Một câu chuyện khác về tấm thảm bay và cây đèn thần

0

Sẵn sàng du học – Không giống như Aladdin, chàng trai trẻ Abdullad trong “Lâu đài trên mây” có một điều ước mỗi ngày, và không phải lúc nào điều ước đó cũng mang lại tốt lành.

Abdullad là một người buôn thảm trẻ tuổi ở Zanzib xứ Ingary màu nhiệm. Abdullad không phải một thương nhân giàu có như cha anh kỳ vọng, thay vào đó anh dành nhiều thời gian mơ mộng về thân phận khác của mình, như đứa con mất tích của một vị vua cao quý.

Cho đến một ngày Abdullad được một người lạ mặt bán cho tấm thảm màu nhiệm với quyền năng to lớn. Nhờ đó mà anh vô tình gặp gỡ được nàng công chúa Hoa Đêm xinh đẹp và nhanh chóng phải lòng nàng. Nhưng số phận và những lời tiên tri lại khiến Abdullad không được ở bên cạnh nàng khi một vị ma thần to lớn đã bắt cóc Hoa Đêm ngay thời khắc anh chuẩn bị bỏ trốn cùng nàng.

ssdh-lau-dai-tren-may

 

Hành trình đi tìm kiếm Hoa Đêm của Abdullad chẳng hề dễ dàng gì dù anh có một tấm thảm bay và một vị thần đèn luôn luôn cáu kỉnh cho anh mỗi ngày một điều ước. Suy cho cùng thì không phải phép thuật, mà chính là sự can đảm và trí tuệ của Abdullad, theo như lời tiên tri, mới là thứ sẽ giúp anh đi giải cứu cô gái của lòng mình.

Lâu đài trên mây là phần truyện thứ hai trong bộ ba sách về những cuộc phiêu lưu của pháp sư Howl. Đây là phần tiếp nối tập sách vô cùng nổi tiếng Lâu đài bay của pháp sư Howl (tác giả: nữ nhà văn người Anh Diana Wynne Jones). Cuốn sách được lấy cảm hứng từ những truyện dân gian trong Nghìn lẻ một đêm. Vẫn giữ nguyên các nhân vật từ tập sách trước, Lâu đài trên mây là một chuyến phiêu lưu mới cùng một vài sự cải trang chỉ được hé lộ vào trang cuối.

Lâu đài trên mây xoay quanh sự dũng cảm trong tình yêu và bài học cho những điều ước của con người. Khác với vị thần đèn trong truyện cổ Aladdin sẵn sàng phục vụ với ba điều ước, các điều ước của thần đèn trong Lâu đài trên mây không hoàn toàn có lợi cho bất cứ ai mà thậm chí còn tạo ra tổn hại nhiều nhất có thể. Đó là cái giá phải trả cho những thứ không thuộc về mình.

Hình ảnh trong phim chuyển thể Lâu đài bay của pháp sư Howl.

Hình ảnh trong phim chuyển thể Lâu đài bay của pháp sư Howl.

Diana Wynne Jones xuất bản cuốn sách Lâu đài trên mây vào năm 1990, bốn năm sau sự thành công vang dội của Lâu đài bay của pháp sư Howl. Ba nhân vật chính trong tập đầu gồm pháp sư Howl, cô gái trẻ Sophie và con quỷ lửa Calcifer trong tòa lâu đài bay được yêu thích đến mức bà quyết định viết phần truyện tiếp theo về cuộc phiêu lưu của tòa lâu đài này.

Năm 2004, cuốn sách Lâu đài bay của pháp sư Howl được chuyển thể thành phim hoạt hình cùng tên dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Nhật Bản Hayao Miyazaki, trở thành một trong những bộ phim được yêu thích nhất của Studio Ghibli. Tác phẩm còn nhận được đề cử Oscar cho Phim hoạt hình xuất sắc.

Một điều thú vị là Lâu đài trên mây(tựa gốc Castle in the air) của Diana Wynne Jones rất hay bị nhầm lẫn với một bộ phim hoạt hình khác của Hayao Miyazaki mang tên Castle in the sky. Hai tác phẩm có nội dung hoàn toàn khác nhau, và Castle in the sky còn được ra mắt trước thời điểm Jones viết tập truyện thứ hai về Howl tới bốn năm.

Tập ba của bộ sách, House of many ways (tạm dịch: Ngôi nhà của những con đường) sẽ sớm ra mắt độc giả Việt trong thời gian tới. Đây là series thứ hai của Diana Wynne Jones được dịch ra tiếng Việt, bộ sách trước đó là Biên niên sử Chrestomanci cũng là những cuộc phiêu lưu chứa đầy phép thuật.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Diana Wynne Jones đã xuất bản hơn 40 cuốn sách thuộc thể loại kỳ ảo dành cho độc giả trẻ. Các tác phẩm của Jones được cho là có ảnh hưởng rõ rệt tới Neil Gaiman, J.K. Rowling, Phillip Pullman. Bà được công nhận là nhà văn chủ chốt của dòng văn học kỳ ảo. Jones qua đời năm 2011 sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Để tưởng nhớ bà, vào sinh nhật thứ 80 của Jones, ngày 16/8/2014, Google Doodle đã vinh danh bà qua cuốn sách Lâu đài bay của pháp sư Howl.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply