Bộ trưởng Giáo dục Mỹ có bằng cử nhân, không phải giáo sư

0

 

Sẵn sàng du học – Theo TS Mark Ashwill, người làm công tác quản lý ở Mỹ không cần là giáo sư. Học vị của Bộ trưởng Giáo dục Mỹ hiện nay là cử nhân. Chức danh giáo sư gắn với giảng dạy và nghiên cứu.

Theo TS Mark Ashwill , người đứng đầu cũng như những thành viên khác của Bộ Giáo dục Mỹ không phải là giáo sư. Ảnh: NVCC

Theo TS Mark Ashwill , người đứng đầu cũng như những thành viên khác của Bộ Giáo dục Mỹ không phải là giáo sư. Ảnh: NVCC

"Người đứng đầu cũng như những thành viên khác của Bộ Giáo dục Mỹ không phải là giáo sư. Betsy DeVos – Bộ trưởng Giáo dục Mỹ hiện tại – có bằng BA (cử nhân) về kinh tế và là nữ doanh nhân", TS Mark Ashwill – giám đốc điều hành Công ty Du học Capstone Việt Nam – chia sẻ.

Xác nhận thông tin này, GS Ngô Như Bình – chủ nhiệm chương trình tiếng Việt tại Đại học Harvard – cho biết chức danh giáo sư do các trường đại học Mỹ tự chủ. Đại học phong chức danh và nó có giá trị trong trường. Khi chuyển công tác sang trường hoặc cơ quan khác, chức danh đó cũng không còn nữa.

“Những người nắm giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ Mỹ có thể trước đó là giáo sư, khi đó họ công tác tại trường đại học. Nếu không còn giảng dạy, người đó cũng không mang chức danh giáo sư. Khi giới thiệu về quan chức, người ta chỉ nói là ông, bà hay tiến sĩ kèm tên, chứ không giới thiệu giáo sư kèm tên", ông Bình thông tin.

Theo ông Đinh Công Bằng, chuyên gia giáo dục tại Mỹ, “Bộ Giáo dục của bang hay liên bang bổ nhiệm hoặc thăng chức nhân viên hành chính không theo bằng cấp”.

Báo cáo không trung thực sẽ bị tước chức danh

Theo một số chuyên gia giáo dục tại Mỹ, giáo sư nước này có 3 mức: Assistant professor (giáo sư trợ lý), Associate professor (Việt Nam gọi là phó giáo sư) và Full professor (giáo sư). Trong đó, giáo sư trợ lý là chức danh sau khi học xong PhD (tiến sĩ).

Chủ nhiệm chương trình tiếng Việt của Đại học Harvard cho biết khi một giáo sư chuyển công tác sang trường khác hoặc cơ quan khác, chức danh giáo sư sẽ không còn. Ảnh: NVCC .

Chủ nhiệm chương trình tiếng Việt của Đại học Harvard cho biết khi một giáo sư chuyển công tác sang trường khác hoặc cơ quan khác, chức danh giáo sư sẽ không còn. Ảnh: NVCC .

TS Ashwill cho hay trường và khoa sẽ lập ra ủy ban tìm kiếm ứng viên cho vị trí giáo sư trợ lý. Cuộc phỏng vấn thường kéo dài một ngày, bao gồm gặp gỡ cá nhân với những nhân vật chủ chốt hoặc nhóm liên quan. 

Thậm chí, ứng viên có thể phải chuẩn bị một bài giảng với sự tham gia của sinh viên và thành viên khác. Sau đó, ủy ban tìm kiếm sẽ lấy ý kiến phản hồi từ những người liên quan.

“Sau 6 năm, người giảng dạy tốt sẽ là phó giáo sư. Phần lớn ở mãi vị trí đó. Một số người tiếp tục phát triển nghiên cứu, trở thành 'cây đa cây đề' trong ngành, là bộ mặt của trường thì lên giáo sư”, ông Bằng thông tin.

Người đàn ông này cho hay quá trình phong hàm tại các trường diễn ra tương đối chặt chẽ, đặc biệt tại đại học top đầu.

Với Đại học Stanford, tùy theo chuyên ngành, tỷ lệ giáo sư trợ lý không thể lên phó giáo sư có thể hơn 90%. Toàn bộ số này bị cho nghỉ việc. Trong khi đó, ở những trường xếp hạng 100, tỷ lệ lên phó giáo sư 70%-80%.

Với chức danh phó giáo sư và giáo sư, công việc sẽ được đảm bảo hơn. Đặc biệt, hàm giáo sư có mức lương cao và bắt buộc phải nghiên cứu. Trong trường hợp phát hiện dữ liệu giả hay báo cáo không trung thực, giáo sư sẽ bị đuổi việc, tước mọi chức danh.

Điển hình là trường hợp của Jodi Whitaker, giảng viên khoa Truyền thông của Đại học Arizona. Theo The Daily Wildcat, năm 2017, Whitaker bị tước chức danh giáo sư trợ lý sau khi Hội đồng Quản trị bang Ohio phát hiện những bất thường trong nghiên cứu mà bà đăng trên một tạp chí khoa học năm 2012.

Ông Bằng khẳng định Mỹ không có tiêu chuẩn cụ thể về việc phong giáo sư, vì như vậy chẳng khác nào tự cho phép trường ngày càng thụt lùi trong bảng xếp hạng.'Đặt tiêu chuẩn phong giáo sư cụ thể không khác gì tự cho phép trường thụt lùi'

“Giáo sư càng có nhiều bài nghiên cứu tốt, xin được nhiều trợ cấp nghiên cứu thì càng khiến xếp hạng của trường và khoa tăng lên, hoặc ít ra là giữ vị trí. Việc xét duyệt giáo sư phải thể hiện tinh thần ‘liên tục phát triển’ của khoa cũng như của trường”, ông Bằng nói.

Trong nhiều năm, ông Đinh Công Bằng (trái) hỗ trợ sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ về lựa chọn trường, ngành nghề, tìm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp. Ảnh: NVCC.

Trong nhiều năm, ông Đinh Công Bằng (trái) hỗ trợ sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ về lựa chọn trường, ngành nghề, tìm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp. Ảnh: NVCC.

Ở Đại học Stanford, những người được phong giáo sư phải là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của mình. Mặt khác, ở các trường tầm trung, xếp hạng khoảng 100, giáo sư chỉ cần có bài xuất hiện trên các tạp chí nghiên cứu hàng đầu trong 10 năm.

Đó là về nghiên cứu. Riêng giáo sư còn phải phục vụ cho ngành (như biên tập các tạp chí nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học) và cho trường (đem nhiều trợ cấp nghiên cứu về).

“Nói chung, số lượng giáo sư trong một bộ môn ổn định xuất phát từ nhu cầu đào tạo. Nếu một giáo sư về hưu hay ngừng giảng dạy vì lý do nào đó, bộ môn, khoa và trường sẽ tuyển công khai người khác thay thế. Nếu nhu cầu đào tạo cần có thêm vị trí giáo sư thuộc một trong ba cấp độ trên, bộ môn phải đề nghị lên khoa và trường, nếu thuyết phục được sẽ tìm nguồn kinh phí”, GS Bình cho hay.

Theo ông, nguồn kinh phí đến từ một quỹ, công ty tư nhân hay thậm chí cá nhân. Ngược lại, một khi không còn nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực cụ thể, bộ môn cũng có thể bỏ vị trí giáo sư. Tất nhiên, việc này cũng phải đề nghị lên khoa và trường.

“Một lĩnh vực đào tạo có thể rất hiếm hoặc không có giáo sư và điều này tùy thuộc quan niệm về ngành ấy. Đại học Harvard có rất ít giáo sư cho các chương trình dạy tiếng. Nhưng đây lại là một đề tài khác”, GS Ngô Như Bình nói thêm.

TS Bằng cho rằng Nhà nước không nên quản lý chức danh giáo sư, để việc này cho các trường thực hiện. Nhà nước có các chức danh khác cao quý hơn, ví dụ thành viên hàn lâm khoa học. Đối với chức danh này, người nhận không nhất thiết phải là người Việt Nam.

“Nếu các nhà khoa học thế giới tham gia Viện Hàn lâm Khoa học của Việt Nam thì quá tốt”, ông nêu quan điểm.

Ngoài ra, việc duyệt đề án nghiên cứu quốc gia nên dựa theo năng lực cụ thể chứ không phải theo danh hiệu. Ông thông tin Quỹ khoa học quốc gia của Mỹ không có tiêu chuẩn về ứng viên là chủ đề tài nghiên cứu, chỉ có quy trình đánh giá đề tài.

Thái Hải (SSDH) – Theo Zing News

Share.

Leave A Reply