SSDH – Đó là ký ức về người cô gần gũi, bình dị qua từng bữa trưa; là người mẹ thứ hai đặt trọn tâm huyết, niềm tin, tình yêu vào cô học trò nhỏ; hay người thấy đáng kính, uyên thông, luôn biết cách truyền cảm hứng…Họ đặt những viên gạch quan trọng về lẽ làm người và trí tuệ cho các DHS chắp cánh xây dựng tương lai.
Bài học thấm thía từ những điều bình dị nhất…
Ngô Di Lân – Chàng trai 21 tuổi, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Brandeis, Mỹ vẫn nhớ như in quãng thời gian tuyệt vời ở lớp 5C, Trường tiểu học Lý Tự Trọng (nay là trường Võ Thị Sáu – Hà Nội) – nơi có cô giáo chủ nhiệm mà Lân đặc biệt kính trọng, yêu mến dù chỉ qua từng cử chỉ quan tâm nhỏ hay một bữa trưa giản dị của cô. Học tập 10 năm ở nước ngoài, có cơ hội trải nghiệm 5 nền giáo dục nhưng Di Lân thổ lộ vẫn chưa chứng kiến được “điều gì tương tự”.
Ngô Di Lân còn vẹn nguyên ký ức về sự bình dị, gần gũi, tình thương của cô giáo chủ nhiệm cấp 3.
“Có quá nhiều lý do để khiến năm học đó trở thành một ký ức đẹp của mình về những tháng ngày còn ngồi trên ghế nhà trường ở Việt Nam nhưng mình biết chắc rằng nó không thể đặc biệt nếu như cô giáo chủ nhiệm của mình không phải là cô Thủy.
Nói về cô Thuỷ, điều khiến mình ấn tượng nhất ở cô Thủy đó là sự gần gũi và bình dị. Bữa trưa cô thường hay mua thêm 1 ít dưa chua cùng với nước mắm ớt và bạn nào thích thì cô đều rất sẵn lòng chia sẻ. Chỉ là một cử chỉ nhỏ, một món ăn dân dã nhưng đủ để gửi đi một bức thông điệp lớn.
Mình còn nhớ rằng hồi đó có một bạn nữ trong lớp có hoàn cảnh rất khó khăn và học lực khá kém nhưng cô không hề bỏ rơi bạn ấy. Ngày bạn ấy mổ mắt xong, cô đèo mình và một bạn nữa đến tận nhà bạn nữ kia để thăm hỏi, động viên và tặng quà.
Nay mình đã đi du học ở nhiều nơi và đến nay đã được 7 năm rồi nhưng vẫn chưa được chứng kiến điều gì tương tự. Nếu sau này mình may mắn trở thành “một ai đó” thì mình sẽ rất biết ơn cô bởi chỉ có tài mà không có đức chắc chắn sẽ không nên được nghiệp lớn. Và cô Thuỷ là một trong những người khiến mình hiểu được giá trị của việc sống có đạo đức và tình người”, Ngô Di Lân bày tỏ.
Những “công chúa nhỏ” trưởng thành nhờ người mẹ thứ hai
Nguyễn Kim Chi – DHS năm nhất trường ĐH nghệ thuật Cambridge School of Visual & Performing Arts, Anh quốc đang trải qua cảm xúc của mùa tri ân thầy cô rất “khác biệt” so với mọi năm. Kim Chi không thể nào quên lớp chuyên Văn dưới mái trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam thân yêu, nơi có người mẹ thứ hai của em – mẹ Oanh
Kim Chi và cô Oanh – người mẹ thứ hai của lớp chuyên Văn có nhiều “công chúa” trường Ams.
“Cô là giáo viên chủ nhiệm của lớp em. Trong suốt 3 năm từ cái lúc mới vào trường còn bỡ ngỡ cho đến lúc trưởng thành và ra trường thì cô vẫn luôn yêu thương từng đứa học trò một.
Vì lớp em là lớp chuyên Văn, toàn con gái nên cô lúc nào cũng gọi chúng mình là những công chúa bé nhỏ, hay những chú cún con của cô. Cô tuy không nói nhiều về tình cảm cô dành cho chúng emnhư thế nào nhưng cô luôn lặng thầm giúp đỡ, đứng từ xa để quan sát từng đứa một trưởng thành.
Em nhớ những tiết học của cô, bên cạnh bài giảng cô vẫn thường đan xen thêm những câu chuyện hài hước hay những bài học mà cô muốn truyền đạt lại cho những đứa con của mình. Cô luôn coi chúng em như là con gái của cô vậy. Chính vì vậy mà em luôn nhớ tới cô, luôn biết ơn cô.
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, em cũng xin được gửi những lời chúc tốt đẹp nhất, trân trọng nhất tới người mẹ thứ hai của mình, chúc cô luôn có sức khỏe, luôn hạnh phúc và gặp nhiều thành công trong cuộc sống”.
“5 phút khác biệt” từ người thầy đáng kính
Du học Singapore từ sớm và sau đó qua Mỹ học đại học, nữ sinh Nguyễn Thùy Trang – DHS ngành Toán và Kinh tế trường ĐH Clark chia sẻ, em ấn tượng nhất với giáo sư dạy môn kinh tế địa lý trong 2 năm đầu vào đại học và đó là một người thầy ngoại quốc.
Người thầy ngoại quốc truyền cảm hứng đóng góp vào đóng góp lĩnh vực giáo dục cộng đồng cho Thùy Trang.
“Thầy cực kì hiểu biết nên mặc dù nhiều lúc cách thầy đưa ra luận điểm có vẻ hơi áp đặt, nhưng mà lại cực hấp dẫn nên buổi học nào nào cũng đầy đủ sinh viên đến, thậm chí nếu đến muộn còn hết mất chỗ. Thầy là người khiến em cảm thấy hứng thú với những vấn đề liên quan đến học thuật và nghiên cứu, đặc biệt là chủ đề kinh tế phát triển.
Lớp của thầy có một mục gọi là “5 phút khác biệt”, tức là học sinh có 5 phút để trình bày về một ý kiến khác biệt với giáo viên hoặc các bạn trong lớp, và để nghe mọi người phản hồi lại.
Em luôn luôn đăng ký nói, và cảm giác nói xong thì rất là tuyệt, nhất là khi em đưa ra nhiều ví dụ về Việt Nam. Thầy cũng truyền cảm hứng cho em vào việc đóng góp cho cộng đồng trong lĩnh vực giáo dục”, Thùy Trang chia sẻ.
Nữ du học sinh Mỹ cho hay, ngày 20/11 tại Việt Nam thì nói chung luôn được kì vọng và tổ chức hoành tráng hơn ở Singapore hay Mỹ. “Hồi lớp 3 em từng làm hoa giấy tặng giáo viên, mặc dù không được đẹp lắm nhưng lại là một trong những bó hoa được cô mang về nhà.
Ở Singapore cũng có một ngày thầy cô, nhưng chỉ viết thiệp chúc mừng chứ không liên hoan văn nghệ tưng bừng. Ở Mỹ thì không tổ chức hoạt động như thế này”, Trang cho biết.
Có một “đứa trẻ” ngồi nơi xa xôi nhớ cô…
Đó là những tâm sự đong đầy sự biết ơn gửi tới cô Phạm Thị Mai Anh – cô giáo chủ nhiệm những năm cấp 3 của Nguyễn Trung Trà My – nữ sinh Hải Phòng giành 10 học bổng Mỹ, hiện là DHS trường Birmingham-Southern College, Mỹ.
Với Trà My, những người thầy, người cô sẽ bồi đắp hành trang cho mỗi người bước vào tương lai.
Trà My chia sẻ: “Từ ngữ thì chẳng bao giờ đủ cho suốt những năm tháng ấy, khi cô là người chứng kiến sự trưởng thành của em – đứa học trò nghịch ngợm, làm việc riêng trong lớp mà chẳng may bị cô “nhìn”, lại nhoẻn miệng cười cho đỡ… ngại.
3 năm không dài nhưng cũng chẳng ngắn, nó đủ để mỗi học trò như em cảm nhận được rõ tình cảm và tâm huyết của cô. Em nhớ nhất khoảng thời gian ôn thi đội tuyển Quốc gia lớp 12, trời lạnh lắm, mà ngày nào cô giáo em cũng đến trường hết, dù cô chẳng có tiết, để quán xuyến chúng em.
Em nhớ hình ảnh cô cầm cốc cà phê trên tay, đôi lúc cô đau đầu, lúc đó em xót cô lắm, chỉ muốn nói cô đừng thức đến sáng soạn bài như vậy nữa. Hồi đó thi, tâm lí của em là không bao giờ quá đặt nặng kết quả, nhưng nhìn cô vắt kiệt bản thân, rồi nhìn lại mình, em lại cố gắng.
Cô đã giúp em nhận ra bài học rằng, đôi khi trong cuộc sống, mình phải biết vì người khác, chứ cuộc sống không phải chỉ xoay quanh mỗi bản thân mình. Vì cô đã đặt niềm tin ở em, nên em không muốn làm cô thất vọng.
Ba năm qua em được làm cô học trò nhỏ, nhưng tri thức được trang bị và cả những thứ thiêng liêng hơn thế sẽ còn đi theo em lâu hơn nữa. Và nếu không có cô, thì cũng chẳng có em của ngày hôm nay. Chẳng có “đứa trẻ” ngồi ở một nơi xa xôi nhớ cô như thế này”.
Với tất cả tình cảm dành cho cô giáo chủ nhiệm và những :người lái đò”, theo Trà My, tri ân thầy cô nên là “điều luôn ở sâu trong trái tim mỗi người, trải theo tháng rộng, năm dài.
Nhưng ngày 20/11, là ngày để mỗi người được sống chậm lại, thấm thía và biết ơn những người thầy cô vĩ đại – những người đã lát những viên gạch đầu tiên trên bước đường tương lai dài rộng của mỗi chúng ta”.
Nguồn: Dân Trí