Sẵn sàng du học – Đừng nghĩ bạn biết hết những thứ cần chuẩn bị khi đi du học, sẽ có những thứ bạn mang theo nhưng không bao giờ dùng và có những thứ bạn cần dùng bạn lại không mang theo.
Sau hành trình dài đầy khó khăn chinh phục các nhà tuyển sinh để hoàn thành giấc mơ du học, và đây là thời gian để bạn sắp xếp hành lí và chuẩn bị lên đường. Vậy nên nhét gì vào trong vali khi sang xứ người?
Với khoảng 20kg hành lý để bắt đầu một cuộc sống 4-5 năm ở nơi đất khách quê người, bạn cần phải biết ưu tiên mang những gì thực sự cần thiết và đáng mang đi.
Mang thực phẩm đi có thể bị phạt nặng
"Những chỗ trống trong vali nên được lấp đầy bằng đồ ăn Việt Nam" là kinh nghiệm mà bạn thường được nghe du học sinh truyền đạt lại. Sai, sai hết rồi, mang đồ ăn Việt Nam sẽ chỉ tốn diện tích thôi. Thời gian đầu khi chưa quen với thức ăn bản địa, các cửa hàng ăn nhanh sẽ là cứu cánh cho bạn, không cần thiết phải lỉnh kỉnh đồ Việt đâu.
Vậy đi du học có nên mang theo những đồ gia vị, đồ khô như nước mắm, mì chính, sả, riềng, mộc nhĩ, ruốc, chà bông… Cũng không cần nốt. Bây giờ ở tất cả các thành phố đều có cửa hàng đồ khô của người Việt, thậm chí các siêu thị lớn ở nước ngoài cũng có bán, giá sẽ hơi đắt hơn bình thường một chút.
Tuy nhiên phải biết lựa chỗ mua, nếu không bạn sẽ mua phải nước mắm có vị nước muối như câu chuyện mà nữ du học sinh Canada này chia sẻ trên một group du học.
Mang đồ ăn, đồ có mùi khi đi qua hải quan sẽ bị kiểm tra rất kỹ. Theo luật kiểm dịch của Úc, bạn sẽ bị phạt 100$ nếu mang theo thức ăn mà không khai báo.
Tại Anh, Mỹ, Nhật, Úc… và hấu hết các quốc gia khác, theo quy định tất cả các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thịt động vật, bao gồm cả xúc xích, pate… dù đã đóng hộp, được chế biến hoặc các loại trái cây, rau cũng không được mang vào các quốc gia này dưới bất kỳ hình thức nào. Cụ thể, các loại thực phẩm có thịt heo, thịt vịt, thịt gà, trứng, tổ yến, nước súp, canh, bưởi, táo, nhung nai, lạp xưởng… đều là hàng cấm tại các sân bay Mỹ.
Nhà chức trách Mỹ cấm tùy tiện mang vào các loại thực vật vì cho rằng những loại hàng hóa này có thể chứa một số loại vi khuẩn làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại cho nền nông nghiệp nước này. Các loại thực phẩm muốn mang vào phải xin phép thanh tra thuộc Bộ Nông nghiệp kiểm nghiệm và có giấy chứng nhận đã kiểm nghiệm mới được phép.
Đối với các vật dụng có thương hiệu đã đăng ký như máy ảnh, đồng hồ, nước hoa, nhạc cụ, thiết bị điện tử, đồ chơi, đồ trang sức… với số lượng nhiều hơn một, bạn phải khai báo rõ ràng với nhân viên hải quan.
Quần áo cũng chỉ nên mang cho 1-2 tháng đầu thôi nhé, vì ở các nước, hệ thống các shop, cửa hàng với các nhãn hiệu thời trang lớn, thường xuyên có chương trình giảm giá, nên không khó để sắm quần áo mới. Thông thường khi sang đây, bạn cũng sẽ nhanh chóng đối "gu" ăn mặc so với hồi ở Việt Nam, nên mang quần áo quá nhiều từ nhà sang sẽ lãng phí lắm.
Một lời khuyên "sai bét" tiếp theo là đem theo nhiều ảnh thẻ. Các cơ quan, tổ chức đều quy định ảnh thẻ không được chụp quá 6 tháng nên chỉ mang đủ trong thời gian đầu thôi. Bây giờ chỗ nào cũng có studio chụp ảnh hết nên bạn khỏi lo thiếu ảnh.
Chỉ mang những thứ cần thiết
Mang sẵn một ít thuốc nếu khi bạn hay ốm vặt hoặc có bệnh lý cần uống thuốc theo đơn chỉ dẫn của bác sĩ vì ở Mỹ và các nước châu Âu, mọi người chỉ được mua thuốc chữa bệnh nếu có đơn thuốc của bác sĩ và thường phải mất ít nhất một tuần mới có thể đặt lịch hẹn khám.
Các bạn cũng nên chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm bản sao các loại giấy tờ cần thiết như hộ chiếu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, văn bằng chứng chỉ, bảng điểm… có công chứng, phòng khi cần thiết. Mang theo ít tiền mặt để tiêu phòng trường hợp thẻ ngân hàng có vấn đề.
Mỗi quốc gia, thành phố lại có những điểm văn hóa, lối sống, sự phát triển khác nhau… vì vậy cách tốt nhất là tham khảo ý kiến những người đi trước để chuẩn bị hành lý tốt nhất.
Cuối cùng, hành trang du học quan trọng nhất là tâm lý sẵn sàng để sống tự lập một cách đúng nghĩa nhất, sống có trách nhiệm với bản thân vì bạn sẽ phải tự lo liệu cuộc sống của mình, từ việc học đến những việc nhỏ nhặt như mua gạo, nước mắm, muối.
Thái Hải (SSDH) – Theo TTVN