Văn hóa công sở tại Hà Lan

0

SSDH – Ngay khi bạn hoàn thành CV và tìm được việc làm ở Hà Lan, bước tiếp theo bạn sẽ phải điều chỉnh phong cách làm việc của mình cho phù hợp với văn hóa và môi trường làm việc tại Hà Lan.

 

Những điều cần tránh khi xin visa du học Anh

Khi du học Hà Lan xong quyết định ở lại Hà Lan và tìm kiếm việc làm, các bạn sinh viên thường sẽ có các câu hỏi như:

  • Môi trường làm việc ở Hà Lan như thế nào?
  • Hệ thống phân cấp, văn hoá trong các cuộc họp hay đàm phán kinh doanh như thế nào?
  • Cần lưu ý điều gì về thời gian cũng như văn hoá doanh nghiệp ở Hà Lan?

Ngay khi bạn hoàn thành CV và tìm được việc làm ở Hà Lan, bước tiếp theo bạn sẽ phải điều chỉnh phong cách làm việc của mình cho phù hợp với văn hóa và môi trường làm việc tại Hà Lan. Hiểu được sự khác biệt về văn hóa kinh doanh tại nơi làm việc là cần thiết để thành công trong sự nghiệp của bạn ở Hà Lan. Học văn hóa kinh doanh Hà Lan sẽ giúp bạn dễ dàng hòa nhập nghề nghiệp và khả năng làm việc nhóm và thúc đẩy đồng nghiệp của bạn, điều này đặc biệt quan trọng đối với các vai trò quản lý.

Vậy bạn cần biết và lưu ý điều gì về văn hoá công sở Hà Lan? Cùng tìm hiểu nhé!

Cấu trúc của tổ chức / doanh nghiệp

Hệ thống cấp bậc trong văn hóa kinh doanh Hà Lan nhìn chung không quá khắt khe mà thay vào đó là tương đối linh hoạt. Chủ nghĩa quân bình và sự cởi mở đặc trưng cho xã hội Hà Lan được phản ánh trong cấu trúc ngang của văn hóa kinh doanh được thấy ở nhiều công ty Hà Lan, nơi cả giám đốc điều hành và nhân viên đều được coi là đồng nghiệp. Các giám đốc điều hành thường không phô trương quyền lực của họ – ông chủ là một phần của nhóm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ không có bất kỳ quyền hạn nào trong doanh nghiệp.

Người Hà Lan sử dụng cách thức giao tiếp thân mật nhưng trực tiếp trong văn hóa kinh doanh, mặc dù có một số thủ tục nghiêm ngặt. Ví dụ, khi có sự khác biệt đáng chú ý về tuổi tác hoặc thứ hạng, mọi người sẽ sử dụng chính thức ‘u‘ và ‘meneer‘ (thưa ông) và ‘mevrouw‘ (bà). Phong cách giao tiếp điển hình của người Hà Lan giữa các đồng nghiệp là ‘je‘ thân mật và tên.

Các cuộc họp và đàm phán

Hầu hết tại môi trường làm việc của các doanh nghiệp / tổ chức Hà Lan luôn xoay quanh các cuộc họp. Người Hà Lan thích bày tỏ ý kiến của mình với quan điểm mỗi cá nhân có thể đóng góp / đưa ra những thông tin có giá trị cho công ty. Do đó, các cuộc họp có thể có sự tham gia của các nhân viên ở nhiều cấp độ thâm niên khác nhau. Vì vậy, nên chuẩn bị cho mình thật tốt, dù bạn đang ở cấp nào của công ty. Người Hà Lan có xu hướng bắt tay ngay vào công việc kinh doanh và các cuộc đàm phán diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Họ là những nhà đàm phán mạnh mẽ và cứng rắn, bên cạnh tính trung thực và độ tin cậy là cực kỳ quan trọng trong văn hóa kinh doanh ở Hà Lan.

Vì làm việc theo nhóm thay vì hệ thống cấp bậc là đặc điểm chính của văn hóa kinh doanh Hà Lan, nên việc ra quyết định thường mang tính đồng thuận. Sau khi được đưa ra, các quyết định sẽ nhanh chóng được thực hiện và sẽ được coi là quyết định cuối cùng. Các nhà quản lý thường sẽ hỏi ý kiến đóng góp từ nhóm của họ. Tùy thuộc vào văn hóa công ty, điều này thường có nghĩa là họ cởi mở với những lời chỉ trích mang tính xây dựng.

Giao tiếp nơi công sở

Các khuôn mẫu trong giao tiếp kinh doanh của người Hà Lan thường là kiểu nói chuyện thẳng thắn, với các cuộc thảo luận đi vào trọng tâm. Người Hà Lan biết mình muốn gì và nếu họ có điều gì muốn nói, họ thường sẽ nói ra. Cách nói trực tiếp này giúp loại bỏ cơ hội mơ hồ. Ví dụ, nếu một người Hà Lan nói với bạn rằng bạn đang làm tốt công việc của mình, thì đó chắc chắn là đúng!

Người Hà Lan có thể khá thẳng thắn đến mức thẳng thừng trong cách ăn nói của họ, nhưng hiếm khi điều này mang ý nghĩa thô lỗ. Phong cách giao tiếp của người Hà Lan khá trầm lặng và dè dặt nhưng cũng bộc trực và thẳng thắn. Khi thuyết trình hoặc đưa ra ý kiến, bạn sẽ cần trình bày vấn đề có cấu trúc tốt, chính xác về thực tế với bằng chứng hoặc dữ liệu rõ ràng. Người Hà Lan có cách tiếp cận vấn đề trong công việc / kinh doanh theo hướng phân tích và sẽ xem xét các đề xuất của bạn chi tiết, vì vậy đừng đưa ra những lời hứa mà bạn không thể giữ được, và tránh những tuyên bố hay khẳng định thiếu thực tế hoặc quá phóng đại.

Một số lưu ý về văn hoá nơi công sở tại Hà Lan

Trang phục công sở: Quy cách ăn mặc khi đi làm có tính chất khác biệt đáng kể giữa các ngành nghề. Một số công ty hay tổ chức có thể yêu cầu về trang phục công sở lịch sự cho một ngày điển hình ở văn phòng, hoặc ở công ty khác bạn lại được ăn mặc thoải mái hơn nhưng vẫn cần hợp lý với nơi làm việc. Vest với cà vạt là một loại trang phục tiêu chuẩn trong một số lĩnh vực kinh doanh và các cơ quan chính phủ.

Chào hỏi: Một cái bắt tay ngắn gọn, chắc chắn và giao tiếp bằng mắt là cách chào hỏi thông thường trong kinh doanh. Bạn cũng nên duy trì giao tiếp bằng mắt khi chào hỏi ai đó vì điều đó báo hiệu sự đáng tin cậy.

Danh thiếp được trao đổi thường xuyên trong các cuộc họp kinh doanh, như một phương thức chào hỏi giới thiệu, thường được thực hiện với những người mà bạn đã tiếp xúc trực tiếp và những người mà bạn có chung mối quan tâm kinh doanh. Người Hà Lan thường không trao đổi danh thiếp một cách tuỳ hứng mà không có lý do.

Khái niệm thời gian & sự đúng giờ: Ở Hà Lan, thời gian là tiền bạc. Bạn phải đúng giờ vì đến muộn có thể làm hỏng hình ảnh của bạn. Nếu bạn thấy mình có thể sẽ đến muộn, bạn nên liên hệ với người có liên quan và thông báo cho họ biết điều này. Thường xuyên đi muộn sẽ ảnh hưởng đến vị thế của bạn vì thiếu quản lý thời gian được coi là một đặc điểm của một nhân viên không đáng tin cậy.

Nguồn: Nuffic Neso Vietnam

Share.

Leave A Reply