SSDH – Thế hệ trẻ ngày nay khi học hết cấp hai hoặc từ cấp hai đã có ý định tìm kiếm các khóa học ở nước ngoài, hoặc lên kế hoặc phấn đấu xin học bổng để du học. Bạn có ý định nhưng đã quyết tâm thực hiện chưa? Hãy cùng nghe tâm sự dưới đây nhé.
Đây là câu chuyện do chị Jenny Hoang, người đã từng xác định được chính mình và săn học bổng du học. Câu chuyện là những mảnh ghép nhiều màu sắc nhưng rất logic khuyến khích các bạn khẳng định, quyết tâm theo đuổi ước mơ của chính mình.
Mấy tuần nay mình bận sấp mặt vì phỏng vấn cho vị trí “giáo sư dự khuyết” của một vài trường lớn. Cái mình chuẩn bị không phải chỉ là làm sao để trả lời các câu hỏi một cách tốt nhất mà còn là hiểu biết về những người sẽ phỏng vấn mình: “Họ làm gì, nghiên cứu gì, liên quan gì đến mình?” Tự bản thân mình cũng viết hoàn thiện lại một số nghiên cứu khoa học để nộp báo ngay trước khi phỏng vấn, chỉ để bản thân có thêm chủ đề mà nói chuyện.
Lời khuyên lớn nhất mà mình nhận được từ tất cả các thầy cô của mình khi chuẩn bị phỏng vấn chính là: “EM CHỈ CẦN LÀM CHÍNH MÌNH VÀ TÔN TRỌNG NGƯỜI PHỎNG VẤN LÀ ĐƯỢC.” Một lời khuyên tưởng sáo rỗng nhưng kì thực rất chân thành.
Thực ra, phỏng vấn đi làm giáo sư hay xin việc tốt trong doanh nghiệp bản chất rất giống xin học bổng. Trường và công ty vẫn là có quỹ tiền. Chúng ta vẫn phải cố gắng hộc bơ, có thành tích, có kĩ năng để ngồi vào một vị trí. Đạt được rồi, chúng ta vẫn ngày ngày phát huy hết khả năng để giữ học bổng hoặc phát triển hơn nữa trong công việc.
Vậy lời khuyên “LÀM CHÍNH MÌNH” thực sự có ý nghĩa gì trong học bổng cũng như công việc?
CHUYỆN THỨ NHẤT
Năm 2016, mình có hỗ trợ một bạn xin học bổng thạc sĩ. Bạn đó có nhắm mấy trường khác nhau cho danh mục trường kì vọng và trường an toàn. Bạn ấy phỏng vấn với trường an toàn trước, kết quả là ngay cả trường an toàn cũng chỉ được 60% học bổng. Bạn ấy gọi điện cho mình khóc như mưa.
Mình hỏi ra thì bạn ấy có chuẩn bị phỏng vấn với một bạn khác. Bạn này có rất nhiều mẫu viết sẵn, trả lời theo khung quy chuẩn, thường là sẽ được. Thế là bạn nhà mình mới ngồi viết sẵn mẫu đoạn văn trả lời. Đang phỏng vấn thì quên mất mình viết gì, xong bị hỏi khó, thế là ngất ra đấy luôn. Bạn ấy đang chuẩn bị phỏng vấn với trường kì vọng mà nhận được kết quả đó Đuối quá nên thành ra vỡ vụn.
Mình ngồi nói chuyện với bạn ấy, bảo bạn ấy đọc lại từng câu hỏi dự kiến một cho mình. Vì mình biết profile của bạn ấy rất rõ mình mới hỏi: “Ủa sao nàng không kể chuyện lúc văn phòng nàng đi chơi, nàng làm vụ A B C này?” Bạn bảo là nhưng vụ đó thành tích không cao. Mình mới nói cao hay không không quan trọng, quan trọng là việc đó thể hiện được con người bạn. Bạn ấy gật gù.
Sau khoảng 3 tiếng trao đổi mình chốt lại cho bạn ấy là: “Thực ra trả lời theo văn mẫu không sai nhưng khi mình nói cái gì đó không thực sự là con người mình, mình hay quên, cũng có cảm giác không tự tin. Mà nguyên cái không tự tin đó đã giết chết buổi phỏng vấn rồi.”
Sau đó mấy hôm, mình được biết bạn ấy được học bổng rất cao của trường kì vọng.
>> 5 cách viết bài luận khiến bạn đánh rơi American Dream
CHUYỆN THỨ HAI
Mình có người bạn khác cũng học bổng để đi học Mỹ nhưng đến lúc tìm việc thì bấn loạn vì Mỹ các công ty rất kén khi tuyển người nước ngoài mà không học mấy chuyên ngành STEM (Khoa học, Kỹ thuật, Kỹ sư, Toán). Bạn này vì đói việc quá, nên thấy mình bảo Chuỗi cung ứng nhiều việc cũng đổ xô sang học chuỗi cung ứng. Hôm sau thấy bạn khác kêu làm Khoa học Dữ liệu hay cũng tự kêu là mình làm Dữ liệu được. Ngày sau nữa thấy một bạn Malay được nhiều phỏng vấn cũng mon men hỏi, bạn Malay bảo tại vì phát âm tiếng Anh của bạn ấy tốt nên dễ được phỏng vấn. Thế là bạn này cũng ra sức về nhà luyện phát âm luôn.
Kết quả, phỏng vẫn đủ chỗ, nhưng không có việc, tinh thần hoảng loạn luôn. Mãi đến khi bạn này lấy chồng, có thẻ xanh xong, bình tĩnh xem xét lại việc mình thực sự thích làm, thì lúc đó xin việc mới tốt hơn. Đâu phải năng lực không có đâu, chẳng qua là giống như cái cày đẽo giữa đường, không biết mình muốn gì nên không quyết tâm nổi để mà làm, nên ai cũng nghe thành ra đẽo hỏng.
CHUYỆN THỨ BA
Bản thân mình được tính là vô cùng thành công khi xin cả học bổng và việc ở Mỹ. Tỉ lệ hồ sơ thành công là 100% với cả thạc sĩ và tiến sĩ trong đó có cả IVY League và những trường top 10 của ngành mình học. Công ty thì chưa hết kì học đầu tiên mình có thực tập với Amazon, ngoài ra, mình cũng có Thư mời nhận việc chính thức cho những vị trí cao của Amazon, Tesla và BCG khi mình ứng tuyển cho họ.
Nhưng có 2 công ty mình lúc nào cũng trượt từ vòng gửi xe là American Airlines (phỏng vấn 2 lần) và Alcon Novatis (phỏng vấn 3 lần). Lý do trượt thì đơn giản lắm, họ cần người hiền hòa chịu khó, còn mình khi làm chính mình thì tính tình hơi hung dữ, tốc độ rất nhanh, thể hiện rõ rang là không khuất phục trước cường quyền nên đâu có hợp.
Cơ mà tính cách đó với Amazon, Tesla, và BCG thì lại là năng nổ, sáng tạo, lăn xả, thẳng tính, đúng cái mà họ cần trong chuỗi cung ứng. Cùng một ngành đó, cùng một việc đó nhưng một bên tiến tằng tằng và một bên trượt chổng vó. Cho thấy đôi khi trượt, thực sự không phải do năng lực.
Mọi người có thể nói nếu tìm được việc lương cao hoặc học bổng nhiều thật nhiều thì kiềm việc “làm chính mình lại” cũng được chứ. Nhưng các bạn có thể tự so trên Glassdoor xem mấy công ty mình kể, công ty nào lương cao hơn. Đến cuối ngày học bổng bạn chỉ cần 1 cái, công việc cũng chỉ cần 1 việc (và được tài trợ visa ở lại), vậy làm chính mình vẫn có lợi hơn chứ.
CHUYỆN THỨ TƯ
Cứ cho rằng bạn ba phải kiếm được một công việc lương cao và có thể ở lại. Mình có một người bạn như thế, làm cho một tập đoàn bán lẻ lớn. Ngày ngày bạn ấy gọi điện cho mình than về sếp và đồng nghiệp. Cuối cùng 1 hôm tức nước vỡ bờ, chửi sếp rồi khăn gói về Việt Nam luôn. Ban đầu thì rất thích ở Mỹ nhưng khi giấc mơ Mỹ biến thành một cơn ác mộng khi bạn ấy không làm chính mình thì về Việt Nam vẫn là một phương án tốt.
THỰC RA, KHI CÁC BẠN ĐĂNG BÀI HỎI …
1) Hồ sơ của em còn thiếu cái gì để được học bổng 100%
2) Hồ sơ của em điểm rất đuối, làm sao để vẫn được học bổng
3) Em học ngành gì cũng được, chịu khó chịu khổ gì em chịu được hết, chỉ cần có học bổng, có việc
Mình rất muốn nói là: “Em ơi, em làm chính mình thì mới mong có học bổng và có việc. Còn định cư thì là một bầu trời khác.”
Văn hóa Á Đông nhiều khi rất tôn trọng cái người ta nhìn vào, người ta đánh giá. Cũng một phần vì thế mà rất nhiều các bạn và các em rất sợ làm chính mình. Đặc biệt khi xin học bổng “Ôi mình không có tiền, mình nhất định phải xin học bổng? Người ta muốn gì mình sẽ cố làm tất, làm hết, chứ mình không dám làm chính mình đâu.”
Thế nhưng đổ tội hết tại văn hóa thì cũng không đúng. Đa phần mọi người không dám làm chính mình là vì “sợ”. Sợ rằng bản thân mình không có gì để cho người ta thích. Bản thân thấy mình chả có gì hay cả. 20% của nỗi sợ này là cái kiểu sợ người khác đánh giá của người Á Đông nói chung.
80% của nó lại là vì bản thân các bạn và các em chưa tự cố gắng hết sức để đạt được một cái gì mình muốn. Vậy nên, khi tự bản thân cảm thấy mình xấu xí, thì các bạn các em lại càng không dám làm chính mình trước mặt người khác.
Mình ví dụ rất đơn giản, nhiều bạn trẻ rất muốn học vẽ, học tâm lý, học âm nhạc và lấy đó làm sự nghiệp cuộc đời. Tất cả các bạn đều nói rằng bố mẹ em không đồng ý nên cãi lại mấy câu. Bạn nào cũng hỏi làm sao để thuyết phục được bố mẹ chi tiền cho mình đi học ngành mình muốn nhưng rất ít bạn dám nghĩ rằng mình yêu ngành này lắm, mình sẽ thưa với bố mẹ để mình chuyển sang học hẳn nó. Nếu bố mẹ không đồng ý thì mình sẽ cố gắng kiếm tiền, ra ngoài ở riêng và tự hỗ trợ bản thân theo giấc mơ của mình.
Bạn có thể hỏi vặn lại mình: “Thì em đang hỏi chị cách tìm học bổng để học ngành em thích đây?” Mình lại thấy: “Ủa em? Em chưa thể hiện là em thích cái ngành em thích đến độ vượt qua khỏi vòng tay bố mẹ để hỗ trợ bản thân, tại sao chị lại phải giúp em , tại sao chị lại phải cho em học bổng?”
Hay trẻ hơn một chút đi, có một hoạt động ngoại khóa nào đó mà các bạn các em thực sự muốn tham gia nhưng nó tốn thời gian và ảnh hưởng việc học nên bố mẹ không cho. Hầu hết các bạn các em sẽ gằn dỗi và nhốt mình trong phòng để xem phim Hàn Quốc hoặc cào bàn phím xả xì trét. Liệu có mấy bạn nghĩ thật kĩ và nói với bố mẹ rằng: “Con sẽ đặt cược với bố mẹ. Con sẽ tham gia hoạt động đó mà không ảnh hưởng đến điểm. Mẹ cho con 2 tháng, nếu điểm bị tụt thì con sẽ lập tức nghỉ hoạt động đó.” Và bạn cố gắng đến cùng để được làm đúng cái mình thích, dù điều đó có nghĩ là bạn phải có điểm thật cao trong cả môn bạn không thích nữa.
Nếu đã già hơn và đã đi làm rồi, nhiều bạn lại bảo mình cũng cố gắng làm việc như mà lương không cao, không có tiết kiệm nên nhất định phải xin được học bổng. Cố là cố thế nào? Sếp giao gì làm nấy? Bạn đã bao giờ cố theo kiểu, cùng một công việc nhưng bạn nghĩ ra cách làm nhanh hơn gọn hơn, sẵn sàng ôm việc của người khác vào người rồi dần dần đòi tăng trách nhiệm để lên lương chưa? Nhiều bạn dù còn trẻ cũng chỉ làm đúng là đủ trách nhiệm được giao. Sai thì không sai nhưng mà vẫn kêu lương thấp. Muốn mặc cả lên lương thì đi xin sếp: “Anh ơi em ôm thêm được việc này, anh lên lương cho em tầm này?” Không được thì tìm việc khác để có nhiều trách nhiệm và lương hơn. Đấy mới là cố hết mình. Nếu bạn chưa từng cố thế cho bất cứ cái gì thì sao mình phải cố giúp bạn xin học bổng đây? Mình giành thời gian đó giúp những bạn đã cố hết sức một lần cho một cái gì đó, có lẽ sẽ giá trị hơn.
VẬY NẾU MÌNH KHÔNG BIẾT MÌNH THÍCH GÌ THÌ SAO?
Trong bài trước của mình, có bạn hỏi mình về cách nghĩ của mình với “Du học để trải nghiệm.” Có lẽ một lúc nào đó mình sẽ đăng lại câu trả lời của mình cho tất cả mọi người cùng đọc. Thực sự khi du học, ai cũng sẽ có rất nhiều trải nghiệm mới và từ đó hiểu bản thân mình thích gì muốn gì hơn. Nhưng mà trường không trao học bổng cho một người để người đó đi và tăng trải nhiệm bản thân. Trường trao học bổng cho người có tiềm năng tạo ra giá trị cho xã hội.
Nếu bạn không biết mình muốn làm gì thì cách tốt nhất là cố gắng làm tốt tất cả. Khi mình mới đi làm, mình chưa biết mình muốn làm gì nêu trao cho mình việc nghiên cứu mình cũng làm thật tốt mà trao cho mình việc bán hàng qua điện thoại mình cũng cố thật nhiều. Khi mình cố mình vừa hiểu việc gì cố với mình là mệt mỏi, việc gì cố với mình là vui tươi, khi đó mình hiểu mình thích cái gì hơn. Ngoài ra khi mình cố cả việc mình thích lẫn không thích, mình rèn luyện được thật nhiều kĩ năng, để khi mình muốn là lao thẳng tới, không có gì cản được.
Với các em nhỏ trong việc học cũng thế. Rất nhiều bạn hỏi điểm của em không cao, em cũng không biết em thích cái gì, chỉ biết em thích đi Mỹ, liệu em có cơ hội xin học bổng không? Nếu em không biết em thích cái gì, thì cái em cố được trước mắt nhất chính là học thật tốt, điểm thật tốt. Cái đó ít nhất thể hiện bản thân em là người biết cố, vì em thích đi Mỹ. Vậy nên điểm SAT với GMAT quan trọng không phải vì bệnh thành tích, mà vì ít nhất nếu hồ sơ không thể hiện được sự “làm chính mình” thì điểm số cũng thể hiện một con người phải rất cố và quyết tâm. Vậy nên trừ khi biết mình thực sự muốn làm gì và vẽ được ra một con đường rõ mồn một 10 năm để đến với nó, thì các em thực sự nên ý thức rằng điểm số chiếm trên 70% việc các em có được học bổng hay không.
MÌNH CŨNG KHÔNG CỔ SÚY VIỆC CÁC EM CỨ NÓI EM THÍCH HỌC ÂM NHẠC HAY NGHỆ THUẬT HAY TÂM LÝ RỒI NÓI RẰNG MÌNH KÊU PHẢI LÀM CHÍNH MÌNH THÌ MỚI ĐƯỢC HỌC BỔNG ĐỂ MÀ CÃI BỐ MẸ.
Thực ra nếu muốn làm chính mình thì việc đầu tiên là cố hết sức, đánh đổi nhiều thứ để hướng tới cái mình muốn đã. Nếu chưa từng cố đến thế thì cũng rất khó để mà người khác hiểu đó là đam mê, “là chính mình” của các bạn. Chứ chưa nói đến việc hỗ trợ hay trao học bổng cho các bạn.
VÌ VẬY MUỐN LÀM CHÍNH MÌNH LÀ PHẢI CỐ HẾT MÌNH.
Bản thân câu chuyện của em gái mình cũng vậy. Được học bổng 75% Đại học để đi du học ngành Thiết kế sản phẩm công nghiệp, nhà mình cũng có tiền và ủng hộ nó đi ngành đó vì ngành cũng không quá khó xin việc. Nhưng nó thực sự chỉ thích hội họa nên nó quyết tâm không đi.
Ở nhà, nó thi vào trường Luật và bố mẹ hứa cho nó học thêm hội họa ở FPT Design School. Nhưng đấy vẫn không phải nghề nó thích. Hết năm nhất trường Luật nó quyết tâm ở nhà một năm để ôn thi vào Mỹ thuật Việt Nam. Cuối năm đó nó cãi nhau với bố mẹ để nghỉ hoàn toàn trường Luật, chuyển hồ sơ sang Mỹ thuật Việt Nam.
Nó tự nói nó không phải tài xuất chúng nhưng sẽ kiếm đủ sống. Tuy nhiên vì ở nhà tranh cãi với mẹ nhiều quá nên nó mới dọn ra riêng. Hùng hục nộp 23 đơn xin việc, được 1 chỗ phỏng vấn, và may vì nó có tiếng Anh và kĩ năng sư phạm tốt nên được nhận làm chính thức và có lương đủ chi trả cuộc sống. Công việc của nó yêu cầu cả kĩ năng bán hàng và chăm sóc khác hàng, nó chưa biết nên lại hì hụi học. Rốt cục vẫn chỉ để nuôi đam mê được làm Mỹ thuật của nó.
Với quyết tâm của nó, mình tin là không sớm thì muộn nó cũng xin được học bổng theo ý muốn. Mà ngay như bây giờ, bố mẹ mình và mình đều thấy rõ quyết tâm và nếu cần vẫn sẽ hỗ trợ nó để đi học. Thực sự, chỉ khi bạn cố gắng hết mình, thì đó chính là cách rõ ràng nhất để bạn làm chính mình và chỉ khi bạn làm chính mình theo cách đó, thì người thân của bạn mới có thể toàn tâm toàn ý ủng hộ bạn, và cơ hội học bổng du học cũng như việc làm mới rộng mở hơn. Cuộc sống vốn rất công bằng ai cố nhiều thì được nhiều và không có gì là miễn phí, kể cả học bổng.
QUAY LẠI BUỔI PHỎNG VẤN CỦA MÌNH
Chẳng ai bắt mình nộp lại liền 2 bài báo khoa học vào ngay đêm trước khi mình phỏng vấn cho vị trí “giáo sư dự khuyết”. Mình cố gắng làm thế vì mình muốn bản thân tự tin làm chính mình khi mình nói: “Hôm qua mình đã nộp lại bài vào báo rồi.” Tình cờ một người phỏng vấn mình lại là Tổng biên của chính báo mình nộp, nên thiện cảm của người đó với mình tăng đáng kể. Muốn làm chính mình không phải là không cố gắng và cứ ngồi đợi việc tốt và phù hợp tự đến với mình. Làm chính mình là cố, cố nữa, cố mãi và nếu may mắn mình sẽ được làm đúng cái việc mình muốn nhất vào thời điểm phù hợp nhất.
Còn nói chuyện gia đình không ủng hộ:
Mình thích làm sales nhưng mẹ thích mình làm kế toán với ngân hàng. Xong mẹ mình suốt ngày lấy ví dụ chị họ mình thế lọ, chị họ mình thế chai để bắt mình xin vào ngân hàng bà ấy. Riết rồi mẹ hỏi mình rốt cục làm sales là làm cái gì, mình bảo đấy là nghê buôn nước bọt.
Về sau mình chuyển sang làm chuỗi cung ứng, mẹ lại hỏi tiếp rốt cục là làm gì? Mình bảo mình làm khuân vác trong kho.
Cậu mình ngày xưa cũng thế, bà thích cậu làm nhà nước, cậu làm cho nước ngoài. Giờ cậu có 3 công ty riêng, Fulbrighter đã về nước và có khả năng định cư cả gia đình sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ 2 năm trở lại Việt Nam, giờ chỉ đợi cơn dịch qua đi mà thôi .
Đâu ai nói làm chính mình là sẽ được gia đình với xã hội ủng hộ đâu. Sao cứ mải đi thuyết phục họ mà lại không cố việc cần cố làm gì.
Chúc mọi người sức khỏe may mắn và thành công.
SSDH Team