Vì sao nên dùng phương pháp Học tập theo Dự án

0

Sẵn sàng du học – 4 năm đại học rất có giá trị. Trong bốn năm ngắn ngủi đó, bạn vừa phải lo cho sự nghiệp, lo cho gia đình, lo cho bản thân. Vậy các trường đại học làm thế nào để giúp sinh viên chuẩn bị cho con đường sau tốt nghiệp đầy chông gai này? Câu trả lời là phương pháp Học tập theo Dự án. Mời các bạn tìm hiểu về phương pháp này qua bài viết sau!

ssdh-sinh-vien1

 

Biến đổi nền giáo dục Đại học bằng phương pháp Học tập theo Dự án

Ngay khi bước chân vào trường Đại học, sinh viên đã phải bắt đầu chuẩn bị cho cuộc sống sau này. 4 năm Đại học rất có giá trị nhưng lại vô cùng ngắn ngủi – chỉ trong vài năm, bạn vừa phải lo cho sự nghiệp, lo về nghĩa vụ công dân, lo về trách nhiệm với gia đình, vừa phải tìm tòi và theo đuổi đam mê, xây dựng mối quan hệ và phát triển bản thân.

Vậy làm thế nào để các trường Đại học có thể giúp sinh viên của họ chuẩn bị đối mặt với các thử thách này, một cách tốt nhất có thể? May thay, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cho sinh viên được cọ xát với thực tế, thông qua các phương pháp giảng dạy như Học tập theo Dự án (Project-Based Learning – PBL) chính là câu trả lời.

Worcester Polytechnic Institute (WPI) đã dùng phương pháp này hơn 50 năm. Thông qua các dự án theo nhóm, trường đã giúp hàng loạt sinh viên rèn dũa kỹ năng làm việc nhóm, trí sáng tạo lẫn tư duy toàn cầu. Các sinh viên liên tục tham gia các dự án cả trong lớp lẫn ngoài lớp học, và được khuyến khích tham gia các dự án khác khắp toàn cầu. Song song theo đó, họ nuôi dưỡng sự thấu hiểu giữa người và người và dạy cho sinh viên cách dùng kỹ năng của mình để giúp đỡ thế giới. Dựa trên kinh nghiệm đó, WPI cũng muốn giúp các trường đại học và cao đẳng khác tích hợp PBL vào chính chương trình học của họ.

Lợi ích của Học tập theo Dự án

Khi tham gia thực hiện các dự án, các sinh viên sẽ phải tự chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình và phải tự giải quyết những vấn đề có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thực tiễn. Trong quá trình đó, họ sẽ học những kỹ năng mềm cần thiết để phát triển trong tương lai như:

  • Kỹ năng làm việc nhóm: Học tập theo Dự án xoay quanh làm việc nhóm, cho nên sinh viên sẽ học được cách làm việc nhóm hiệu quả với những người đến từ nền văn hóa khác nhau, có quan điểm khác nhau và cách trân trọng những giá trị các thành viên mang lại cho nhóm.
  • Giao tiếp: Các dự án sẽ giúp sinh viên học cách giao tiếp hiệu quả bằng miệng, bằng giấy tờ, bằng hình ảnh, v.v. đến các khán giả khác nhau – các sinh viên đồng lứa, các giảng viên và các bên liên quan
  • Giải quyết vấn đề: Các vấn đề trong đời sống rất phức tạp, rất khó lường và không tuân theo một “kịch bản” nào cả. Vì vậy, sinh viên phải tự trang bị cho mình những kỹ năng và kiến thức cần thiết để tiếp cận những vấn đề này một cách sáng tạo.
  • Rèn luyện tính cách bản thân: Trong quá trình giải quyết các vấn đề thực tiễn, sinh viên cũng sẽ học được cách tự động viên bản thân, sự kiên cường, sự thấu cảm, v.v.

“Khi các tổ chức cộng đồng hoặc các tổ chức khác giao vấn đề cho sinh viên, vấn đề đó thường sẽ đi kèm với bối cảnh văn hóa, xã hội và kinh tế của các bên liên quan. Sinh viên phải học cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau để có thể giải quyết được vấn đề triệt để.”

ssdh-sinh-vien4

 

Học tập theo Dự án có hiệu quả không?

PBL sẽ “đảo ngược” vai trò trước giờ của sinh viên và giảng viên, đẩy họ ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Đối mặt với những thay đổi như vậy không hề dễ dàng, nhưng nghiên cứu hàng chục năm qua đã cho thấy rằng PBL và những phương pháp tương tự thực sự hiệu quả hơn nhiều so với các phương pháp giảng dạy truyền thống. “Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy phương pháp giáo dục này sẽ cải thiện khả năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, giao tiếp,” Vaz cho hay. Nghiên cứu Gallup-Purdue năm 2014 cho thấy có sự tương quan thuận giữa việc hoàn thành một dự án quan trọng và sự thành công trong cuộc sống về sau.

Trong một cuộc khảo sát năm 2012 bởi University of Massachusetts Donahue Institute, hơn 2,500 sinh viên đã tốt nghiệp cho rằng các dự án đã giúp họ cải thiện rất nhiều về mặt công việc và bản thân.

Một sinh viên tốt nghiệp nói, “Khi có một thứ kéo tôi ra khỏi vùng an toàn … khi mà tôi không thể biết được chuyện gì sắp xảy ra tiếp theo … nó giúp tôi trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều.”

Tại sao phương pháp Học tập theo Dự án lại quan trọng?

Hơn bao giờ hết, giáo dục đại học cần phải giúp sinh viên chuẩn bị cho cuộc sống và nghề nghiệp về sau. Randy Bass, phó giám đốc tại Georgetown University, nói rằng: “Máy móc đang càng ngày được cải thiện và trở thành những cái máy tốt hơn bởi những kỹ sư lành nghề và nhà máy tốt. Tương tự, mục đích chính của nền giáo dục là giúp sinh viên trở thành những con người tốt hơn.”

Nhà tuyển dụng luôn săn đón những người có những kỹ năng mềm tốt như giao tiếp, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề. PBL tạo điều kiện cho sinh viên phát triển những kỹ năng đó, và buộc họ phải học cách thích nghi và linh hoạt. Các dự án không phải lúc nào cũng diễn ra trơn tru theo kế hoạch, và sinh viên có thể sẽ phải nếm trải thất bại trước khi hoàn thành được dự án của mình.

“Một trong những vấn đề lớn nhất của nhân loại là sự liên ngành. Tức là, để đưa ra giải pháp cho một vấn đề nhất định, người đó phải hiểu sâu về khoa học, công nghệ, văn hóa cộng đồng, kinh tế và lịch sử,” Vaz giải thích. “Giáo dục đại học phải giúp sinh viên sẵn sàng đối mặt với những vấn đề mơ hồ và phức tạp. Điều đó đòi hỏi nhiều hơn là kiến thức hàn lâm – mà điều đó còn hỏi hỏi kinh nghiệm thực tiễn và tính trách nhiệm cao”

“Workshop 2 ngày về phương pháp Học tập theo Dự án được thực hiện bởi WPI tại đây đã tạo điều kiện để chúng tôi thảo luận, hợp tác và thúc đẩy những động thái cần thiết. Cơ hội để thảo luận và làm việc với cả trong khoa và ngoài khoa thực sự rất quý giá.”

Người dịch: Quốc Kỳ (SSDH)

Share.

Leave A Reply