SSDH – Du học là niềm ao ước của rất nhiều bạn sinh viên Việt Nam, tuy nhiên khi đã có được visa du học thì trước khi lên đường bạn hay lưu ý một vài điều dưới đây nhé!
Ảnh minh họa
Về kiến thức
Để du học, tất nhiên cái đầu tiên bạn cần là một nền tảng kiến thức chuyên môn về ngành bạn dự định học thật vững chắc và khả năng ngoại ngữ thật tốt. Tùy theo quốc gia bạn dự định du học mà bạn cần một chứng chỉ anh ngữ nào nhưng thường đối với các nước nói tiếng Anh sẽ là:
Để nhập học dự bị đại học, A level hoặc cao đẳng: tương đương IELTS đạt 5.0 hoặc 5.5 trở lên và không môn nào dưới 5.
Để vào thẳng đại học: tương đương IELTS 6.0- 7.0 trở lên và không môn nào dưới 6.
SAT, GRE và GMAT nếu du học US, Canada hoặc MBA ở một số nước.
Nếu quốc gia bạn học không sử dụng Anh ngữ là ngoại ngữ chính thì bạn nên học thêm ngôn ngữ của quốc gia đó.
Lưu ý: Bạn nên dành thời gian thích đáng để chuẩn bị cho du học. Chuẩn bị về ngoại ngữ là lâu dài nhất, cần dành ít nhất là 6 tháng đến 1 năm để học ngoại ngữ trước khi du học, sao cho khi đến nước bạn, chúng ta đã có khả năng giao tiếp tối thiểu.
Ngoài ra bạn cần tìm hiểu về phong tục, văn hóa, địa lý mà quốc gia sắp đến để tránh bị bỡ ngỡ trong quá trình sinh sống và học tập.
Về tài chính
Nếu bạn quyết đinh du học theo diện học bổng thì bạn có thể tìm công việc làm thêm để trang trải tiền sinh hoạt nhưng phải chắc chắn rằng lực học sẽ không bị ảnh hưởng trong suốt quá trình học.
Nếu bạn chọn du học theo dạng tự túc thì bạn nhất định phải có đủ tiền học và tiền ăn ở trong thời gian du học. Cần nhớ rằng tuy một số nước cho phép sinh viên lao động để có thêm thu nhập, nhưng thu nhập từ nguồn này khó đủ để trang trải các chi phí lớn trên. Có một thuận lợi là số tiền học phí không phải nộp một lần cho toàn bộ khoá học mà bạn có thể nộp theo năm hoặc theo kỳ; và tiền sinh hoạt phí thì sinh viên trên 18 tuổi có thể tự quản lý, nên thực ra, chỉ cần bạn có kế hoạch sử dụng hợp lý là ổn.
Kĩ năng mềm
Đây là yếu tố mà khá nhiều bạn thiếu sót trong quá trình chuẩn bị. Nếu có điều kiện bạn nên học thêm những khóa bao gồm máy tính, sử dụng internet và điện thoại, giao tiếp, quản lý thời gian, quản lý công việc, quản lý chi tiêu, đi chợ và nấu ăn, chọn hàng, sinh hoạt/ vệ sinh cá nhân kĩ năng thuyết trình, hoạt động đội nhóm, học nấu ăn và nhất là học tự cắt tóc (vì chi phí này ở nước ngoài khá đắt đỏ).
Về tư tưởng
Cuối cùng, đừng nghĩ rằng du học là hoàn toàn thuận lợi, sung sướng, và nước đến du học là thiên đường hay miền đất hứa. Cuộc sống và học tập ở đâu cũng có những khó khăn riêng. Để tồn tại và thành công, bạn phải biết cách giải quyết các khó khăn đó. Thực tế khi du học, học sinh vất vả hơn so với khi ở nhà với bố mẹ. Bạn sẽ phải tự mình làm lấy từ những việc đơn giản nhất như nấu ăn, giặt đồ đến những việc phức tạp nhất: xử lý các vấn đề về học tập, tâm lý, tình cảm của mình.
Ví dụ:
Làm thế nào nếu hết tiền mà bố mẹ chưa kịp gửi tiền sang và tiền làm thêm thì chưa tới. Bí quyết: “hãy tiết kiệm” khi đang rủng rỉnh.
Nếu vẫn chưa làm quen được với ai và không thể hòa nhập. Bí quyết: chưa phải là ngày tận thế, hầu hết các du học sinh đều trải qua tình trạng này, cứ từ từ làm quen từng người một, chăm chỉ đọc báo, nghe tin tức để có thể trò chuyện thoải mái cùng bạn bè.
Nếu bị trượt một vài môn? Bí quyết: đừng hoảng sợ, hãy bình tĩnh xem xét lại suốt quá trình học xem vì sao lại rớt, có thể thi lại hay học lại bằng cách nào hiệu quả nhất, kiểm tra chi tiết với nhà trường, nói chuyện với Student Advisors.
Hãy nhớ rằng, khi ở nhà bạn được bao bọc bởi bố mẹ, có bố mẹ giúp giải quyết các vướng mắc. Khi du học, bạn phải tự làm lấy mọi chuyện, nhưng thực ra, khi gửi bạn du học, bố mẹ bạn và chính bạn cũng đã tin rằng bạn có thể tự giải quyết các vấn đề của mình rồi. Vì vậy, bạn phải học cách tự giải quyết vấn đề của mình, nếu không hãy chia sẻ với bố mẹ, anh chị hoặc những du học sinh khác vì họ sẽ cho những lời khuyên, cách tháo gỡ các vấn đề hợp lý .
Đông Đức (SSDH) – Theo Kenh14