Tư vấn đại học: Cuộc đua đắt đỏ và thế giới của người giàu tại Mỹ

0

Sẵn sàng du học – Sức mạnh của đồng tiền trong việc thi tuyển vào các trường tốt tại Mỹ đang bị lên án là đào sâu sự bất bình đẳng, đặc biệt sau bê bối can thiệp thi tuyển gần đây. Với khoản tiền gần 1,5 triệu USD, các bậc phụ huynh tại Mỹ có thể mua trọn gói khóa tư vấn thi tuyển đại học kéo dài 5 năm từ công ty tên Ivy Coach ở New York.

SAT

Gói dịch vụ hợp pháp này bắt đầu rèn thí sinh từ năm lớp 8, định hướng chọn những lớp và hoạt động ngoại khóa nào giúp các em trở nên nổi bật nhất giữa những người bạn đồng trang lứa. Sau đó, những học viên sẽ được huấn luyện kỹ lưỡng cách vượt qua các bài kiểm tra SAT hoặc ACT, các bài luận thi tuyển vào những trường đại học nổi tiếng.

"Điều này có bất công hay không? Có tạo nên đặc quyền mà chỉ người có tiền được hưởng? Đúng là vậy. Nhưng đó là cách thế với vận hành", Brian Tayor, giám đốc điều hành của Ivy Coach trả lời New York Times.

"Miền Tây hoang dã"

Vụ gian lận thi tuyển vào những trường đại học nổi tiếng như Yale, Havard được các công tố viên liên bang phanh phui vừa qua vẫn chưa đến hồi kết. Các bậc phụ huynh giàu có bị cáo buộc trong vụ án dần đầu thú với cơ quan chức năng. Nhiều trường như UCLA và USC đã khẳng định sẽ trừng trị mọi nhân vật có liên quan đến nghi án gian lận này.

Các trường trên đều có huấn luyện viên thể dục được nêu tên trong cáo trạng. Vụ án đã phơi bày những hoạt động gian lận thi tuyển mờ ám tồn tại trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, nếu có đủ tiền, nhiều bậc phụ huynh tại Mỹ vẫn có thể qua mặt quá trình thi tuyển của các trường đại học nổi tiếng một cách hoàn toàn hợp pháp. Học sinh trở thành thí sinh hoàn hảo bằng cách chọn hết mọi lớp học nâng cao, những môn thể thao phù hợp, quyên góp cho các trường, rồi nhờ đến ngành công nghiệp luyện thi, sửa luận và viết hồ sơ đại học trị giá hàng tỉ USD.

Nhiều trường đại học không còn buộc thí sinh đạt điểm số cao trong các bài thi SAT hay ACT vì rủi ro bất công giữa các thí sinh giàu và nghèo. Brian Taylor khẳng định các bài thi này đều có thể vượt qua bằng huấn luyện. Ảnh: New York Times.
Mọi khía cạnh cuộc sống của một thiếu niên có thể được quản lý và đúc vào khuôn mẫu đủ sức thu hút người xét duyệt hồ sơ thi tuyển của các trường đại học.

Những bậc phụ huynh Mỹ có thể trả khoảng 300 USD cho một buổi tư vấn dài khoảng một tiếng với chuyên gia thi tuyển đại học. Hoặc họ có thể chọn con đường tốn kém nhưng dễ dàng hơn, đóng góp vài chục triệu USD cho các trường với hy vọng con mình sẽ nhận được sự ưu ái.

"Tư vấn đại học tư nhân gần giống như miền Tây hoang dã", Alexis Redding, một học giả ngành giáo dục tại Đại học Havard, nhận định. 

Cuộc đua vào đại học Mỹ đang ngày càng trở nên căng thẳng. Những năm gần đây, chi phí để được nhận sự ưu ái từ các trường đại học trong quá trình tuyển sinh dần trở nên quá đắt đỏ, thậm chí với cả người giàu. Theo nhiều chuyên gia tư vấn đại học, một khoản đóng góp vào các trường top, thuộc nhóm Ivy League, phải trị giá ít nhất 10 triệu USD mới bắt đầu tạo được sự chú ý.

Steve Mercer, một chuyên gia tư vấn ở California, nói khoản tiền 10 triệu USD này chỉ mới là quà tặng vào cửa để gây chú ý. "Bạn phải chịu chi lớn hơn một chút nữa", ông nói. Tuy nhiên, món quà này cũng chưa chắc đảm bảo chắc chắn đơn thi tuyển của thí sinh sẽ được nhà trường chấp nhận vô điều kiện, giám đốc của Ivy Coach cho biết.

"Khoang hạng nhất" cho chuyến tàu đại học

Mong muốn được chắc suất vào đại học cho con cái mình, nhiều bậc phụ huynh đã đánh cược vào William Singer, chuyên gia tư vấn đã nhận tội can thiệp quá trình xét tuyển tại nhiều trường đại học Mỹ, rửa tiền và ngăn cản điều tra.

"Tôi là người tạo ra sự đảm bảo cho họ", Singer trả lời tại phòng xét xử ở Boston ngày 13/3.

Trong những cuộc trao đổi giữa Singer và khách hàng, được ghi âm bởi cơ quan điều tra liên bang, chuyên gia tư vấn này khẳng định dịch vụ của ông giống như "khoang hạng nhất" cho những đại gia công nghệ, những nhà đầu tư giàu có và giới nổi tiếng. Ông hứa hẹn sẽ giúp con cái họ đạt được một chỗ ngồi trong các trường danh giá hàng đầu như Yale, Georgetown hay USC. 

Cáo trạng cho biết Singer đưa các thí sinh loạt qua hàng rào xét tuyển bằng các suất vận động viên, với bảng thành tích gian lận, hoặc thông qua "danh sách VIP" của trường. Singer cũng hứa hẹn con cái khách hàng sẽ đạt điểm ACT trên 30 và SAT trên 1400.

Chương trình của Singer giảm sự tham gia của trường trung học trong quá trình nộp đơn xin xét tuyển đại học, tránh để lộ những thông tin bị làm giả. Ông cũng chỉnh sửa sắc tộc của một số thí sinh để được các trường ưu ái.

Tu van dai hoc: Cuoc dua dat do va the gioi cua nguoi giau tai My hinh anh 2 
William Singer rời tòa án liên bang ở Boston ngày 12/3. Ông đã thú nhận các tội danh gian luận, rửa tiền và cản trở điều tra liên quan đến âm mưu dàn xếp xét tuyển đại học. Ảnh: New York Times.

Brian Taylor, giám đốc Ivy Coach, cho biết những tư vấn viên nào "chơi đúng luật" sẽ không thể nào hứa hẹn đảm bảo một suất vào đại học cho con cái khách hàng dù cho chi phí cao đến đâu và các gia đình sẵn sàng quyền góp nhiều cỡ nào.

"Nếu họ thừa nhận có quan hệ với nhân sự xét tuyển của nhà trường, bạn phải dừng lại ngay", ông chia sẻ.

Ngành công nghiệp hàng tỉ USD

Alexis Redding, chuyên gia trong ngành giáo dục tại Đại học Havard, cho rằng vụ bê bối gian lận thi tuyển vừa qua có thể tạo ra cái nhìn tiêu cực cho ngành công nghiệp tư vấn đại học. Bà đánh giá bản thân ngành này đã có nhiều nỗ lực trong các năm qua để tăng khả năng giám sát.

Ngành công nghiệp tư vấn giáo dục tại Mỹ đang có hàng chục nghìn lao động thao gia, hỗ trợ cho cả học sinh lẫn các trường đại học. Theo nghiên cứu của IBISWorld, ngành dịch vụ này vào năm 2018 đạt mức doanh thu hàng năm lến đến 1,9 tỷ USD.

Stehanie Niles, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thi tuyển Đại học Quốc gia (NACAC), cho biết vụ án của William Singer chỉ là "phản ứng cực đoan đối với việc biến quá trình xét tuyển đại học thành một loại hàng hóa dịch vụ". 

Sự phát triển của các dịch vụ tư vấn tư nhân phát triển một phần vì tình trạng thiếu hụt tư vấn viên ở các trường công. Trong năm học 2015-2016, mỗi tư vấn viên trường công phải phụ trách trung bình đến 470 học sinh. 

Mức giá của các hãng tư vấn cũng có sự phân hóa lớn. Hãng của một tư vấn viên tên Naomi Steinberg, ở Florida, đang quảng cáo chương trình kéo dài bốn năm với tổng chi phí từ 10.000-15.000 USD. Trong khi đó, phần lớn các chương trình tư vấn có có mức phí từ 300-7.000 USD, tùy vào nhu cầu của học sinh và mong muốn bắn đầu chuẩn bị từ lớp mấy.

Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng cảm thấy thoải mái với chương trình tư vấn cao cấp mà bố mẹ tài trợ cho mình.

Alex Cui, 20 tuổi, nói từng được bố mẹ là người Trung Quốc nhập cư tại Toronto chi 15.000 USD cho một khóa tư vấn thi tuyển. Cui được tham gia một hội thảo kéo dài ba ngày, cùng với một số buổi họp riêng cùng chuyên gia tư vấn. Cậu được đề xuất tham gia một số chương trình ngoại khóa để thu hút các ủy ban tuyển sinh.

Tuy nhiên, Cui cho biết luôn bị tư vấn viên chỉ trích nặng lời về những vấn đề như bài luận xét tuyển đại học. Áp lực quá lớn, cậu bỏ ngang chương trình và ngưng gặp tư vấn viên giữa năm lớp 12. Giờ đây, Cui đã được nhận vào Viện Công nghệ California, ngành khoa học máy tính. Cậu nói đáng lẽ gia đình không cần tốn đến 15.000 USD để được tư vấn.

"Họ chủ yếu chỉ trích mà chẳng giúp đỡ được gì nhiều", Cui chia sẻ.

Thái Hải (SSDH) – Theo Zing news

Share.

Leave A Reply