SSDH – Các sinh viên khoa Tài chính, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) thường kêu lên khi lần đầu gặp một giảng viên trẻ người Việt: “Sao giảng viên lại “nhí” thế này!”.
Họ tên: Vũ Ngọc Băng
Sinh năm 1986
Sinh ra và học trung học tại Đà Lạt
Thạc sỹ (lấy bằng MBA) ngành Tài chính, Học viện Massachusetts – thành phố Cambridge. Hiện cô đang là giảng viên tại Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ
Vũ Ngọc Băng Thảo được mệnh danh là giảng viên “nhí” của học viện Công nghệ Massachusetts – Mỹ vì người cô rất nhỏ bé, cân nặng chỉ 38 kg. Thảo kể: “Khi đứng với sinh viên, mình như một nhóc thiếu nhi. Mỗi lần đến trường, sinh viên của mình thường đến mang đồ giúp mình vì “thương” cô giáo “nhí” vác ba lô nặng”.
Tốt nghiệp phổ thông ở Việt Nam năm 2004, Thảo thi tiếng Anh với số điểm TOEFL 750 và đi du học Mỹ. Học xong, với thành tích xuất sắc, cô học lấy bằng MBA tài chính và được giữ lại làm giảng viên tại học viện Massachusetts. Đồng thời, các ngân hàng lớn ở Mỹ cũng mời cô làm các dự án phân tích tài chính lớn.
“Có lần mình được phân tích một dự án từ Việt Nam gửi sang. Nếu thành công, ngân hàng sẽ đầu tư vào dự án đó ở Việt Nam. Mình đã rất hồi hộp khi nhận dự án này. Khi mình thuyết trình xong và được duyệt, mình cảm giác như tắc thở, rồi lịm dần đi. Khi tỉnh dậy đã thấy mình trong bệnh viện. Mọi người bảo mình làm việc quá sức nhưng tại mình xúc động quá đấy thôi …”.
Cô giảng viên người gốc Đà Lạt có cái tên như dự báo chính cuộc đời mình: Băng Thảo – cỏ mọc trên băng tuyết. Thảo cười, nói suốt ngày. Ai gặp cô gái đó cũng cảm giác như năng lượng sống tràn trề.
Ít ai biết rằng: đằng sau những nụ cười là những cơn đau. Ngay cả khi ở bệnh viện, sinh viên của cô vẫn thấy cô cười vui vẻ. “Mình sợ mọi người thấy mình không vui sẽ lo lắng cho mình”. Cô phải chiến đấu với căn bệnh tim bẩm sinh. Cô thường bị hành hạ bởi những cơn đau và thường hay ngất xỉu trong quá trình làm việc.
Nhưng cô vẫn làm việc nhiệt tình và vẫn yêu đời. “Nếu mình ở nhà thì mình sợ sẽ than phiền về số phận và sẽ rất đau buồn, cô đơn. Khi đi làm, có lúc cảm thấy kiệt sức nhưng lại tìm được niềm vui. Ai đó, dù khỏe mạnh hay ốm yếu cũng không biết ngày mai mình sẽ như thế nào, gặp biến cố bất ngờ gì khiến mình gục ngã. Chính vì thế, ngày hôm nay mình cứ mù quáng về những khó khăn và tin vào những việc mình làm sẽ đưa ra kết quả tốt để làm việc”, Thảo chia sẻ.
Thảo nói về tuổi trẻ của mình: “Tất cả mọi thử thách trong cuộc sống mình đã hoạch định “gặp gỡ” chúng ở tuổi 18 – 25 tuổi. Đó là lúc mình có cả sức khỏe lẫn sự dẻo dai; cả hưng phấn lẫn thất vọng; cả niềm tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng; cả sự hiểu biết bằng bản năng và trực giác chưa bị pha tạp. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc. Lúc ấy là lúc có cả một tiềm năng – cái năng lực tiềm ẩn trong từng cử động, từng quyết định nhỏ, cái khả năng có thể nhảy rất dài, vượt rất xa, thay đổi cả thế giới”.
Thành công, khẳng định tên tuổi của mình trên đất Mỹ là một việc khó với người bình thường. Điều đó lại càng khó hơn với một người nơi đất khách quê người, với sức khỏe như Thảo. Nhưng trong cuộc cạnh tranh với rất nhiều sinh viên khác về mặt trí tuệ, Thảo đã là người về đích ở top đầu.
Thảo đã hoàn thành chương trình học lấy bằng MBA ở tuổi 24 với thành tích xuất sắc. Cô sống độc lập từ khi sang du học Mỹ. Cô vừa học, vừa làm thêm để trang trải cuộc sống và để dành tiền về Việt Nam. Mặc dù cả gia đình cô đều ở bên Mỹ và bố cô là một doanh nhân thành đạt ở đó nhưng Thảo không xin tiền của bố vào bất cứ việc gì từ khi cô sang Mỹ.
Khi không phải giảng bài trên giảng đường, Thảo thường sử dụng tiếng Việt. Nếu có dịp, cô sẽ dạy mọi người nói vài câu tiếng Việt và thường tự hào giới thiệu: tôi là người Việt Nam. “Giới thiệu như thế với sinh viên thú vị lắm. Lần sau họ sẽ gặp và chào lại mình: xin chào cô giáo Việt Nam. Mình học được bố tư chất: dù đi đâu, làm gì cũng vẫn mang đậm phong thái của người Việt Nam”.
Tháng 2 năm 2012, Thảo được bác sĩ yêu cầu làm phẫu thuật tim. Tuy nhiên, xác suất thành công ca mổ không được khẳng định nên cô từ chối làm phẫu thuật. Cô tâm sự: “xác suất 50/50, lỡ cái vào nửa 50 xấu, ngày mai mình không còn được phân tích tài chính, không được nhảy chân sáo và cười nói với mọi người thì sao? Sợ nhất sự cô đơn. Mình nghĩ, nằm một chỗ cho ca phẫu thuật cũng cảm thấy cô đơn lắm!”.
Thảo nói về căn bệnh của mình: “Đó chỉ là sự không hoàn thiện mà cuộc sống dành cho mình. Con người ta nếu không có một khiếm khuyết gì đó thì dễ sinh hư. Biết mình quá hoàn thiện, người ta sẽ không còn gì để cố gắng, để trân trọng”.
Thục Uyên (SSDH) – Theo HBH