Hiểu đúng từ cống hiến

0

SSDH – Bản thân tôi du học Anh theo học bổng dành cho sinh viên quốc tế của trường đại học, không phải tự túc cũng chẳng phải theo cam kết dạng chính sách.

 

Hiểu đúng từ cống hiến

Nguyễn Nam Thành, thạc sĩ chuyên ngành quan hệ quốc tế – Ảnh nhân vật cung cấp

 

Nhưng quan điểm cá nhân tôi, nếu đi theo dạng chính sách thì sẽ có cam kết, nhưng không ít trường hợp trốn ở lại hoặc chấp nhận đóng phạt để được ở lại. Quan trọng là hiểu từ cống hiến như thế nào cho đúng?

 

Xét cho cùng, đa số du học sinh đi học trước tiên là để nâng cao trình độ cho bản thân của du học sinh đó, chữ “cống hiến” quá to lớn, có lẽ lúc rời Việt Nam chẳng mấy ai nghĩ đến.

 

Việc cống hiến nếu được xét theo trình tự: du học – nâng cao trình độ – giúp ích cho bản thân – lo cho gia đình tốt – góp phần xây dựng xã hội tốt hơn – cống hiến cho đất nước, như vậy sẽ hợp lý hơn là gắn liền chuyện du học với việc về để cống hiến cho đất nước.

 

Bởi thực tế mà nói, một môi trường hiện đại, thúc đẩy con người không ngừng phát triển thì không ai không muốn ở lại và khám phá, thử thách năng lực của bản thân.

 

Chỉ trong cách tiếp cận nền giáo dục đã thấy sự khác biệt đó. Sinh viên tự giác học, không ai hối thúc, không ai nhắc nhở, không ai kêu gào đi học, tự lo lấy thời khóa biểu, tự lo chọn đề tài, tự lo lịch học, quên thì tự học lại, không ai cứu bằng cách năn nỉ hay “chạy chọt” gì được cả.

 

Tự do nhưng không có nghĩa là yêu cầu thấp mà yêu cầu rất cao, nếu không nói đến vấn đề yêu cầu tiếng Anh sinh viên quốc tế vẫn bị chấm tương đương với sinh viên bản xứ, thì vấn đề đạo văn còn được kiểm tra bằng hệ thống công nghệ máy móc, chỉ một từ một câu “mượn” hoặc không trích nguồn có thể khiến bạn rớt cả môn học. Tất cả dạy cho sinh viên tự lập, tự chịu trách nhiệm và tự ý thức việc mình làm một cách hoàn toàn và theo phản xạ.

 

Thời gian sinh viên lên lớp rất ít, việc bổ sung kiến thức diễn ra ở thư viện và thông qua các hình thức mang tính thực tiễn được đề cao, các hoạt động mang tính ứng dụng và các cơ hội thực tập là rất cao. Chuyện các bạn sinh viên Việt Nam được thực tập tại Liên Hiệp Quốc, các tập đoàn đa quốc gia là rất nhiều. Ở khóa học của tôi điều này được xem như một yêu cầu bắt buộc để ứng dụng kiến thức vào thực tiễn làm việc trước khi tốt nghiệp. Điều đó tạo ra rất nhiều thuận lợi cho các bạn sinh viên khi tìm việc tại nước sở tại.

 

Vậy nên, sinh viên sau khi kết thúc khóa học nếu được chọn con đường về nước thì nên cân nhắc việc ở lại nước sở tại 2-3 năm để học hỏi kinh nghiệm thực tế sẽ có ích khi về nước hơn là học xong về ngay.

 

Nói vậy cũng không có nghĩa những người về nước liền là không có năng lực, có thể vì sự gắn bó với gia đình, áp lực tài chính, tình cảm mà nhiều người chọn trở về quê hương. Đây là những nguyên nhân chính và cũng có thể nói là mục tiêu ban đầu khi họ quyết định du học.

 

Riêng bản thân tôi vẫn nghĩ về hay ở không quan trọng, quan trọng là về làm được gì cho bản thân, cho gia đình, cho những người xung quanh trước khi nghĩ đến những điều lớn lao. Và dù ở đâu, chỉ cần là người Việt Nam có sự gắn bó với quê hương thì sẽ tìm được cách để cống hiến mà thôi.

 

Đi là để trở về

 

Hiểu đúng từ cống hiến

Hồ Thị Ánh (cựu du học sinh tại Pháp)

 

Tôi đã có thể xin quốc tịch và ở lại lâu dài tại Pháp nhưng ý nghĩ tôi đang sống “ký gửi” ở một nơi không phải quê hương thường xuyên đến với tôi. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm góp phần tạo nên xã hội tốt đẹp mà tôi mong muốn con cháu tôi sẽ sống ở đó.

 

Khi còn là sinh viên ở Việt Nam, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ xã hội, từ những người thậm chí không hề quen biết. Vì vậy tôi đã luôn tâm niệm bất cứ khi nào có thể, tôi sẽ mang những điều tốt đẹp trả lại xã hội như một cách đền ơn tiếp nối.

 

Nguồn: Tuoitre

Share.

Leave A Reply