Sẵn sàng du học – Đối với du học sinh Việt khi muốn là việc tại nước ngoài ngoài khả năng ngôn ngữ và ngành học quốc tế thì các viết CV khác biệt và hiểu tâm lý nhà tuyển dụng quốc tế mong gì ở bạn là một việc quan trọng.
Một trong những việc đầu tiên bạn cần làm sau khi quyết định kiếm việc là tạo cho mình một resume hoàn chỉnh. (Tuy ở nhiều quốc gia khác, resume và CV chỉ đến hai loại hồ sơ khác nhau, tại Úc 2 từ này thường được dùng như nhau). Một resume đẹp, súc tích và nổi bật sẽ tăng khả năng nhận việc cho bạn. Ngược lại, một resume cầu kì, khó đọc và mang tính “đại trà” là lý do đầu ty công ty đánh trượt bạn, cho dù trên thực tế bạn có giỏi đến mức nào.
Chắc bạn đã nghe đâu đó nhiều lần, một “nguyên tắc vàng” khi viết resume là dài không quá 2 trang A4. 2 trang A4 là vỏn vẹn tất cả những gì bạn có thể sử dụng để “quảng cáo” tên tuổi và khả năng của mình. Vậy bạn sẽ phải đề cập những gì trong 2 trang A4 đó?
Tiêu đề
Tiêu đề CV là điều đầu tiên mà các nhà tuyển dụng tiềm năng sẽ nhìn thấy khi họ nhìn vào CV của bạn. Vì là ấn tượng đầu tiên của bạn với nhà tuyển dụng nên bạn cần trình bày tiêu đề ở định dạng tốt nhất có thể. Dùng tên của mình làm tiêu đề cho CV. Tốt nhất là in đậm và có thể dùng màu sắc để làm nó nổi bật và ấn tượng.
Thông tin liên lạc
Hiển nhiên, bạn không sử dụng số điện thoại hoặc địa chỉ email công việc của bạn nếu bạn không muốn cả công ty biết bạn đang muốn nhảy việc. Hãy sử dụng số điện thoại và email cá nhân trong CV, hoặc tạo một email mới dùng riêng để tìm kiếm việc làm. Email cá nhân nên ở định dạng đơn giản, chuyên nghiệp.
Đảm bảo bạn cung cấp số điện thoại để nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn dễ dàng hơn. Nếu được, bạn có thể ghi rõ thêm thời gian bạn có thể nhận điện thoại vào CV của mình. Điều này hoàn toàn sẽ không làm mất điểm của bạn, ngược lại sẽ cho thấy bạn là người biết sắp xếp và suy nghĩ thấu đáo.
Career Objective
Cho những công việc sau đại học, hoặc các ngành nghề liên quan đến Kinh doanh, Thương mại, Kĩ sư hoặc công việc thuộc về chính phủ, bạn nên thêm vào mục Career Objective, nơi bạn nêu rõ mục đích của mình khi nộp đơn cho vị trí công việc này, cùng với những điều mà bạn mong đợi sẽ gặt hái được khi làm trong công ty. Những điểm này chứng tỏ bạn đã tìm hiểu kĩ về doanh nghiệp mà bạn muốn “đầu quân”, và là một người kỹ lưỡng, có định hướng rõ ràng trong công việc.
Skill Summary
Đây là lúc bạn liệt kê tất cả những kĩ năng bạn sở hữu có thể giúp ích cho vị trí công việc bạn đang muốn làm. Tuy nhiên, bạn không nên liệt kê tất cả kĩ năng mình có. Mỗi công việc đòi hỏi những kĩ năng khác nhau, nên bạn hãy chú ý chỉ chọn những điểm liên quan. Bạn chỉ nên đề cập tối đa là 8 kĩ năng trong mục này.
Education/ Qualifications
Cung cấp thông tin các bằng cấp mà bạn có, bao gồm các chứng chỉ nghề (nếu có liên quan). Bạn không cần liệt kê bằng Trung học, tuy nhiên nếu bạn là thành viên của những tổ chức có liên quan đến ngành nghề mà bạn đang ứng tuyển thì nên liệt kê ra, ví dụ Association of Accounting Technicians’ membership.
Ngoài ra, nếu bạn học được nhiều kĩ năng thông qua các khoá học trực tuyến, như EdX, Udemy, Coursera hay Lynda, bạn cũng có thể đề cập đến chúng, chú ý chỉ lựa những chứng chỉ quan trọng và có liên quan. Không nên đưa những chứng chỉ mang tính phổ quát như Certificate of Introduction to Graphic Design.
Employment History/ Career History/ Experience/ Relevance Experience
Đây là phần quan trọng nhất của đơn xin việc, vì thế hãy tập trung 80% sức lực vào “đánh bóng” mục này cho thật đầy đủ và súc tích. Hầu hết mọi người thường chia nhỏ phần này thành nhiều mục: previous jobs và additional experience (volunteer, etc…). Bạn sẽ phải đề cập vị trí làm việc trong quá khứ, thời gian làm việc, miêu tả công việc và các kỹ năng bạn đạt được, cũng như một số thành quả đáng kể mà bạn gặt hái được trong công việc.
Khi miêu tả các công việc đã làm trước đây, nên nhấn mạnh những kĩ năng có liên quan đến vị trí công việc hiện tại. Đừng chỉ tập trung vào các kĩ năng chuyên ngành, cố gắng đưa thêm vào các kĩ năng mềm. Xu hướng tuyển dụng hiện nay và trong tương lai sẽ rất chú trọng các soft skills như làm việc nhóm, lãnh đạo, kĩ năng giao tiếp và đàm phán, và sáng tạo.
Extra-curricular activities
Hoạt động ngoại khóa góp phần cho thấy bạn là một người không chỉ vững về lý thuyết và các kiến thức chuyên môn, mà còn là một người năng động, có tính cộng đồng và sở hữu nhiều kĩ năng mềm khác. Nếu bạn là thành viên của một câu lạc bộ tại trường, đã từng volunteer hoặc là thành viên của một tổ chức công nghiệp, hãy nêu ra cùng với thời gian cụ thể.
Bạn cũng có thể gộp mục này và mục Education / Qualifications với nhau tùy vào tiểu sử của mình. Tuy vậy, giống như các mục khác, tính liên quan đến vị trí công việc hiện tại vẫn là tiêu chuẩn chính khi liệt kê các hoạt động ngoại khoá. Bạn có thể tham gia 10 câu lạc bộ khác nhau, nhưng nếu chúng không liên quan, đừng nêu ra.
Achievements
Đây là nơi bạn khoe ra những “chiến tích” của mình. Hãy kể ra những thành tựu bạn đạt được, bao gồm các bằng khen, giải thưởng học tập hoặc các kỷ lục lập được trong quá khứ. Điểm GPA và học bổng cũng là những thành tích nên đề cập, bởi tuy nhiều người vẫn thường bảo “Điểm số không nói lên được con người”, các nghiên cứu tâm lý cho thấy trên thực tế, điểm GPA cao thể hiện phần nào tính cách và thói quen của sinh viên, như tính kiên trì và tỉ mỉ. Nếu bạn đang xin việc ở công ty nước ngoài, điểm IELTS cao cũng là một thành tích nên nêu ra, vì nó chứng minh cho thực lực ngoại ngữ của bạn.
Interest
Sở thích cá nhân thì có liên quan gì đến công việc bạn đang ứng tuyển? Thật ra, công ty có thể dựa trên các sở thích của bạn để từ đó suy ra được bạn có những kĩ năng mềm nào có thể giúp ích được cho công ty. “Viết/viết blog” thể hiện bạn là người có thể giao tiếp tốt; “đi du lịch” cho thấy bạn là người hiểu biết đa văn hoá; “chơi các môn thể thao tập thể” tạo ấn tượng bạn là một người biết làm việc theo nhóm. Thế nên bạn nên chọn lọc kĩ lưỡng những thú vui tích cực. “Xem phim” hay “đi chơi với bạn bè” không nên được đưa vào. “Đọc sách” là một thú vui tốt, nhưng nếu đứng một mình nó cũng cho thấy bạn có thể là người ngại đám đông, ít nói và không giao tiếp giỏi.
Referees
Nhiều công ty sẽ yêu cầu được nói chuyện với những người đã làm việc với bạn trong quá khứ, hay còn gọi là referee, để nghe đánh giá của họ về bạn. Referee có thể là một giáo viên cũ, một giáo sư mà bạn đã làm việc trong quá khứ, một tổ chức phi lợi nhuận mà bạn từng volunteer, hay chủ lao động trước đây của bạn. Hình thức reference có thể là thông qua một lá thư hoặc nhà tuyển dụng sẽ gọi điện trực tiếp đến các referee để hỏi về bạn. Trước khi quyết định chọn ai làm referee, đương nhiên bạn sẽ phải xác định xem hình thức reference của công ty tuyển dụng là gì, cũng như xin phép sự đồng ý từ referee. Trong trường hợp gọi điện, bạn nên nêu thêm thời gian mà referee có thể nhận điện thoại.
Với những mục trên gói gọn đầy đủ trong resume sẽ giúp bạn toả sáng trong mắt người tuyển dụng, và tăng khả năng bạn được gọi phỏng vấn hoặc nhận làm. Bạn còn chờ gì nữa? Hãy mở laptop ra và bắt đầu mài dũa resume của mình đi nào!
Khánh Ngọc (SSDH)