Sẵn sàng du học – Tháng 3, tháng 4 là giai đoạn mà các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp tại Mỹ phải trăn trở tìm việc cho kì thực tập OPT sắp tới. Đây luôn là một trải nghiệm đầy gian nan, đặc biệt đối với những du học sinh đang học tập ở nước ngoài – nơi có những luật lệ và phong tục hoàn toàn khác biệt. Mặc dù không thể đảm bảo cho bạn tìm được công việc yêu thích, nhưng SSDH muốn chia sẻ một số bí kíp tìm việc có thể giúp bạn gia tăng cơ hội làm việc hậu tốt nghiệp. Cùng xem nhé!
1. Lên kế hoạch sớm hơn
Không bao giờ là quá sớm khi suy nghĩ về việc lên kế hoạch cho sự nghiệp của mình, ngay cả khi bạn chỉ mới đặt chân sang xứ người. Tìm hiểu những giáo sư có mối quan hệ rộng, làm quen với các anh chị đã có kinh nghiệm làm việc hoặc tham dự hội thảo hướng nghiệp trong lĩnh vực của bạn.
Tham gia tổ chức tình nguyện hay tìm một công việc thực tập bán thời gian trong khoảng thời gian còn đi học cũng là cách để có được một khởi đầu tốt đẹp cho việc tìm kiếm việc làm sau này. Cho dù đó là những công việc không được trả lương, nhưng lợi ích và cơ hội mà chúng mang lại là vô giá.
2. Xây dựng hồ sơ trực tuyến
Ngày nay, các nhà tuyển dụng thường có xu hướng tìm kiếm thông tin ứng viên trên Internet trước buổi phỏng vấn trực tiếp. Nếu họ không tìm được bất cứ thông tin nào về bạn thì xem chừng hơi bị “nguy hiểm”, đặc biệt nếu nghề nghiệp mà bạn muốn hướng tới có liên quan đến công nghệ thông tin. Việc xây dựng một hồ sơ trực tuyến, đặc biệt qua LinkedIn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho bạn. Hãy chắc chắn rằng hồ sơ của bạn trình bày rõ ràng, súc tích, bao gồm những nội dung phù hợp với yêu cầu của từng nhà tuyển dụng và luôn được cập nhật liên tục nhé.
3. Tận dụng “nguồn tài nguyên” của trường
Một phần học phí mà bạn đóng sẽ được sử dụng để duy trì cơ sở vật chất và hoạt động của trường, chẳng hạn như dịch vụ tư vấn nghề nghiệp hay văn phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế. Chính vì vậy, hãy tận dụng những nguồn tài nguyên này: tham dự các buổi triển lãm việc làm do trường tổ chức, nhờ các chuyên gia tư vấn xem lại CV trước khi ứng tuyển, và tận dụng mạng lưới đối tác của trường bạn với các doanh nghiệp bên ngoài. Hãy bắt đầu với tài nguyên sẵn có này ngay từ bước đầu tiên!
4. Tìm hiểu
Trước khi nộp đơn xin việc, bạn cũng nên dành thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu xem những công ty nào có tầm ảnh hướng nhất trong lĩnh vực mà bạn hướng tới và họ có đang tuyển dụng không. Bạn cũng đừng nên quá cứng nhắc về nơi mình muốn làm việc và hãy tìm xem khu vực hoặc thành phố nào là tốt nhất để bạn theo đuổi và phát triển sự nghiệp. Sau đây là một vài trang tìm việc khá phổ biến.
• LinkedIn Jobs (https://www.linkedin.com/jobs/linkedin-jobs/)
• Indeed (https://www.indeed.com/)
• H1Base (http://www.h1base.com/)
• MyVisaJobs (http://www.myvisajobs.com/)
• Glassdoor (https://www.glassdoor.com/index.htm)
• CareerBuilder (http://www.careerbuilder.com/)
5. Một vài lưu ý
Dưới đây là một vài phương pháp cũng như cách luyện tập dưới đây có thể giúp bạn ít nhiều trong quá trình tìm việc làm:
• Đừng tham lam: Thay vì nộp đơn vào quá nhiều vị trí và hy vọng một công ty nào đó gọi lại, hãy chọn lọc ra một vài công việc thích hợp với khả năng của mình, dành thời gian điều chỉnh CV và cover letter cho phù hợp với từng vị trí ứng tuyển.
• Luyện tập phỏng vấn: Phỏng vấn là một bước cực kì quan trọng trong quá trình ứng tuyển. Chính vì vậy, bạn cần phải học cách để cảm thấy thoải mái, tự tin và cách thể hiện bản thân trong buổi phỏng vấn nhằm để lại ấn tượng đẹp với nhà tuyển dụng. Bạn có thể rủ bạn bè tập chung hoặc tham gia những buổi phỏng vấn giả lập của trường.
• Ứng xử phù hợp: Khi nói chuyện trực tiếp và gửi mail cho nhà tuyển dụng, bạn nên sử dụng những ngôn từ thích hợp. Tránh các từ ngữ giao tiếp hằng ngày, đặc biệt khi cần tương tác bằng ngôn ngữ viết. Sau buổi phỏng vấn, bạn nên gửi một follow-up email cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian cho bạn.
• Liên hệ với người cho ý kiến tham chiếu (reference): Trong quy trình tuyển dụng của hầu hết các công ty, tham chiếu thông tin (reference check) là một trong những khâu cực kì quan trọng. Nhà tuyển dụng sẽ liên hệ với những người mà bạn đã cung cấp thông tin để tìm hiểu về con người bạn: hiệu suất làm việc, đạo đức, thái độ… Một ý kiến tham chiếu tích cực có thể gia tăng cơ hội được nhận. Nhớ xin phép trước những người mà bạn muốn họ cung cấp ý kiến tham chiếu nữa nha.
SSDH hi vọng những mẹo nhỏ trên sẽ giúp ích được bạn trong quá trình tìm việc cũng như cho bạn cái nhìn khái quát về cách mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên. Chúc bạn may mắn!
Cá Domino (SSDH) – Theo thetreeacademy