Thích nghi trong môi trường đa văn hóa khi đi du học

0

SSDH – Một trong những điều giúp mình tối đa được lợi thế khi học ở nước ngoài là kỹ năng thích nghi trong môi trường đa văn hóa, để hành trình “du” và “học” cũng trở nên thú vị và đáng giá hơn rất nhiều. Những điều mình chuẩn bị chia sẻ hoàn toàn mang tính cá nhân, thế nên mình rất sẵn lòng nếu bất cứ ai có thêm góc nhìn khác để những bạn chuẩn bị rời Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhất.

Xem thêm

Trải nghiệm du học Thụy Điển

Trải nghiệm du học Na Uy

7 tháng rời Việt Nam, học tập tại 2 đất nước Bắc Âu khiến cảm giác bỡ ngỡ và khó tin rằng mình đang cách “nhà” gần 8000km không còn rõ ràng nữa. Từng ấy thời gian với những trải nghiệm tưởng như bằng cả 7 năm kể từ ngày mình bắt đầu học Đại học đến lúc gói hành lý đến Phần Lan. Một trong những điều giúp mình tối đa được lợi thế khi học ở nước ngoài là kỹ năng thích nghi trong môi trường đa văn hóa, để hành trình “du” và “học” cũng trở nên thú vị và đáng giá hơn rất nhiều. Những điều mình chuẩn bị chia sẻ hoàn toàn mang tính cá nhân, thế nên mình rất sẵn lòng nếu bất cứ ai có thêm góc nhìn khác để những bạn chuẩn bị rời Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhất.
1. Tự lập để trưởng thành
Kể từ lúc đi học Đại học năm 2015 đến khi đặt chân đến Phần Lan cho kì học đầu tiên, mình đã có một khoảng thời gian khá dài để sống tự lập, thoát ly với gia đình. Có công việc dạy thêm, kiếm tiền để tự chi trả sinh hoạt phí, tự mình quyết định các vấn đề lớn nhỏ trong suốt quãng thời gian học Đại học giúp mình dạn dĩ và tích lũy được những kinh nghiệm sống nhất định. Nhờ vậy nên lúc sang một đất nước khác để học tập, mình cũng ít cảm thấy bỡ ngỡ hơn rất nhiều. Sống tự lập giúp mình rèn luyện được tính trách nhiệm, trách nhiệm với bản thân khi không có sự bao bọc từ phía gia đình, trách nhiệm với việc học tập cá nhân, với công việc chung với những người khác.
2. Đừng để ngôn ngữ trở thành rào cản
Hầu hết các chương trình học ở châu Âu, Mỹ thậm chí là các quốc gia châu Á như Hàn hoặc Nhật hiện tại đều đã yêu cầu sinh viên phải có chứng chỉ tiếng Anh để đủ điều kiện học tập. Thế nhưng với một quốc gia nơi tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính thì 6.5 hay 7.0 IELTS (kì thi rất nặng về format), vẫn là chưa đủ để sinh viên tự tin hòa nhập trong môi trường cần khả năng ngôn ngữ thực tế. Việc rèn luyện tiếng Anh (hay bất kì ngôn ngữ khác) trước khi đi du học thực sự nên được đầu tư để không chỉ việc học tập mà còn sinh hoạt, hòa nhập với những người khác trở nên ít khó khăn hơn.
Mình thi IELTS tháng 10/2021, nộp học bổng cuối năm 2022 và có kết quả vào tháng 3/2022. Trong thời gian chờ bay, mình đã tham gia rất nhiều câu lạc bộ tiếng Anh ở Hà Nội để vừa rèn luyện sự tự tin, vừa học thêm tiếng Anh trước khi thực sự đi du học.
3. Không ai bắt bạn phải hòa nhập nếu bạn không muốn
Mình từng là kiểu người sống khá khép kín, thậm chí là hơi nhát, mình ngại bắt chuyện với người lạ, ngại đến chỗ đông người, không dám thể hiện bản thân. Thế nhưng đến một ngày mình nhận ra nếu cứ giữ khư khư cái tôi thì chẳng có ai sẵn sàng kết nối với mình cả. Việc cởi mở để tiếp nhận những điều mới ở một văn hóa hoàn toàn khác với Việt Nam chắc chắn sẽ hơi khó khăn lúc đầu, nhưng với tâm thế dám thay đổi mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
4. Hòa nhập nhưng đừng đánh mất bản thân
Hồi mới sang Phần Lan, bạn mình rủ đi đến mấy quán bar khá thường xuyên. Mình thì hơi khép kín, ở Việt Nam thậm chí chẳng bao giờ đến mấy quán bar quán rượu nên rất ngại. Không muốn mọi người để ý nên mình cũng gượng gạo tham gia, nhưng lại cảm thấy bất an vô cùng. Sau này mình nhận ra việc làm hài lòng người khác để hòa nhập trong khi bản thân không cảm thấy thoải mái thực sự không hợp lý chút nào. Mình chọn cách nói cho bạn bè, chấp nhận làm một “corner boy” – ngồi một góc quan sát mọi người tận hưởng trong khi bản thân vẫn cảm thấy được là chính mình.
5. Đừng bao giờ đi ăn/ chơi một mình
Kinh nghiệm cá nhân của mình để việc làm quen với môi trường mới trở nên dễ dàng hơn là đi tìm “cạ”. Mình rất nhanh chóng hòa nhập cùng một nhóm bạn đến từ 5 quốc gia khác nhau (Tây Ban Nha, Philipines, Mexico, Nigeria, Colombia và Việt Nam chính là mình). Chúng mình luôn tham gia các hoạt động cùng nhau, học chung nhóm và nói chuyện trên trời dưới biển lúc có thời gian rảnh. Để có thể hòa nhập được, mình đã chọn cởi mở, hiểu bản thân có gì để thu hút những người “cùng tần số”, mình sẵn sàng giúp mọi người, mời các bạn ăn đồ Việt Nam,… không khó để nghĩ ra rất nhiều cách khác nhau để trở nên thân thiết. Tất nhiên, hiểu và tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo là điều cần nhớ để những mối quan hệ đa quốc gia không bao giờ bớt thú vị.
Mình rất khuyến khích những bạn sắp đi học ở bất cứ quốc gia nào, nên tìm hiểu những hoạt động giải trí phổ biến ở đó. Ví dụ sinh viên thường xem phim gì, nghe loại nhạc nào, chơi boardgame gì,… sẽ giúp các bạn rất rất nhiều để không bị lạc quẻ trong cuộc hội thoại với bạn bè.
SSDH (tác giá Nhất Hoàng)
Share.

Leave A Reply