“Mirai: Em Gái Đến Từ Tương Lai” – Hài hước, dễ thương nhưng đầy tiếc nuối

0

Sẵn sàng du học – "Mirai: Em Gái Đến Từ Tương Lai" mang không khí dễ chịu và đáng yêu giữa hai anh em Kun và Mirai.

Mirai: Em Gái Đến Từ Tương Lai là bộ phim mới nhất của đạo diễn Mamoru Hosoda – cái tên đứng sau những tác phẩm nổi tiếng như Wolf Children (2012), The Girl Who Leapt Through Time (2006) và The Boy and the Beast (2015). Dù là fan hay non-fan của anime, chắc hẳn bạn cũng từng ít nhất một lần nghe đến những tựa phim trên rồi đúng không?

ssdh-mirai

Điều này vô cùng dễ hiểu, vì Mamoru Hosoda là một trong số khá ít những đạo diễn anime thành công ở cả thị trường nội địa lẫn quốc tế. Không giống như nhiều đồng nghiệp của ông, để đưa tên tuổi của mình vượt ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản, Hosoda đã sử dụng chiến thuật làm phim khá rõ ràng: Kết hợp phần hình ảnh đậm chất Nhật Bản (để khơi gợi sự tò mò, thích thú), cùng phần câu chuyện mang tính toàn cầu (để kích thích sự đồng cảm, dễ tiếp thu). Ông thường giữ cho câu chuyện phát triển ở một mức hẹp; xoay quanh những mối quan hệ gia đình, tình bạn, tình yêu tuổi trẻ…; đặt trong bối cảnh hiện thực và "rắc nhẹ" yếu tố kỳ ảo đương đại. Điều này giúp lôi kéo một lượng lớn khán giả đi xem phim với nhu cầu giải trí, bởi họ thấy trong phim ông vấn đề của mình và có thể tạm thời giải quyết nó bằng một cách kỳ ảo nào đó. Do đó, phim của Hosoda thường được đón nhận vô cùng rộng rãi và mang lại thành công lớn về mặt thương mại.

ssdh-mirai1

Tuy nhiên, cách làm phim "yêu chiều" công chúng này của Hosoda đã khiến nhiều người hâm mộ anime lo lắng. Hosoda được tôn trọng vì ông là một trong số ít ỏi những nhà làm phim hoạt hình còn lại vẫn còn chú ý đến tính nghệ thuật của thể loại hoạt hình vẽ tay. Song, vì cố gắng cân bằng giữa mặt nghệ thuật và thương mại, Hosoda vẫn chưa có một bộ phim nào đặc biệt để "lưu danh hậu thế". Cộng đồng người hâm mộ anime vẫn chờ đợi ông, và với Mirai lần này, ông đã khiến không ít người cảm thấy vô cùng thất vọng. Bộ phim mới nhất của ông tiếp tục cố gắng cân đối giữa nghệ thuật và thương mại, nhưng thế cân bằng ông vốn giữ được trong những phim trước đã bắt đầu chòng chành. Và nếu Hosoda không sửa đổi, không chắc ông còn làm được phim hay nữa không.

Ý tưởng tốt, nhưng không phát triển tốt

ssdh-mirai2

Câu chuyện của Mirai xoay quanh một cậu bé 4 tuổi tên Kun. Kun đột ngột "lên chức" anh trai sau khi mẹ cậu hạ sinh một bé gái đặt tên là Mirai (Mirai có nghĩa là tương lai). Mọi chú ý của cha mẹ đổ dồn vào Mirai khiến Kun trở nên ghen tị. Mỗi lần cơn ghen bùng lên, cậu lại mếu máo chạy ra sân, và bỗng trong chớp mắt, cậu bị lạc vào những thế giới khác nhau từ tương lai đến quá khứ. Cậu lần lượt gặp gỡ những người thân trong gia đình mình như: em gái Mirai, mẹ, ông cố,… và thậm chí là chính bản thân mình. Qua mỗi lần phiêu lưu "xuyên không" như thế, cậu lại học được một bài học mới để trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn hơn.

Về chủ đề, Hosoda không có gì để chê. Ông vẫn phát triển chủ đề gia đình quen thuộc, đặc biệt là một gia đình với những thế hệ gắn bó với nhau và gắn bó với những giá trị truyền thống của dân tộc. Ông cũng không quên sở thích làm ngược lại một định kiến nào đó, mà trong Mirai, ông lựa chọn miêu tả hình ảnh một gia đình Nhật Bản có chồng ở nhà chăm con cho vợ đi làm.

ssdh-mirai3

 

Hosoda là một người nhạy cảm, điều vốn đã được thể hiện trong mọi bộ phim của ông. Ông có đề cập đến những cảm xúc tiêu cực như nỗi buồn, lòng giận dữ, sự cô đơn,… nhưng bọc nó vào những lớp mềm mại tình yêu giữa người với người. Trong Mirai, sự nhạy cảm của ông còn được nâng lên một bậc, khi miêu tả nỗi buồn của một đứa trẻ 4 tuổi bình thường. Thật hiếm có, vì khi miêu tả nỗi buồn của con trẻ, thường người ta sẽ chọn một đứa trẻ lớn hơn, và một nỗi buồn cũng lớn hơn (ví dụ như bị bỏ rơi, nghèo đói…). Ít ai lại nghĩ đến chuyện làm hẳn một bộ phim chỉ để xoay quanh chuyện một đứa bé ghen tị với đứa em mới sinh của mình. Phim ngắn thì được, nhưng phim dài thì là một thử thách quá khó khăn.

Hosoda chấp nhận thử thách đó. Và kết cục là, Mirai trở thành… một tập hợp những bộ phim ngắn. Nhược điểm "chết người" của Hosoda từ những bộ phim trước là câu chuyện bị phân tán, không tập trung, và đôi khi người xem còn bối rối không biết nhân vật chính là ai. Ông vẫn mắc lỗi này trong Mirai, và lần này còn khiến người xem dễ nản hơn vì câu chuyện không đủ kịch tính để bù đắp như những phim trước.

ssdh-mirai4

Lựa chọn nhân vật chính là một đứa trẻ ở độ tuổi không thể ngồi yên, Hosoda cũng "khai tử" những khuôn hình tĩnh tại mà ông đã sử dụng thành công ở những phim trước. Ông vẫn giữ phương thức cắt cảnh liên tục bằng màn hình đen, nhưng ở đây có lẽ là cho mục đích gây cười. Đó là còn chưa kể việc xen kỹ thuật 3D vào để miêu tả cấu trúc ngôi nhà và các đoàn tàu hỏa khiến vẻ đẹp thị giác của bộ phim bị giảm đi nhiều. Mirai quả là một bước lùi thật đáng tiếc của Hosoda.

Có được công chúng, đánh mất chính mình

Như đã nói ở trên, người viết cho rằng Hosoda là một người tinh tế. Tuy nhiên, có lẽ vì việc cố làm hài lòng tất cả mọi người, đặc biệt là người xem quốc tế, ông đã khiến Mirai trở thành một sản phẩm nửa vời, "chân nọ chân kia".

ssdh-mirai5

Người viết chú ý đến sự tinh tế của Hosoda từ những cảnh quay chỉ dành để miêu tả chuyển động của những con bọ mùa hè trong The Girl Who Leapt Through Time. Trong Mirai, khán giả cũng bắt gặp lại một lần sự tinh tế này – khi bé Kun đưa tay hứng lấy những bông tuyết được đặc tả vẻ nhỏ bé và mong manh. Song, Hosoda cũng không buồn phát triển tiếp cái nhỏ bé và mong manh này nữa. Ông chỉ nối sự xuất hiện của bé Mirai ở cảnh sau, qua đó cho thấy được điểm chung của giữa tuyết và bé Mirai; nhưng ấn tượng nó tạo ra khá nhạt nhẽo khi đặt trong tổng thể bộ phim.

Không chỉ tuyết, nhiều chi tiết khác cũng thể hiện sự tinh tế của Hosoda nhưng đều bị ông bỏ lửng. Ví dụ như những trò chơi trẻ con (chỉ thể hiện rõ hai trò là "Ong chích" và "Bước trộm"), thế giới cổ tích của trẻ con (chỉ thể hiện rõ hai truyện là "Hansel và Gretel" và "Quỷ Bà Bà")… Nhiều nhân vật xuất hiện chỉ mang tính "cho có" như ông bà bé Kun, cậu của bé Kun… – ngoài mục đích thể hiện một gia đình lớn thì chẳng còn mục đích nào khác. Đây là những thứ đáng lẽ cần được phát triển thì lại bị "chiếm sóng" bởi những thứ lan man nhằm cố gắng giải thích cho người nước ngoài hiểu được truyền thống Nhật Bản (như đoạn nói về tục lệ trưng bày búp bê trong ngày bé gái).

ssdh-mirai6

Hai hình ảnh được Hosoda tập trung phát triển nhất có lẽ là những chiếc tàu siêu tốc và cây sồi.

Những chiếc tàu siêu tốc – những chiếc tàu siêu tốc đồ chơi và những chiếc tàu siêu tốc trong thế giới kỳ ảo của bé Kun – có lẽ ám chỉ sự chuyển động của thời gian. Phim cũng có một đoạn miêu tả sự thay đổi mà thời gian gây ra, thông qua hình ảnh của các phương tiện giao thông như: ngựa, xe máy, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay… (có lẽ lấy cảm hứng từ trường đoạn nổi tiếng trong Millennium Actress của Satoshi Kon). Thế nhưng cách xếp đặt những đối tượng này quá rời rạc để nó có thể tạo ra cảm giác về một dòng thời gian liên tục trôi nhanh.

ssdh-mirai7

Ngược với những chiếc tàu siêu tốc, cây sồi là biểu tượng cho một thứ "bất biến giữa dòng đời vạn biến". Người viết cho rằng trường đoạn gần cuối là trường đoạn tốt nhất của phim, khi thể hiện cây sồi với vai trò cột mốc mà con người dùng để đánh dấu vị trí của mình trong dòng thời gian. Những người con của gia đình, ở bất cứ thời đại nào, khi thấy mình lạc lối trong xã hội nhiễu loạn thì chỉ cần tìm được nó, đứng dưới cái "cây cao bóng cả" ấy, là có thể nhận ra mình là ai.

Chốt lại, Mirai là một sản phẩm giải trí tốt, vì nó rất dễ thương và vui nhộn. Nó cũng đề cập đến nhiều vấn đề mà bạn có thể quan tâm như tâm lý trẻ con, khó khăn của các ông bố bà mẹ trẻ khi chăm sóc con thơ… Tuy nhiên, nó không thể hiện bất cứ sự tiến bộ nào của đạo diễn Mamoru Hosoda trong nghệ thuật kể chuyện; và con đường trở thành tác gia điện ảnh của ông đã bắt đầu lộ rõ lối mòn.

Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14

Share.

Leave A Reply