đi du học theo diện học bổng hay tự túc cũng tốn không quá nhiều tài chính (so với các bạn đi Anh, Úc, Mỹ) vậy mà vẫn có được kinh nghiệm đi làm nước ngoài, xong lại chuẩn bị nhập tịch được Úc. Quả là một bước đi đầy khôn ngoan.
Nếu so với những người bạn tôi biết, bỏ ra rất nhiều tiền đi Mỹ mang trên vai American Dream nhưng lại ngậm ngùi tay trắng xách vali về nước như bao người (tương tự như tôi 10 năm về trước), rõ ràng bạn kia đã đầu tư thành công và hợp lý hơn.
Lại nói về giấc mơ nước Mỹ, tôi có một anh bạn thân bên lớp chuyên Hóa từ hồi cấp 3, bạn tôi sau tốt nghiệp cấp 3 sang Úc học về IT. Ở thời điểm tôi sang Úc làm PhD, thì bạn tôi đã tốt nghiệp đại học (đương nhiên), đã xin được PR và có quốc tịch cũng như kiếm được công việc ổn định. Khi tôi còn loay hoay tính đường apply PR Úc thì bạn tôi đã kịp kiếm được việc mới ở Mỹ, mà ở hẳn San Francisco nhé! Dễ hiểu thôi, lúc này bạn tôi đã có quốc tịch Úc và kinh nghiệm làm việc ở Úc nên không khó để bạn tôi apply từ Úc và kiếm được công việc ở Mỹ. Bạn tôi cũng tâm sự, sang Mỹ thu nhập tốt hơn nhưng điều kiện an sinh xã hội không bằng Úc nên sẽ làm việc tích lũy ở Mỹ một thời gian rồi về Úc hưởng. Nó sướng thật! Đó, đâu phải cứ học ở Mỹ mới kiếm được việc ở Mỹ.
Một đồng nghiệp khác của tôi ở trường RMIT cũng tâm sự chị được học bổng đi Mỹ học ở 1 trường top về finance ở New York, sau đó chị làm trong một investment bank ở phố Wall. Tuy nhiên, cũng như nhiều tài năng khác, sau khi hết hạn visa lao động 1 năm cho sinh viên quốc tế (H1B), chị lại (giống tôi) ngậm ngùi xách vali về nước. Nhưng chị không bỏ cuộc với kế hoạch kiếm quốc tịch nước lớn của mình, sau khi nghiên cứu về chính sách nhập cư của các nước, chị apply xin PR diện tay nghề của Úc và đã thành công! Hiện nay chị enjoy công việc giảng dạy của mình ở VN và cũng đang nắm trong tay thẻ xanh của nước Úc.
Ba câu chuyện có thật trên cho thấy nếu chúng ta thực sự quyết tâm và biết tính toán, các bạn hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu mình đặt ra dù ban đầu xuất phát điểm của chúng ta xem chừng có vẻ ‘không liên quan lắm’ với đích đến của mình. Vì vậy hãy luôn think outside of the box, tìm kiếm cơ hội mới, và không sớm bỏ cuộc với những mục tiêu của mình.
4. Apply xin PR là một quá trình dài hơi mà các bạn cần tìm hiểu và lên kế hoạch từ sớm
Nghe tôi kể lại kết quả của tôi và những người khác, các bạn sẽ cảm thấy mọi thứ dễ dàng và nhanh chóng, nhưng kỳ thực việc kiếm được công việc (full-time) ở nước ngoài và có được PR không hề đơn giản, và như tôi đã nói tốn nhiều thời gian, tính toán và tiền bạc. Nếu các bạn thực sự nghiêm túc và muốn hiện thực hóa được điều này, cần có sự chuẩn bị và tính toán ‘đường đi nước bước’ từ sớm.
Ví dụ như trong trường hợp của tôi, chỉ cần tôi đi học PhD chậm hơn một năm thì ở thời điểm tôi có thể nộp hồ sơ xin PR hoàn toàn có thể tôi đã qua độ tuổi vàng apply PR diện tay nghề, tức tôi lại mất thêm điểm do nằm ngoài độ tuổi lý tưởng nộp hồ sơ xin visa lao động (từ 25-32). Tôi tin chắc khi đọc bài này của tôi thậm chí nhiều bạn còn không hiểu gì về những khái niệm tôi nói. Thế nào là PR, thế nào là citizenship, sao lại có tính điểm khi nộp hồ sơ, PR diện tay nghề là gì, mua trái phiếu chính phủ để lấy PR là gì… Quá nhiều thứ mới mẻ đúng không. Đúng vậy, welcome các bạn đến với thế giới của PR và citizenship, các bạn sẽ phải tìm hiểu và nghiên cứu rất nhiều. Thậm chí phải tham gia vào các group chuyên apply PR/citizenship của người việt ở các nước khác nhau (Mỹ, Anh, Úc, Can…) để hỏi han đó!
Tôi đi Úc năm 2014, lúc đó dự đoán hoàn thành luận án TS vào năm 2018 và rất may tôi làm được như mình tính toán. Tôi nhận bằng TS chính thức vào năm 2019, ngay lập tức nộp hồ sơ xin PR sau khi có bằng và được cấp PR (theo diện dành cho TS) vào năm 2020. Nghe thì nhanh nhưng sự thật là tôi đã phải chuẩn bị các loại giấy tờ từ năm 2016 khi tôi biết rõ hơn về loại visa mình sẽ apply để có được PR. Và đó là một quá trình dài hơi, gian nan, vất vả và tốn kém (dù tôi đã tiết kiệm được tiền sử dụng luật sư do tôi cũng là luật sư và có khả năng tự nghiên cứu, tự apply).
Lời kết: Mong những chia sẻ trên của tôi sẽ giúp các bạn trẻ có được những hình dung đầu tiên về việc lên kế hoạch, tính toán lựa chọn quốc gia để có thể hiện thực hóa được mong muốn làm việc ở nước ngoài và có được quốc tịch của các nước phát triển. Các bạn có thể thấy tôi không hề dùng từ ‘định cư’ vì tôi cho rằng hiện nay rất nhiều người trong số chúng ta không cần hoặc không có nhu cầu định cư lâu dài ở nước ngoài mà chúng ta chỉ cần quốc tịch của một nước lớn để trở thành công dân toàn cầu mà thôi.
P/s: nếu các bạn ủng hộ, kì tới tôi sẽ viết chia sẻ chi tiết hơn về các loại visa diện tay nghề phổ biến với du học sinh và quy trình apply xin PR tôi đã trải qua.
Tác giả: Victor Tran