SSDH – Du học sinh dù học ở bậc học nào cũng có vô số kỉ niệm và những câu chuyển buồn vui muốn kể. Bạn có chuyện gì, hãy kể cho chúng tôi nghe nhé.
Dưới đây là chuyện của chị Jenny Hoang kể về những gì chị đã trải qua khi du học tại Mỹ những năm trước. SSDH biết rằng vui buồn rồi sẽ qua đi nhưng đó chính là những kỉ niệm khó phai nhất đối với mỗi sinh viên quốc tế.
CHUYỆN THỨ NHẤT:
Cách đây nhiều năm, có một cô bé sang học phổ thông ở Mỹ. Trước khi đi, mẹ cho cô bé 1,000USD dặn dò sang bển thì cân đối chi tiêu. Sang đến nơi, cô bé cẩn thận cất tiền vào một góc khuất trong tủ để tiêu dần dần. Chẳng ngờ đến cuối tháng 10 thì cô bé phát hiện khoản tiền để dành bỗng dưng không cánh mà bay. Kẻ trộm còn “thương tình” để lại 200USD để trông như nó vẫn có tiền. Bé khóc không ra nước mắt, cũng không dám nói với mẹ, nhịn ăn trưa mất nguyên một kỳ học. Đang tuổi ăn tuổi nhớn, nhìn các bạn cũng lớp ăn mà thèm chảy cả nước mắt lẫn nước bọt.
CHUYỆN THỨ HAI:
Cũng vẫn năm đó, đến tháng 12 thì cô bé chuyển nhà. Chả biết dọn đồ thế nào mà con bạn cùng phòng kêu mất cái vòng cổ mẹ nó tặng, la khóc ầm ĩ. Cô bé cũng chẳng để ý, dọn đồ hay lộn xộn mà. Chẳng hiểu thế nào, nó lại tìm thấy cái vòng dở hơi đó trong va li của bé. Bé ức khóc không ra tiếng. Đã bị ăn cắp tiền, giờ còn bị vu cho là ăn cắp. Bé khóc, khóc mãi. Thằng bạn người Đức phòng bên cạnh mới ra bảo: “Tao tin mày. Mày nợ tao một đồng 25 xu còn trả, mày không có tính đó.” Bé nuốt nước mắt sống tiếp. Quả đắng đầu đời này bé không những phải nuốt mà còn phải nuốt cho trôi. Cũng là lần đầu tiên bé học được người Mỹ không phải ai cũng tốt.
CHUYỆN THỨ BA:
Sinh nhật bé, mẹ gọi điện. Bé khóc như mưa, bé nhớ mẹ. Thằng người Đức thấy khóc lại hỏi: “Mày làm sao thế?” Bé trả lời “Tao nhớ nhà, nhớ mẹ.” Thằng người Đức phang cho một câu: “Mày bị thần kinh à?” Thế rồi bé nhận ra dù người ta có tốt, người ta vẫn không phải là Bụt và văn hóa của người ta cũng khác mình. Sau này lớn, có nhớ nhà bé cũng chỉ tâm sự với người Việt hoặc các bạn tàu, ít ra các bạn ấy còn thông cảm.
CHUYỆN THỨ TƯ:
Bé tập thể thao ở trường, phải chạy bộ hơn chục dặm. Bé chạy chậm lắm, đã thế lại thở không ra hơi, mấy lần đều bỏ cuộc. Các bạn vì thế không thèm chơi với bé nữa. Rồi bé cũng lấy lý do thể chất này kia, nhưng dần dà chán chả ai thèm nói chuyện. Về sau bé quyết tâm không bỏ cuộc nữa, chạy cùng với các bạn lên nhà thờ. Ban đầu cứ chạy đi một mình, về một mình. Thế rồi tự nhiên phát hiện hôm nào cũng có 1 bạn chạy sau mình: “Cố lên Jenny, chỉ còn một vài trăm thước (yard) nữa thôi.” Cuối cùng phát hiện ra, các bạn Mỹ bàn nhau mỗi hôm sẽ có một đứa chạy chậm để đi cùng mình, nhỡ may mình mệt quá ngất ra đấy. Kết luận lại, Mỹ thực ra cũng nhiều người tốt và chỉ cần mình không bỏ cuộc, sẽ có rất nhiều người giúp mình.
CHUYỆN THỨ NĂM:
Hết học kỳ, trường tổ chức cho đội điểm cao đi nghỉ trượt tuyết, bé cũng được đi. Bé thích lắm nhưng bé không biết trượt tuyết. Hơn nữa, trên xe ngoài bé ra, toàn Mỹ là Mỹ, các bạn cười đùa nhưng bé nghe không hiểu nên rén, không dám thổ lộ nhiều, chỉ chăm chú ngồi nghe. Tự dưng thằng bạn hỏi: “Mày biết trượt tuyết không?” Bé bảo không. Xong nó gào ầm ĩ, này chúng mày Jenny không biết trượt tuyết. Cả xe quay ra hỏi han bé, bảo hôm nay sẽ dạy bé làm snow angel, rồi bắt bé kể chuyện “không có tuyết ở Việt Nam.” Hôm đó, lần đầu tiên bé ý thức được nếu nói ra “vấn đề” của mình, rất nhiều người xung quanh sẽ tự nguyện giúp đỡ.
CHUYỆN THỨ SÁU:
Giờ ăn trưa đói bụng, không biết làm gì. Bé trốn trong nhà vệ sinh, mở máy tính lên nói chuyện với mẹ. Vì bé cũng nhớ mẹ, mẹ cũng nhớ bé. Tự dưng nhà vệ sinh có tiếng nói cười, bé cố gắng im re, co chân lên để trốn. Sau bị con bạn nó trêu, tao biết mày trốn trong đó, nên cố tình vào trêu mày ai ngờ mày còn trốn kỹ hơn. Túm lại nó muốn mình ra ngoài nói chuyện nhiều hơn.
CHUYỆN THỨ BẢY:
Không ăn trưa quả thực rất thiệt thòi, giờ chúng nó nói chuyện với nhau nhiều nhất là giờ ăn hoặc giờ thể thao, còn lại cũng chỉ là học và học. Nên vì mình không ăn trưa, cơ hội nói chuyện cũng không nhiều. Đó là lần đầu tiên bé hiểu rằng tác hại của việc không ăn trưa không chỉ là cái bụng đói mà có khi còn bị cả trường kỳ thị.
CHUYỆN THỨ TÁM:
Không ăn trưa thì bé lại tập thể thao vậy, nhưng sức bé dù trâu mấy, so với Mỹ vẫn là con ruồi nên tập một tí là bé mệt. Tuy nhiên bé phát hiện bé có thể giúp bọn trong đội bóng làm bài tập về nhà, không phải làm hộ mà là hướng dẫn cho chúng nó. Dần dần khả năng giao tiếp cũng lên, và rồi cũng hay đi chơi cùng chúng nó. Bé kết luận cuộc sống Mỹ là “a favor for a favor” mình giúp người người ta sẽ chào đón mình hơn, giúp mình bước ra khỏi vỏ ốc của mình.
CHUYỆN THỨ CHÍN:
Bé quyết định ăn trưa, ngồi chung bàn với bọn năm cuối, toàn kể chuyện phong tục Việt Nam, chúng nó thích lắm. Bé phát hiện, kể chuyện càng kinh dị, càng lạ thì bọn Mỹ càng khoái nghe mà mắt chữ O mồm chữ A hết cả. Nên bé cũng tích cực đọc chuyện để còn kể.
CHUYỆN THỨ MƯỜI:
Thằng bạn bé ở Anh cãi nhau với em người yêu ở Việt Nam, bắt mình ở Mỹ giảng hòa. Hô hô, đời nhiều việc hay ho.
CHUYỆN THỨ MƯỜI MỘT:
Ngày xuân nhẹ nhàng, cũng cái thằng bạn ấy để status buồn, bé lại nhảy vô hỏi thăm, xem chuyện gì vậy. Nó bảo bé đợi tí nó gửi cho cái này. Nó gửi cho bé bài “Hướng về Hà Nội,” cứ gì mà đường phố rực rỡ cờ hoa còn bé thì lại ở giữa đồng không mông quạnh. Kết quả bé ngồi khóc tu tu.
CHUYỆN THỨ MƯỜI HAI:
Ngày cuối cùng của thời phổ thông, bé đi cắm trại với bạn trên sân bóng của trường. Trời vẫn còn lạnh, lạnh lắm. Cả lũ đốt lửa trại ngồi quay quần hỏi nhau kế hoạch tương lai. Đứa bảo sẽ đi học thuộc da thú, sau này mở cửa hàng bán đồ da thú. Đứa bảo sẽ đi học nghề thú y, rồi về đi làm cho trại bảo vệ thiên nhiên. Đứa kêu sẽ đi du lịch, rồi về học phóng viên, làm cho National Geographic. Mấy bạn không có kế hoạch gì ngồi túm tụm một góc, mặt ai cũng lo lắng về tương lai. Bé hiểu ra một chuyện: “Sống ở Mỹ, nhất định phải có kế hoạch dài hạn cho mình.”
Trời lạnh quá, lửa đốt không đủ ấm, bé với con bạn thân ra nằm trên đệm nhảy sào ngắm sao. Bé lắc đầu bảo tao quả thực không biết sau này sẽ làm gì. Bạn nhìn bé: “Cố lên. Mày nhất định sẽ tìm ra. Mày giỏi như vậy, đừng sống không có mục đích.”
Nói đến đó thì tự dưng thấy sân bóng bầu dục sáng choang. Bọn con trai đem hết xe tải của chúng nó quây kín sân, mở đèn pha chơi bóng bầu dục. Mặc kệ ngày mai tương lai có bất định, hôm nay cũng phải chơi đã.
Cuối buổi, cả lũ mệt phờ chui hết vào trong phòng vệ sinh nữ (duy nhất còn mở) của trường trải chăn ra chơi UNO. Thời phổ thông của bé kết thúc như thế đấy. Bé nhất định nhất định phải có kế hoạch dài hạn cho mình.
Sau đó 10 năm, cô bé cuối cùng cũng được thông báo về người đã lấy cắp tiền của mình, thậm chí có cả băng quay cảnh trộm tiền luôn. Thật chỉ muốn nhoẻn miệng cười.
SSDH Team