Những bí quyết giúp du học sinh hòa nhập văn hóa Malaysia

0

SSDH – Malaysia là một trong những đất nước cung cấp bằng cấp liên kết đa dạng nhất châu Á – đây là một lựa chọn thú vị cho các sinh viên quốc tế muốn đạt được bằng cấp nước ngoài (thường là của Anh, Mỹ, Úc hay Canana) trong khi đang học tập tại Malaysia. Sinh viên đến Malaysia để học tập có thể lấy được bằng cấp được công nhận quốc tế với chi phí thấp hơn so với việc học chương trình tương đương tại Anh, Mỹ, Úc hay Canada.

 du%20hoc%20malaysia.jpg

 

Những bí quyết dưới đây sẽ giúp các bạn du học sinh hòa nhập nhanh vào nền văn hóa Malaysia.

 

1. Những điều phải “hy sinh” khi nhập gia tùy tục

 

Ở Malaysia, đạo Hồi là quốc giáo. Người dân sống khá kín đáo, bình dị và yên ả. Cũng vì phong cách kín đáo đó mà teen mình sẽ phải hạn chế nhiều thói quen yêu thích ở nhà.

 

Đơn cử như việc người dân bản xứ không tụ tập bạn bè ở những nơi công cộng. Thế nên, đương nhiên sẽ không có cảnh teen Malaysia rủ nhau tung tăng đi dạo, ăn vặt ngoài đường, hay trà đá đàm đạo hoặc đấu games cùng các chiến hữu.

 

Đạo Hồi cấm món ăn chế biến từ thịt heo và hạn chế đồ uống có cồn. Teen cần hiểu rõ những tập tục này để lúc mới sang không bị bất ngờ nhé.

 

Quy định về tác phong của học sinh – sinh viên cũng “nặng cân” không kém. Ví dụ như trường UTP (University Teknologi Petronas): Sinh viên phải mặc áo có cổ, đeo thẻ, đi giày. Nam thì quần dài, tóc cắt ngắn và không được nhuộm tóc (teen nào sở hữu một mái tóc “không nguyên thủy” ở nhà rồi thì đành phải “say goodbye” nó nếu muốn du học ở đây). Các bạn nữ muốn điệu đà một chút cũng phải chọn váy dài đến mắt cá chân. Các trường đều cấm sinh viên mặc quá mát mẻ và “thiếu vải”.

 

Tuy vậy, Malaysia cũng rất tôn trọng nét riêng của các nền văn hóa khác. Tỷ dụ như sinh viên đến từ Nam Phi thì quen với model tóc “sư cọ” cho mát mẻ, hoặc những bạn theo đạo Sikh thì không bao giờ… cắt tóc cạo râu, nên râu các bạn í rất dài và tóc thì buộc thành túm to trên đỉnh đầu luôn (?!) Những điều này không nằm trong phạm vi cấm cản nào hết. Bởi vậy, teen nào mà thích thì có thể cover thoải mái, miễn bạn không phải sinh viên chính hiệu Malaysia, hehe.

 

Thêm một hệ quả nữa từ quan điểm Hồi giáo, đó là giao tiếp nam và nữ phải tuân theo quy định khá nghiêm ngặt. Luật pháp Malaysia cấm nam nữ có hành động quá thân mật nơi công cộng, đặc biệt cấm quan hệ tình dục trước hôn nhân, nếu vi phạm bạn sẽ phải nói chuyện với… cảnh sát.

 

Ký túc trường học cũng chia hai khu nam và nữ. Sinh viên nam không được vào khu của sinh viên nữ và ngược lại. Mọi hoạt động gặp gỡ, trao đổi bài vở hay liên hoan chủ yếu diễn ra ở canteen trường. Một sinh viên Việt mình chia sẻ: “mấy năm sang học ở đây, mình chưa thấy cặp đôi nào có hành động bạo dạn vượt quá… cầm tay nhau trong khuôn viên trường, hì”.

 

Chẳng rõ teen nhà mình có “đau lòng” hay không, nhưng các bậc phụ huynh thì hưởng ứng quy định này cả hai tay.

 

2. Nhập môn tôn giáo Malaysia

 du%20hoc%20malaysia2.jpg

 

Malaysia là một đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo (gồm người dân bản địa, người gốc Hoa, Ấn, Pakistan và một bộ phận không nhỏ dân Việt Nam mình nữa). Mặc dù đạo Hồi được chính thức ghi nhận là quốc đạo của Malaysia, nhưng các đạo lớn khác như Thiên Chúa, Phật vẫn rất được tôn trọng. Những ngày lễ của các tôn giáo lớn, cả nước được nghỉ. Đây là điều khiến nhiều teen nhà ta cảm thấy sung sướng vô cùng. Học ở Malaysia được nghỉ lễ nhiều đến mức dân tình còn không nhớ nổi nghỉ vì ngày lễ gì nữa.

 

Hầu hết mọi người đều theo một đạo riêng, thế nên bạn bè quốc tế thường tròn xoe mắt khi nghe nhiều sinh viên Việt Nam tuyên bố rằng mình không theo một đạo nào hết. Các bạn ấy gọi chúng mình là những “Free thinker”, hì hì.

 

Malaysia có rất nhiều thánh đường khang trang và uy nghi để trưa Thứ sáu hàng tuần mọi người tập trung cầu nguyện. Teen nào muốn vào thăm quan thánh đường thì nhớ phải ăn mặc thật chỉnh tề. Đặc biệt, có sẵn những chỗ để mọi người rửa chân tay trước khi làm lễ, bạn nên cẩn thận kẻo nhầm chỗ này với… WC (kinh nghiệm “xương máu” của sinh viên mình truyền lại đấy, hic).

 

3. Bản đồ giao thông

 

Malaysia có dân số rất là thưa thớt (chỉ bằng 1/4 Việt Nam thôi trong khi diện tích thì tương đương). Xe hơi ở đây rẻ so với thu nhập của người dân (chứ không khủng như ở nước mình), nên đây là phương tiện rất phổ biến, kể cả với teen (giống như teen Việt mình được bố mẹ sắm xe máy cho ấy).

 du%20hoc%20malaysia3.jpg

 

Có một điểm trừ cho giao thông, là ngoài thủ đô Kuala Lumpur ra các nơi khác giao thông công cộng không phát triển mấy.

 

Malaysia có hệ thống đường bộ cao tốc khá hiện đại và hoàn chỉnh, các hãng xe buýt có dịch vụ tương đối tốt nên teen có thể đi một hơi hàng trăm km mà chẳng xi nhê gì. Nếu thích tham quan mua sắm quanh thủ đô Kuala Lumpur, teen có thể đi tàu điện ngầm (LRT) hoặc tàu điện trên cao (MonoRail) rất nhanh chóng, không sợ tắc đường.

 

Lưu ý này: người Malay lái xe bên trái đường, ngược với hệ thống giao thông ở Việt Nam nên bạn phải mất một khoảng thời gian để làm quen.

 

Các sinh viên tiền bối cũng mách nhỏ vài điểm tham quan lý thú, như Genting Highland – cao nguyên nằm cách thủ đô Kuala Lumpur 40km (ở đây chỉ trong một ngày chúng mình có thể tận hưởng khí hậu cả bốn mùa, rất thú vị). Còn trong thủ đô thì những điểm nổi tiếng như tháp đôi Petronas, quảng trường Độc Lập, cung vua, nhà thờ quốc gia… teen nhất định là nên đến rồi.

 

Đông Đức (SSDH) – Theo iOne

Share.

Leave A Reply