Sẵn sàng du học – Bất đồng ngôn ngữ để giải thích cho bác sĩ là điều khó nhất khi mẹ Việt sinh con ở Anh quốc, nhưng đừng lo lắng bạn sẽ trang bị được những kiến thức cần thiết qua bài viết này. Ở nơi có dịch vụ chăm sóc y tế tốt hàng đầu thế giới như ở Anh, hãy trải nghiệm điều tuyêt vời này các bạn nhé!
GP: General Practitioner là tên chung của bác sĩ làm việc trong khu vực của mình ở, mình bệnh hay là cấn thai cần tới GP để khám phần đầu, test nước tiểu, làm thủ tục đăng ký sau đó chắc chắn là có thai thì họ sẽ chuyển mình qua cho Midwife.
Midwife: Midwife là tên chung dành cho những những chị chăm coi về hồ sơ mẹ Việt sinh con ở Anh quốc, và thai trước khi sinh; cũng như đỡ đẻ và chăm sóc em bé sau khi sinh ở bên Anh, cũng giống như người ta gọi nurse là tên chung cho các anh chị y tá. Khi mình có bầu thì BS chỉ khám cho lần đầu tiên thôi, sau đó là midwife chăm sóc cho tới khi sinh đó là midwife của BS, còn midwife trên bệnh viện là đỡ đẻ và chăm sóc em bé sau khi sinh. Còn y tá là về thuốc men.
Health Visitor: Không biết dịch là gì nhưng người này sẽ lo cho em bé, khám, cân nặng cho em bé sau khi mình về nhà khoảng 2 tuần cho đến khi em bé 5 tuổi. Trước đó từ lúc mới sinh đến 2 tuần thì đã có Midwife đến nhà chăm sóc rồi.
Khi có thai, đầu tiên mình đến GP kiểm tra, xác định có thai hay không. Ngày có thai ban đầu sẽ được xác định áng chừng theo ngày của kỳ kinh cuối. GP sẽ book cho mình gặp Midwife. Thường là một vài tuần phụ thuộc vào mình có thai bao lâu rồi. Sau khi gặp Midwife, midwife sẽ giao cho mình các giấy tờ có liên quan, tài liệu về thai kỳ, điền form, ký tên cho mình để mình apply for Maternity Exemption Card. (Các bạn đi học bên này cả vợ lẫn chồng đều đi học, hoặc chồng đi học vợ đi theo, có thể không được Maternity Exemption Card vì nó dành cho công dân Anh hay người đó là vợ/ chồng công dân Anh vì vậy các bạn kiểm tra lại với Midwife nhé). Sau đó khoảng 1 tuần mình có thẻ, lúc này khám chữa răng, chữa bệnh..được miễn phí (thẻ có giá trị đến sau ngày dự sinh 1 năm. Trong thẻ có ghi rõ: nếu ngày sinh sau ngày dự sinh thì gửi thư lên cho chỗ cấp thẻ họ cấp thẻ mới, còn nếu sinh trước ngày dự sinh thì cứ dùng không cần thiết phải đổi.). Midwife cũng sẽ đưa mình 1 túi thông tin về các xét nghiệm, yêu cầu mình đi chích ngừa, xét nghiệm máu, nhóm máu. Khi có thai được khoảng 5-6 tháng, thì mình sẽ nhận được 1 túi thông tin và các sản phẩm quảng cáo cho bé.
Sau đó thì chủ yếu mình khám với midwife. Chỉ khi nào đi xét nghiệm, thử máu thì mới phải đến GP. Có midwife làm chung phòng mạch với GP thì họ sẽ làm việc và khám cho mình ngay văn phòng GP làm việc, còn không thì sẽ khám cho mình thường ở Healthy Living Centre or bất cứ Centre nào midwife làm việc. Khoảng 12 tuần midwife book cho mình đi siêu âm ở bệnh viện. Kiểm tra tổng quát em bé đợt 1. Tuỳ từng thai phụ, tình hình em bé, Midwife sẽ gặp mình nhiều hay ít hơn ( nếu thuộc dạng mẹ già con cọc nên phải gặp các chị mifwife í nhiều hơn)
Khoảng 20 tuần sẽ đi siêu âm kiểm tra em bé lần nữa. Lúc này tuỳ từng bệnh viện họ sẽ thông báo giới tính của bé.
24-28 tuần nếu muốn mình đi siêu âm 3D (mình phải trả tiền vì không nằm trong danh mục của NHS). – Khi thai được khoảng 20-24 tuần, Midwife sẽ yêu cầu bạn phải thử máu để kiểm tra về tỷ lệ đường trong máu. Nếu như phát hiện thai phụ bị tiểu đường thai sản thì tuỳ mức độ sẽ áp dụng phương pháp theo dõi và điều trị khác nhau ( uống thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống…). Trong trường hợp này mình sẽ được cấp 1 máy, sổ ghi chép và các dụng cụ đo nồng độ đường trong máu để mình tự kiểm tra và ghi chép tại nhà. Lúc này bên cạnh midwife, bệnh viện nơi dự sinh cũng sẽ khám, siêu âm, tư vấn cho mình, theo dõi về tình hình phát triển của thai nhi..đảm bảo sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Sau khi sinh bé, cứ mỗi năm, người mẹ sẽ phải đi thử máu để kiểm tra lại về tỷ lệ đường trong máu.
Khi thai khoảng >30 tuần, midwife sẽ yêu cầu mình đi siêu âm kiểm tra tổng quát thai nhi, xác định xem thai nhi đã xoay đầu chưa… Nếu như thai nhi hoàn toàn bình thường khỏe mạnh thì có thể sẽ không cần phải đến bệnh viện siêu âm nữa mà chỉ khám và theo dõi ở phòng khám của midwife thôi. Lúc này sẽ khám thường xuyên hơn 2 hoặc 1 tuần 1 lần cho đến lúc sinh. Midwife cũng sẽ bắt đầu dặn dò mình về việc chuẩn bị đồ đi sinh, hoàn tất các thông tin trong hồ sơ khám thai đặc biệt là những yêu cầu của mình lúc đi sinh (ai vào phòng sinh với mình…). Midwife cũng sẽ ký giấy tờ để chồng mình nộp cơ quan để xin nghỉ khi vợ sinh.
Khoảng hơn 30 – 34 tuần midwife book cho mình đi thăm quan ở bệnh viện để mình chọn dịch vụ sinh. Trong quá trình khám thai, tuỳ từng giai đoạn, midwife sẽ yêu cầu mình thử máu và nước tiểu tại GP.
Trong bệnh viện, nếu mẹ lớn tuổi họ sẽ yêu cầu làm test Down Syndrome, nhưng mình có quyền từ chối. Khi từ chối mãi , có khi họ sẽ chuyển qua cho gặp Consultant, và lúc đó Consultant quyết định là sức khỏe mình như thế nào, có cần không, nếu không cần thì họ viết vào hồ sơ và mình chỉ đi khám với Midwife local chứ không phải theo lịch gặp Consultant.
Càng gần ngày sinh thì mỗi một tuần sẽ được gặp Midwife 1 lần để theo dõi nhịp tim của thai, và kiểm ra sức khỏe của mẹ. Trong thời gian bầu bì, nếu theo dõi bào thai không cựa quậy, hay không nghe thấy nhịp tim cứ mạnh dạn phone GP và book để họ kiểm tra cho, không sợ họ phàn nàn gì hết, vì nếu con đầu thì họ sẽ nhẹ nhàng lắm, à mình không biết mình lo, còn đứa thứ 2 thì mình có kinh nghiệm rồi đâu cần phải lo lắng nữa. Trong thai kỳ nếu thấy có gì bất thường thì gọi ngay cho bệnh viện phụ sản mà bạn đăng kí sinh. Nhớ luôn mang theo hồ sơ khám thai mọi lúc mọi nơi trong suốt thai kỳ vì bạn sẽ không biết chuyện sẽ xảy ra.
Khoảng vài tuần trước khi sinh thì 2 vợ chồng sẽ được tham gia 1 khóa hướng dẫn về cách và biện pháp giảm cơn đau khi có các cơn gò. Các lưu ý và việc cần làm vào thời điểm gần sinh và khi đi sinh. Trong hồ sơ khám thai midwife sẽ ghi chú tất cả những diễn biến và những điều cần lưu ý trong thai kỳ của mình, trong đó sẽ có 1 phần yêu cầu 2 vợ chồng, đặc biệt là ghi rõ các yêu cầu khi sinh: chọn phương pháp và loại phòng sinh: sinh thường hay sinh không đau? Sinh tại bệnh viện hay sinh tại nhà? không áp dụng cho sinh con đầu lòng), sinh trong bồn nước, sinh ở phòng sinh bình thường với các trang thiết bị y tế, hay sinh ở phòng sinh ở bệnh viện được trang trí như phòng ngủ ở nhà để các bà mẹ giảm cảm giác căng thẳng; lựa chọn người nhà, bạn bè nào được phép vào phòng sinh với mình; có cho phép sinh viên thực tập vào quan sát quá trình sinh hay không?; có muốn dùng thuốc giảm đau hay không? Ai sẽ là người bế bé đầu tiên? Bé sinh xong có muốn bé được vệ sinh trước khi giao cho mẹ/người nhà bế hay muốn đưa mình bế bé ngay?.. Tất cả thông tin này phải được hoàn tất trước khi sinh để midwife tiện theo dõi.
Khánh Ngọc (SSDH)