Tại sao nên du học bậc đại học tại Anh?
Có rất nhiều lý do khiến nước Anh trở thành điểm đến của hàng triệu sinh viên quốc tế. Bên cạnh nét độc đáo về văn hóa, kiến trúc và du lịch, Anh Quốc được đánh giá cao bởi nền giáo dục chất lượng cao, bằng cấp được công nhận khắp thế giới. Các trường đại học tại Anh được xếp hạng rất cao trên thế giới. Một số cái tên như Oxford, Cambridge, Imperial College London, University College London… lọt top 100 trường đại học hàng đầu thế giới.
Lựa chọn du học Anh bậc đại học mang đến cho sinh viên quốc tế sự trải nghiệm sâu sắc môi trường Anh ngữ, cơ hội tiếp cận với các tập đoàn kinh tế, tài chính hàng đầu thế giới như Barclays, JP Morgan, Deloitte, PwC hay Rolls Royce.
Bên cạnh đó, các trường đại học tại Anh cung cấp hàng ngàn chương trình đào tạo chuyên sâu cho các chuyên ngành từ kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội cho đến nghệ thuật, truyền thông… Mỗi khối ngành đều được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, định hướng cung cấp cho sinh viên những kiến thức thực hành bên cạnh cơ sở lý thuyết.
Du học Anh bậc đại học cần những điều kiện gì?
Khác với nhiều quốc gia, bậc Đại học tại Anh quốc đa phần chỉ kéo dài 3 năm, trừ một số ngành học mang tính đặc thù như Y, Dược. Riêng hệ thống các trường đại học tại Scotland, chương trình đại học kéo dài 4 năm. Trong khoảng thời gian học đại học, sinh viên có thể lựa chọn 1 năm thực tập để tăng kinh nghiệm hoặc định hướng nghề nghiệp. Sau đó, sinh viên có thể chuyển tiếp thẳng lên bậc học thạc sỹ.
Lựa chọn trường học: Ở Anh, có hơn 120 trường đại học chính phủ. Tất cả các trường đều có chất lượng đào tạo đồng đều, được kiểm định nghiêm ngặt. Các trường đại học tại Anh có mặt ở hầu hết các thành phố. Sinh viên nên lựa chọn trường dựa vào năng lực học tập bản thân, xếp hạng của trường, học phí, chương trình học cũng như địa điểm. Sinh viên có thể sử dụng 2 bảng xếp hạng uy tín và danh giá The Guardian University League Table hoặc The Complete University Guide.
Yêu cầu đầu vào: Đa số các trường Đại học tại Anh đều yêu cầu du học sinh quốc tế phải hoàn thành chương trình học A level, IB tại Anh hoặc các chương trình dự bị (Foundation), dự bị kết hợp năm nhất (Internationa Year 1) để đủ điều kiện nhập học năm 1 đại học tại Anh. Yêu cầu này xuất phát từ sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục tại Anh (13 năm phổ thông) và Việt Nam (12 năm phổ thông). Hiện nay, đã có một số trường đại học tại Anh chấp nhận cho học sinh Việt Nam học hết lớp 12 chuyển thẳng vào học đại học năm nhất, với yêu cầu IELTS từ 6.0 trở lên (không kĩ năng nào dưới 5.5), yêu cầu này có thể cao hơn tùy thuộc các trường.
Học sinh nên liên hệ với văn phòng tuyển sinh quốc tế của các trường, hoặc đại diện tuyển sinh của trường ở Việt Nam để chắc chắn về yêu cầu bằng cấp của trường. Trong trường hợp học sinh cần học dự bị, học sinh có thể tìm đến các tập đoàn giáo dục uy tín chuyên đào tạo chương trình này như Kaplan, Study Group ISC, Navitas, CEG, INTO… Trong trường hợp học sinh muốn nộp hồ sơ vào các trường đại học hàng đầu tại Anh quốc, học sinh được khuyến khích nên lựa chọn chương trình A level hoặc chương trình IB.
Học phí: Học phí bậc đại học tại Anh quốc dành cho sinh viên quốc tế thường dao động theo nhóm trường. Với nhóm trường thứ hạng cao, học phí một năm từ 15.000 đến 25.000 bảng. Với nhóm trường tầm trung, học phí một năm từ 7.000 đến 13.000 bảng.
Chính sách học bổng: Thông thường, các trường đại học thường có học bổng tự động và học bổng cạnh tranh dành cho sinh viên quốc tế. Học bổng tự động bao gồm các suất từ 10 đến 40 % học phí năm đầu hoặc 3 năm liên tiếp và được xét tự động dựa trên hồ sơ của học sinh. Học bổng cạnh tranh thường có giá trị 50-100%, học sinh cần trải qua các bài luận học bổng hoặc các vòng phỏng vấn. Thông thường, nếu học sinh có nguyện vọng xin học bổng du học Anh bán phần hoặc toàn phần của các trường đại học, học sinh được khuyến khích nên định hướng theo học chương trình A level hoặc IB ngay từ bậc trung học phổ thông.
Bằng cấp bậc đại học tại Anh: Chương trình học tập tại Anh được thiết kế phù hợp với mỗi chuyên ngành. Thông thường, bằng cấp có nhiều tên gọi như BA (Cử nhân nghệ thuật), BSc (Cử nhân khoa học), Bed (Cử nhân giáo dục), BEng (Cử nhân kĩ thuật).
Du học Anh – Xếp loại bằng cấp tại Anh
Ở Anh, các bằng cử nhân được xếp hạng dựa trên kết quả học tập hoặc độ dài khoá học. Trong đó, bằng cấp được chia làm hai hạng là “ordinary” (bình thường) hoặc “honours” (danh dự).
Các thứ hạng của bằng cử nhân: Những chương trình cử nhân thường kéo dài trong khoảng ba đến bốn năm để hoàn thành, tên gọi tùy thuộc vào lĩnh vực theo đuổi: Cử nhân Nghệ thuật (BA), Cử nhân Khoa học (BSc), Cử nhân Giáo dục (BEd) và Cử nhân Kỹ thuật (BEng).
Nếu những bằng cử nhân “bình thường” hoặc “không được xếp loại” dành cho các bạn đã hoàn thành một khóa học đại học nhưng thành tích lại không đạt để được xếp hạng honours hạng ba (bậc xếp hạng thấp nhất trong hệ thống đánh giá bằng cấp đại học), thì bằng cử nhân “danh dự” lại để phân biệt các xếp hạng trong học tập, lần lượt như sau:
- First class honours (a first – chỉ khoảng 10% sinh viên toàn quốc được xếp hạng này)
- Upper second class honours (a 2:1)
- Lower second class honours (a 2:2)
- Third class honours (a third – tại một số trường Đại học thì đây là thứ hạng thấp nhất)
- Pass (Ordinary degree – dưới mức này không được nhận bằng tốt nghiệp.
Ngoài ra còn có một dạng bằng được gọi là “Aegrotat degree” dành cho những sinh viên không thể làm bài kiểm tra vì lí do sức khoẻ. Đây là bằng danh dự nhưng không có xếp hạng.
Tuy nhiên cũng phải lưu ý một điều là không phải trường Đại học nào cũng đồng quan điểm với nhau về việc “gắn” chữ danh dự. Ở Scotland, việc phân biệt “ordinary” hay “honours” đơn giản là để phân biệt độ dài khoá học. Nếu “ordinary” nhằm để chỉ các khóa cử nhân toàn thời gian kéo dài ba năm thì “honours” là khóa cử nhân toàn thời gian bốn năm.
Ảnh hưởng của xếp hạng tới các khóa sau đại học: Để có thể theo học một khoá Thạc sĩ, ứng viên thường được yêu cầu phải đạt ít nhất hạng 2:2 trở lên. Một số trường Đại học thậm chí cũng cho rằng sinh viên hạng 2:1 mới tương xứng với trình độ vào học Thạc sĩ. Tuy nhiên, những sinh viên đạt bằng ordinary vẫn có thể được nhận vào học – với điều kiện họ đảm bảo được kinh nghiệm làm việc tương ứng.
Còn các ứng viên dự tuyển vào chương trình Tiến sĩ nhưng không sở hữu bằng Thạc sĩ thường được yêu cầu sở hữu bằng cử nhân hạng First hay 2:1.
Như vậy, có thể thấy kết quả xếp hạng của bằng cử nhân ảnh hưởng rất lớn đến việc học lên cao hơn của bạn trong tương lai. Và cách tốt nhất để sở hữu một tấm bằng đại học danh dự là đầu tư, nỗ lực ngay từ bây giờ!
Một số thông tin đối chiếu với hệ thống xếp loại tại Việt Nam (mang tính tham khảo)
Xếp loai học lực:
- A (8,5 – 10) Giỏi – Excellent
- B (7,0 – 8,4) Khá – Good
- C (5,5 – 6,9) Trung bình – Average
- D (4,0 – 5,4) Trung bình yếu – Below Average
- F (dưới 4,0) Poor/ Weak
Xếp loại bằng tốt nghiệp đại học:
- Xuất sắc – High Distinction
- Giỏi – Distinction
- Khá – Credit
- Trung bình khá – Strong Pass
- Trung bình – Pass
Xếp loại bằng tốt nghiệp cao đẳng:
- Xuất sắc – Excellent
- Giỏi – Very good
- Khá – Good
- Trung bình khá – Average good
- Trung bình – Ordinary
Nguồn: hotcourses