Sẵn sàng du học – Cuốn sách mang ý nghĩa truyền năng lượng tích cực đến các bạn trẻ từ diện mạo trẻ trung, nhã nhặn cùng với nội dung mà tác giả gửi gắm.
Như mây thong dong là cuốn sách thứ ba của tác giả trẻ Lưu Đình Long. Trước đó, anh đã ra mắt hai cuốn sách gồm: Lắng nghe hơi thở và Tâm kinh minh thuyết cho mình.
Với 3 phần: Như nói với mình, Nói với người đang yêu và Cuộc sống quanh ta; cuốn sách của Lưu Đình Long tập hợp 66 bài viết, mỗi bài viết đều có dung lượng không dài nhưng ẩn sâu dưới những con chữ dung dị là nhiều thông điệp ý nghĩa, và lời khuyên thiện lành giúp các bạn trẻ biết cách buông bỏ lo lắng, phiền muộn, bất an… để có thể thong dong như những đám mây mà tận hưởng cuộc sống.
Theo tác giả Lưu Đình Long, những điều anh chia sẻ trong cuốn sách này được dựa trên nền tảng quan niệm nhân quả của nhà Phật. Mọi điều tiêu cực hay tích cực đến với mình đều có nhân-duyên-quả cả.
“Vì thế, không cách nào khác, bạn phải nhận diện, chuyển hóa bằng cách đặt nó xuống. Rồi sau đó, bạn phải tâm tình với chính mình bằng sự thật thà nơi trái tim tỉnh thức, để có cái nhìn tươi sáng hơn, tìm ra đường hướng tốt đẹp hơn mà đi. Những bài viết trong cuốn sách này cũng là những suy nghiệm mà chính tôi cũng đang trên bước đường nỗ lực để thực tập, hoàn thiện mình”, tác giả Lưu Đình Long cho biết.
Lựa chọn vị thế như vậy nên những bài viết trong Như mây thong dong trở nên gần gũi, thân tình, giúp bạn đọc dễ dàng đồng cảm hơn. Điều này được thể hiện ngay trong phần đầu – Như nói với mình, với các bài viết ngắn được truyền cảm hứng ngay từ tiêu đề: Rỗng rang để phát ra âm thanh trong trẻo, Sống thật tốt hiện tại của mình, Tư duy tích cực đúng cách, Nhìn bằng đôi mắt thương…Trong cuốn sách của mình, Lưu Đình Long đóng vai trò như một người bạn, người anh đang thủ thỉ tâm tình với bạn đọc về lẽ sống ở đời. Và như Lưu Đình Long tự nhận, đây cũng chính là những lời anh tự nói với chính mình.
Cuộc sống luôn luôn có những điều thuận nghịch, như ý và bất như ý khiến đôi khi ta phải loay hoay để sống vừa lòng mọi người mà thiếu dũng cảm để sống cho mình, dẫu cái cho mình ấy không phải điều xấu xa. Ta phải sống sao đây?
“Tất nhiên, ta cũng cần tùy thuận, thích nghi để hài hòa trong giềng mối quan hệ cộng đồng, nhưng cần phải cân bằng để không đánh mất chính mình. Ta đừng mải chạy theo khen chê của người rồi cứ loay hoay với chuyện sống cho ai đó! Hãy chọn cách sống mà mình thấy thỏa nguyện. Chỉ cần không hại người, hại mình, thì sẽ bình an”.
Yên tâm, rồi mọi chuyện cũng sẽ qua
Phần thứ hai – Nói với người đang yêu, được mở đầu bằng bài viết Yêu thương là môn học mà thường kém điểm, như một cách “nhập môn” giúp bạn đọc biết được “yêu như thế nào, rung cảm ra sao”. Bởi một lẽ: “Học về thương yêu là cách học thương yêu sao cho đúng, để người thương mình cảm nhận được những gì mình làm, mình nghĩ, luôn luôn là dành cho họ. Rồi từ đó mình cũng cảm thấy hạnh phúc khi được trao những điều tốt đẹp cho người mình yêu thương”.
Tuy nhiên, như cách tác giả định nghĩa – Yêu thương là môn học mà thường kém điểm – không ai có thể tự tin nói rằng mình đã yêu thương giỏi, đủ đầy. Bởi con tim và lý trí không phải lúc nào cũng đồng nhất. Đó chính là nguyên cớ của những đổ vỡ, khổ đau, chia lìa; khiến chúng ta bị lạc trôi trong những cảm giác tiêu cực, chưa biết phải vượt qua như thế nào thậm chí chưa biết liệu còn yêu tiếp được nữa hay không?
“Tình yêu cũng vậy thôi, hữu duyên nên trong đời mới gặp nhau, nhưng em phải biết chắc là có thể nó sẽ “chết” vào một thời điểm nào đó, “chết” với ai đó. Cái quan trọng vẫn là mình đã yêu như thế nào. Người ta bảo, hãy sống vui, sống khỏe để thọ mạng dài lâu; thì yêu cũng cần một sự chân thành và chung thủy, lành mạnh – thứ chất liệu để tình yêu lâu bền”.
Gửi những vỡ tan hôm nào
Ở phần thứ ba – Cuộc sống quanh ta, vẫn lối thủ thỉ tâm tình, Lưu Đình Long dẫn dắt bạn đọc cùng suy nghiệm về những vấn đề đã và đang diễn ra trong cuộc sống. 20 bài viết giống như những lát cắt nhỏ nhưng lại bao chứa trong đó những ý nghĩa lớn mà đôi khi chúng ta vô tình bỏ qua. Tác giả bày tỏ: “Chịu khó quan sát thì cuộc sống quanh ta có bao nhiêu bài học giá trị. Mỗi người, mỗi việc đều sẽ dạy cho mình cách ứng xử tốt hơn, tư duy tích cực hơn – dù họ là người tốt hay xấu, dù đó là việc dở hay hay. Chỉ cần mình lắng nghe thiệt sâu sắc!”.
Đơn cử là việc sử dụng Facebook, dù mạng xã hội này đã phổ biến rộng rãi nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng, không phải ai cũng nghĩ đến hệ lụy của việc “muốn làm gì thì làm, muốn bày biện thứ gì thì cứ bày thôi”. Tác giả Lưu Đình Long cảnh báo:
“Đừng quên những điều mình viết và sẻ chia sẽ có những người quan tâm mình đọc, cũng như có những người lạ vô tình ngó nghiêng nhìn thấy và sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến họ. Càng không được quên, những điều mình nghĩ, mình viết và đăng tải cũng sẽ “dội” vào kho tàng tâm thức, tưới tẩm những hạt giống trong mình. Hạt giống nào sẽ nảy nở và sẽ lớn dậy thì tùy vào cách mình hành xử trong cuộc sống cũng như trên từng dòng viết nơi tường nhà”.
“Ngôi nhà” Facebook
Với cuốn sách này, tác giả Lưu Đình Long đã khéo léo vận dụng những giáo lý Phật giáo vào đời sống bằng những bài viết súc tích, dễ hiểu; từ đó giúp bạn đọc được bồi bổ thêm nguồn năng lượng tích cực. Nhờ đó, những điều thiện – lành có cơ hội được nảy sinh và trao truyền.
Tác giả Lưu Đình Long gửi gắm: “Một người bạn của tôi đã nói rằng, mỗi lần viết gì đó, bạn ấy đều nghĩ đó là tặng phẩm dành cho người hữu duyên, để họ và mình cùng thực tập chuyển hóa (thay đổi theo hướng tích cực”. Tôi thấy ý đó hay quá! Từ đó mỗi lần ngồi trước máy vi tính, gõ những con chữ thân quen, tôi luôn đều tâm niệm trước hết là viết cho mình nhưng sau cũng là viết cho những người hữu duyên, có chung những điều bất như ý trong cuộc sống mà lo lắng, phiền muộn, khổ đau… như mình”.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn