Học cách thích nghi văn hóa Mỹ từ tưởng tượng đến thực tế

0

SSDH – Trước khi bạn du học Mỹ cũng tìm hiểu khá nhiều về văn hóa và điều kiện sống tại thành phố bạn sẽ đến nhưng từ kiến thức bạn đọc đến thực tế không phải lúc nào cũng giống nhau. Hãy lắng nghe tâm sự mỏng dưới đây để thích nghi văn hóa Mỹ một cách tốt nhất nhé.

brunette-woman-holding-big-usa-flag_23-2148534423

Trước khi qua Mỹ du học, mình từng có thời gian du học ở một nước tại Đông Nam Á và hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc, tính ra cũng khá “từng trải” và “già đời”. Thế nhưng, thực tế những ngày đầu du học Mỹ vẫn làm mình khá ngỡ ngàng. Đây là câu chuyện thật của mình sau một năm bôn ba trên đất Mỹ, và các lời khuyên đưa ra hoàn toàn dựa trên quan điểm cá nhân.

4 loại hình nhà ở & bài học chọn bạn ở chung

Một trong những trăn trở đầu tiên của các bạn sinh viên quốc tế ở Mỹ chắc chắn là nhà ở. Thông thường, có 4 loại hình nhà ở sau đây:

Ở chung với gia đình: Nếu bạn may mắn có gia đình ở gần trường thì quá tuyệt vời. Mặc dù bạn có thể thấy thiếu tự do nhưng đây là lựa chọn an toàn và tiết kiệm nhất. Mình khuyên các bạn có gia đình bên này nên cứ ở với gia đình từ 1 đến 3 tháng trước khi quyết định tách ra ở riêng. Bên cạnh tiết kiệm chi phí ở, các bạn còn không phải lo về ăn uống. Đối với mình, ở với gia đình là tuyệt vời nhất, nhưng mình không được may mắn đó nên đành cân đo đong đếm những lựa chọn khác.

Ở ký túc xá: Phí ở KTX thường khá đắt hơn so với bên ngoài vì tiện cho việc đi lại và bạn không phải lo lắng về việc bị lừa gạt hay chọn người ở chung. Hầu hết các trường sẽ có cả dịch vụ cung cấp bữa ăn cho sinh viên có nhu cầu (nhưng chuẩn bị tinh thần là đồ ăn ở đây hơi nhiều chất béo nhé!) Ở kí túc xá, bạn sẽ ở chung với những bạn mới cùng trường nên hòa nhập sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, lựa chọn cần phải cân nhắc kỹ đối với các bạn yêu thích nấu ăn hoặc có tài chính khiêm tốn (như mình).

Ở với người bản xứ (homestay): Mình từng được một người bạn người Thái Lan dẫn đến thăm gia đình bản xứ nơi bạn ấy trọ học. Đây là gia đình được giới thiệu bởi nhà trường nên mọi người trong nhà khá hòa đồng và có vẻ dễ chịu. Nội thất trong nhà cũng đầy đủ và gia đình đối xử với bạn ấy như một thành viên trong nhà, nên mình nghĩ đây là một sự lựa chọn tương đối tốt. Vì sao lại là “tương đối”? Vì khá mất tự do và rất tùy thuộc vào từng gia đình. Không phải lúc nào bạn cũng chọn được gia đình tốt. Hơn nữa, bạn cũng sẽ phải để ý nếu nấu ăn có mùi, đơn cử là việc sử dụng nước mắm để nêm nếm (vì người Mỹ thường không quen với loại gia vị này). Hơn nữa, mỗi khi ra ngoài hay dắt bạn về nhà bạn cũng cần xin phép để thể hiện sự tôn trọng đến gia đình. Khi sử dụng điện nước, bạn cũng phải để ý vì chi phí bạn trả cho homestay thường bao gồm cả điện nước. Nếu bạn giống mình, không thích bị gò bó thì đây không hẳn là lựa chọn tốt nhất.

Thuê nhà trọ bên ngoài: Đây là lựa chọn của mình ngày đầu tiên qua Mỹ, có vẻ hên xui nhưng mình rất “liều”! Mình lên trang Facebook của trường và đăng tin là mình cần một chỗ ở, với một khoản ngân sách giới hạn. Nguyện vọng của mình là tìm được chỗ ở gần trường và ở chung với người bản xứ để luyện tiếng Anh, nhưng bài học mà mình ước mình biết trước khi qua đây. Sau một tuần tìm hết các trang website, một bạn người bản xứ liên hệ với mình, bạn ấy có một số bạn thân và em họ nên cần thêm một người nữa để chia tiền nhà. Mình đồng ý sau khi hỏi kỹ các thông tin và biết bạn ấy học cùng trường.

Thế nhưng, sau khi tìm được nhà và ở chung, mình mới thật sự hiểu ra: văn hóa rất quan trọng! Dù mình đã nghiên cứu trước về văn hóa nhưng thật sự các bạn người Mỹ khác rất nhiều ăn uống và nếp sống. Và mình hoàn toàn có thể luyện tiếng Anh bên ngoài chứ không hẳn ở chung mới luyện được tiếng Anh. Mình vẫn còn nhớ khoảng thời gian đó mình thật sự rất nhớ nhà, cô đơn và lạc lõng vì các bạn ở chung đã quen biết trước với nhau nên họ toàn đi với nhau, có khi chỉ về nhà vào 1 hoặc 2 giờ sáng và tiệc tùng thâu đêm. Do đó, nếu bạn trong hoàn cảnh giống mình, không quen ai ở Mỹ, mình nghĩ tốt nhất nếu bạn lựa chọn ở trọ thì hãy tìm các bạn châu Á, như Nhật, Hàn, Đài Loan hoặc Trung Quốc. Vì các bạn ấy cùng hoàn cảnh xa quê hương nên sẽ dễ đồng cảm, nếp sống người Châu Á với nhau sẽ dễ dàng hòa nhập hơn mà mình vẫn có thể luyện tiếng Anh! Thật may mắn vì sau 7 tháng vật vã, mình tìm được một chị người Thượng Hải để ở chung và hiện tại mình cảm thấy rất thoải mái vì sự đồng cảm về văn hóa, thấy đỡ cô đơn khi sống nơi đất khách quê người.

Giao thông & phương tiện đi lại: nên học lái xe ở Việt Nam trước khi sang Mỹ!

Một người chị nói với mình: “Ở Mỹ, nếu em không có xe hơi và không biết lái xe thì chẳng khác nào không có chân”. Mới nghe thì có vẻ hơi quá nhưng thật sự nơi mình ở, xe hơi là phương tiện chủ yếu. Lúc còn ở Việt Nam, mình đọc rất nhiều sách về Mỹ và nghĩ là bên đấy có tàu điện ngầm, hoặc xe buýt, hoặc đi bộ nên mình không lo lắng nhiều. Thực tế khác xa với mình tưởng tượng! Tàu điện ngầm chỉ phổ biến ở các thành phố lớn như New York, xe buýt hoặc tàu hỏa cũng không được sử dụng nhiều ở đây. Mình ở Nam California, một nơi mà đi bộ cũng không phải là lựa chọn vì các nơi cách xa nhau khá nhiều và thời gian cũng không cho phép. Ai cũng bận rộn và ai cũng lái xe hơi!

Ở ký túc xá thì bạn có thể không cần xe hơi, và bạn có thể chọn đi Uber hoặc Lyft nếu muốn đi xa. Tuy nhiên chi phí đi lại sẽ khá nhiều nếu bạn chọn đi lại bằng các ứng dụng này. Mình nhớ có một lần mình đặt Uber đi siêu thị gần nhất, mất chỉ khoảng 5 phút lái xe thôi nhưng chi phí là $8 một chuyến.

Vì thế, để thuận tiện đi lại, bạn nên học lái xe ở Việt Nam trước, hoặc học ngay sau khi qua Mỹ. Theo mình thì học lái xe bên Mỹ sẽ dễ hơn vì luật lệ giao thông rõ ràng và ai cũng tuân thủ, đường xá cũng rộng rãi hơn ở Việt Nam. Và nếu bạn biết lái trước sẽ dễ hơn nhưng bạn vẫn phải thi lại để lấy bằng phù hợp với luật giao thông nơi bạn ở.

Thường thì thi lái xe ở Mỹ sẽ có hai vòng: Lý thuyết và thực hành. Lý thuyết khá dễ, chỉ cần bạn học bài trước 1 đến 2 ngày là ổn. Trong khi đó, thực hành thì khó hơn một tí, đóng phí 1 lần bạn sẽ thi được 3 lần, nếu 3 lần không đậu thì lại đóng phí lần nữa. Mua xe cũ cũng không đắt, rẻ hơn rất nhiều so với Việt Nam. Nếu nghiên cứu kỹ, bạn có thể mua xe cũ với giá từ $2000. Nói chung, đây là điều thật sự cần thiết nếu bạn muốn thoải mái “tung bay” trên đất Mỹ.

Ăn uống: khác biệt mang tên văn hóa tiền bo

Chắc hẳn bạn đã từng nghe về văn hóa “tips” (tiền bo) khi đi ăn nhà hàng? Đó là một trong những điều rất khác giữa văn hóa Mỹ và Việt Nam. Mới đầu qua, mình ngớ ra vì không biết “bo” cho bạn phục vụ bao nhiêu là vừa, và chẳng biết cách làm sao để “bo” cho lịch sự. Nhưng sau một số lần trải nghiệm, mình biết được là cứ nhân tiền mình ăn uống với 18 – 20% hoặc hơn nếu bạn thích cách phục vụ và đồ ăn ngon. Và thường trong hóa đơn sẽ có chỗ cho bạn điền vào nếu bạn trả bằng thẻ, nên để ý một xíu là sẽ thấy điều này rất bình thường.
Mỹ là đất nước đa văn hóa nên các nhà hàng cũng rất đa đạng: từ món Âu đúng chuẩn, các món châu Á, châu Phi cùng hằng hà sa số các lựa chọn khác, nên trong thời gian du học Mỹ, bạn nên nếm thử các món ăn mới để khám phá văn hóa ẩm thực toàn cầu.

Tuy nhiên, đối với một du học sinh, tiết kiệm là một điều cần thiết để có thể trang trải những chi phí khác nữa, nên mình cũng hạn chế đi ăn ngoài. Chi phí ăn uống bên ngoài ít nhất là $10 mỗi lần ở một quán ăn bình thường, trong khi với chi phí tương tự mình có thể nấu ăn đủ tận 5 bữa! Mình thường hay vào các siêu thị, bên này gọi là “grocery stores” (tạm dịch là “cửa hàng tạp hóa”) để mua đồ về tự nấu ăn. Mặc dù mình ở California nhưng thành phố mình ở rất rất ít người Việt, nên nhiều khi phải chạy rất xa mới thấy một siêu thị Việt Nam. Ngoài ra, vì các siêu thị của Mỹ không bán một số nguyên liệu đặc trưng của món Việt nên nên lâu lâu mình mới nấu mấy món Việt cho đỡ nhớ nhà.

Tóm lại, tự nấu ăn là cách tiết kiệm nhất nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Nếu bạn chưa biết nấu ăn, thì cứ vào Youtube hoặc Google nhé, thời đại công nghệ không sợ đói!
Ngôn ngữ cũng quan trọng lắm nhé!

Mình có một bạn học chung người Trung Quốc bị Giáo sư bắt phải đi học tiếng Anh nghe nói lại, mặc dù điểm TOEFL đầu vào khá cao! Lý do là bạn ấy không thể thuyết trình trôi chảy và ứng biến các câu hỏi sau thuyết trình bằng Tiếng Anh. Đấy là ở trường, còn khi ra ngoài, ai cũng nói khá nhanh nên dù khá tự tin, mình vẫn phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần khi mới sang đây. Thế mới “thấm” lý do tại sao Lãnh sự quán và các trường bên này yêu cầu Tiếng Anh như một điều kiện bắt buộc. Đó là phương tiện vô cùng cần thiết để tiếp thu bài giảng ở trường và hòa nhập vào xã hội nơi đây.

Vì vậy, nếu bạn chuẩn bị qua Mỹ học, mình nghĩ bạn nên chuẩn bị tiếng Anh thật vững nhé, nhất là kỹ năng nghe nói. Nếu không tự tin, bạn nên đăng ký học tiếng Anh ở trường trước khi vào học chính thức để sẵn sàng hơn.
Kinh nghiệm tìm việc làm thêm: “Chiến đấu” đến khi nào được mới thôi!

Du học sinh không được làm thêm bên ngoài mà chỉ được làm ở trường nên xin việc làm ở trường là vô cùng cạnh tranh. Không những cạnh tranh với các bạn sinh viên quốc tế, mà còn phải “chiến đấu” với các sinh viên bản địa. Mình may mắn được nhận vào làm ở Trung Tâm Phát Triển Các Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ, đây là một tổ chức phi lợi nhuận của chính phủ có hợp tác với trường nên công việc này thuộc vào phạm vi trong trường và hợp pháp.

Chiến lược của mình đơn giản là “cố gắng cho đến khi nào được mới thôi”, mình tham gia tất cả các buổi giới thiệu việc làm, rải đơn khắp nơi từ thư viện tới căn tin, hỏi tất cả các giáo sư và bạn bè để biết thông tin ở đâu cần người. Mấy tháng ròng rã không ai liên hệ nhưng mình vẫn không bỏ cuộc. Cuối cùng chỗ làm việc mà mình luôn mơ ước đã gọi điện mời mình phỏng vấn. Mình có khá nhiều kinh nghiệm phỏng vấn và làm việc nên được gọi là nắm lấy cơ hội ngay.

Và cuối cùng: tự do muôn năm!
Bạn sẽ thực sự cảm nghiệm ý nghĩa của “Tự do” khi bước chân sang đất nước này. Chẳng ai quan tâm bạn mặc đồ gì hay mang giày hiệu gì. Ai cũng có cuộc sống riêng và hoàn cảnh riêng. Điều này vừa có mặt tốt lại vừa có mặt trái đối với du học sinh nói riêng, người Việt mới qua Mỹ nói chung:

Mặt tốt là bạn sẽ vô cùng thoải mái ăn mặc, ăn uống và… ăn chơi mà không sợ ai đánh giá hay phán xét – vô tư làm điều mình thích và sống theo cách riêng của mình! Nhưng ngược lại, đôi lúc bạn sẽ cảm thấy cô đơn. Giai đoạn đầu mới qua, ngày nào mình cũng có cảm giác này! Đơn giản là vì không có bạn bè, gia đình lại xa tít mù khơi, không có phương tiện đi lại, ra đường thì không ai quen biết và chẳng ai thèm quan tâm. Một số bạn Việt Nam mà mình quen bên này dù ở chung với gia đình nhưng vẫn mang một cảm giác khá lạc lõng khi mới sang. Đó là điều bình thường trong một đất nước mà ai cũng bận rộn lo cho cuộc sống mưu sinh.

Tuy nhiên, nếu bạn đã chọn con đường này, từ từ bạn sẽ có cách để vượt qua những khó khăn, thích nghi với nền văn hóa mới. Mình tin là nếu chúng ta luôn suy nghĩ theo hướng tích cực và không ngừng nỗ lực, mọi sự cố gắng sẽ được đền đáp!

SSDH Team (nguồn internet)

Share.

Leave A Reply