Thủ tục đăng ký giấy phép cư trú làm việc tại Đức sau tôt nghiệp

0

Sẵn sàng du học – Đức được biết đến như ngôi sao trong các lĩnh vực kỹ thuật như sản xuất ô tô, tự động hoá, cơ khí… Xứ sở bia đồng thời là một trong những quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất châu Âu. Có lẽ vì thế, ở lại Đức làm việc khi kết thúc khoá học là mơ ước của không ít du học sinh. Cùng SSDH tìm hiểu chính sách làm việc đối với sinh viên quốc tế tại Đức cùng các thủ thục giấy tờ cần chuẩn bị.

Image of Frankfurt am Main skyline during twilight blue hour.

Image of Frankfurt am Main skyline during twilight blue hour.

Du học sinh Đức có 18 tháng ở lại để tìm việc sau khi tốt nghiệp

Khi đã hoàn thành chương trình học, sinh viên quốc tế học tập tại Đức bắt buộc phải đăng ký giấy phép cư trú mới với mục đích hoặc tìm việc, hoặc ở lại làm việc.

Giấy phép cư trú với mục đích tìm việc cho phép bạn ở lại Đức tối đa 18 tháng sau khi tốt nghiệp. Thời hạn 18 tháng thường bắt đầu vào ngày cuối cùng của khoá học, tất nhiên với điều kiện bạn đã liên hệ với Cục Xuất Nhập Cảnh và Quản lý Lưu trú trước đó để hoàn tất mọi thủ tục cũng như nộp đầy đủ giấy tờ được yêu cầu.

Vì thời hạn 18 tháng trôi qua rất nhanh, Hotcoures Vietnam khuyến khích bạn nên liên hệ đặt lịch hẹn với Văn phòng chuyên trách của Cục Xuất Nhập Cảnh và tìm việc làm sớm nhất có thể – lý tưởng nhất vào đầu kỳ học cuối cùng tại Đức. Trong thời gian này, bạn có thể làm việc tại Đức toàn thời gian, không giới hạn công việc hay số giờ làm việc, miễn bạn có đủ tài chính và sức khoẻ để hỗ trợ bản thân trong quá trình tìm việc.

Dưới đây là danh mục các giấy tờ được yêu cầu nếu muốn đăng ký giấy phép cư trú để ở lại Đức tìm việc làm:

  • Bản chính và bản sao hộ chiếu
  • Ảnh chân dung
  • Giấy phép lưu trú hiện tại cùng mẫu đơn bổ sung
  • Chứng minh tài chính: Cụ thể là sao kê tài khoản ngân hàng thời điểm hiện tại, hoặc sổ tiết kiệm. Vào thời điểm biên tập bài viết này (6.2019), sinh viên cần chứng minh sở hữu tối thiểu €8640 trong tài khoản ngân hàng – xấp xỉ chi phí sinh hoạt bạn sẽ sử dụng tại Đức trong 1 năm, tương ứng với khoảng €720/ tháng.
  • Giấy khám sức khoẻ 
  • Bản gốc và bản sao bằng cử nhân hoặc cao học và giấy chứng nhận tốt nghiệp do trường đại học cấp.
  • Phí dịch vụ thay đổi mục đích lưu trú/ cấp thẻ lưu trú tạm thời… (Khoảng €15 – €100 hoặc hơn, tuỳ vào số lượng dịch vụ thực hiện)

​​Trường hợp bạn đã kiếm được việc làm trước khi tốt nghiệp:

Trước tiên, xin chúc mừng bạn đã thực hiện xong một bước đi quan trọng. Trong trường hợp này, bạn vẫn cần đổi trạng thái lưu trú từ “học tập” hoặc “tìm việc” sang “làm việc”. Lý tưởng nhất là bạn đã có trong tay hợp đồng lao động trước khi đặt lịch hẹn với Cục Xuất Nhập Cảnh và Quản lý Lưu trú để thực hiện quy trình. Chuyên viên văn phòng Lưu trú sẽ kiểm tra hợp đồng lao động, trách nhiệm bạn sẽ đảm nhận tại công ty mới, thời hạn của hợp đồng, tiền lương, và liệu công việc bạn có được có tương xứng với trình độ học vấn và chuyên ngành đã học.

trainer and apprentice in technical vocational training at a drilling machine

Các tài liệu dưới đây được nộp kèm cùng hợp đồng lao động của bạn trong quá trình đăng ký đổi mục đích lưu trú sang “làm việc”.

  • Bản chính và bản sao hộ chiếu
  • Ảnh chân dung
  • Giấy phép lưu trú hiện tại cùng mẫu đơn bổ sung
  • Bản chính và bản sao hợp đồng lao động
  • Nội dung công việc do công ty đề nghị
  • Phí dịch vụ

​​Nếu bạn phải quay về nước và muốn tiếp tục tìm việc tại Đức?

Trong trường hợp hết 18 tháng và bạn chưa tìm được công việc ưng ý; hoặc bạn đi theo diện học bổng tài trợ và buộc phải về nước ngay khi tốt nghiệp nhưng muốn trở lại Đức làm việc, visa diện tìm việc (Job seeker) sẽ cho bạn thêm một cơ hội. Visa này giúp bạn quay lại Đức trong vòng 6 tháng để tìm một công việc liên quan đến ngành đã học. Tuy nhiên bạn không được phép làm việc khi quay lại Đức dưới visa này và buộc phải chứng minh tài chính đủ để hỗ trợ bản thân trong 6 tháng tìm việc làm. Khi tìm được công việc phù hợp, bạn có thể áp dụng quy trình đổi trạng thái lưu trú như Hotcourses Vietnam nêu trên.

Đôi điều về thẻ xanh châu Âu – EU Blue card

Tương tự như thẻ xanh Mỹ (US Green Card), chương trình thẻ xanh EU (Blue Card) được đưa ra với mục đích đưa Châu Âu, trong đó có nước Đức trở thành điểm đến hấp dẫn và thân thiên với không chỉ du học sinh mà còn cộng đồng Expat. Sở hữu tấm thẻ xanh Blue Card giống như nâng hạng giấy phép lưu trú lên một cấp độ mới nhờ những quyền lợi mà chương trình Blue Card mang lại.

blurred business people at a trade fair

Chẳng hạn, xét về mặt công việc, tấm thẻ xanh Blue Card sẽ đảm bảo quyền lợi về kinh tế trong đó có trợ cấp thất nghiệp, bình đẳng lương, môi trường làm việc, và gia hạn 4 năm làm việc tại Đức. Xét về mặt xã hội, bạn có thể tự do đi lại trong khu vực Schengen, đoàn tụ gia đình tại Châu Âu, hay có cơ hội trở thành thường trú nhân sau 33 tháng, hoặc 21 tháng nếu tiếng Đức của bạn ở trình độ B1.

Tất nhiên tấm thẻ xanh có giá của riêng nó. Ứng viên nhận thẻ xanh châu Âu để ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp phải đạt được những điều kiện khắt khe, cụ thể: Ngoài sở hữu bằng giỏi và xuất sắc do một trường đại học Đức cấp, công việc của bạn phải nằm trong những ngành học được ưu tiên định cư tại Đức và mang lại cho bạn thu nhập tối thiểu hàng năm là €49,600. Có những trường hợp ngoại lệ được cấp thẻ xanh, và chính phủ Đức cũng ưu ái hơn với cá nhân làm trong lĩnh vực khoa học, toán học, kỹ thuật, IT, hay Y học với mức lương tối thiểu €38,688 mỗi năm.

Thái Hải (SSDH) – Theo hotcourses.vn 

Share.

Leave A Reply