4 hiểu nhầm thường gặp về du học Anh Quốc

0

Sẵn sàng du học – Anh Quốc là một trong những cường quốc du học đứng đầu thế giới, chào đón 501.000 tân sinh viên mỗi năm. Bên cạnh nhiều thế mạnh không thể phủ nhận, vẫn còn những hiểu nhầm cố hữu khiến sinh viên và phụ huynh e dè lựa chọn xứ sở sương mù làm điểm đến.

chi-phi-du-hoc-anh

Hiểu nhầm 1: Du học Anh Quốc đắt đỏ bậc nhất

Bên cạnh chất lượng giáo dục vượt trội, Anh Quốc luôn bị “gắn mác” là đất nước có mức chi phí du học đắt đỏ bậc nhất. Đây là một trong những hiểu nhầm phổ biến về du học ở xứ sở sương mù. Trên thực tế, theo số liệu của ngân hàng HSBC so sánh chi phí ở 13 cường quốc du học trên thế giới, Anh Quốc chỉ đứng thứ 3 với $30.325/ năm, đứng sau Mỹ với $35.705/ năm và Úc với $38.516/ năm.

Không những thế, theo bà Mai, chi phí du học còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vùng địa lý, thứ hạng của trường, cơ hội học bổng và làm thêm… Ví dụ, ở thành phố lớn như London, chi phí sinh hoạt có thể lên đến 900 – 1,100 bảng/ tháng; trong khi thành phố nhỏ chỉ khoảng 400-600 bảng/tháng. Có thể kể đến các trường như Birmingham, Northampton University, Hudderfield, Bangor, Aberystwyth, Lincoln…

Hầu hết các trường có các chính sách giảm học phí hoặc hỗ trợ phí, ví dụ như đăng ký nhập học sớm có thể được giảm 10%, các dạng học bổng xét tự động của các trường Hertfordshire, Portsmouth, Birmingham, Northampton, Sheffield Hallam, hoặc các cơ hội học bổng lên đến 50% học phí (khoảng 210 triệu) như đại học Sheffield Hallam, Hudderfield hay Northampton. Chính phủ Anh cũng tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế làm thêm, thu nhập bình quân hàng tuần có thể đạt mức 120 bảng/tuần ở vùng ngoài London.

Với những điều kiện thuận lợi này, du học Anh Quốc không hề đắt đỏ như bạn tưởng

Hiểu nhầm 2: Thời gian học thạc sĩ chỉ 1 năm khiến chất lượng không bằng các chương trình 2 năm ở các nước khác?

Một điều đặc biệt trong hệ thống đào tạo của Anh là chương trình học thạc sĩ chỉ kéo dài 1 năm chứ không phải 1,5 – 2 năm như đa số các nước khác. Nhưng không vì thế mà chất lượng đào tạo của họ trở nên yếu thế hơn Mỹ hay Úc, bằng chứng là bằng cấp của Anh có giá trị và được công nhận trên toàn thế giới. Đi cùng với đó, cường độ học tập đương nhiên sẽ căng thẳng hơn, chương trình học của Anh tập trung vào các môn chuyên ngành, không dàn trải nhiều môn đại cương nên dù chỉ học gói gọn trong 1 năm vẫn có thể đảm bảo chất lượng học.

Mặt khác, việc rút ngắn thời gian học lại mang đến cho sinh viên nhiều thuận lợi như tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, đồng nghĩa với việc bạn sẽ sớm quay trở lại với môi trường công việc và không bỏ lỡ những cơ hội nghề nghiệp quý giá. Một số trường trong chương trình học của mình còn linh hoạt cho phép sinh viên hoàn tất 1 năm học thạc sỹ và 1 năm đi làm như các trường đại học Sheffield Hallam, Hertfordshire, Northampton… giúp học sinh tích lũy kinh nghiệm và có thêm thu nhập.

Hiểu nhầm 3: Chứng minh tài chính khi du học Anh rất gắt gao

Cũng giống như các nước khác, mục đích của việc chứng minh tài chính khi đi du học Anh chỉ để đảm bảo bạn có đủ điều kiện tài chính chi trả cho mọi khoản chi phí khi đi du học chứ không phải để “làm khó” du học sinh. Một điểm khác biệt là visa Anh không chú trọng vào việc chứng minh quyền sở hữu những tài sản hữu hình như nhà cửa, xe cộ, nguồn thu nhập… mà chỉ tập trung vào chứng minh tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng tối thiểu có thể chi trả toàn bộ chi phí du học trong 1 năm (học phí, ăn ở, đi lại, vui chơi, các khoản chi phí tối thiểu khác…) với thời gian gửi tối thiểu là một tháng. Số tiền gửi lớn hơn với thời gian gửi dài hơn sẽ là lợi thế giúp hồ sơ của bạn trở nên đáng tin cậy hơn. Điều quan trọng là sinh viên phải thuyết phục UKVI bằng một kế hoạch học tập hợp lý cũng như cơ hội nghề nghiệp của mình sau khi học xong.

Hiểu nhầm 4: Cơ hội xin việc thấp, khó ở lại định cư

Về điểm này, tin rằng ở đất nước nào cũng vậy, không riêng gì Anh, cơ hội việc làm và định cư chỉ đến với những ai có năng lực chuyên môn và thực sự hiểu thị trường tuyển dụng. Vì thế, nếu bạn nghiêm túc có ý định ở lại Anh sau khi du học, hãy thực sự chú tâm vào việc học của mình, để tích lũy kinh nghiệm chứ không phải chỉ gia tăng điểm số.

Mặt khác, bạn cũng cần có một chiến thuật khôn ngoan cho việc ở lại. Bà Mai phân tích thị trường tuyển dụng ở Anh: “Sinh viên muốn làm việc tại Anh hãy chọn học những ngành khát nhân sự như nhóm ngành Kỹ thuật, Kỹ sư, Điều dưỡng, Y khoa, Nghiên cứu… Có thể thấy học sinh sang Anh du học từ bậc trung học/ A Level có cơ hội cao hơn học sinh sang Anh học 1 năm bậc thạc sỹ.”

Thông thường, nếu là các ứng viên phổ thông (normal applicant) thì du học sinh sẽ được ở lại 4 tháng xin việc, nếu có việc thì được ở lại. Còn các sinh viên theo học chương trình có thời gian thực tập 1 năm (1 year work placement) thì được ở lại tiếp tục làm việc theo chương trình học.

Hiện tại, Anh đang xem xét nới lỏng chính sách ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế, trong đó có danh sách 23 trường đại học cho phép sinh viên học xong được ở lại làm việc 6 tháng. Hi vọng chính sách này sớm được thực thi, tạo điều kiện cho du học sinh

Do đó, bạn hoàn toàn có thể xin việc ở Anh cũng như định cư về sau nếu ngay từ đầu, bạn có một sự đầu tư nghiêm túc và khôn ngoan cho việc du học chứ không phải chỉ trông chờ vào sự nới lỏng của chính sách hay trò may rủi.

Trên đây chỉ là 4 hiểu nhầm cơ bản khiến Anh Quốc trở thành quốc gia “khó nhằn” trong suy nghĩ của các bạn sinh viên hay phụ huynh có con định du học. Tin rằng việc làm sáng tỏ những thông tin này sẽ khiến các bạn yên tâm hơn và vững tin trên con đường chinh phục ước mơ du học ở xứ sở sương mù, giống như các bạn sinh viên đã được SI-UK tư vấn thành công.

Thái Hải (SSDH) – Theo ukunifair

Share.

Leave A Reply