Sẵn sàng du học – Úc là quốc gia có nền giáo dục đại học phát triển sánh ngang với Châu Âu, nhưng kém Mỹ. Chính sách về tự chủ đại học nói chung và tự chủ về nhân sự nói riêng ở các trường đại học của Úc được coi là một bài học kinh nghiệm tốt mà Việt Nam có thể tham khảo và vận dụng.
TS Trịnh Ngọc Thạch – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – cho biết: Theo chính sách tự chủ mà chính phủ ban hành, các trường đại học ở Úc được tự xác định ngạch, bậc giảng viên, được quyền tự đề ra điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm và các chế độ đãi ngộ đối với giảng viên.
Nhà nước ban hành một “chính sách khung” để các trường đại học lấy làm cơ sở. Tùy vào sự cống hiến và kinh nghiệm của giảng viên, mỗi trường có những chế độ đặc thù nhằm đãi ngộ xứng đáng đối với những người có đóng góp xuất sắc.
Để xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu thích hợp sứ mạng, mục tiêu của nhà trường, các trường đại học đều xây dựng một danh mục các ngạch giảng viên (Academic ranks) để làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ.
Về cơ bản, ngạch giảng viên trong các đại học ở Úc được phân làm 4 bậc: A, B,C,D,E (có sự so sánh với Mỹ, Bắc Mỹ, Anh và châu Á để dễ phân biệt) (Nguyễn Xuân Thu 2017).
Tại Đại học Quốc gia Úc (ANU), bậc E còn được chia ra thành: E1,E2,E3. E3 là bậc cao nhất giành cho các giáo sư xuất sắc (Distinguished Professor). Giảng viên trong các bậc trên, theo nguyên tắc, được hưởng lương tối thiểu trong thang bảng lương giành cho giảng viên đại học do Chính phủ Liên bang quy định.
Tuy nhiên, tùy vào khả năng của từng trường, các đại học trả lương cao hơn rất nhiều mức lương do Chính phủ quy định dựa trên sự đóng góp xuất sắc và kinh nghiệm công tác của từng giảng viên.
Chính phủ không can thiệp sâu vào vấn đề nhân sự của nhà trường
“Thăng ngạch giảng viên” là một văn bản pháp luật (hay một “đạo luật”-Act) do Quốc hội mỗi tiểu bang ban hành riêng cho từng đại học. Theo TS Trịnh Ngọc Thạch, Úc có Ủy ban thăng ngạch gồm: Hội đồng Khoa học và Bộ phận nhân sự trong trường đại học dựa trên các quy định của Ủy hội quan hệ công nghiệp của Chính phủ Liên bang Úc để soạn ra các “chính sách và quy trình thăng ngạch giảng viên” cho đại học của mình.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng ngạch giảng viên là nhiệm vụ của trường đại học. Chính phủ không can thiệp sâu vào vấn đề nhân sự của nhà trường.
Mọi quyết định liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng ngạch giảng viên đều phải áp dụng đúng các tiêu chuẩn tối thiểu đối với mỗi bậc nêu trên (5 bậc) và phù hợp với các điểm chuẩn và chỉ số ngành nghề học thuật. Mỗi đại học có quyền đưa ra những quy định riêng phù hợp yêu cầu về chất lượng của mình.
Chẳng hạn, Đại học Melbourne quy định rằng, tất cả giảng viên đều xuất sắc trên tất cả các hoạt động: Giảng dạy với 13 loại chỉ số; Nghiên cứu và đào tạo nghiên cứu với 11 loại chỉ số; Lãnh đạo với 3 loại chỉ số; Phục vụ cộng đồng với 16 loại chỉ số.
Các thành tích về học thuật cùng với chất lượng và hiệu quả của các thành tích đó trong xã hội (không căn cứ vào số lượng thời gian công tác) sẽ là hai tiêu chí then chốt của các quyết định liên quan đến tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng thưởng một giảng viên giảng dạy và nghiên cứu hay một giảng viên thuần túy nghiên cứu.
Cá Domino (SSDH) – Theo newsvietuc.com