SSDH – Là một trong những giảng viên trẻ nhất Học Viện Ngoại giao, Nguyễn Đăng Tiến (sinh năm 1991) còn được sinh viên biết đến là thầy giáo đa tài có khả năng chơi 6 loại nhạc cụ.
Thầy giáo đa tài
Dù không phải con nhà nòi nhưng gia đình ai cũng có “máu nghệ sĩ”, bố mẹ đều hát rất hay và chơi được nhiều loại nhạc cụ, vì vậy ngay từ nhỏ Tiến đã được tiếp xúc với âm nhạc.
Bắt đầu học piano từ năm lên 4 tuổi và gắn bó trong suốt khoảng thời gian cấp một, lớn hơn, chàng trai này học thêm violin, guitar, flute, keyboard, trống.
Thầy giáo 9X đa tài Nguyễn Đăng Tiến.
Yêu thích violin sau khi nghe tổ khúc Bốn mùa của nhà soạn nhạc Antonio Vivaldi, nhưng một năm sau cậu mới dành dụm đủ tiền để sở hữu một cây đàn riêng và chính thức bắt tay vào việc học. Sau 7 năm gắn bó, violin không chỉ là một loại nhạc cụ mà đã trở thành người bạn, có tâm hồn.Lớp 10, Tiến bắt đầu làm quen với violin, loại nhạc cụ khó chơi nhất trong bộ đàn dây. Tìm đến nhạc cụ này khá muộn nhưng đây là thứ thách và niềm đam mê lớn nhất của thầy giáo này.
Để tiếp tục truyền cảm hứng và niềm đam mê của mình đến các bạn trẻ, chàng trai này còn mở lớp dạy violin miễn phí và được rất nhiều sinh viên trong trường hưởng ứng.
Ngoài công việc tại trường, thầy giáo 9X còn cùng các bạn sinh viên thành lập ban nhạc để biểu diễn trong các chương trình văn nghệ.
Bên cạnh khả năng chơi 6 loại nhạc cụ, chàng trai này còn là một vũ công có tiếng từ cấp ba. Khi còn là học sinh trường THPT Trần Phú, cậu đã cùng các bạn lập nhóm nhảy bboy và đạt được khá nhiều giải thưởng.
Để rèn luyện sức khỏe, ngay từ năm lớp 6, Tiến bắt đầu đến các võ đường Taekwondo và từng đạt huy chương đồng giải đấu cấp quận Hai Bà Trung. Gần đây, 9X này còn tập thêm Vịnh xuân quyền bởi cho rằng môn võ này có tính ứng dụng rất cao. Không chỉ tự tin có thể bảo vệ mình, thầy giáo này còn nói vui: “Gặp bạn nào bị bắt nạt trên đường, kể cả con trai mình cũng nhảy vào cứu”.
Nguyễn Đăng Tiến còn được mọi người biết đến là một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi. Năm thứ nhất, chỉ với chiếc máy kỹ thuật số đơn giản, 9X này đã lang thang khắp mọi nơi để chụp ảnh. Chính thức cầm máy chuyên nghiệp được 2 năm, nhưng chàng trai này hy vọng sẽ có bức ảnh ưng ý để gửi thi giải thưởng quốc tế. Vì vậy, xây dựng một studio cho riêng mình chính là niềm đam mê mà thầy giáo này chắc chắn sẽ thực hiện.
Chàng trai gặp nhiều thất bại
Bên cạnh những thành công, Tiến tự nhận mình gặp rất nhiều thất bại, nhưng điều đó chưa bao giờ làm cho chàng trai này bỏ cuộc.
Tiến kể: “Thời gian đầu học đàn violin mìn gặp rất nhiều khó khăn. Lúc ấy, bố thường chê mình chơi như tiếng mèo kêu. Ba, bốn tháng sau mình mới bập bẹ đánh được bản nhạc đầu tiên, đến nay sau hơn 7 năm chơi đàn vẫn thấy mình chơi chưa giỏi cần phải cố gắng”.
Không nản chí, trong vòng 10 ngày trước khi diễn ra kỳ thi đại học khối D, Tiến tập trung ôn hai môn Văn, tiếng Anh. Suốt thời gian đó, mỗi ngày cậu chỉ ngủ 3-4 tiếng. Với quyết tâm của bản thân, Billy vừa đủ điểm đỗ vào khoa tiếng Anh của HV Ngoại giao.Một kỷ niệm mà thầy giáo này không thể nào quên đó là từng khóc vì thi trượt đại học: “Là học sinh khối A, suốt ba năm chỉ học Toán, Lý Hóa để tập trung ôn thi vào ĐH Thương mại, nhưng sau buổi thi đầu tiên mình đã khóc vì không làm bài được và biết chắc sẽ trượt”.
Để lại nhiều vết tích nhất trên cơ thể chàng trai này chính là khi tham gia nhóm nhảy Bboy. Tiến nhớ lại: “Một lần khi đang tập động tác khó, mình đã bị đập đầu xuống đất. Được bạn bè nhanh chóng đưa vào viện, bác sĩ chuẩn đoán mình bị chấn động não nhẹ. Kể từ đó, mình không thể tiếp tục nhảy thường xuyên và chỉ tham gia với những bài đơn giản”. Thay vào đó, chàng trai này dành thời gian nhiều hơn cho âm nhạc và công việc học tập.
Để có được như ngày hôm nay, Nguyễn Đăng Tiến cho rằng mình là người thích nghi và xoay sở tốt.
Không cần điểm danh, sinh viên vẫn đến lớp
Chia sẻ lý do đến với nghề giáo, Tiến cho biết đó là cái duyên mà chàng trai này không ngờ tới: “Cách đây hơn một năm vào đúng ngày 20/11, khi đó là sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp nhưng mình vẫn đang băn khoăn chưa biết làm gì thì được nghe các thầy cô trong khoa thông báo mong muốn các sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục ở lại cống hiến.
Cũng trong ngày hôm đó, các bạn sinh viên của lớp violn đã tặng mình một bó hoa rất to. Đây là lần đầu tiên mình cảm nhận được niềm vui sướng khi được trở thành giáo viên và quyết định sẽ ở lại trường”.
Thầy giáo trẻ tự nhận mình là người có nhiều thất bại.
Tự nhận mình khá hiền với sinh viên nên Tiến thường không đặt nặng việc điểm danh hàng ngày, nhưng mỗi giờ học của thầy giáo trẻ vẫn đông đủ học trò.Chỉ hơn học trò vài tuổi nên thầy giáo này thú thật vẫn bị các bạn trêu đùa, thậm chí còn bị nhầm là sinh viên năm nhất. Nhưng trong giờ học của Tiến, sinh viên vẫn rất nghiêm túc. Thầy giáo này cũng khá gần gũi thân thiện với sinh viên nên ngoài giờ lên lớp, khi sinh hoạt trong các câu lạc bộ, nhiều bạn vẫn gọi bằng anh.
Mỗi khi kết thúc môn học để hiểu hơn về học trò, thầy giáo 9X thường đưa ra bảng hỏi để sinh viên chia sẻ về cách giảng dạy cũng như những điều chưa tốt mà mình cần thay đổi. Những chia sẻ của các học trò đã khiến Tiến nhớ mãi.
Tiến chia sẻ: “Buổi dạy đầu tiên do thương học trò nên mình đã tự đi lấy dụng cụ học tập, nhưng các sinh viên lại rất băn khoăn vì nghĩ mình dỗi. Hay nhiều bạn tâm sự dù thầy không nặng nề việc điểm danh, nhưng vẫn muốn đến lớp vì thầy xì tin, buổi học rất thoải mái”.
Dù tình cờ đến với nghề giáo, nhưng Nguyễn Đăng Tiến lại nhận ra rằng đây là đam mê, sự nghiệp của cuộc đời mình.“Nghề giáo khó nhưng rất hay, đứng trên lớp luôn là điều thú vị với mình”, Tiến tâm sự.
Hiện tại, công việc chiếm nhiều thời gian nhất với chàng trai này chính là dạy học. Mỗi bài giảng Tiến phải mất một tuần để chuẩn bị từ việc lên ý tưởng, tìm tài liệu, phân tích và soạn giáo án. Theo Tiến, giáo viên không chỉ cung cấp kiến thức mà còn phải làm cho sinh viên thích học.
Mặc dù “thu nhập hiện tại chỉ đủ tiền đổ xăng”, nhưng thầy giáo trẻ vẫn quyết tâm theo đuổi nghề bởi: “Trong suốt những năm học, mình được gặp rất nhiều cô giáo giỏi. Các cô chính người đã tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mình. Vì vậy, khi có cơ hội được bén duyên với nghề giáo mình đã quyết định mà không cần suy nghĩ”.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Tri Thức Trẻ