5 điểm mới trong du học Anh quốc 2018

0

Sẵn sàng du học – Kể từ ngày 6/4/2015, đã có một số điểm mới trong du học Anh Quốc về quy định, chính sách được đại sứ quán Anh cập nhật. Để có được tỉ lệ Visa thành công cao nhất, việc cập nhật thường xuyên những thay đổi là vô cùng cần thiết.

du-hoc-anh

Nhằm giúp các bạn học sinh Việt Nam chủ động hơn trong vấn đề chuẩn bị hồ sơ học tập, tài chính cũng như tránh được nhiều rắc rối không đáng có. Dưới đây là 5 điểm mới trong du học Anh Quốc 2018 được chúng tôi tổng hợp:

1. Chỉ chấp nhận chứng chỉ IELTS UKVI trong hồ sơ xin Visa Anh Quốc.

Trước tháng 4/2015: Trong hồ sơ xin Visa chỉ yêu cầu chứng chỉ Ielts thường hoặc các chứng chỉ tương đương như PTE, IESOL, ESOL, ISESOL.

Từ tháng 4/2015: Chính phủ Anh đã công bố những thay đổi quan trọng trong việc khảo thí ngôn ngữ tiếng Anh phục vụ cho việc nộp đơn xin thị thực Visa. IELTS đã được Cục Quản lý Thị thực và Xuất nhập cảnh Anh phê chuẩn trong danh sách Kỳ thi Tiếng Anh Đảm bảo (Secure English Language Tests – SELT) và trở thành kỳ thi duy nhất được chấp nhận bởi Bộ Di Trú Anh (UKVI).

Những chứng chỉ tiếng Anh trước đây được chấp nhận như PTE, IESOL, ESOL, ISESOL và những chứng chỉ tiếng Anh khác từ Cambridge Assessment (ngoại trừ IELTS) sẽ không được chấp nhận nữa.

Theo đó, với các đối tượng xin thị thực Visa Anh Quốc với các mục đích khác nhau chỉ chấp nhận chứng chỉ IELTS UKVI do British Council, IDP, Cambridge Assessment cấp và chứng chỉ từ trường Trinity College London (GESE, ISE).

IELTS UKVI khác IELTS thường như thế nào?

Các dạng thức thi IELTS UKVI cụ thể cho từng đối tượng như sau:

IELTS UKVI (General Training ): Dành cho visa và đơn xin nhập cảnh đến Anh loại 1, loại 2, loại 4: là kỳ thi dành cho các đối tượng mong muốn định cư tại Vương quốc hoặc tham gia các khóa đào tạo hoặc học tập ở bậc dưới đại học (A levels, GCSE/IGCSE, Tú tài quốc tế – IB). Bài thi bao gồm 4 kỹ năng Nghe, Đọc, Viết và Nói. Lệ phí thi là: 7.155.950 VNĐ

IELTS UKVI (Academic): Dành cho visa và đơn xin nhập cảnh đến Anh loại 1, loại 2, loại 4: là kỳ thi IELTS dành cho các đối tượng có nhu cầu nhập cư vào Anh và cho những người có nhu cầu được đào tạo, học tập các chương trình trung học, tiếng Anh hoặc dự bị đại học tại Anh. Bài thi bao gồm 4 kỹ năng Nghe, Đọc, Viết và Nói. Lệ phí thi là: 7.155.950 VNĐ.

IELTS Life Skills (cấp bậc A1 và B1): là kỳ thi dành cho các đối tượng cần chứng minh khả năng Nghe và Nói cơ bản làm cơ sở cho việc xin thị thực và định cư tại Vương quốc Anh. Bài thi bao gồm 2 kỹ năng Nghe và Nói. Lệ phí thi là: 5.367.215 VNĐ.

2. Chứng minh tài chính du học Anh tăng lên.

Trước 12/11/2015: Sinh viên khi du học Anh được yêu cầu chứng mình tài chính tối thiểu 1.020 GPB/1 tháng nếu học tại London và 820GPB/ 1 tháng nếu học ngoài London.

Từ ngày 12/11/2015: Cơ quan Visa và Bộ di trú Anh quốc (UKVI) có thông báo về quy định mới trong việc chứng minh tài chính cho Sinh viên khi đi du học tại Anh Quốc được áp dụng như sau:

  • Sinh viên học tại London: yêu cầu chứng minh tối thiểu 1,265 GBP / 1 tháng, và phải chứng minh đủ trong 9 tháng tổng tiền là 11.385 GBP.
  • Sinh viên học ngoài London: yêu cầu chứng minh tối thiểu 1,015 GBP GBP / 1 tháng, và phải chứng minh đủ trong 9 tháng tổng tiền là 9.135 GBP.
  • Sinh viên gia hạn Visa để học khóa tiếp thì cũng đều phải chứng minh đủ số tiền tài chính như trên.

3. Chính sách làm thêm được thắt chặt.

Kể từ ngày 03/08/2015, nếu bạn nộp visa Tier 4 (General) để theo học tại một trường cao đẳng công, bạn sẽ không được phép đi làm thêm, ngoại trừ làm việc theo chương trình thực tập (work placement) như một phần của chương trình học.

Tuy nhiên, nếu trường cao đẳng này là một đơn vị được phép cấp bằng recognized body, bạn sẽ được phép đi làm thêm.

Đại diện Đại sứ quán Anh ở Hà Nội cũng xác nhận rằng quy định này chỉ áp dụng đối với những sinh viên ngoài EU (đối tượng của thị thực Tier 4) đang theo học các trường cao đẳng công và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến những sinh viên quốc tế theo học các cấp học khác như đại học, sau đại học.

Trước đây, sinh viên ngoài khối EU đang theo học tại một trường cao đẳng công lập vẫn được phép đi làm thêm từ 10-20 giờ/ tuần.

4. Đóng thêm phụ phí bảo hiểm £150/năm là một trong những điểm mới trong du học Anh.

Nếu như trước đây, bạn được hưởng chế độ chăm sóc y tế miễn phí thì từ ngày 6/4/2015 sinh viên sẽ phải đóng phụ phí bảo hiểm y tế £150/năm (Áp dụng cho dạng Tier 4, người thân đi theo dạng Dependant Visa và Visa đi làm việc trên 6 tháng, không áp dụng cho diện apply Visitor Visa).Sinh viên sẽ đóng trước phí này cho toàn bộ khóa học ở Anh trước khi xin visa.

Nếu thời gian khóa học là 12 tháng 1 ngày, sinh viên sẽ phải đóng bảo hiểm cho 1,5 năm. Trong trường hợp sinh viên đã có bảo hiểm y tế riêng, vẫn sẽ phải đóng phí này.

Hoàn trả:

  • Phí này sẽ được hoàn lại trong trường hợp sinh viên không được cấp visa.
  • Không được hoàn lại nếu sinh viên được cấp visa nhưng không sang Anh học tập.
  • Không được hoàn lại nếu sinh viên về trước trước khi kết thúc hạn bảo hiểm

Phí bảo hiểm được thanh toán online. Sau khi thanh toán phí bảo hiểm, bạn sẽ nhận được số tham chiếu có tên là IHS Reference number – bạn sẽ cần cung cấp thông tin này trong bộ hồ sơ xin visa của mình. Kể cả trong trường hợp bạn được miễn phí bảo hiểm, bạn cũng vẫn cần cung cấp số tham chiếu IHS này trong bộ hồ sơ.

5. Cấp thẻ cư trú thường niên( Biometric Residence Permit – BRP).

Theo quy định mới: Từ ngày 15/04/2015, trường hợp đến Anh hơn 6 tháng, công dân không thuộc khối kinh tế chung Châu Âu sẽ được cấp thẻ cư trú thường niên (BRP) khi xin thị thực tại Việt Nam. Những thay đổi này sẽ được áp dụng cho loại thị thực du học bậc 4 (Tier 4), thị thực lao động và thị thực định cư.

Người xin thị thực sẽ được cấp thị thực tạm thời có hiệu lực 30 ngày thay vì thị thực có thời hạn đầy đủ. Trong vòng 10 ngày từ khi sang Anh Quốc, bạn cần phải nhận thẻ BRP từ địa chỉ mà bạn đăng ký trong đơn xin thị thực theo mã ACL. Nếu bạn chưa chọn địa điểm hoặc mã xác nhận, thư quyết định gửi cho bạn từ Đại Sứ Quán hoặc Lãnh Sự Quán Anh tại Việt Nam sẽ ghi rõ chi nhánh bưu điện nơi bạn có thể đến và lấy thẻ BRP của mình.

Lấy thẻ cư trú thường niên là ưu tiên số một sau khi bạn đến Anh, vì bạn cần thị thực lưu trú để có thể sinh sống, học tập, làm việc tại Anh, và cả khi đi du lịch sang nước khác.

Danh sách các trường đại học và mã ACL:

  • Birmingham City University (BCU): 2HE522
  • Đại học Bristol: 2HE397
  • Brunel University London: Các mã này sẽ được đưa ra trên CAS (Thư chấp nhận học qua mạng)
  • Đại học Coventry: 2HE452
  • Coventry University London Campus: 2HE457
  • Đại học Edinburgh: 2HE529
  • Đại học Kent Canterbury Campus: 2HE362
  • Đại học Kent Medway Campus: 2HE367
  • Đại học Nottingham: 2HE427
  • Đại học Swansea: 2HE544
  • Royal Holloway, Đại học London: 2HE482
  • Đại học Warwick: Mã này sẽ được đưa ra trên CAS
  • Đại học Sussex: Mã này sẽ được đưa ra trên CAS
  • Đại học Glasgow: 2HE499
  • Đại học Newcastle: Sinh viên sẽ phải lấy thẻ BRP từ một chi nhánh bưu điện ở Newcastle upon Tyne.
  • Đại học East Anglia (UEA): sinh viên nên sử dụng mã vùng riêng của trường, NR47TJ. Bạn có thể dễ dàng lấy thẻ BRP từ bưu điện gần nhất của trường.

Thẻ lưu trú sinh trắc học là giấy tờ hợp pháp cho phép lưu trú, làm việc hoặc học tập ở Vương Quốc Anh. Sinh viên không cần phải mang theo người mọi lúc, nhưng sẽ phải trình cho Cơ quan Hải quan cùng với hộ chiếu khi xuất cảnh hoặc nhập cảnh vào Anh.

Lưu ý: Khi đến nhận thẻ BRP tại trường đại học hoặc bưu điện, bạn cần mang theo hộ chiếu gốc hoặc visa tạm thời, và thư quyết định gửi từ Đại Sứ Quán hoặc Lãnh Sự Quán Anh. Nếu không có cả hai loại giấy tờ trên thì bạn không thể nhận thẻ BRP. Nếu bạn làm mất một trong những tài liệu trên, hãy liên hệ UKVI theo địa chỉ mail: BRPCollection@homeoffice.gsi.gov.uk

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Nước Anh

Share.

Leave A Reply