Sẵn sàng du học – Thật khó để thành công trong kinh doanh nếu bạn thiếu khả năng PR bản thân. Đó là một trong những lý do tại sao các chuyên gia nói rằng các cuộc phỏng vấn MBA là một thành phần quan trọng trong quá trình tuyển sinh.
MBA là tên viết tắt của chương trình Thạc sỹ Quản trị kinh doanh (MBA), một trong những chương trình cao học được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam. Đây là khóa học mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường tìm đến để trau dồi những kiến thức kinh doanh, marketing, tài chính, nhân sự, kế toán…Vậy để thành công trước mỗi cuộc phỏng vấn, bạn hãy “take care” 04 điều SSDH chia sẻ dưới đây:
Tầm quan trọng của cuộc phỏng vấn MBA
Soojin Kwon, giám đốc phụ trách tuyển sinh của Ross School of Business thuộc trường đại học Michigan, thành phố Ann Arbor cho biết: “Đã có những trường hợp mà một cuộc đánh giá phỏng vấn đã làm đảo ngược tình thế. Thỉnh thoảng, cuộc phỏng vấn đã thay đổi suy nghĩ của bà về người nộp đơn và khiến bà chuyển một đơn xin từ loại “trượt” sang “đỗ”.Nhưng nhiều khi một cuộc phỏng vấn kém có thể dẫn đến việc bị từ chối”.
Các kỹ năng giao tiếp là rất quan trọng trong thế giới kinh doanh, Kwon nói; Nhưng những kỹ năng đó rất khó để đánh giá trong hồ sơ nhập học, vì vậy cuộc phỏng vấn sẽ là thước đo quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên.
Peggy Conway, giám đốc chương trình MBA tại trường Kinh doanh Neeley thuộc Đại học Texas Christian, cho biết nhà tuyển sinh sẽ không bao giờ chấp nhận một ứng viên MBA mà chưa qua phỏng vấn trước. Bà nói rằng các cuộc phỏng vấn không chỉ đánh giá việc liệu ứng viên MBA có thể phát triển tốt tại trường Kinh doanh Neeley hay không mà còn đánh giá khả năng tạo ấn tượng cho các đồng nghiệp và nhà tuyển dụng tương lai.Conway nói: “Chúng tôi muốn sinh viên sẽ tạo nên những tầm ảnh hưởng”.
Chad Losee, giám đốc điều hành tuyển sinh và trợ giúp tài chính chương trình MBA tại Trường Kinh doanh Harvard, cho biết cuộc phỏng vấn của MBA cũng cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách người nộp đơn nghĩ và điều họ quan tâm.Losee nói: “Chúng tôi không quan trọng mọi người phải có một kế hoạch cuộc sống cụ thể, mà điều chúng tôi đề cao là cách mọi người nghĩ về những quyết định của họ”.
Ông nói những ứng viên MBA lo lắng về quá trình phỏng vấn nên cố gắng thư giãn trước phỏng vấn bằng cách chạy hoặc đi bộ, ăn thức ăn thoải mái hoặc ngồi thiền. “Dù sao đi nữa, hãy đảm bảo bạn cảm thấy thoải mái nhất có thể”, ông nói, “và bởi tất cả chúng ta cũng chỉ là con người, nên đừng lo lắng, cho dù thế nào mục đích cuối cùng của chúng tôi vẫn chỉ là cố gắng tìm hiểu con người thật của bạn”.
Các nhân viên tuyển sinh MBA đã chia sẻ những phẩm chất mà thí sinh cần thể hiện để tạo ấn tượng lâu dài cho người phỏng vấn. Dưới đây là 4 tiêu chí quan trọng nhất bạn nên làm để thành công trong phỏng vấn MBA.
• Sự rõ ràng: Các ứng viên có khả năng trình bày công việc của mình một cách rõ ràng và cụ thể thường nhận được nhiều đánh giá tích cực, Kwon nói. Ví dụ, có một cựu chiến binh khi tham gia phỏng vấn đã được đánh giá cao vì ông đã chia sẻ với người phỏng vấn những bài học ông học được trong suốt thời gian làm việc trong quân đội.
“Thông thường, các ứng cử viên nghĩ rằng họ phải có một thành tích to lớn để gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh, tuy nhiên điều quan trọng không nằm ở đó”, Kwon nói. “Chúng tôi chỉ đang cố gắng để hiểu bạn nghĩ thế nào về cuộc sống và suy nghĩ của bạn về chính bản thân mình.”
• Tự nhận thức: Các ứng viên nổi bật trong các cuộc phỏng vấn của MBA là những người biết suy nghĩ chu đáo về sự nghiệp của họ, Kwon nói: “Nó có thể là việc bạn có quan điểm tích cực về những việc bạn đã làm và ý nghĩa của chúng đối với bạn”, cô nói: “và làm sao để biến những điều đó thành kinh nghiệm trong kinh doanh, trong cuộc sống và trong công việc.”
• Biết thừa nhận sai lầm: Các nhà lãnh đạo trong kinh doanh nói rằng họ đánh giá cao khi các ứng viên MBA thừa nhận sai lầm khi họ được hỏi về những thất bại trong quá khứ.
Patrick Mullane, giám đốc điều hành của HBX, nền tảng của chương trình giáo dục trực tuyến của Harvard Business School cho hay: “Tôi không nghĩ rằng bạn sẽ bị chỉ trích vì đã cởi mở và trung thực với câu hỏi đó”. Mullane khuyến khích các thí sinh nên ứng xử một cách tự nhiên. Ông nói rằng việc né tránh các câu hỏi thay vì trả lời chúng một cách trung thực thường dẫn đến một sự thất bại trong các cuộc phỏng vấn MBA.
Kari Graham, giám đốc tuyển sinh sinh viên sau đại học tại Đại học Kinh doanh Daniels của Đại học Denver nói rằng một số cuộc phỏng vấn sâu sắc nhất mà cô thực hiện ở đó thí sinh đã mô tả bài học mà họ rút ra được từ những sai lầm.”Những điều đó thường là những điều làm cho chúng ta trở nên tốt hơn và hy vọng những sinh viên giỏi hơn,” Graham nói.
• Kết nối cảm xúc cá nhân: Thể hiện cảm xúc trong cuộc phỏng vấn không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối mà trong nhiều trường hợp thực tế đã giúp thí sinh tương tác, kết nối với người phỏng vấn.
Graham nói rằng cô từng gặp một ứng viên MBA đã khóc khi nói về một người thầy đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến mình, hoặc bàn về những khó khăn họ đã vượt qua.”Đã có thí sinh thực sự đã rơi nước mắt trong văn phòng của tôi”, cô nói. “Điều đó thật đẹp, nó thực sự phá vỡ mọi rào cản và kết nối mọi người với nhau.”
David Simpson, giám đốc tuyển sinh tại Trường Kinh doanh London, nói rằng một cuộc phỏng vấn Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh thực sự sẽ vượt ra ngoài việc thảo luận về hồ sơ của ứng viên.Một cuộc phỏng vấn sẽ nhàm chán khi mà thí sinh chỉ nhắc lại những thứ trong hồ sơ của họ. Ngược lại một cuộc phỏng vấn tốt nếu người tham gia biết tạo thêm nhiều màu sắc cho nó.
Hải Yến (SSDH) – Theo USnews