Nhật Bản và mục tiêu bồi dưỡng nhân tài toàn cầu

0

SSDH – Kể từ khi nhậm chức vào tháng 12, Ông Hakubun Shimomura – Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học Nhật Bản đã rất nỗ lực theo đuổi mục tiêu làm thế nào để các trường đại học Nhật Bản cạnh tranh hơn trên toàn cầu.

 

Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng đã thảo luận về chính sách “Abenomics” cuả chính phủ và sự cần thiết phải quốc tế hóa nền giáo dục đại học Nhật Bản nhằm thu hút giảng viên và du học sinh nước ngoài, nâng cao khả năng ngôn ngữ tiếng Anh và cải tiến quy trình tuyển sinh.

 

 Nhật Bản và mục tiêu bồi dưỡng nhân tài toàn cầu

 

Bộ trưởng đồng thời đưa ra ý kiến cá nhân về hệ thống giáo dục đại học Nhật Bản với liên hệ thực tế là chính con trai mình – một sinh viên khuyết tật đang theo học tại một trường đại học Anh và sẽ tốt nghiệp trong năm nay.

 

Phóng viên: Thưa ông, Thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng khôi phục năng lực quốc gia thông qua chính sách Abenomics, chiến lược này có liên quan đến sáng kiến ​​và khẩu hiệu của ông?

 

Bộ trưởng: Đúng như vậy. Để duy trì tăng trưởng kinh tế, chúng tôi cần phải thúc đẩy đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới trên các lĩnh vực quan trọng như: y tế, chăm sóc sức khỏe con người….chứ không bó buộc trong phạm vi ngành công nghiệp sản xuất ô tô và điện tử gia dụng như trước đây. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu y khoa và đã đạt được kết quả hết sức khả quan, tiêu biểu là công trình nghiên cứu tế bào gốc iPS trị giá 110 tỉ yên (tương đương 1,12 tỉ đô la Mỹ) do tiến sỹ Shinya Yamanaka, người đã đoạt giải Nobel đảm nhiệm. Đây là công trình về Tế bào gốc đa năng cảm ứng, có nguồn gốc từ các tế bào cơ thể bình thường chứ không phải là phôi.

 

Một trong ba mũi tên chính mà Chính sách Abenomics nhắm tới là bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực. Đây được xem là nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế. Thời gian gần đây, tổng sản phẩm quốc nội Nhật Bản đang từ vị trí số 2 thế giới đã tụt dốc không phanh xuống vị trí thứ 27. Đứng trước điều này, chính phủ đã xác định, tăng năng suất lao động là con đường duy nhất để Nhật Bản thúc đẩy phát triển kinh tế  trong khi lực lượng lao động đang dần bị thu hẹp và dân số mỗi ngày một già đi.

 

Phóng viên: Theo ông, thách thức chính của các trường đại học là gì?

 

Bộ trưởng: Nền giáo dục đại học ở đây thực ra chưa phải là nơi để bồi dưỡng nhân tài toàn cầu, bằng chứng là, các trường đại học Nhật Bản càng ngày càng ít có mặt trên các bảng xếp hạng thế giới.

 

Việc đẩy mạnh giáo dục đại học sẽ giúp chúng tôi phát triển tài năng để  phục vụ cho các ngành công nghiệp trong nước. Các trường đại học tư nhân do hạn chế về tài chính nên khó có khả năng tự đổi mới một cách toàn diện vì thế Chính phủ sẽ chung vai cùng họ thực hiện chiến lược cải tổ.

 

Phóng viên: Các trường đại học nên làm những gì để quốc tế hóa?

 

Bộ trưởng: Chúng tôi muốn tăng số lượng giảng viên quốc tế, tăng thêm các lớp học giảng dạy bằng tiếng anh, tổ chức các kỳ thi quốc tế như TOEFL để nâng cao kỹ năng tiếng anh và nhất là tăng gấp đôi số lượng du học sinh quốc tế đến Nhật Bản và số lượng sinh viên trong nước ra nước ngoài học tập.

 

Hiện nay, chúng tôi đang trợ cấp nhiều hơn cho các trường đại học và yêu cầu họ phải nghiêm túc thay đổi cơ cấu. Hội đồng Tái cấu trúc Giáo dục Nhật Bản đã chỉ trích khá mạnh trong một báo cáo rằng “Sự chậm trễ trong việc toàn cầu hóa của các trường đại học Nhật Bản khiến ngành giáo dục nước này rơi vào trạng thái tiêu cực”

 

Các trường đại học Nhật Bản như tháp ngà bị cô lập với điệp khúc lặp đi lặp lại từ lâu, đó là  “tự do nghiên cứu và đào tạo” nhưng giờ đây đột nhiên nhận ra rằng họ đã không thể đứng vững trước những đổi mới sâu rộng của thế giới ngày nay. Do đó, một số trường hiện nay đang phải xác định lại chiến lược phát triển theo xu thế toàn cầu hóa, còn một số trường thì tập trung phát triển đồng bộ theo nhu cầu thực trong nước.

 

Phóng viên: Ông có thể nêu những việc cụ thể hơn cho cải cách giáo dục đại học?

 

Bộ trưởng: Hội đồng cũng đã đưa ra một số đề xuất quan trọng liên quan đến kỳ thi đầu vào đại học. Hiện nay, các trường đang cho học sinh làm bài thi để xét tuyển và chỉ một lần duy nhất này. Theo tôi, điều này làm cho  học sinh không chủ động nắm bắt kiến thức và trở thành học vẹt.

 

Kiến thức cơ bản thực sự rất cần thiết nhưng cái chúng ta cần nhất nhằm giúp giới trẻ có thể  tự tin hòa nhập thế giới vẫn là tài năng đa dạng, kỹ năng lãnh đạo và sự đồng cảm giữa con người với con người. Mà những điều này thì học sinh thường có được từ các hoạt động ngoại khóa và tình nguyện ở trường phổ thông.

 

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ vài thông tin về con trai ông và làm thế nào anh ấy có thể hoàn tất chương trình đại học tại Anh?

 

Bộ trưởng: Con trai tôi sẽ tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật London năm nay ngành thiết kế thời trang. Cháu vào trường này chỉ đơn giản vì đây là một trường đại học Anh Quốc và cơ hôi được tiếp nhận rộng mở hơn nhiều so với các trường trong nước.

 

Vì sao lại như vậy? Đó là bởi để có thể bước chân vào một trường đại học ở Nhật Bản, con tôi phải đạt điểm cao ở nhiều môn học khác nhau. Thậm chí, nếu cháu muốn học ngành học nghệ thuật hoặc âm nhạc thì phải vượt qua các bài kiểm tra tổng hợp rồi mới đến bước đánh giá năng khiếu nghệ thuật.

 

Con tôi thường gặp khó khăn trong việc đọc, đặc biệt là các văn bản dài, tức là cháu bị rối loạn khả năng đọc. Vậy nên tôi phải chọn một trường cho phù hợp với điều kiện của con trai mình. Ở Anh Quốc, nếu bạn có khả năng nổi trội một trong ba môn học mà bạn lựa chọn ở trung học, bạn vẫn có thể được nhận vào các trường đại học hàng đầu. Cá nhân tôi cảm thấy hệ thống giáo dục nước Anh rất cởi mở. Cánh cửa đại học không chỉ đón những sinh viên bình thường hay tài năng mà còn dành cho cả những sinh viên khuyết tật. Vậy nên, tôi mong muốn xây dựng một hệ thống giáo dục cởi mở hơn ở Nhật Bản, có thể đưa đến cơ hội cho mọi đối tượng học sinh.

 

Tóm lại, cái đích mà chúng tôi cần vươn tới là tạo ra 10.000 nhân lực với khả năng đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy, công ty  hơn là việc chỉ tập trung vào một số ít nhân tài siêu biệt.

 

Phóng viên: Ông đã đưa ra nhiều đề xuất  trong đó có  đề xuất thu hút nhiều hơn nữa các chuyên gia nước ngoài đến Nhật Bản giảng dạy nhưng việc tuyển dụng và đãi ngộ dành cho họ có vẻ chưa được làm tốt ở đây. Vậy ông có chắc chắn rằng sự thay đổi sẽ được chấp nhận rộng rãi, đặc biệt là ở các trường đại học công lập, nơi thường được cho là có thiên hướng bảo thủ hơn các trường tư?

 

Bộ trưởng: Những gì chúng tôi sẽ làm là giúp đỡ những tổ chức, trường học sẵn sàng thích nghi và thay đổi. Chúng tôi sẽ có những điều chỉnh nhất định nhưng vẫn tôn trọng vị thế hiện tại của trường. 

 

Nói chung, tôi nhận thức được rằng nếu đưa ra mức lương dành cho học giả nước ngoài cao hơn mức lương của hiệu trưởng ở các trường đại học sẽ không gây ấn tượng tốt. Vậy nên, chúng tôi sẽ tài trợ cho những trường nào sẵn sàng thay đổi và điều chỉnh. Chúng tôi sẽ không làm theo cách truyền thống là “Đối xử tất cả như nhau”.

 

Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng, chúc ông thực hiện tốt kế hoạch của mình.

 

Việt Phương (SSDH) – Theo NYTimes

 

 

 

 

 

Share.

Leave A Reply