Người phụ nữ gốc Việt mở trường học ở Lào

0

SSDH – Kiettisak International School là ngôi trường quốc tế đầu tiên được thành lập vào năm 1992 tại thủ đô Vientiane nước CHDCND Lào. Ngôi trường được hình thành sau một quá trình vận động và thuyết phục khá gian nan từ một phụ nữ gốc Việt với cái tên Lào Changsanga Valakone…

 

Tên gốc Việt Nam của bà Changsanga Valakone là Nguyễn Thị Nga, có bằng Tiến sĩ Giáo dục tại trường ĐH Dongdok (Lào) và từng đi tu nghiệp ở nhiều quốc gia khác như Anh, Úc và Hà Lan. Còn với riêng nhiều người Lào, không ít ý kiến cho rằng Tiến sĩ Changsanga Valakone hay bà Hiệu trưởng của Kiettisak International School là một phụ nữ tiên phong, can đảm và hết sức cương quyết trong việc cổ súy giảng dạy cũng như sử dụng tiếng Anh.

 

Bà Changsanga Valakone kể lại: “Vào năm 1992, trường bắt đầu thành lập và chuyên dạy tiếng Anh dưới tên Daystar International School tức Trường quốc tế Sao Mai. Năm 1997, trường chuyển qua một cơ sở mới rộng lớn hơn, đổi tên thành Honor International School. Sau 4 lần dời đổi và nâng cấp, đến năm 2005 trường được Bộ Giáo dục Lào chấp thuận và cấp giấy phép là một trường có tiêu chuẩn quốc tế thay vì một trường tư thục chuyên dạy ngoại ngữ. Tên gọi Kiettisak như hiện nay theo tiếng Lào cũng có nghĩa là Danh dự giống như cái tên Honor trước đó!”.

 

Trường quốc tế Kiettisak ở Vientiane hiện có hơn 70 lớp với hơn 1 nghìn em học sinh chia làm 3 cấp gồm vỡ lòng, cấp 1 và cấp 2. Số giáo viên tham gia giảng dạy ở trường này có tất cả 118 người.

 

Sự thành công về nhiều mặt của ngôi trường là động lực thúc đẩy bà Nguyễn Thị Nga nỗ lực mở thêm một trường Quốc tế Kiettisak thứ hai ở thành phố Luang Prabang (thuộc địa phận tỉnh Luang Prabang, mạn Bắc nước Lào). Công trình này khởi công đã gần 1 năm qua tới nay vẫn chưa thật sự hoàn tất nhưng một số lớp từ cấp vỡ lòng, cấp 1 và cấp 2 cũng đã bắt đầu hoạt động, thu hút được khoảng 100 em học sinh người địa phương với 5 thầy cô nước ngoài và 9 giáo viên người Lào.

 

07012013duhocanh7.jpg

Bà Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng trường Quốc tế Kiettisak ở Lào

 

Vẫn theo lời bà Changsanga Valakone, cũng giống như trường Quốc tế Kiettisak ở Vientiane, trường Quốc tế Kiettisak ở Luang Prabang vốn là trường tư, nên phải tự lập toàn bộ chi phí xây dựng. Bà Changsanga Valakone nói thêm: “Tôi phải đi vay tiền ngân hàng để thành lập trường học. Tất nhiên có nhiều khó khăn về ngân quỹ nhưng do có được sự đón nhận của các phụ huynh học sinh nên tôi không ngại gì việc cố gắng phát triển và mở rộng thêm.

 

Danh xưng là trường Quốc tế nên sử dụng tiếng Anh là chính, nhưng vì các em học sinh phần đông là người Lào nên trường còn dạy thêm chương trình của Bộ Giáo dục Lào. Song song với chương trình giảng dạy thì trường có tất cả 3 thứ ngôn ngữ để các em tự do lựa chọn, chẳng hạn tiếng Pháp, tiếng Nhật và tiếng Hoa. Sau khi hết cấp 1 lên cấp 2 thì các em buộc phải lựa chọn một trong 3 thứ ngôn ngữ này để học thêm cùng với tiếng Anh.

 

Đặc biệt, trường luôn mở cửa đón nhận các em học sinh gốc Việt (hiện có khoảng hơn 100 em, phần đông bố mẹ làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Vientiane hoặc cũng có nhiều em bố mẹ sang Lào làm ăn, kinh doanh). Nói chung các bậc phụ huynh luôn đề đạt ý kiến mong muốn trường sẽ mở thêm các lớp 11 và lớp 12 vì lý do chưa muốn cho các em ra nước ngoài du học quá sớm.

 

Ngay cả nhiều vị phụ huynh Việt Nam cũng mong muốn gửi con em học nội trú tại trường, vì vậy tôi nghĩ rằng phía trước mình còn cả một trách nhiệm nặng nề cần phải thực hiện! Và cuối cùng, bên cạnh những vất vả lo toan thì niềm hạnh phúc lớn lao nhất của tôi chính là được nhìn thấy sự thành đạt của các em học sinh gốc Việt mình do trường Quốc tế Kiettisak góp phần đào tạo!”.

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Đại Đoàn Kết

Share.

Leave A Reply