Học bổng du học: Miễn phí có tốt?

0

SSDH – Tôi xin quay lại câu chuyện học bổng du học mà nhiều bạn trẻ khát khao và sôi sục vì nó. Bài viết này sẽ tiếp cận góc độ sự miễn phí trong giáo dục có phải tốt hay không?

 du-hoc-sinh.jpg

Học bổng du học: Miễn phí có tốt?

 

Mở đầu, tôi xin dẫn ra đây câu chuyện người Nhật không nhường ghế cho người già và phụ nữ trên tàu, điều mà nếu nhìn qua chúng ta nghĩ đó là kém văn minh. Dĩ nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy.

 

Sâu xa của vấn đề nằm ở sự tự trọng và khảng khái cao ngất của họ. Việc bạn nhường chỗ cho người già và phụ nữ ở Nhật có thể được coi là coi thường họ. Người Nhật không muốn bị cho là già yếu, không có khả năng tự lo cho mình. Thậm chí, người tàn tật ở Nhật Bản luôn mong muốn được đối xử bình thường chứ không cần nhận sự giúp đỡ.

 

Trên tất cả đó là câu chuyện về văn hóa, họ coi trọng sự công bằng và riêng tư. Họ muốn lòng tự trọng và khảng khái của mình không bị làm tổn thương.

 

Một người bạn của tôi theo học chương trình học bổng Chevening danh giá nói, khi sang Anh học ở UCL, anh mới biết các sinh viên nhận học bổng thường đến từ các nước nghèo khổ, trong đó phần đông ở Châu Phi. Anh cảm thấy mình không được tôn trọng.

 

Ở các nước tư bản, người già vẫn đi làm cho dù được trợ cấp đầy đủ, để cảm thấy mình không vô ích hay bị coi thường. Lòng tự trọng cá nhân được coi là một trong những phẩm chất quan trọng bậc nhất. Nó không tự nhiên có mà phải được tạo ra qua giáo dục và rèn luyện.

 

Có những người Mỹ nói với tôi, giáo dục đại học đắt đỏ và chúng tôi phải nai lưng ra làm để chi trả. Khi tiếp xúc sâu với môi trường đại học Mỹ, tôi nhận thấy các trường luôn rất cần tiền để cải tiến và phát triển liên tục. Họ thực tâm muốn sinh viên đóng học phí cho dù vẫn đưa ra các chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính.

 

Tại sao vậy?

 

Có nhiều lý do, trong đó xin đề cập một số ý liên quan bài viết này như sau :

 

1. Để cạnh tranh với nhau hút học sinh giỏi về mình. Thực chất, các trường sẽ thu hút được những người nghèo học giỏi, nhưng không hẳn gây chú ý được với học sinh giỏi con nhà giàu.

 

2. Để thu hút học sinh (không cần giỏi) vào các ngành học kém hấp dẫn hay các ngành mới mở.

 

Ở Anh, gần như không có học bổng bậc đại học và các trường tốt cho rằng, việc bạn vào được để học đã là điều tuyệt vời rồi. Tại sao chúng tôi lại phải cho bạn tiền? Bạn nên chi trả cho việc tuyệt vời này chứ?

 

Trên thực tế, việc bạn xin học bổng và hỗ trợ tài chính có những hạn chế và bất lợi không hề nhỏ như sau :

 

Trường bạn học với học bổng hay hỗ trợ tài chính sẽ có thứ hạng thấp hơn (thậm chí thấp hơn nhiều) so với đại học có thể vào nhưng không cần 2 thứ này.

 

Cơ hội cho vào trường bị thu hẹp đáng kể, nhất là những ngành tốt bạn thực sự mong ước.

 

Áp lực học tập không hề nhỏ để duy trì học bổng hay hỗ trợ tài chính. Nhiều học sinh đã bị điên, tự tử… vì không thể chịu đựng được áp lực kiểu này. Đó là các câu chuyện đau lòng mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu nhưng không thể chia sẻ cùng ai.

 

Tôi đánh giá cao việc Singapore thực hiện chương trình cho vay không lãi suất bậc đại học và học sinh có thể trả nợ dần trong suốt 20 năm sau khi tốt nghiệp. Họ đã tiếp cận vấn đề giáo dục rất thực tiễn nhưng cũng rất văn minh: Giáo dục nói chung không nên miễn phí khi mà đây chính là nơi dạy và rèn cho con người ta lòng tự trọng.

 

Như người Nhật đã và đang làm hàng ngày, và được cả thế giới này ngưỡng mộ.

 

 

Nguyễn Tuấn Hải

CEO Eton Grammar School

Share.

Leave A Reply