Sẵn sàng du học – Hạt Rogaland nằm ở phía Tây Nam Na Uy, còn được mệnh danh là thủ phủ dầu mỏ của quốc gia này bởi mật độ dày đặc của những giàn khoan dầu ở biển Bắc và là nơi đóng đô của những tập đoàn dầu khí lớn.
Ngành du lịch của Rogaland có vẻ chưa “khởi sắc” lắm, một phần là do đường đi đến những địa danh đẹp và nổi tiếng ở đây tương đối khó khăn, thậm chí người dân ở những vùng nông thôn không sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với khách du lịch. Tôi đến Rogaland vào một ngày mùa Xuân thời tiết đỏng đảnh như cô gái Sài Gòn: sớm nắng chiều mưa, trưa trưa thì… mưa lất phất. Những cơn mưa Xuân mang theo hơi lạnh từ biển đủ để những người đi trên phố co ro vì lạnh, nhưng cũng khiến cảnh vật trở nên thơ mộng hơn hẳn trong màn sương nhẹ.
“THÀNH PHỐ TRẮNG” STAVANGER
Stavanger là thành phố lớn nhất và là thủ phủ của hạt Rogaland. Từ phía cảng nhìn sang bến tàu phía đối diện chính là phố cổ Gamle Stan Stavanger. Điểm đặc biệt của phố cổ Stavanger là những ngôi nhà nằm trên đồi, được sơn toàn bộ màu trắng. Được hình thành vào khoảng thế kỷ XVIIIXIX, toàn bộ những ngôi nhà ở đây đều được làm bằng gỗ và sơn một màu trắng muốt. Ngày nay, những ngôi nhà vẫn còn được bảo tồn rất tốt, và hiện đang được sử dụng bình thường. Dưới trời Xuân phương Bắc, Gamle Stavanger hiện lên rực rỡ như thể những căn nhà ở đây được xây bằng ánh nắng vậy. Sau khi leo một đoạn dốc gần như thẳng đứng để lên được phố, bạn sẽ bắt gặp một khoảng sân rộng với tầm nhìn thẳng ra phía vịnh. Bấy giờ là khoảng thời gian hoa anh đào nở, mùi thơm lan nhè nhẹ trong không khí.
So với những khu phố cổ khác, phố cổ Gamle Stavanger của Rogaland có phần buồn tẻ vì diện tích nhỏ, lại đơn thuần là nhà ở của người dân bản địa. Song, sẽ thật thiết sót nếu bạn không ghé thăm bảo tàng Norsk Hermetikkmuseum, bảo tàng thức ăn đóng hộp Na Uy. Đây là một bảo tàng tư nhân, được thành lập vào năm 1975 bởi một nhà Ai Cập học người Anh. Bảo tàng vốn là một nhà máy sản xuất thức ăn đóng hộp cũ ở Stavanger, nổi tiếng với món cá hộp brisling và thịt viên đóng hộp. Bên trong nhà máy, mọi vật dụng vẫn còn được sắp đặt ngay đúng vị trí cũ, nơi trước đây chúng từng được những công nhân thao tác ngày đêm.
VỊNH HẸP LYSEFJORD
Rời phố trắng Stavanger, tôi bắt đầu hành trình khám phá vịnh hẹp Lysefjord nức tiếng, cũng là một trong số những “con gà đẻ trứng vàng” của ngành du lịch Rogaland. Điểm độc đáo của đường bờ biển phía Tây Na Uy chính là vô số các đảo lớn nhỏ và đặc biệt là các vịnh hẹp (fjord), kết quả của sự xói mòn của các tảng băng vĩnh cửu. Khi những tảng băng này tan ra và trượt xuống sườn núi, chúng di chuyển với tốc độ rất nhanh, kết hợp với khối lượng khổng lồ đã “bào mòn” những sườn và dốc núi, tạo nên những khe hở giữa các sườn núi và thấp hơn mực nước biển.
Nước biển sau đó nhanh chóng tràn vào và lấp đầy các khe hở ấy, khiến chúng trở thành những vịnh hẹp ăn sâu vào nội địa. Hai bên là những vách núi đá dựng đứng như những bức tường vững chãi. Vịnh hẹp Lysefjord nổi tiếng với mỏm đá cao nhô ra ngay giữa vịnh với tên gọi Preikestolen, nghĩa là “Bục giảng của linh mục”. Trong hành trình khám phá hạt Rogaland vào mùa Xuân, một chuyến tham quan Lysefjord bằng du thuyền cỡ nhỏ đã được tôi hào hứng thêm vào danh sách những điều cần trải nghiệm của mình.
Dọc theo vịnh, thuyền đưa chúng tôi đến với Fantahålå, còn gọi là “Hang du đãng”. Tên gọi này bắt nguồn từ việc có một nhóm người vì trốn thuế nên bị cảnh sát truy đuổi. Nhóm người này chạy đến Lysefjord và tìm ra được một cái hang nằm kẹt trong hốc núi để trốn. Tất nhiên cuộc trốn chạy sau cùng cũng phải kết thúc, và cái hang bỗng chốc mang cái tên không mấy thơ mộng và lãng mạn như cảnh sắc của vịnh chút nào. Không xa “Hang du đãng” mấy chính là mỏm đá Preikestolen, một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Na Uy. Preikestolen cao 604m so với mặt vịnh, bề mặt gần như phẳng lì và khá vuông vức với độ dài mỗi cạnh 25m. Từ dưới vịnh nhìn lên, Preikstolen hùng vĩ chỉ như một mẩu đá nhỏ xíu nhô ra khỏi vách núi, đủ để tôi cảm nhận được độ cao đáng kinh ngạc của nó, và cũng đủ để tôi thấy mình quả thật nhỏ bé so với thiên nhiên hùng vĩ nơi này.
Điểm dừng cuối cùng trong hành trình khám phá Lysefjord là thác nước Hengjane. Nguồn nước từ thác chảy trực tiếp từ những đỉnh núi cao 400m, tinh khiết và trong lành. Khi thuyền đến gần thác, một nhân viên bắt đầu đưa một cái xô nhôm ra ngoài mạn thuyền để… hứng nước từ thác cho du khách thưởng thức. Quả thực nước rất ngọt và mát lạnh, lại trong vắt như gương, không thua gì một chai nước suối có giá 30 kroner (khoảng 80.000 đồng) mua trong siêu thị cả.
THỊ TRẤN CỔ SOGNDALSTRAND
Nằm về phía cực Nam của hạt Rogaland, nằm trên cửa ngõ của một phá nước lớn ăn thông với biển Bắc, cổ trấn Sogndalstrand nổi tiếng với những ngôi nhà gỗ có từ thế kỷ XVIII – XIX. Điểm nổi bật nhất tại Sogndalstrand chính là chuỗi khách sạn Sogndalstrand Kulturhotell với 10 nhà khách khác nhau nằm rải rác trong cổ trấn. Tất cả những ngôi nhà này đều được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, ban đầu là những ngôi nhà của ngư dân đánh cá và câu tôm sinh sống trong vùng hoặc từ “Vịnh Tôm” Rekefjord lân cận. Vào thập niên 1990, khi Sogndalstrand bắt đầu trở thành địa điểm nghỉ dưỡng mùa Hè nổi tiếng của người dân Na Uy, những ngôi nhà cổ này bắt đầu được trùng tu và trang trí lại để trở thành nhà nghỉ và quán cà phê, phục vụ cho nhu cầu của lượng du khách đổ về đây ngày một đông.
Ngày nay, Sogndalstrand là một thành phố nghỉ dưỡng mùa Hè rất được yêu thích ở khu vực Tây Nam Na Uy. Đây cũng là nơi duy nhất ở Na Uy mà toàn bộ những ngôi nhà cổ và thậm chí cả cảnh quan xung quanh đều nằm trong danh sách cần được bảo tồn cấp quốc gia. Tôi đến Sogndalstrand cùng gia đình vào đầu mùa Xuân, lúc trời đã xanh trong lắm rồi, nhưng nhiệt độ vẫn còn khá lạnh. Vì chưa vào mùa cao điểm du lịch nên toàn bộ cổ trấn vắng lặng như tờ, chỉ có chúng tôi và một vài người địa phương đang tản bộ trên phố. Có lẽ Sogndalstrand sẽ phô diễn hết vẻ đẹp và sự nổi tiếng của mình khi mùa Hè đến, nhưng với tôi, ghé thăm nơi này vào những ngày vắng lặng mới thật thú vị làm sao.
Ngoài bến cảng, dưới nền trời xanh ngắt không một gợn mây, những con chim hải âu đang đảo cánh tìm mồi. Một vài cái đầu và đuôi cá còn sót lại trên vách phơi của một căn nhà gỗ ngay đó bỗng trở thành bữa tiệc ngon lành cho lũ chim háu đói. Lúc này, những ghe đánh cá và câu tôm vẫn chưa hoạt động, nên toàn bộ bến cảng vẫn còn im lìm trong nắng sớm. Những chiếc thuyền câu nhỏ neo trên bến cứ thế dập dìu theo từng gợn sóng nhỏ xô bờ. Nếu có dịp đến Sogndalstrand vào mùa Hè, đặc biệt là vào những ngày trời đẹp, bạn sẽ thấy nơi này đông đúc và ồn ào náo nhiệt không kém cạnh bất cứ một bãi biển nào ở Ý, Tây Ban Nha hay Hy Lạp.
Tranh thủ những ngày nắng vàng rực rỡ hiếm hoi của phương Bắc, người dân và du khách túa ra tắm nắng ở bãi đá gần ngay bờ biển, chèo thuyền hoặc thậm chí bơi lội thỏa thích ngay cửa biển. Cổ trấn Sogndalstrand vào một ngày ồn ào như thế, tôi xin hẹn sẽ kể cho bạn nghe vào một dịp không xa.
NHÀ GỖ DƯỚI TẢNG ĐÁ HELLEREN
Nếu ở Tây Ban Nha có cả một thị trấn nhỏ nằm kẹt dưới một hòn đá lớn thì ở Rogaland cũng có một nơi tương tự. Khác là Helleren chỉ bao gồm… hai căn nhà có từ khoảng đầu thế kỷ XVIII, ngày này trở thành một trong những địa danh khảo cổ mở cửa miễn phí và tự do cho khách tham quan. Từ trên đường đèo nhìn xuống, Helleren khiến không ít người phải thót tim khi thấy hai ngôi nhà gỗ ọp ẹp nằm gọn dưới một tảng đá khổng lồ. Từ hàng ngàn năm trước, tảng đá Helleren đã là nơi trú ngụ của người Na Uy cổ. Hai ngôi nhà cổ hiện tại được xác định có mặt ở đây vào khoảng đầu thế kỷ XIX, tuy nhiên một số hiện vật khác ở khu vực xung quanh được xác định có từ khoảng thế kỷ XVI.
Phía sau hai ngôi nhà là một khe đá nhỏ với những giọt nước rỉ ra từ đá. Đây là nguồn nước sinh hoạt của người dân sinh sống trong những ngôi nhà này khi xưa. Nước trong lành và sạch đến mức bạn có thể uống được! Ngôi nhà đơn sơ với một bếp lửa đen ám khói, một góc phòng lót rơm thật ấm, chắc chắn là chỗ ngủ. Bên cửa sổ là chiếc bàn con và vài cái ghế nhỏ, với một lọ hoa tươi có lẽ vừa mới được ai đó hái tức thời. Tất cả mọi thứ tạo cho người ta cảm giác vừa ảo vừa thật, vừa xa lại vừa gần. Hạt Rogaland trong mắt tôi, vì lẽ đó mà trở thành một nơi của những sự tương phản mạnh mẽ; giữa một ngành công nghiệp dầu khí nổi tiếng nhất nhì thế giới và những địa danh hầu như bị lãng quên trên bản đồ du lịch; giữa những cơ sở công nghiệp nặng ầm ì ngày đêm và những cổ trấn yên tĩnh, nhỏ xinh như bàn tay con gái.
Cá Domino (SSDH) – Theo elle.vn