Sẵn sàng du học – Đặc quyền tối thượng của một đứa cháu là biết có ai đó luôn ở bên, kể cả khi chúng sai, kể cả khi chúng khác biệt. Ít ra thì cuốn 'Bà ngọai tôi gửi lời xin lỗi' nói vậy.
Elsa không phóng ra băng tuyết. Elsa cũng không phải là nữ hoàng của vương quốc xa xôi nào cả. Elsa chỉ là một cô bé 7 tuổi, nhưng lại là cô-bé-7-tuổi-già-trước-tuổi.
Bà ngoại không sống trong viện dưỡng lão. Bà ngoại cũng không rành mấy thứ gọi là Wikipedia. Bà ngoại chỉ là một bà cụ 77 tuổi, nhưng lại là bà-cụ-77-tuổi-trẻ-hơn-tuổi.
Ban ngày, bà ngoại đưa đón Elsa dến trường, cùng cô bé tham gia vào những cuộc phiêu lưu kỳ lạ như trèo qua hàng rào để đột nhập vào sở thú, nhét những tờ báo miễn phí chật cứng trong thang máy, làm phiền những người hàng xóm bằng cách bắn sơn và treo pizza trước cửa nhà họ.
Ban đêm, hai bà cháu chìm đắm trong xứ sở Mơ-màng-ngủ, nơi những câu chuyện cổ tích làu thứ nuôi sống tất cả các giống loài sinh sống ở 6 vương quốc kỳ diệu trong xứ sở ấy.
Bà kể cho Elsa nghe về loài linh sói, về thiên thần biển, những con rồng, quái vật, bóng đêm, về “cô gái luôn nói không”, về người anh hùng Tim Sói,… Elsa chỉ ước bà ngoại sẽ mãi bên cô bé. Vì bà là siêu anh hùng của Elsa. Và mọi đứa trẻ lên bảy đều cần có một siêu anh hùng ở bên cạnh.
Nhưng Elsa đã học được qua Wikipedia và tất cả “văn chương có chất lượng” rằng con người không có ai hoàn hảo, kể cả siêu anh hùng. Người ta có thể yêu quý ai đó suốt nhiều năm trời mà chẳng biết gì về họ hết.
Thực hiện lời hứa cuối cùng của bà ngoại là sẽ chuyển những bức thư có chứa lời xin lỗi đến với tất cả những người bà quan tâm, Elsa lao vào một cuộc hành trình đầy ma mị và nghẹt thở, để rồi mãi chờ đợi bức thư xin lỗi dành cho chính mình.
Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi không phải là truyện cổ tích dành cho người lớn, nó là truyện cổ tích dành cho những người từng là trẻ con. Những câu chuyện thần tiên của bà ngoại trở nên thật hơn bao giờ hết bởi đó chính là sự kiện thật xảy ra xung quanh bà. Một cô bé 7 tuổi có lẽ phải mất nhiều năm mới hiểu được.
Nhưng đừng quên Elsa không phải là một cô bé bình thường. Làm gì có đứa trẻ 7 tuổi nào có thể thuộc làu làu từng chi tiết trong Harry Potter, hay biết được cách tra Wikipedia với mỗi từ khó người lớn nói. Và quan trọng hơn, không có đứa trẻ nào chịu lắng nghe và tin vào câu chuyện thần tiên của người già như Elsa cả.
Đọc cuốn sách, ta dường như hiểu được một sự thật quan trọng mà nhà văn Fredrik Backman muốn gửi gắm. Bà ngoại vốn không phải là một người kỳ quặc và lạ thường.
Chính bà đã trở nên kỳ quặc và lạ thường để có thể hòa hợp với cô cháu gái. Bà nhắc nhở Elsa luôn giữ trong mình sự khác biệt và đừng để cho ai phải nhắc cô bé không được khác biệt. Vì chẳng có người tầm thường nào có thể thay đổi thế giới cả.
Mỗi linh hồn chết đi nhường lại sự sống cho một sinh linh nhỏ bé mới. Còn những câu chuyện cổ tích thì vẫn còn sống mãi nếu như vẫn có người kể lại và có người lắng nghe chúng.
Bà ngoại không được dạy làm thế nào để không kể các câu chuyện, Elsa không được dạy làm thế nào để không nghe, còn chúng ta có lẽ không ai được dạy làm thế nào để không mỉm cười trước một cuốn sách đáng yêu như Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi.
Fredrik Backman là blogger, nhà báo, nhà văn người Thụy Điển với các tác phẩm nổi tiếng đã được được dịch ra hơn 40 thứ tiếng như Người đàn ông mang tên Ove, Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi, Britt-Marie đã ở đây.
Năm 2017, tác phẩm mới nhất của Backman mang tên Beartown lọt top 10 cuốn sách hay nhất của năm do Amazon bình chọn.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing