TOP 15 cuốn sách bạn nên đọc khi còn trẻ (Phần 3)

0

SSDH – Ngày nay, để tìm được một cuốn sách “chân ái” để đọc không phải là điều dễ dàng. Trong phần cuối của series này, SSDH sẽ tiếp tục giới thiệu bạn 5 cuốn sách hay mà bạn nhất định không được bỏ lỡ nhé!

Tham khảo: TOP 15 cuốn sách bạn nên đọc khi còn trẻ (Phần 1)

Tham khảo: TOP 15 cuốn sách bạn nên đọc khi còn trẻ (Phần 2)

11. Vũ Trọng Phụng – Số đỏ (1938)

Thể loại: Tiểu thuyết
Nhiều nhà xuất bản

Những tác phẩm văn học lớn thường có sức sống vượt thời gian, cho dù chúng gặp số phận long đong. Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là một tác phẩm như vậy. Xuất bản năm 1938, Số đỏ bị cấm trên toàn Miền Bắc từ 1954-1975 và trên cả nước tới năm 1986. Chỉ từ khi Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới, người ta mới nhìn lại Vũ Trọng Phụng và thừa nhận ông là một trong những nhà văn lớn của Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám, bên cạnh Nhất Linh, Nam Cao…

Các bạn trẻ Việt Nam ngày nay có lẽ ai cũng biết Số đỏ, vì Vũ Trọng Phụng đã được đưa vào giới thiệu trong chương trình ngữ văn phổ thông. Mặc dù vậy tôi vẫn khuyên các bạn nên đọc lại và đọc kỹ tác phẩm này. Nếu trong các tác phẩm của Nam Cao, con người ta dù bị rơi vào những hoàn cảnh khốn cùng như Chí Phèo, Thị Nở, anh giáo Thứ… thì họ vẫn luôn giữ được tính người; ở Nam Cao, ta luôn nhận ra các tuyến nhân vật tốt-xấu một cách rõ ràng, thì ở Vũ Trọng Phụng, các nhân vật đều sống một đời sống suy đồi không phanh. Số đỏ là một tác phẩm mà ở đó, chúng ta không thấy có nhân vật nào là chính diện hay phản diện, không có ai là người thực sự tốt hoặc thực sự xấu, mà nhìn chung tất cả đều bị quay cuồng trong guồng máy danh lợi. Số đỏ vẽ ra một bức tranh quái dị về một xã hội không còn điểm tựa đạo đức, tất cả chỉ còn được đo bằng tiền bạc hoặc danh tiếng. Một kẻ láu cá vặt, chuyên lượm banh và quảng cáo thuốc lậu lại được mời vào hội Khai trí và được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh. Một bà dâm đãng bậc nhất được trao danh hiệu “tiết hạnh khả phong”. Chạy suốt tác phẩm là giọng văn trào phúng với tiếng cười cay đắng.

Rõ ràng Số đỏ không phải tác phẩm văn học mà ở đó ta có thể học được những tấm gương về đạo đức, ý chí hay tình thương, nhưng nó mang lại cho ta sự hiểu biết và tiếng cười. Nó giúp ta nhận diện các vấn đề có thực và nhức nhối của xã hội cũng như con người, khiến ta phải suy nghĩ.

12. Nguyễn Ngọc Tư – Cánh đồng bất tận (2005)

Thể loại: Tập truyện ngắn

Nhà xuất bản Trẻ

Tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận đã biến Nguyễn Ngọc Tư từ một nhà văn tỉnh lẻ (Cà Mau) thành nhà văn nổi tiếng toàn quốc. Cánh đồng bất tận đã vượt ra được tính “vùng miền” để trở thành một tác phẩm văn học có sức lay động, khi nó đề cập đến thiện tính của con người trong những hoàn cảnh khốn cùng ở miền sông nước Nam Bộ. Cánh đồng bất tận đã bị Ban Tuyên giáo tỉnh Cà Mau đề nghị thu hồi vì “vẽ ra một bức tranh đen tối” về cuộc sống của người dân lục tỉnh, nhưng cũng may nó lại được Hội Nhà văn bảo vệ và trao giải thưởng.

Các bạn trẻ nên đọc Cánh đồng bất tận để vừa thưởng thức một tác phẩm văn học hay vừa cảm nhận được tâm hồn người dân vùng sông nước Nam Bộ, cái nôi nuôi dưỡng văn hóa Miền Nam và đô thị Sài Gòn.

13. Bảo Ninh – Nỗi buồn chiến tranh (1995)

Thể loại: Tiểu thuyết

Nhà xuất bản Hội Nhà văn

Nếu bạn ra nước ngoài và có ai đó hỏi bạn về văn học Việt Nam, tôi khuyên bạn nên giới thiệu Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Cho dù từ năm 1988, sau cuộc chiến cuối cùng ở Trường Sa, Việt Nam về cơ bản đã không còn chiến tranh nữa, nhưng chiến tranh vẫn để lại dấu ấn sâu trong xã hội. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam kéo dài suốt 30 năm từ 1945 đến 1975 với sự tham gia của hai cường quốc Pháp và Mỹ là cuộc chiến tàn khốc nhất của thế kỉ. Sau năm 1975, Việt Nam tiếp tục là một chiến trường khi phải đối đầu với quân Khơme Đỏ phía tây nam và quân Trung Quốc phía bắc (1979). Ở Việt Nam hiện nay, những người sinh từ năm 1970 trở về trước đều ít nhiều còn giữ kí ức về chiến tranh và xã hội thời chiến. Bởi vậy, muốn hiểu những thế hệ trước, các bạn trẻ ngày nay không thể không đọc về chiến tranh.

Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh Việt Nam, gây tiếng vang lớn trên phạm vi quốc tế, được nhanh chóng dịch ra tiếng Anh và đã bán được trên 100.000 bản ở Mỹ, con số sách bán kỷ lục của một tác giả Việt Nam ở nước ngoài. Tác phẩm kể về một thế hệ thanh niên trong một cuộc chiến tàn khốc, hủy diệt, những con người để tuổi trẻ trôi đi trong bom đạn và những cơn mưa rừng, trong cô đơn và lãng quên, và trên hết là nỗi buồn. Ta không thấy trong Nỗi buồn chiến tranh tâm trạng “đường ra trận mùa này đẹp lắm” như ở các bài ca chống Mỹ, mà là một tâm trạng đau xót, mất mát, tiếc nuối của tuổi trẻ. Một tâm trạng chán ghét chiến tranh và khao khát hòa bình.

Mặc dù bị một số tướng lĩnh quân đội phản đối, cho rằng tác phẩm miêu tả không đúng tâm trạng của người lính chống Mỹ, nhưng Nỗi buồn chiến tranh vẫn giành được sự đồng cảm sâu rộng của những cựu chiến binh và độc giả Việt Nam. Xét về mặt văn chương, Nỗi buồn chiến tranh (còn có tên khác là Thân phận của tình yêu) cũng là một tác phẩm hấp dẫn và gây xúc động, một câu chuyện tình đẹp và đau đớn. Sau đây là một trích đoạn tác phẩm:

“Mùa khô ấy, nắng to gió lớn, rừng bị ướt đẫm xăng đặc, cuồn cuộn lửa luyện ngục. Các đại đội đã tan tác đang cố co cụm, lại bị đánh tan tác. Tất cả bị na-pan tróc khỏi công sự, hóa cuồng, không lính không quan gì nữa rùng rùng lao chạy trong lưới đạn dày đặc, chết dúi ngã dụi vào biển lửa. Trên đầu trực thăng rà rạp các ngọn cây và gần như thúc họng đại liên vào gáy từng người một mà bắn. Máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc, nhoe nhoét. Trên cái trảng hình thoi ở giữa truông, cái trảng mà nghe nói đến ngày nay cỏ cây vẫn chưa lại hồn để mọc lên nổi, thân thể giập vỡ, tanh bành, phùn phụt phì hơi nóng.
“Thà chết không hàng…Anh em, thà chết…” – tiểu đoàn trưởng gào to, như điên, mặt tái dại, hốt hoảng hoa súng ngắn lên, và ngay trước mắt Kiên anh ta tự đọp vào đầu, phọt óc ra khỏi tai, Kiên líu lưỡi, kêu Oá Oá trong họng. Bọn Mỹ xông tới, tiểu liên kẹp bên sườn.
Đạn dày đặc tủa tới như đàn ong lửa. Kiên nấc to, buông súng ôm lấy một bên hông và khuỵu ngã; thong thả lăn từng vòng, từng vòng xuống lòng suối cạn, máu nóng hổi rưới đẫm bờ dốc thoải.
Những ngày sau đó quạ bay rợp trời, và sau khi bọn Mỹ rút thì mưa mùa ập xuống, lụt rừng. Bãi chiến trường biến thành đầm lầy, mặt nước màu nâu thẫm nổi váng đỏ lòm. Trên mặt nước lềnh bềnh xác người sấp ngửa, xác muông thú cháy thui, trương sình trôi lẫn với cành lá và những thân cây to nhỏ bị mảnh pháo băm. Khi lũ tan, mọi vật trồi ra dưới nắng lầy nhầy bọc trong lớp bùn đặc ghê tanh như thịt thối, Kiên lết dọc suối, mồm và vết thương không ngừng nhỏ máu, thứ máu của xác chết, lạnh và nhớt. Rắn rết bò qua người anh. Thần chết sờ soạng…”

 

14 và 15. Barack Obama
Những giấc mơ từ cha tôi (2004)

Thể loại: Sách tự thuật, lý luận, chính trị

Nguyễn Quang dịch, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2008

Hy vọng táo bạo, Suy nghĩ về việc tìm lại giấc mơ Mỹ (2006)

Thể loại: Sách tự thuật, lý luận, chính trị

Nguyễn Hằng dịch, Nhà xuất bản Trẻ, TP HCM, 2008

Giờ đây nhiều người chỉ nhìn thấy ở Barack Obama vị Tổng thống đời thứ 44 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, con người quyền lực nhất hành tinh, mà ít để ý rằng ông đã từng là một người dùng ma túy, nhiều lúc gặp thất bại, chùn bước, thậm chí muốn bỏ cuộc. Hai cuốn sách Giấc mơ của cha tôi và Hy vọng táo bạo xuất bản trong các năm 2004 và 2006 là những tác phẩm hay nhất mà một chính khách đã từng viết ra. Chúng miêu tả những vấn đề nhức nhối của nước Mỹ như sự bất đồng, sự kì thị chủng tộc, khoảng cách giàu nghèo và nhất là sự mất niềm tin vào chính trị. Ở đây Barack Obama đã cho thấy, ông không chỉ là một diễn giả bậc thầy mà còn là một cây bút thượng thặng với bề dày kiến thức đông tây kim cổ và khả năng lý luận siêu phàm.

Điều thú vị là cả hai cuốn sách đều được Barack Obama viết khi ông mới chỉ là thượng nghị sĩ, vào các năm ông mới 43 và 45 tuổi, thời điểm mà chẳng mấy ai tin rằng rồi đây tác giả của nó sẽ trở thành tổng thống tương lai. Đọc lại hai cuốn sách này, các bạn có thể nhận thấy, Obama đã biết mình phải làm gì từ rất sớm. Hàng loạt ý tưởng lớn về những điều ông sẽ làm với nước Mỹ đã được ông trình bày trong hai cuốn sách này. Nó cho thấy, ngay cả ở một chính khách, người thường xuyên phải thỏa hiệp và thay đổi, thì tư tưởng vẫn có thể đi trước và quyết định hành động như thế nào.

Một điểm thú vị nữa của hai cuốn sách là Obama luôn biết dẫn dắt độc giả đi tới những vấn đề chung từ trải nghiệm và góc nhìn cá nhân. Đó là những trải nghiệm của ông từ khi học phổ thông, học đại học, cho tới khi đi làm, lập gia đình, có con và sống cuộc sống của người bình thường tới năm 35 tuổi khi ông quyết định dấn thân vào chính trị. Nhờ khả năng luôn biết đặt mình vào vị trí của một người dân bình thường chứ không phải một chính khách, ông đã nhận diện và mổ xẻ được những vấn đề liên quan đến số đông, đồng thời ông cũng học được cách nói giản dị về những vấn đề hóc búa để số đông hiểu được.

Đây là hai cuốn sách mà các bạn trẻ nên đọc để hiểu chân dung của một trong những vị chính khách có tầm vóc và có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay, không chỉ là ảnh hưởng về quyền lực mà còn cả về tư tưởng.

SSDH Team (nguồn: Trạm đọc)

Share.

Leave A Reply