SSDH – Sau 8 năm làm việc trong ngành kế toán và tài chính, chủ yếu tại hãng tư vấn PwC, Tully Brown biết rằng đã đến lúc phải rèn luyện thêm các kỹ năng kinh doanh. Vì thế, anh đã làm điều mà nhiều chuyên gia trẻ trong hoàn cảnh của anh hay làm: đi học lấy bằng MBA. Thế là anh khăn gói nhập học Trường Kinh doanh Goizueta, Đại học Emory vào năm 2015.
Đối với Brown, chi phí lớn nhất không phải là học phí, các khoản lệ phí và chi phí ăn ở, mà là công việc có mức lương 6 con số mà anh phải từ bỏ để có thể theo học chương trình MBA toàn thời gian. “Là người thường xuyên làm việc với con số, tôi phải làm một bài toán để xem chi phí cơ hội là bao nhiêu khi bỏ việc để đi học MBA. Tôi đã cân nhắc những khả năng sẽ xảy ra vì có thể tôi tốt nghiệp MBA mà mức lương kiếm được không cao hơn so với thời chưa đi học. Sau khi tính toán, tôi cho rằng rủi ro này là hoàn toàn xứng đáng”.
Một sinh viên MBA tại Emory kiếm được 67.000USD trước khi theo học ở trường. Nhân con số đó với 2 năm học MBA sẽ ra tổng mức lương bị “thất thoát”, sau đó cộng thêm chi phí theo học tại Emory và bạn sẽ có con số 296.536USD. Xét mức lương do hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp cung cấp thông tin (trong cuộc khảo sát xếp hạng hằng năm các chương trình MBA hàng đầu của Bloomberg Businessweek), chúng ta có thể tính ra chi phí thực tế tương tự cho nhiều trường kinh doanh khác có trong danh sách của Bloomberg Businessweek. Chẳng hạn Trường Kinh doanh Stanford có chi phí cao nhất tới hơn 434.000USD, vì những ai học chương trình MBA của trường này đều kiếm nhiều hơn số tiền khi họ đăng ký theo học.
Mỗi năm, Bloomberg Businessweek xếp hạng các trường kinh doanh bằng cách hỏi ý kiến sinh viên về các chủ đề như học thuật, dịch vụ hướng nghiệp và không khí ở trường. Bloomberg Businessweek cũng khảo sát các nhà tuyển dụng lao động về những kỹ năng họ muốn tìm kiếm ở sinh viên tốt nghiệp MBA và trường nào chuẩn bị tốt nhất cho sinh viên của mình. Bắt đầu vào năm 2015, Bloomberg Businessweek bắt đầu khảo sát các cựu sinh viên, hỏi xem liệu tấm bằng MBA có cho họ được một sự nghiệp “lẫy lừng” như mong đợi.
Trong năm thứ 2 liên tiếp, Trường Kinh doanh Harvard đã đứng đầu bảng xếp hạng và năm nay Trường đã thắng giòn giã khi cách biệt khá lớn về điểm xếp hạng so với trường đứng ở vị trí số 2 là Stanford. Trường Harvard được xếp số 1 theo đánh giá của hơn 1.000 nhà tuyển dụng doanh nghiệp mà Bloomberg Businessweek khảo sát và đứng thứ 3 theo đánh giá của các cựu sinh viên. Cạnh tranh giành ngôi vị số 2 đặc biệt gay cấn trong năm nay, khi Stanford chỉ qua mặt Trường Kinh doanh Fuqua của Đại học Duke một cách sít sao.
Trong khi các sinh viên chưa tốt nghiệp thường từ bỏ công việc lương thấp để quay lại trường, thì những người học MBA lại ở độ tuổi gần 30 hoặc hơn 30 và họ chấp nhận rời bỏ công việc lương cao. Điều đó khiến cho việc tính toán chi phí cơ hội khi bỏ việc để theo học MBA càng có ý nghĩa quan trọng.
Các nhà điều hành trường quản trị kinh doanh cho rằng khi tính mức lợi nhuận dự kiến kiếm được từ khoản đầu tư vào tấm bằng MBA, học viên nên tính đến việc bị mất 2 năm thu nhập bên cạnh học phí phải đóng và các chi phí khác trong quá trình học MBA. “Đó là một con số rất lớn.Điều này là chắc chắn”, Douglas Skinner, Trưởng khoa tạm thời của Trường Kinh doanh Booth, Đại học Chicago, nhận xét. Ông cũng nói thêm, một số sinh viên có thể phải đi vay tiền để trang phải phần lương bị mất trong 2 năm đi học MBA đó. Tuy nhiên, Skinner nhấn mạnh các sinh viên tương lai cần hiểu rằng kiến thức có được từ MBA sẽ giúp gia tăng mức lương không chỉ ngay sau khi tốt nghiệp mà còn trong suốt quá trình đi làm sau này.
Đó là lý do vì sao Brown cho rằng anh không ngại từ bỏ công việc lương cao tại một ngân hàng ở Atlanta để đi học MBA tại Emory. “Thật khó để biết trong vòng 10 năm liệu tôi có được cái mình muốn nhờ tấm bằng MBA”, anh nói. Chàng trai 33 tuổi này đã phải vay 53.000USD một phần vì anh không muốn bỏ lỡ những cơ hội kết nối mạng lưới sinh viên như các chuyến đi quốc tế. “Nhưng tôi quyết định tôi sẽ không muốn phải tự hỏi trong 10 năm tới mình sẽ mất gì nếu không có bằng MBA, vì khi đó, có thể quá trễ để đi học”, anh nói.
Mặc dù Brown chọn khóa MBA ngắn hạn chỉ 1 năm tại Emory, nhưng anh vẫn không có thu nhập trong khoảng 15 tháng. Như kỳ vọng, anh đã xin được công việc tại một ngân hàng đầu tư và kiếm được mức lương cao hơn trước khi có bằng MBA.
Số liệu khảo sát của Bloomberg Businessweek cho thấy sinh viên tốt nghiệp các trường trong bảng xếp hạng đã thu về lợi nhuận dương từ khoản đầu tư của mình. Theo đó, các cựu sinh viên của 87 trường được xếp hạng năm nay đã kiếm được trung bình 50.000USD trước khi bắt đầu khóa học MBA và mức lương này tăng tới 80% sau khi tốt nghiệp. Trong 6-8 năm tiếp theo, mức lương trung bình đã ở quanh mức 145.000USD.
Một sinh viên tốt nghiệp MBA năm 2016 của Trường Kinh doanh Tuck thuộc Đại học Dartmouth đã kiếm được 80.000USD trước khi đăng ký học MBA. Vì thế, nếu một sinh viên chấp nhận bỏ mức lương này trong 2 năm và trả toàn bộ chi phí đi học MBA, mức chi phí thực sự bỏ ra cho một chương trình MBA sẽ lên tới 360.100USD. Matthew Slaughter, Trưởng khoa của Trường Tuck, cho biết mặc dù hầu hết các sinh viên nhận được mức lương hậu hĩnh sau khi tốt nghiệp, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng trong ngắn hạn. “Đối với nhiều chương trình MBA như chương trình của chúng tôi, có không ít người đã chuyển nghề. Họ có thể từ bỏ một ngành, một công ty nào đó để phát triển sự nghiệp trong một lĩnh vực hoàn toàn khác mà làm họ cảm thấy thỏa mãn hơn”, ông nói.
Katherine Earle đã tốt nghiệp chương trình MBA của Trường Stanford vào mùa xuân này. Cô đã từ bỏ một công việc lương cao trong ngành công nghệ để quay trở lại trường. Cho đến bây giờ, cô cho biết cô hoàn toàn tin rằng mình đã lựa chọn đúng. “Tôi đang kiếm ra nhiều tiền hơn và mức thu nhập tăng lên này sẽ tiếp tục được duy trì, một phần vì giá trị của mảnh bằng mà quan trọng hơn là vì tôi đã có cơ hội nghiên cứu các thế mạnh và điểm yếu của mình cũng như sở thích nghề nghiệp trong quá trình học ở trường”, cô nói.
Nguồn: Nhipcaudautu