Vì sao du học Anh ngành báo chí thu hút nhiều sinh viên?

0

SSDH – Không phải một ngành nghề mới, nhưng báo chí luôn giữ sức hấp dẫn với các bạn học sinh, sinh viên. Với đặc tính sáng tạo, nhanh nhạy, luôn đổi mới, ngành báo chí là công việc phù hợp với cá tính năng động của các bạn trẻ hiện nay. Trong đó, du học Anh ngành báo chí là một trong những sự lựa chọn đang “gây sốt” với vô vàn điểm cộng sáng giá.

Tổng quan về ngành báo chí

Ngành báo chí (Journalism) là ngành học giảng dạy và đào tạo những kỹ năng căn bản nhất về lĩnh vực báo chí, những điều phải biết khi hành nghề, kỹ năng, tác phong làm việc, đạo đức nghề nghiệp cần có. Tư duy và cách thức tiếp cận, phát triển góc độ đa chiều khi tiếp nhận thông tin cũng là điều cần lưu tâm khi theo học ngành này.

Với ngành báo chí, sinh viên cũng sẽ được làm quen với kỹ năng tư duy lý luận, kiến thức sở tại liên quan đến khoa học thực tiễn, phối hợp công việc hiệu quả cùng đồng nghiệp để tạo nên những sản phẩm giá trị nhất, và độc lập trong việc phát hiện, khai thác thông tin.

Ngoài ra, người làm báo chí cũng cần đa dạng hóa kỹ năng của mình, nắm rõ nguyên tắc trình bày trong thiết kế báo và đặc biệt cần chính xác, công bằng, trung thực trong suốt khoảng thời gian tác nghiệp.

Báo chí không phải một ngành nghề mới mẻ. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh giao thoa văn hóa và thông tin ngày càng trở nên mạnh mẽ, kèm theo sự phát triển tính bằng giây của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, sự “khát” tin, mong muốn cập nhật những nội dung mới nhất, nóng hổi nhất của độc giả ngày càng tăng cao.

Chính vì vậy, ngành báo chí không hề trở nên lỗi thời, ngược lại ngày càng phát triển theo cấp số nhân khi được kết hợp với những cải tiến đầy mạnh mẽ đến từ công nghệ và kỹ thuật số 4.0.

Hiểu rõ tính tất yếu của báo chí cùng triển vọng phát triển đầy sức bật trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 của ngành, nhiều bạn trẻ đã sớm chọn cho mình con đường học tập và phát triển sâu các kỹ năng để có thể theo nghề báo trong tương lai. Đòi hỏi sự sáng tạo, nhanh nhạy với thông tin, năng động và nhiệt huyết, những yêu cầu chính của ngành báo lại vô tình là những điểm mạnh đặc biệt mà thế hệ Gen Z sở hữu.

Tuy nhiên, nước ta còn thiếu nhiều nhân sự chất lượng cao làm việc trong ngành báo chí. Chạy theo trào lưu, xu hướng và số lượng lượt xem, rất nhiều người làm báo đang “đánh mất chính mình” để sản xuất ra những nguồn thông tin bị loãng, không có nhiều giá trị sáng tạo trong nội dung. Tệ hơn, có những sản phẩm còn ảnh hưởng tiêu cực hoặc gây nên hiểu lầm nơi độc giả, dẫn đến những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng và gây ấn tượng xấu cho ngành báo chí nói chung.

Vì vậy, các bạn trẻ cần thật sự quyết tâm, tập trung và lựa chọn đường hướng, phương pháp học tập chất lượng nhất để bước đi đúng hướng, đúng lối nếu muốn đi theo ngành báo chí lâu dài.

Lý giải sức hút ngành báo chí

Ngành báo chí sở hữu vô cùng nhiều điểm cộng đắt giá, thu hút các bạn trẻ lựa chọn và theo đuổi lâu dài.

Quyết định theo học ngành báo chí, sinh viên sẽ có cơ hội cập nhật nhanh nhất, thậm chí là người đầu tiên biết những tin tức nóng hổi đang “gây bão” trong cộng đồng. Khi làm báo, bạn có quyền chủ động đi tìm kiếm thông tin, khai thác các nội dung sốt dẻo để làm tư liệu cho bài báo và sản phẩm của mình. Thậm chí, khi đã có chút tên tuổi trong nghề, người làm báo còn được chủ động cung cấp tin tức từ bên khác để lan tỏa, truyền thông chúng rộng rãi hơn.

Chưa hết, ngành báo chí cũng cho các bạn trẻ cơ hội được khám phá, đi đây đi đó nhiều hơn. Đây cũng là lý do nhiều bạn trẻ ham mê “dịch chuyển” lựa chọn báo chí như một định hướng công việc chắc chắn trong tương lai để theo đuổi. Các phóng viên, nhà báo là những người thường xuyên “phải” di chuyển để cập nhật tin tức, chụp ảnh, quay phóng sự cả khu vực trong nước và nước ngoài để đảm bảo tin tức mình đưa ra được minh họa cụ thể nhất.

Tất nhiên, đây là những chuyến đi mang tính nghề nghiệp, và với người làm báo, kể cả việc lấy tin ở các sân vận động quốc tế trong mùa World Cup hay thâm nhập vào những khu vực nguy hiểm, có nhiều tệ nạn xã hội đều là điều cần thiết phải làm.

Cạnh đó, người làm ngành báo chí cũng sẽ được tiếp cận và gặp gỡ nhiều nhân vật đặc biệt để thực hiện các bài phỏng vấn hay phóng sự. Đó có thể là những ngôi sao luôn xuất hiện lộng lẫy trên thảm đỏ, những cầu thủ trẻ được cả nước tung hô, cũng có thể là người lao công luôn chăm chỉ hàng đêm, chưa bao giờ bỏ việc một ngày. Tất cả sẽ giúp người sản xuất báo chí có thêm tư liệu mới, góc nhìn mới và nhiều trải nghiệm mới.

Tuy nhiên, ngành báo chí không phải một ngành học chỉ có “màu hồng”. Bên cạnh cơ hội mở rộng, phát triển kỹ năng và tư duy của bản thân, ngành cũng yêu cầu người làm nghề phải thật cẩn thận trong từng thông tin, nội dung và phát ngôn mình truyền tải đến bạn đọc, đồng thời luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng “chiến” với các thông tin mới nhất kể cả vào ngày nghỉ hay lúc đêm khuya.

Hơn nữa, ngành nghề này cũng luôn yêu cầu sự sáng tạo, đổi mới và thích ứng mạnh mẽ. Vì vậy, người làm báo luôn phải học hỏi và rèn luyện kỹ năng làm việc để “đuổi kịp” sự xoay vần, biến chuyển với nghề.

Triển vọng nghề nghiệp khi học ngành báo chí

Theo học ngành báo chí, sinh viên sẽ không chỉ được lĩnh hội các tri thức về viết báo đơn thuần. Những kỹ năng bổ trợ và cần thiết nhất cho ngành như tổ chức, sắp xếp nội dung, săn tin, dựng tin trực tuyến/trực tiếp ngay tại địa điểm dã chiến, phát hành báo, chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh theo chuẩn form,… đều được tái hiện và cung cấp đầy đủ cho người học.

Nhờ vậy, sinh viên ngành báo chí có rất nhiều sự lựa chọn để phát triển nghề nghiệp trong tương lai: biên tập viên, phóng viên tại Đài Truyền hình, tại các cơ quan báo giấy, báo điện tử, hãng tin, đài phát thanh; cán bộ chức năng trong các cơ quan quản lý, lãnh đạo cấp Nhà nước; chuyên viên Truyền thông, Quan hệ Công chúng,… tại các công ty, doanh nghiệp đa lĩnh vực.

Ngoài ra, người theo học ngành báo chí cũng có thể tham gia làm việc tại các cơ quan đơn vị có liên quan đến báo chí và truyền thông đại chúng như các tổ chức truyền thông vận động xã hội, các cơ quan văn hóa – tư tưởng, tổ chức chính trị – xã hội,… Ở vai trò là người đưa tin chuyên nghiệp, cơ hội làm việc sẽ trải dài và ngày càng phát triển theo thời gian.

Với các vị trí công việc trong ngành báo chí nói chung, theo số liệu của Payscale, mức lương trung bình sẽ khoảng 25,876 GBP/năm. Ngoài ra, lương của người làm báo, truyền thông sẽ thường nằm trong khoảng 18.000 GBP – 42.000 GBP/năm, tùy thuộc vào năng lực và kinh nghiệm làm việc khác nhau của từng nhân sự.

Tại sao nên du học Anh ngành báo chí?

Tìm hiểu về địa điểm học tập và khai thác năng lực bản thân trong làm báo, chắc chắn một trong những sự lựa chọn hàng đầu mà các bạn học sinh từng tìm hiểu chính là du học Anh ngành báo chí. Đây là kết luận hoàn toàn dễ hiểu với vô vàn điểm cộng giá trị mà nơi đây mang lại cho sinh viên.

Cơ hội học tập tại đất nước có truyền thống báo chí lâu đời
Tại Anh, báo chí đã dần len lỏi và xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XVI. Sau năm 1600, họ bắt đầu tiến hành in các bản tin chính thức và đến 1622, tạp chí hàng tuần đầu tiên bằng tiếng Anh có tên “A current of General News” chính thức ra đời.

Có thể thấy, các sản phẩm báo chí của Anh đã xuất hiện từ rất sớm. Nhờ vậy, sự phát triển cùng bề dày của thông tin, kiến thức có thể khai thác trong ngành này là vô cùng lớn đối với các sinh viên mong muốn gắn bó với nghiệp báo.

Hơn thế nữa, những định dạng báo khác nhau tương xứng với từng đối tượng khác nhau cũng được hình thành và có sức phổ biến đủ rộng ở đây, tạo điều kiện để người học có cơ hội lựa chọn thể loại ưa thích và phù hợp nhất với khả năng của mình.

Môi trường học tập chất lượng, năng động
Không chỉ riêng du học Anh ngành báo chí mà bất cứ ngành nào tại đất nước này cũng đều được giảng dạy trong môi trường vô cùng năng động, bình đẳng, giúp sinh viên thoải mái thể hiện bản thân. Đây cũng là một trong những lý do thu hút nhiều bạn sinh viên lựa chọn du học Anh.

Với sinh viên, tham gia học tại đây sẽ là cơ hội để họ không chỉ được tiếp nhận kiến thức nền căn bản và có giá trị lớn cho nghề báo – thông tin trong tương lai, mà còn có thể rèn luyện những kỹ năng mềm vô cùng quan trọng cho ngành báo chí nói chung và mọi ngành nghề khác trong tương lai: thuyết trình, hùng biện, phản biện, làm việc nhóm,…

Không bó buộc sinh viên theo một khuôn mẫu tư duy nhất định, các giảng viên nơi đây luôn tạo điều kiện để người học có thể nói lên suy nghĩ của mình, cùng tranh luận, thảo luận để đưa ra phương án và giải pháp giải quyết tốt nhất. Đây cũng chính là một trong những yếu tố mấu chốt, mang tính quyết định đến sự thành công của sinh viên làm báo, bởi kỹ năng tư duy đa chiều và nghe từ nhiều phía là yếu tố cực kỳ quan trọng.

Ngoài ra, ở các trường Đại học thuộc Vương quốc Anh, nhà trường và các sinh viên cũng lập ra nhiều câu lạc bộ, tổ chức cùng các hoạt động ngoại khóa để người học có thể thoải mái tham gia, xóa bỏ sự căng thẳng, áp lực sau những giờ học và hơn hết, phát triển kỹ năng giao tiếp, xây dựng thêm nhiều mối quan hệ mới. Ví dụ, trường Nottingham Trent University xây dựng những câu lạc bộ đa dạng như: Thể thao, Sách, Tranh biện,… để giúp sinh viên phát triển toàn diện nhất.

[Tham khảo: Những trải nghiệm đáng nhớ khi du học Anh]

Nhiều cơ hội thực tập và làm việc tại các đơn vị chuyên nghiệp
Khi lựa chọn du học Anh ngành báo chí, chắc chắn lượng kiến thức trên lý thuyết và sách vở sẽ không thể đủ đảm bảo sinh viên có thể tự tin hành nghề ngay từ khi tốt nghiệp. Hiểu rõ điều ấy, các đơn vị giảng dạy chuyên ngành báo chí tại Vương quốc Anh đều mang đến người học cơ hội thực tập, làm việc trong các cơ quan ấn phẩm, báo in lớn, nhà xuất bản hoặc đài phát thanh.

Ví dụ, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành truyền thông – báo chí tại Coventry University sẽ có cơ hội được trải nghiệm môi trường làm việc tại BBC – Tập đoàn truyền thông, báo chí lớn nhất tại Anh.

Nhờ đó, các sinh viên sẽ có cơ hội vận dụng lý thuyết chuyên ngành mình đã học vào công việc thực tiễn, đồng thời thực chiến trong môi trường báo chí để mường tượng và hình dung rõ nét nhất công việc của mình diễn ra như thế nào. Với sinh viên du học Anh ngành báo chí, đây là dịp để “làm đẹp” hồ sơ cá nhân, cũng như biết mình đang thiếu gì và cần bổ sung điểm nào để hoàn thiện tối đa nhiệm vụ trong tương lai.

Chương trình học khi du học Anh ngành báo chí

Với sự hội nhập và phát triển, tăng trưởng rõ rệt cùng nhiều cơ hội vàng cho sự nghiệp tương lai, du học Anh ngành báo chí đang trở thành điểm đến “trong mơ” của các bạn trẻ. Tuy nhiên, chương trình học ngành này như thế nào, có những môn học cụ thể ra sao, vẫn còn là điều mơ hồ với nhiều người.

Tại Vương quốc Anh, ở chương trình bậc Đại học, sinh viên ngành báo chí sẽ được giảng dạy các kiến thức nền tảng, căn bản để bước đầu làm việc với thông tin, biết cách xử lý thông tin trơn tru, làm quen với tổng thể quy trình xuất bản, in ấn, đồng thời sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để bổ sung tư liệu có ích nhất cho các ấn phẩm nội dung, các sản phẩm được truyền thông rộng rãi tới công chúng.

Lên cao hơn với chương trình cao học, người học báo chí sẽ được “nâng cấp” kiến thức với những nội dung học tập mang tính nghiên cứu và chuyên sâu, kỹ lưỡng hơn như: phân tích tin tức, tổng hợp tin tức dưới nhiều góc độ và ở trình độ cao hơn so với Đại học. Chưa hết, sinh viên cũng có cơ hội lựa chọn một lĩnh vực cụ thể để tìm hiểu sâu và phát triển lên cao trong ngành báo như điện ảnh, giải trí, thể thao, truyền thông quốc tế,… ở chương trình cao học.

Cụ thể, chương trình học của ngành MA in Global Journalism and Public Relations (PR) trong 1 năm tại Coventry University – Top 10 trường đại học tại Anh đào tạo ngành Truyền thông – Báo chí tốt nhất tại Anh như sau:

Global Politics and Relations
Đây là môn học giúp sinh viên trau dồi thêm kiến thức về truyền thông quốc tế. Qua môn học này, các bạn sinh viên sẽ có cơ hội phân tích các hệ thống chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, công nghệ và tác động của những khía cạnh này đến khán giả, công chúng trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay.

Public Relations
Public Relations sẽ giới thiệu đến bạn các lý thuyết căn bản về quan hệ công chúng (PR). Môn học này cung cấp cho bạn các kỹ năng để xây dựng, thực hiện và áp dụng các chiến lược quan hệ công chúng để đáp ứng các mục tiêu của một doanh nghiệp, tổ chức.

Journalism Practice, Law and Ethics
Học phần này tập trung vào các nguyên tắc cơ bản của hoạt động báo chí. Bạn sẽ được học kiến thức về các chủ đề như: Cách phân tích thị trường, xây dựng ý tưởng, cách phỏng vấn và viết tin tức sao cho hiệu quả, quy ước và kỹ thuật của các hình thức báo chí và thể loại chuyên biệt. Các bạn sinh viên cũng có cơ hội thực hành thông qua việc sản xuất các tác phẩm báo chí.

Advance Journalism: Digital, Social and Mobile
Đây là môn học giúp sinh viên tập trung vào việc nâng cao các kỹ năng chính mà các nhà báo sử dụng trên tất cả các nền tảng kỹ thuật số hiện nay.

Sinh viên sẽ được đào tạo cụ thể về cách xây dựng một câu chuyện, lên chủ đề cho duy nhất một hoặc nhiều nền tảng chính. Bạn cũng sẽ được học cách phát triển câu chuyện, phân tích nguồn tài liệu, áp dụng các quy ước và hiểu các kỹ thuật sản xuất. Sinh viên được yêu cầu tham gia vào các cuộc tranh luận đạo đức về hành nghề báo chí trong bối cảnh kỹ thuật số và áp dụng hiểu biết của mình vào thực tế.

Để hiểu rõ hơn về các môn học ngành báo chí của trường Coventry University, bạn có thể xem thông tin khoá học tại đây.

Cần chuẩn bị gì trước khi du học Anh ngành báo chí?
Sở hữu nhiều ưu thế vàng mang tính trọng điểm nên du học Anh ngành báo chí có tỉ lệ cạnh tranh cực kỳ cao. Vì vậy, các bạn trẻ cần trang bị cho mình bảng thành tích không chỉ đạt đủ điều kiện xét tuyển, mà còn phải có những “điểm sáng” trong học tập và các hoạt động ngoại khóa để nổi bật giữa hàng ngàn hồ sơ khác.

Với ngành báo chí bậc Đại học (Undergraduate), ứng viên cần đảm bảo đã tốt nghiệp phổ thông từ loại Khá, Giỏi trở lên, sở hữu chứng chỉ IELTS với tổng điểm tối thiểu đạt 6.5 (trong đó, không kỹ năng nào dưới 6.0). Nếu tham gia học A-Levels, yêu cầu dành cho ứng viên đạt đủ điều kiện là trình độ ABB bao gồm tiếng Anh hoặc Văn học.

Với ngành báo chí sau Đại học (Postgraduate), ứng viên cần đảm bảo đã tốt nghiệp Đại học. Một số trường còn yêu cầu người nộp hồ sơ đã từng theo học các lĩnh vực liên quan như truyền thông, văn học, truyền thông đa phương tiện, báo chí,…Tuy nhiên, hiện tại nhiều trường tại xứ sở sương mù cũng đã cho phép sinh viên học trái ngành. Cạnh đó, kết quả chứng chỉ IELTS cũng chứng minh được độ thành thạo tiếng Anh với tổng điểm 6.5-7.0.

Chưa hết, nếu là du học sinh, sinh viên cũng cần chuẩn bị trước về mặt tài chính cùng số tiền giá trị bằng học phí 1 năm học tại Anh, với thời hạn 1 tháng trước khi xin visa để chứng minh mình có đủ khả năng chi trả cho suốt quãng thời gian học tập ở xứ sở sương mù.

Những điều kiện trên chỉ là những yếu tố ban đầu để ban tuyển sinh đánh giá chất lượng hồ sơ vòng sơ tuyển. Để qua được tất cả các vòng xét duyệt và chính thức trở thành tân sinh viên ngành báo chí nước Anh, chắc chắn, các ứng viên cần xác định sớm nguyện vọng từ đầu, nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ du học Anh, chuẩn bị mọi kỹ năng, hoạt động và thành tích cần thiết,…

Đặc biệt, báo chí không phải là ngành “dễ xơi” và nếu muốn đi đường dài với ngành này, sinh viên cần xác định rõ niềm đam mê cũng như ý chí vượt khó khăn của mình trước khi quyết định đăng ký học.

[Tham khảo: Từ A-Z quá trình làm hồ sơ du học Anh]

Du học Anh ngành báo chí – 3 “điểm đến” sáng giá

Tìm được môi trường học tập ưng ý, chất lượng và phù hợp bản thân cũng có nghĩa sinh viên báo chí đã một bước tiến gần hơn với ước mơ của mình. 4 điểm đến dưới đây sẽ là những gợi ý không tồi nếu các bạn trẻ quyết định du học Anh ngành báo chí:

University of East London (UEL)
Được nhiều sinh viên xếp nguyện vọng báo chí ở vị trí đầu tiên, University of East London là một trong những cái tên gây ấn tượng nhất khi nhắc đến du học Anh ngành báo chí. Nơi đây được chọn là 1 trong 10 trường Đại học có chất lượng giảng dạy Báo chí và Truyền thông chất lượng tốt nhất trên thế giới, đồng thời nhận được 91% phản hồi tích cực, hài lòng từ sinh viên báo chí với chất lượng học tập (theo National Student Survey, 2017).

Học phí tại UEL cũng là một điểm cộng, đặc biệt với các du học sinh, do không quá đắt đỏ khi so sánh cùng chất lượng giảng dạy. Trung bình mức phí sinh viên cần đóng sẽ dao động chỉ trong khoảng 9.000 – 10.000 GBP. Ngoài ra, các học bổng nhiều loại cũng được nhà trường trao tặng hàng năm cho các sinh viên xuất sắc.

City, University of London
Đứng thứ 2 tại xứ sở sương mù và đứng thứ 23 trên toàn thế giới về chất lượng đào tạo chuyên ngành báo chí, City, University of London là nơi chốn hoàn hảo để các sinh viên tin tưởng lựa chọn và gửi gắm 3-4 năm học quan trọng vào đây. Ngôi trường cũng có mật độ du học sinh khá lớn khi sở hữu tổng cộng 17,000 sinh viên đến từ hơn 150 quốc gia.

Nơi này sẽ giảng dạy đa dạng các chuyên ngành cho sinh viên Đại học và sau Đại học, đảm bảo giúp người học có được cái nhìn tổng quát và đa dạng nhất về ngành học như báo chí tài chính, báo chí khoa học, báo chí quốc tế, tương tác báo chí,…

Tại City, University London, mức học phí cho sinh viên bậc Đại học dao động từ 11.000 GBP – 13.000 GBP/năm. Với khóa Thạc sĩ, sinh viên cần nộp 9.950 GBP – 13.300 GBP/năm tùy chương trình và thời gian học.

Ngôi trường cũng dành tặng các suất học bổng cho sinh viên xuất sắc ở kỳ tuyển sinh đầu vào, trong các khóa học dự bị Đại học và dự bị Thạc sĩ với mức chi nằm trong khoảng 1.000 GBP – 5.000 GBP.

Coventry University
Coventry University tọa lạc giữa thành phố yên bình và an toàn hàng đầu nước Anh – Coventry. Không chỉ vậy, Coventry còn lọt top 47 các thành phố tốt nhất dành cho sinh viên trên thế giới (Theo QS Best Student Cities 2019). Đây là ngôi trường gây ấn tượng lớn với sinh viên ngay từ khi bắt đầu tìm hiểu khi đứng ở những vị trí cực “đắt giá” trong các bảng xếp hạng và danh sách uy tín.

Theo đó, ngôi trường này xếp hạng 9 trong Top 10 trường Đại học có chất lượng giảng dạy đầu ngành Báo (theo Cẩm nang Hướng dẫn Đại học năm 2018 của báo Guardian), đứng thứ 8 trong Top các trường Đại học giảng dạy ngành Báo chí và Truyền thông xuất sắc nhất (theo UK The Guardian, 2020) đồng thời đứng top đầu các trường Đại học có chất lượng nghiên cứu khoa học tốt nhất thế giới.

Học tập tại Coventry University, sinh viên cũng sẽ được hưởng chất lượng giảng dạy đạt chuẩn, cùng nhiều cơ hội “đào sâu” ngành báo chí và tiếp cận với việc làm nghề trực tiếp để có những trải nghiệm thực tế, kinh nghiệm thực chiến ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Mức học phí cần chuẩn bị tại Coventry University sẽ khác nhau theo từng cấp bậc học:

Khóa Foundation: 14,490 GBP – 15,480 GBP/năm
Khóa International Year 1: 14,490 GBP– 20,640 GBP/năm
Khóa Undergraduate: từ 13,000 GBP/năm
Khóa Postgraduate : 12,924 GBP – 16,887 GBP/năm
Các sinh viên xuất sắc ở kỳ tuyển sinh đầu vào cũng được trường trao tặng các suất học bổng với giá trị tùy thuộc vào năng lực của ứng viên, cùng sự quyết định, đồng thuận cuối cùng của hội đồng tuyển sinh.

SSDH (nguồn: Du học INDEC)

Share.

Leave A Reply