SSDH – Nhiều kinh nghiệm quý giá trong lĩnh vực kìm kiếm học bổng du học được những gương mặt đã và đang du học tại Mỹ chia sẻ.
Các diễn giả tham gia tọa đàm
Vừa qua, tại Hà Nội, tọa đàm “Tôi đã du học Mỹ như thế nào?” do chiến dịch “Tử tế là” phối hợp cùng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế & Môi trường ISEE tổ chức, khách mời là những gương mặt đã và đang du học tại Mỹ: Minh Bùi – người vừa hoàn thành khóa học MBA ở Đại học Harvard, Nguyễn Khắc Nhật Minh, cử nhân Toán cao cấp ĐH Princeton; Dẫn chương trình: anh Lê Quang Bình cũng là cựu sinh viên ĐH Princeton.
Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm du học Mỹ từ viết hồ sơ, xin học bổng, chọn trường đến quá trình học tập và sinh sống trên đất Mỹ.
Không “công thức hóa” bài luận
Ngoài bảng điểm, các loại bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận, chứng chỉ … bài luận là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của việc xin học bổng. Đó là nơi chiều sâu tính cách, tiềm năng, tố chất không chỉ trong việc học được thể hiện để mỗi người khẳng định mình là ứng viên thích hợp. Các diễn giả tham gia tọa đàm chia sẻ bí quyết viết luận của bản thân.
Bài luận Bùi Minh viết gửi Đại học Havard là sự thành thật về những khó khăn phải đối mặt. Anh phân vân không biết nên lựa chọn theo đuổi lĩnh vực nào. Yêu thích công việc kinh doanh, nhưng sự quan tâm đến truyền thông của anh cũng rất lớn. “Thậm chí, có lúc tôi muốn bỏ tất cả, cả kinh doanh, cả truyền thông để đi làm cho một tập đoàn đa quốc gia rồi tháng tháng nhận mức lương nhiều người mơ ước”, Bùi Minh chia sẻ. Bài luận kể về sự mâu thuẫn trên đã giúp anh làm bật được khát vọng cầu toàn, nỗ lực hoàn thiện bản thân.
Nguyễn Khắc Nhật Minh từng “đau đầu” khi tìm câu chuyện đại diện cho chính mình trong bài luận. Minh kể: “Sau rất nhiều căng thẳng, một buổi tối, mình ngồi thư giãn, thả lỏng tâm hồn. Mình thảnh thơi nghĩ về nhiều chuyện. Lúc ấy, mình nhận ra sự xấu xí của nhiều người trong cuộc sống là do họ chịu quá nhiều đau khổ. Khi phải sống cùng đau khổ, phần tốt đẹp của con người bị khuất lấp”. Chàng trai 16 tuổi trường Ams viết luận bằng những trăn trở, ưu tư rất người lớn này.
Nhật Minh cho rằng sự thất bại của nhiều bạn trong viết luận xin học bổng là mặc định việc viết cần một công thức và định kiến giá trị bản thân là sự liệt kê thành tích, chứng chỉ, điểm số. Sự chân thành xuất phát từ trải nghiệm thực đủ làm nên khác biệt và tạo ấn tượng trong hàng chục ngàn hồ sơ các trường bên Mỹ nhận được hàng năm.
Trước khi gửi hồ sơ xin học bổng Fullbright, du học ở ĐH Princeton, anh Lê Quang Bình, viện trưởng viện ISSE có nhiều năm làm việc cho các tổ chức phi chính phủ. Kinh nghiệm thưc tế cùng với hoài bão bản thân khiến anh luôn ấp ủ thành lập một viện nghiên cứu độc lập, phản biện lại những bất cập, chưa hợp lí trong các chính sách nhà nước ban hành, góp phần hoàn thiện chính sách để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Câu chuyện cá nhân đó được anh ghi vào bài luận xin học bổng sang Mỹ.
Quyết định thời điểm du học
Trả lời câu hỏi của một bạn trẻ tham gia tọa đàm: “Thời điểm nào du học là hợp lí?” Các diễn giả cùng chung đáp số.
Khán giả tham gia tọa đàm “Tôi du học Mỹ như thế nào?”.
Minh Bùi cho biết, ngay từ lúc học đại học ở Úc, anh đã có ước mơ học MBA bên Mỹ: “Học xong đại học ở Úc, tôi sang Singapore làm việc. Khi mới sang, mọi thứ ở đảo quốc sư tử quá mới mẻ khiến tôi choáng ngợp. Tôi học được rất nhiều thứ, trải nghiệm rất nhiều điều và cảm nhận sự trưởng thành của bản thân khi làm việc ở đây.
Sau 2 năm làm việc ở Sing, tôi nhận ra mình chững lại, không học hỏi thêm được nhiều điều, không phát triển được bản thân. Tôi quyết định về Việt Nam khởi nghiệp với tâm niệm phải làm cái gì mới mẻ và khác biệt so với những thử thách đã trải qua trước đó. Tôi sáng lập thương hiệu bánh dount và café DOCO. Công việc thuận lợi, nhiều cửa hàng được mở thêm. Nhưng sau 2 năm, tôi nhận ra mình lại đang chững lại dù công việc vẫn đang phát triển. Mọi thứ lặp lại, vẫn công việc đó, vẫn những quy trình quen thuộc. Tôi thấy bức bối và muốn thay đổi bản thân. Tôi quyết định du học”.
Cùng chung thông điệp, anh Lê Quang Bình chia sẻ về quyết định đi du học của mình. Sau nhiều năm làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, anh bắt đầu thấy nhàm chán. Công việc không có gì mới mẻ ngoài việc thay đổi từ dự án này sang dự án khác. “Điều quan trọng là việc mình làm còn thú vị hay không, việc mình làm còn bắt mình suy nghĩ, tìm hiểu hay không. Không thể làm việc như một cái máy tự động được lập trình bởi thói quen”. Chính thời điểm đó, anh quyết định đi du học.
Nguồn: Tấm gương