Xin trở về ngày xưa với ‘Những mùa đông yêu dấu’

0

Sẵn sàng du học – "Những mùa đông yêu dấu" gợi lại mênh mang những ký ức tươi đẹp của tuổi hồn nhiên.

Nguyễn Nhật Ánh có truyện dài tựa Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, đã nói giùm biết bao người trưởng thành một giấc mơ tha thiết mà không dám cất lời. Càng đi xa về phía trưởng thành thì thời thơ ấu lại càng hiển hiện rõ, như rất thực, lại không thể chạm vào.

Thế nên bao người lớn lên cứ ngoái lại nhìn thời thơ ấu, rồi bâng khuâng. Trong số đó, có nhiều người đã chọn viết, để mượn ngôn ngữ trải tâm tư trên từng trang giấy. Có lẽ đó cũng là “tấm vé” Nguyễn Nhật Ánh nhắc đến, để ta có thể quay về tuổi thơ.

Trần Nguyên Hạnh viết tập tản văn Những mùa đông yêu dấu, có lẽ cũng bởi tình ý ấy dành cho ngày xưa.

Tập tản văn nhỏ của Trần Nguyên Hạnh như một cánh đồng cỏ may, để người đọc tha thẩn trong đó, có thể đuổi bắt những chú chuồn chuồn bay lơ là ở đó, khi mệt rồi lại có thể nằm dài trên cỏ xanh. 

Hoặc ta có thể cảm thấy thảm cỏ mềm mại dưới lưng, ngửa mặt lên bầu trời, ngắm nhìn những đám mây trắng lững lờ trôi êm ả… Khi đã chiều về đã đói bụng rồi lại có thể chạy về một góc chợ quê nào đó, mua dăm ba thứ quà nhỏ, vừa ăn vừa nói cười huyên náo cùng bạn bè…

Tuổi thơ của mỗi người đều có những nét riêng biệt, nhưng đứa trẻ nào của thế hệ cũ có lẽ cũng có kỷ niệm của cánh diều, của mây trắng, bờ đê, dòng sông, giếng làng, hay chợ phiên, tiếng ve râm ran, những khu vườn, những trái ngọt…

Đó là những câu chuyện đã nuôi nấng tâm hồn ta lớn lên. Ký ức ấy, Trần Nguyên Hạnh đã tâm tình với độc giả bằng những trang viết thật giản dị, nhưng trau chuốt, tinh tế.

ssdh-nhung-mua-dong-yeu-dau

 

Trong mỗi trang viết của Trần Nguyên Hạnh không chỉ xôn xao miền thơ ấu, nó còn gợi lên những rung động âm vang của giai điệu. Đọc mỗi chuyện nhỏ của tác giả, tưởng như cô đang ngồi tâm tư dưới nền nhạc du dương.

Đó là giai điệu của Đêm thấy ta là thác đổ trong Màu hoa thương nhớ, Mùa thu giấu em trong Lời tự tình của mùa thu, Rồi như đá ngây ngô hay Những mùa đông yêu dấu…. Tất cả hòa quyện vào trong từng câu chữ, khi trầm khi bổng, cất lên lời yêu mến tha thiết.

Đoạn đường trở về thơ ấu của Trần Nguyên Hạnh cũng xuất hiện những hình bóng những người thân yêu nhất, đã nuôi nấng cho tâm hồn ta thêm giàu có. Đó là người ông với nụ cười hiền, thường kể chuyện dưới mái hiên nhà, là bà với những thức quà vặt ở chợ quê, là mẹ ấm áp và dịu êm.

Mẹ thường hay đan khăn len, áo len; mẹ thường làm bánh rán, bánh mật vào mùa đông…. Mẹ gom góp thật nhiều yêu thương, khiến mùa đông ấm áp, yêu dấu.

Tập tản văn nhỏ bé nhưng chứa đựng những ký ức rất đẹp đẽ. Khác với nhiều tập tản văn của các tác giả khác, Trần Nguyên Hạnh không viết về nỗi đau riêng, càng không viết về ái tình lứa đôi.

Cô chọn viết về thơ ấu, lại cẩn thận chắt lọc những điều nhỏ nhắn vui tươi để chia bày, có lẽ cũng là để tiếp thêm năng lượng cho biết bao đứa trẻ ngày ấy đã trưởng thành, đang mỏi mệt với đời sống.

Trần Nguyên Hạnh viết chậm rãi, nhẩn nha, không vọng những xa xôi. Cô viết những điều gần gũi nhất, dễ cảm động nhất, có lẽ chỉ mong có được duyên lành gặp gỡ những tâm hồn đồng cảm với những điều mình viết.

Cô trải lòng: “Có những mùa mà yêu thương thảng hoặc tràn về như gió thổi – lồng lộng hoang hoải và ngập tràn thương yêu. Đôi lúc xốn xang và day dứt đến bần thần. Đôi lúc lại dịu dàng êm ái tưởng chừng như câu ca anh dành cho tôi ở một ngày thu trong trẻo…"

"Và tôi muốn viết cho những yêu thương dịu vợi ấy bằng những cảm xúc ngọt ngào và lãng mạn nhất, bằng cái tình trong trẻo và thanh thoát nhất, bằng sự đa cảm của một cô gái đang độ tuổi đôi mươi và bằng cái cảm quan tinh tế của một người yêu thơ văn nhạc họa. Xin mượn những con chữ dung dị để nói lên những điều sâu thẳm, mênh mang, khó diễn đạt bằng lời”. 

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply