SSDH – Mùa nhập học với sinh viên châu Âu là mùa đáng chờ đón nhất trong năm, đối với những người tham gia chương trình Erasmus thì sự hồi hộp còn phải nhân đôi, nhân ba lên nữa. Vậy chương trình Erasmus là gì? Có gì thú vị từ chương trình này?
Mùa gặp gỡ duy nhất của 200.000 sinh viên châu Âu
Mùa nhập học với sinh viên châu Âu là mùa đáng chờ đón nhất trong năm, đối với những người tham gia chương trình Erasmus thì sự hồi hộp còn phải nhân đôi, nhân ba lên nữa. Năm nay, họ (trong đó có tôi) sẽ được học tập và sinh sống ở một đất nước hoàn toàn mới mẻ mà thậm chí chúng tôi còn không thể nói được một câu hoàn chỉnh bằng ngôn ngữ bản địa.
Sảnh lớn của trường Đại Học Khoa Học Ứng Dụng The Hague
Đăng kí và được chọn tham gia chương trình “DUCIS” (Diplôme Universitaire de Communication Internationale Spécialisée – Bằng đại học về Truyền thông Quốc tế Chuyên sâu) của trường Đại Học Franche-Comté kết hợp với Đại Học Khoa học Ứng Dụng The Hague (Hà Lan), tôi sẽ lên đường sang The Hague, thủ đô công lí của thế giới, du học trong năm tới với tư cách là sinh viên Erasmus mặc dù không mang quốc tịch châu Âu.
Erasmus là một chương trình hợp tác giáo dục uy tín của châu Âu với mục đích giúp đỡ sinh viên của khoảng 30 nước thuộc thành viên khối Liên minh châu Âu và một số nước (Thụy Sĩ, Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ, Liechtenstein, Na Uy, Ai-len) dịch chuyển ra nước ngoài để học tập và nghiên cứu. Vì mục đích của chương trình là giúp cho càng nhiều sinh viên được đi học ở nước ngoài (bất kì điểm đến nào đó thuộc một nước thành viên của chương trình, tất cả đều nằm ở châu Âu) càng tốt nên mỗi sinh viên chỉ có thể tham gia trong khoảng thời gian ngắn nhất là ba tháng đến dài nhất là một năm. Với số lượng các trường tham gia lên tới 4.000, chương trình còn kết hợp với các trường thành viên trên toàn lãnh thổ châu Âu để thực hiện các kế hoạch đào tạo, trao đổi thường xuyên. Ngay cả các giảng viên cũng được đề nghị tham gia giảng dạy ở các trường bạn. Mỗi năm, chương trình có ngân sách vượt quá 450 triệu euros này có thể giúp thỏa mãn đam mê xê dịch của 200.000 sinh viên. Và vì chúng tôi chỉ có thể sống một lần duy nhất “cuộc đời Erasmus” của mình nên mùa nhập học này là duy nhất và mãi mãi!
Erasmus có gì thú?
Chương trình Erasmus được ra đời vào năm 1987 với sự tham gia của 11 quốc gia. Với Erasmus, sinh viên có thể thực hiện một năm học/học kì ở một nước châu Âu nào đó đã đăng kí từ trước. Tất cả những sinh viên tham gia chương trình đều nhận được hỗ trợ học bổng và miễn phí tiền học, cùng một số ưu đãi khác nữa. Ở Pháp, mỗi sinh viên Erasmus đi học ở nước bạn đều được nhận hỗ trợ 110 euros/tháng, chưa kể các học bổng khác mà bạn có quyền được hưởng kèm. Chẳng hạn, ngoài 110 euros kia, tôi cũng được học bổng của chương trình Aquisis, chương trình hỗ trợ sinh viên du học của vùng Franche-Comté. Mỗi vùng ở Pháp đều có một chương trình hỗ trợ sinh viên khác nhau. Với Erasmus, bạn thực sự được hỗ trợ tối đa để thoải mái lên đường du học mà không phải quá lo lắng về vấn đề tài chính.
Du học, dù trong một thời gian rất ngắn cũng có thể giúp bạn trưởng thành lên rất nhiều. Những người bạn Erasmus khi trở về bao giờ cũng ngậm ngùi tiếc nuối vì phải chia tay với những kỉ niệm quá đẹp. Sống giữa môi trường Erasmus bạn sẽ hàng ngày được đối mặt với những khác biệt đa văn hóa và vượt qua chúng. Bạn bè Erasmus có Wouter người Bỉ sẵn sàng đem bia Bỉ lên lớp làm thuyết trình về đặc sản nước mình, có cô nàng người Tây Ban Nha gật gù nghe giảng vì party đến 5h sáng mà ba tiếng sau đã nghiêm chỉnh giờ lên lớp. Hay cả những cô nàng Hà Lan khiến bạn chột dạ vì khả năng ngoại ngữ “vỏn vẹn” ba thứ tiếng của mình, bởi vị họ có thể nói trôi chảy một lúc tới năm thứ tiếng! Cô nàng Tây Ban Nha kể trên của tôi thì đặc biệt hơn, cô bạn này đã sang Pháp chỉ sau một tuần bập bẹ nói “bonjour”. Không biết tiếng nước ngoài? Có hề gì! Sinh viên Erasmus du học không ngại rào cản, kể cả rào cản ngôn ngữ. Cũng như tụi tôi, họ phải tham gia học (giờ lên lớp được giới hạn hơn vì họ còn phải dành thời gian khám phá bài học cuộc sống của người bản địa) và làm bài kiểm tra, tuy nhiên họ sẽ không sợ chấm rớt. Những thầy cô trường tôi thậm chí còn “chiếu cố” cho sinh viên Erasmus trả bài kiểm tra bằng tiếng Anh hoặc chọn hình thức làm thuyết trình để lấy điểm. Tụi tôi vẫn thường gọi vui họ là những sinh viên “dự giờ” vui vẻ.
Ngày hội sinh viên quốc tế ở The Hague
Làm sinh viên Erasmus, bạn có thể cộng thêm cho mình một điểm khi ra mắt nhà tuyển dụng. Chẳng phải vì lí do này mà chàng nhân vật chính của phim “Auberge espagnole” (một phim phải-xem dành cho sinh viên Erasmus) đã dứt áo ra đi sao? Trong phim, chính vì lời hứa về việc có một vị trí trong Bộ tài chính Pháp mà anh chàng đã đi Barcelona du học… Theo thống kê, tất cả những sếp lớn khi tuyển dụng đều ưu tiên hơn những người có kinh nghiệm Erasmus vì họ “năng nổ, dũng cảm, thân thiện và nhất là có khả năng ngoại ngữ”. Thông thường, giới trẻ châu Âu thường chọn những nước nói thứ tiếng mà họ đã học ngôn ngữ đó ở thời trung học, nhất là Tây Ban Nha, Đức hoặc Anh.
Tiếp nối thành công của chương trình được lấy tên từ một người Hà Lan chuyên nghiên cứu về các vấn đề nhân văn, Érasme (1465-1563) này, một chương trình khác được thành lập từ năm 2004-2005 là Erasmus mundus với đích đến là các nước toàn thế giới. Ở thời của mình, Érasme đã di chuyển qua nhiều quốc gia ở châu Âu để thu nạp nhiều kiến thức văn hóa khác biệt và phát triển tinh thần nhân văn, nhân đạo của mình. Tại thời điểm hiện tại, khi mà thế giới được “ủi phẳng” hơn mỗi ngày và khoảng cách đã trở thành một lí do quá cổ lổ xi, việc đi lại khám phá trở thành vấn đề mà các quốc gia bắt tay ủng hộ. Ngân sách được chuẩn bị cho thời kì 2009-2013 lên đến con số 950 triệu euros.
Trông người lại nghĩ tới ta. Không biết đến khi nào sinh viên châu Á, hay giới hạn diện tích lại khu vực Đông Nam Á, mới có một chương trình trao đổi du học như Erasmus?
Nguồn: StudyinEngland