Nét hư ảo đặc sắc trong ‘Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa’

0

Sẵn sàng du học – "Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa" thấm đẫm chất huyền ảo thơ mộng xoay quanh câu hỏi của những người trẻ trong đô thị về đời sống, nỗi cô đơn, giấc mơ và cái chết.

Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa là tuyển tập truyện ngắn của tác giả trẻ Hiền Trang, gồm mười truyện ngắn được độc lập, nhưng liên kết với nhau bởi chất huyền ảo thơ mộng xoay quanh câu hỏi của những người trẻ trong đô thị về đời sống, nỗi cô đơn, giấc mơ và cái chết.

Truyện ngắn của Hiền Trang lấy bối cảnh trong thành phố, nhưng đó có thể là bất kỳ thành phố nào, những thành phố có những người trẻ, loay hoay trong cuộc sống của mình.

Những thành phố đầy nhà, đầy người, và nỗi cô đơn. Thành phố ấy con người có thể đi lướt qua nhau, chạm vào nhau, nhưng không biết gì về nhau. Con người chỉ có thể là một khuôn mặt, một cái tên, hay một nét cười.

ssdh-giac-mong-lang-thang-tren-dong-co-ua

 

Bằng giọng văn trầm lắng, êm dịu vừa thong thả dửng dưng, Hiền Trang đi qua các ngõ ngách, bằng sức sáng tạo của mình, cô đã viết nên những câu chuyện uyển chuyển, sắc sảo.

Cái chết xuất hiện trong hầu hết truyện ngắn, mỗi cái chết được dẫn giải ở những trạng thái khác nhau, là cái chết của Vàng khi không còn là màu vàng nguyên thủy, “không còn là tôi” (Sự thật về chiếc tai bị cắt của Vincent Van Gogh); cái chết câm lặng của cô gái trong rạp chiếu bóng (Ai đã giết cô gái trong rạp chiếu bóng?); cái chết của cô diễn viên kịch sau khi lần đầu tiên được đóng vai chính (Giấc mộng đêm hè); thêm một cô gái tự tử trong phòng kín (Cô gái mất tích trên sân thượng)…

Những người trẻ đã chết, hầu hết vì tự sát, trong thành phố không tên ấy, những cái chết của họ dường như cũng không ai bận tâm. Những nhân vật trong truyện có khi tự sát vì những lý do có vẻ “vớ vẩn”, nhưng xét theo triết học hiện sinh mà Camus đã viết thì trong đời sống đầy rẫy những vô nghĩa này, tự sát chính là điều có nghĩa nhất.

Trong truyện ngắn Ai đã giết cô gái trong rạp chiếu bóng? Tác giả viết dưới hình thức giả trinh thám. Sau khi có một cô gái bị chết trong rạp chiếu phim, cảnh sát đã mở một phiên điều tra. Rạp chiếu phim hôm đó rất vắng người, và đầu mối duy nhất chính là người ngồi bên cạnh cô gái, cũng chính là bạn cùng lớp đại học của cô.

Nhưng khi cảnh sát vào cuộc điều tra, không ai có thông tin gì về cô gái, ngay cả người bạn trai, người đang sống cùng cô dưới một ngôi nhà, cũng không có chút manh mối nào về “tâm tư” của cô vào ngày cô chết.

Được kể bằng những ngôi kể khác nhau, mỗi nhân vật đều có cơ hội được cất tiếng nói nhưng đó là những câu chuyện rời rạc. Rốt cuộc trong định danh, họ có những mối liên hệ với nhau, nhưng tâm hồn họ, chính là “thăm thẳm hư không”, không có vết dấu nào của sự nối kết.

Bởi vậy, tác giả để cô gái tự bộc bạch những tâm tư của chính mình khi cảm thấy cô đang chết dần “Tôi những muốn la lên để kêu cứu, nhưng khi nhìn sang người ngồi bên cạnh vẫn chăm chú xem bộ phim mà không hề để ý mảy may gì tới sự có mặt của mình, tôi không biết con người ta sống làm gì nữa”.

Cứ như thế, cuộc điều tra trải dài nhưng vô vọng, và nó sẽ chìm đi như bao nhiêu cái chết khác. Bản chất của câu chuyện giả điều tra này, chỉ để bộc bạch sự ơ hờ của thế gian này mà thôi.

Giấc mộng đêm hè là một truyện ngắn thú vị, nó gợi nhắc đến không gian mộng mị huyễn hoặc trong vở kịch nổi tiếng Giấc mộng đêm hè của Shakespeare. Những nhân vật trong truyện ngắn như tôi, An, Hướng Dương, hay ông lão thường ăn bánh táo đều được phủ lên một màu sắc hư ảo, như hiện thực ở đây, lại vừa như có mặt ở một thời đại khác, không gian khác. Bút pháp hiện thực huyền ảo được thể hiện sắc nét trong truyện ngắn.

Những nhân vật của Shakespeare sau cùng đều có được tình yêu và hạnh phúc, nhưng những người sống trong Giấc mộng đêm hè của Hiền Trang ấy đều cô đơn, sống như vừa trải qua một cơn mộng, nhưng Giấc mộng đêm hè ấy là thực hay mộng, rốt cục không ai có thể trả lời được. Ông lão thường hay ăn bánh táo, vì một lá thư, đã chờ đợi suốt năm mươi năm. Đời người hóa ra chỉ vài giấc mộng trôi qua là hết đời.

Truyện ngắn Tấu khúc tháng sáu, truyện ngắn khiến độc giả vừa cảm thấy được hơi thở hiện đại lại vừa trầm lắng trong thanh âm của những ngày xưa cũ. Câu chuyện về chàng trai quay ngược thời gian về những năm 1900, để rồi sau một năm, nghĩ đến chuyện quay về đời sống hiện đại, chỉ còn cảm giác xa lạ, ớn lạnh.

Tập truyện ngắn Giấc mộng lang thang trên cánh đồng cỏ úa đã được trao giải ba trong Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI, một cuộc thi uy tín dành cho các tác giả trẻ do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply