Bằng giỏi về nước, du học sinh vẫn gian nan tìm việc làm

0

SSDH – Tốt nghiệp bằng Giỏi sau khi du học 4 năm ở Singapore, trở về Việt Nam được hơn nửa năm, nữ sinh này vẫn đang lao đao tìm kiếm công việc phù hợp.

 

Câu chuyện có thật của nữ du học sinh V.B.N, sinh năm 1992 tại Hà Nội ít nhiều nói lên thực trạng của một bộ phận du học sinh khi về nước xin việc. Đến thời điểm hiện tại, sau hơn nửa năm chật vật tìm kiếm và nộp hồ sơ dự tuyển vào các công ty, B.N vẫn chưa có được chỗ làm ổn định. Cô bạn đang tính quay lại nơi mình du học để tìm kiếm việc làm.

 

B.N sang Singapore du học từ tháng 7/2010. Ở đây, cô bạn theo học chuyên ngành Banking & Wealth Management (Quản lý Ngân hàng) thuộc trường ĐH Kaplan nhưng lấy bằng của trường ĐH Quốc gia Dublin (Ireland). Sau 4 năm, B.N tốt nghiệp bằng Giỏi nhưng chưa có kinh nghiệm đi làm trước đó.

 du%20hoc%20sinh%20tim%20viec.jpg

Sau khi tốt nghiệp, nhiều du học sinh vẫn chật vật tìm kiếm việc làm. (Ảnh minh họa)

 

Cuộc sống du học không phải màu hồng

 

Gia đình thuộc loại bình thường nên số tiền để  B.N sang Singapore du học do bố mẹ tích lũy, dành dụm sau nhiều năm vất vả lao động. Quyết định lên đường du học với bao nhiêu dự định ấp ủ về một tương lai khấm khá hơn, B.N hạ quyết tâm phải đạt được kết quả cao nhất trong học tập để sau này kiếm được công việc lương cao, đỡ đần bố mẹ.

 

Mỗi tháng, các khoản sinh hoạt phí từ ăn ở, đi lại của B.N được gói gọn trong 1.000 USD. Để có thêm chi phí cho những nhu cầu cá nhân khác, B.N phải nhận các bài dịch hoặc bài tập… của các bạn về làm.

 

B.N chia sẻ: “Tụi mình học ở Singapore không có kí túc xá vì đất bên này ít, giá lại cao nên toàn phải tự góp tiền với các bạn thuê nhà. Du học sinh không được làm bên ngoài nên chỉ nhận những công việc ngồi nhà làm. Du học ở Sing rất tốn kém, không như nhiều người tưởng đâu”.

 

Tốt nghiệp với tấm bằng loại Giỏi, cũng như bao du học sinh khác, B.N dự định tìm kiếm công việc ở Singapore, bù đắp lại khoản tiền bố mẹ đầu tư trong 4 năm ăn học. Tuy nhiên, do quá nhớ Việt Nam và mong muốn cống hiến nhiều hơn cho đất nước, B.N quyết trở về mặc sự can ngăn, phản đối của nhiều bạn bè ở Sing.

 

“Bản thân mình trước khi về nước khá tự tin, mình nghĩ có bằng cấp, có năng lực thì không lý gì lại không kiếm được công việc phù hợp nhưng sự thật quá phũ phàng và bản thân mình đã hoàn toàn vỡ mộng…” – B.N nhớ lại.

 

Lương cao với không tới, lương thấp sợ bạn bè chê cười

 

Tháng 5/2014, B.N hào hứng đáp chuyến bay về Việt Nam trong sự chào đón của gia đình, người thân. Không bỏ lỡ giây phút nào, cô bạn này lập tức bắt tay vào “công cuộc” tìm kiếm việc làm. Ban đầu, B.N dành nhiều thời gian tạo dựng hồ sơ xin việc (CV) bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt rồi đăng tải trên một số trang tìm kiếm việc làm phổ biến nhất hiện nay.

 

Tuy nhiên, các công việc trên địa bàn Hà Nội đều yêu cầu kinh nghiệm và không nhận thực tập. Không từ bỏ, B.N chuyển hướng và nộp hồ sơ và các công ty nước ngoài, điều đáng nói là các công ty này nhận nhân viên biết tiếng Hàn hoặc Trung nên lợi thế về tiếng Anh của B.N xem như bỏ ngỏ. Tâm trạng chán chường xen lẫn mệt mỏi, B.N chuyển sang xin việc ở các Ngân hàng nhưng cũng không mấy khả quan vì gần cuối năm, các nơi đều cắt giảm nhân sự.

 du%20hoc%20sinh%20tim%20viec2.jpg

Du học sinh tất bật làm thêm ở các nhà hàng Nhật Bản. (Ảnh: Zing.vn)

 

Quá lo lắng, B.N “nhắm mắt làm liều” và chọn 1 công ty thương mại với mức lương 4-5 triệu/tháng để đầu quân. “Mình nói với gia đình là muốn đi làm để va vấp và có kinh nghiệm nên mọi người mới vui vẻ đồng ý. Tuy nhiên, sau 2 tháng làm việc, nhận thấy chế độ đãi ngộ ở đây quá tệ, cộng với việc môi trường làm việc tù túng khi liên tục bị kiểm tra, dò xét và kí phiếu phạt nên mình quyết định nghỉ”.

 

Cô bạn này tâm sự: “Mấy tháng trôi qua, mình thật sự cảm thấy chán, bố mẹ sau khi chu cấp cho mình ăn học cũng mong con cái sớm tự lập. Chỗ cao mình chưa với tới được, chỗ thấp lương 4 hoặc 5 triệu thì gia đình không cho làm và bản thân mình cũng không dám làm vì sợ bạn bè chê cười”.

 

Sau hơn nửa năm tìm việc làm ở Việt Nam, B.N cho biết, nếu trước tết Nguyên Đán tình hình không khả quan, cô bạn sẽ quay lại Singapore. “Mình học tài chính, hơn ai hết, mình hiểu rằng, đầu tư mà không thu lời là đầu tư lỗ, đầu tư thất bại. Và mình không muốn nhận lấy cái thất bại đó” – B.N chia sẻ quan điểm.

 

Nguồn: Tiin

 

Share.

Leave A Reply