Sẵn sàng du học – “Học tập không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh.”
Đây là định nghĩa hết sức thú vị về giáo dục của người thầy Harfan trong tác phẩm Chiến binh cầu vồng của nhà văn Andrea Hirata.
Lấy bối cảnh từ Belitong, một đảo ở Indonesia, Chiến binh cầu vồng dựa trên câu chuyện có thật của chính tác giả, kể về ước mơ và cuộc đấu tranh bền bỉ của thầy trò trường tiểu học Muhammadiyah để giữ gìn quyền giáo dục của chính mình.
Ngôi trường hết lần này đến lần khác đứng trước vực thẳm bị xóa sổ vì nghèo đói, vì những chiếc máy xúc của Công ty nhà nước PN và vì chủ nghĩa thực dân. Nhưng bao nhiêu lần bị đe dọa là bấy nhiêu lần người thầy Harfan đứng lên bảo vệ và giữ vững quyền được đi học cho những đứa trẻ.
Hơn 50 năm gắn bó với con chữ, thầy Harfan đi dạy từ khi mới mười lăm mười sáu tuổi. Chính thầy đã đốn cây trong rừng mang về xây nên ngôi trường huyền thoại Muhammadiyah. Thầy đã mang khúc gỗ đầu tiên và nặng nhất trên chính đôi vai của mình, và nó đã trở thành cây cột chống đỡ mái trường ấy trong gần 120 năm.
Cái nghèo hiện rõ trên con người thầy, “Áo lót thủng lỗ chỗ, còn quần thì sờn cả vì phải trải qua quá nhiều lần giặt. Đường đường là hiệu trưởng, mà thầy phải dành dụm từng rupi một cũng chỉ đủ để thay cái lốp xe mòn vẹt. ”
Dù sống nghèo khổ, nhưng suy nghĩ và ngôn từ thanh khiết của thầy Harfan luôn tỏa sáng lấp lánh. Thầy khơi gợi cho học trò của mình sự ham học hỏi, không đầu hàng trước khó khăn. Với thầy, cuộc sống có thể mang lại hạnh phúc cho ta dù trong đói nghèo miễn là ta hãy cho đi càng nhiều càng tốt.
Vào những ngày cuối tuần, thầy Harfan đạp xe 100 cây số đem đủ thứ hoa màu từ vườn nhà thầy đi bán. Số tiền ấy thầy dùng mua sách cho học sinh. Bầu nhiệt huyết với những đứa trẻ mỗi ngày một lớn nhưng sức khỏe thầy thì lại kém đi.
“Và vào một đêm tĩnh lặng, ông giáo nghèo với tấm lòng bao la như trời biển đã trút hơi thở cuối cùng. Thầy đã chết ngay trên chiến trường, nơi ngôi trường thầy đã phải đấu tranh cho đến hơi thở cuối cùng mới có thể giữ được.”
Không có phát súng tiễn biệt, không một vòng hoa viếng, không một lời ngợi ca từ bất kì ai. Nhưng thầy Harfan đã để lại một cái giếng mát lành trong tim những đứa học trò nghèo vùng Belitong, một cái giếng kiến thức không bao giờ vơi cạn.
Người thầy nghèo khổ đã đem đến cho những đứa trẻ tuổi thơ đẹp đẽ và cả tâm hồn phong phú. Một điều gì đó vô giá thậm chí còn có giá trị hơn cả những khát khao và ước mơ. Đây mới thực sự là hơi thở của giáo dục và linh hồn của một chốn được gọi là trường học.
“Kiến thức chính là chân giá trị và học tập là ca tụng bản thân, là thanh cao”. Giáo dục hiện hành không còn giữ quan điểm này của thầy Harfan nữa. Trường học ngày nay đã trở thành một phần kế hoạch tư bản để làm giàu và nổi tiếng, để khoe khoang học vị và quyền lực.
Học tập là quyền cơ bản của con người. Và trên khắp thế gian này, vẫn còn nhiều đứa trẻ, nhiều người thầy phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi ấy. Nghèo đói, bất bình đẳng, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa thực dân như những khối u ác tính. Nó gặm dần những học sinh, những thầy cô giáo và cả hệ thống giáo dục. Nó cướp đi quyền cơ bản nhất của con người: Đi học.
Chiến binh cầu vồng đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, nhạc kịch và phim truyền hình. Bộ phim cùng tên đạt doanh thu cao kỉ lục ở Indonesia, đồng thời giành được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế. Nhờ sự thành công của bộ phim và cuốn sách ấy, lượng khách du lịch đến đảo Belitong đã tăng đột biến.
Andrea Hirata là nhà văn Indonesia ăn khách nhất từ trước nay. Tác phẩm đầu tay của ông, Chiến binh cầu vồng đã bán được trên năm triệu bản, được dịch ra 26 thứ tiếng. Đây được coi là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn