Sẵn sàng du học – Thật khó để có thể đo được sự thông minh nhưng khoa học đã chỉ ra liên kết giữa những thói quen kì lạ này với sự sáng tạo, khả năng học tập và giải quyết vấn đề ở mức độ cao. Vậy thì bạn có những thói quen nào sau đây?
Bạn có một chiếc bàn làm việc bừa bộn
Trí thông minh là một khái niệm khó định nghĩa – các nhà tâm lý học đã tranh cãi về chủ đề này suốt nhiều năm qua. Theo giáo sư tiến sĩ Cornell Robert J. Sternberg, trí thông minh là “khả năng học hỏi kinh nghiệm, thích nghi với các tình huống mới, hiểu và xử lý các khái niệm trừu tượng và sử dụng kiến thức để làm chủ môi trường của một người.” Nhiều người cho rằng người thông minh là người có tổ chức và sẽ sắp xếp mọi thứ trong không gian làm việc của họ gọn gàng nhưng thực sự không phải vậy. Trong một thí nghiệm đến từ Đại học Minnesota, những người ở trong một không gian bừa bộn có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn so với những người ở trong một không gian ngăn nắp gọn gàng. Tác giả của nghiên cứu tiến sĩ Kathleen Vohs cho biết: “Dường như không gian không ngăn nắp sẽ truyền cảm hứng cho việc phá vỡ cách nghĩ thông thường và sẽ tạo ra những sáng kiến mới mẻ. Ngược lại, không gian có trật tự khuyến khích sự nề nếp và tạo ra cảm giác an toàn.” Sự sáng tạo là một trong những đặc điểm của người thông minh và ngược lại, điều đó có thể dẫn đến tính không ngăn nắp. Jonathan Wai, tiến sĩ kiêm nhà khoa học nghiên cứu tại Chương trình phát hiện tài năng của Đại học Duke (TIP) chia sẻ: “Dường như không phải là sự bừa bộn kích thích sức sáng tạo mà là sự sáng tạo có thể tạo ra tính bừa bộn. Những người thông minh thường có xu hướng bị quá tập trung suy nghĩ mộr vấn đề hay sự việc và điều đó sẽ khiến họ bị quên mất là phải giữ cho mọi thứ thật gọn gàng sạch sẽ.”
Bạn thức khuya
Trong các bộ phim, các vai diễn thiên tài luôn làm việc đến tận nửa đêm dưới ánh nến và có lẽ khuôn mẫu này bắt nguồn từ thực tế. Một nghiên cứu đến từ Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (London School of Economics and Political Science) cho thấy những người có xu hướng đi ngủ muộn thường có chỉ số IQ cao hơn. Các tác giả nghiên cứu tin rằng nguyên nhân nằm trong quá trình tiến hóa của con người. Buổi đêm là thời gian có nhiều mối nguy hiểm hơn, tổ tiên của chúng ta cần phải trở nên thông minh hơn nên họ đã dành thời gian ban đêm để thám hiểm thay vì ngủ. Ngoài ra, việc thức trắng đêm là một ý tưởng mới hấp dẫn những người có trí óc tò mò. Ngày nay, nhịp sinh học khác nhau của mỗi người có thể chứng minh điều này. “Có lẽ [một vài người thông minh] thức khuya hơn đơn giản là vì đồng hồ sinh học của họ khác nhau. Hoặc là những người thông minh thức khuya hơn vì họ có xu hướng sống nội tâm và không ngủ vào ban đêm để tập trung suy nghĩ và giải quyết các vấn đề,” tiến sĩ Wai cho biết. Nhưng nếu bạn là một người thường xuyên thức khuya, hãy nhớ ngủ đủ bảy đến chín tiếng một ngày.
Bạn chửi thề
Chửi thề thường được cho là minh chứng của trình độ học vấn thấp và kém thông minh. Lý thuyết cho rằng khi mọi người không thể nghĩ ra cách dùng từ đúng, họ thường sử dụng tiếng lóng bao gồm cả những lời chửi thề. Nhưng một nghiên cứu của chuyên gia nổi tiếng tiến sĩ Timothy Jay và đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng những người có thể nghĩ ra nhiều từ chửi thề có vốn từ vựng phong phú hơn người bình thường. “Sử dụng thành thạo tiếng lóng hay ngôn ngữ chửi thề có liên quan tích cực đến sự thành thạo trong ngôn thường ngày. Bạn sử dụng càng nhiều từ liên quan đến thì bạn sẽ càng có thêm nhiều từ ngữ liên quan đến các lĩnh vực khác, cả về mặt hình thức và ngôn ngữ.” Theo tiến sĩ Wai, khả năng sử dụng ngôn ngữ là một trong những đặc điểm của những người có chỉ số thông minh cao. Vì vậy sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi những người thông minh biết nhiều từ ngữ chửi thề hơn, ngay cả khi họ không sử dụng chúng thường xuyên. “Để biết cách và thời điểm sử dụng những từ ngữ này sao cho phù hợp thì đó thuộc về một phần trí tuệ cảm xúc của bạn,” tiến sĩ Jay chia sẻ.
Bạn thích tắm nước lạnh
Có thể bạn đã nghe nói về xu hướng tắm nước lạnh hoặc bơi trong nước lạnh để tạo cho cơ thể một cú hích mạnh mẽ. Dù chưa có nhiều thông tin khoa học về hành động này nhưng các tác giả của một nghiên cứu đến từ Phần Lan, quốc gia phổ biến với môn thể thao bơi lội vào mùa động giải thích rằng sự tiếp xúc với nước lạnh mang lại hiệu quả giảm căng thẳng và mệt mỏi đáng kể và còn giúp cải thiện tâm trạng và trí nhớ. Đây là tất cả những điều cần thiết để tăng cường chức năng và năng suất làm việc của não. Ngoài ra, việc vượt lên chính mình và lấy hết can đảm để tắm nước lạnh sẽ tạo cảm hứng cho bạn suốt cả ngày dài.. Vì vậy, nếu là một thành viên của hội những người yêu thích tắm nước lạnh thì thói quen của bạn có thể khiến bộ não của bạn hoạt động hết công suất mỗi ngày.
Bạn ghét phải nghe tiếng nhai thức ăn
Bạn đã bao giờ thực sự khó chịu khi ăn tối với một người tạo ra những âm thanh lớn khi nhai thức ăn chưa? Hoặc bạn muốn người bên ngồi cạnh trên xe buýt sẽ ngừng nhai kẹo cao su? Có một lý do khoa học đằng sau việc này và điều đó chứng tỏ bạn là một người thông minh. Một nghiên cứu từ Đại học Tây Bắc (Northwestern University) đã phát hiện ra rằng những người có khả năng nhận thức sáng tạo cao có xu hướng không thể phân loại được thông tin cảm giác không liên quan – họ mắc chứng “rò rỉ giác quan”. Điều này có nghĩa là bạn sẽ tiếp nhận toàn bộ những thông tin từ môi trường xung quanh và điều này thỉnh thoảng gây lỗi. “Chứng rò rỉ giác quan có thể giúp mọi người tích hợp các ý tưởng bên ngoài trọng tâm của sự chú ý, dẫn đến sự sáng tạo trong thế giới thực,” các tác giả nghiên cứu đã viết. Tiến sĩ Wai phỏng đoán rằng điều này có thể liên hệ với xu hướng thức khuya của những người thông minh, họ thích làm việc mà không bị phân tâm. Một điều thú vị là các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng việc nhai kẹo cao su giúp cải thiện hiệu suất trí tuệ.
Bạn thường vẽ nguệch ngoạc
Một thói quen khác của những người thông minh là hay vẽ nguệch ngoạc, vì vậy nếu bạn thích trò tiêu khiển này thì chỉ số thông minh của bạn cao hơn bình thường. Theo Sunni Brown – tác giả của cuốn sách “The Doodle Revolution”, mỹ thuật là một công cụ tư duy có thể ảnh hưởng đến việc xử lý thông tin và giải quyết vấn đề. Khái niệm này được đưa ra bởi một nghiên cứu khoa học từ Vương quốc Anh cho thấy mọi người có thể nhớ lại thêm 29% thông tin nếu họ đang vẽ nguệch ngoạc. Viết nguệch ngoạc rất tốt cho trí nhớ và cũng cung cấp cho não một cái nhìn trực quan để thể hiện các khái niệm và cảm xúc. Tiến sĩ Wai đưa ra lý thuyết để giải thích hiện tượng này: “Có lẽ nó không phải là việc vẽ nguệch ngoạc mà là hành động nghỉ ngơi dưới bất kì hình thức nào sẽ ảnh hưởng đến sự vận động của trí não. Ví dụ, ý tưởng rằng tâm trí của bạn hoạt động một cách vô thức ngay cả khi bạn không tập trung vào một vấn đề nào đó.”
Bạn tự chỉ trích bản thân
Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng những người thông minh thường rất tự tin – tại sao họ lại như vậy chỉ vì khi họ rất thông minh? Nhưng nghiên cứu lại chỉ ra điều ngược lại với suy nghĩ chung của nhiều người. Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt vào năm 1999 của Đại học Cornell, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người bất tài không thể nhận ra sự không tài giỏi của chính họ, dẫn đến việc tự đánh giá cao bản thân. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Dunning-Kruger. “Để những người không tài giỏi nhận ra sự kém cỏi của bản thân sẽ đòi hỏi họ phải có chuyên môn mà họ thiếu. Ví dụ, để biết bạn có thành thạo kỹ năng sử dụng các quy tắc ngữ pháp hay không thì bạn phải có những hiểu biết sâu sắc về các quy tắc đó và điều này là bất khả thi đối với những người không có năng lực. Những người kém cỏi không thể nhìn thấy những sai sót trong suy nghĩ của họ cũng như trong các đáp án mà họ thiếu,” tác giả của nghiên cứu – tiến sĩ David Dunning chia sẻ. Nghiên cứu cũng cho thấy những người có năng lực cao có xu hướng đánh giá thấp khả năng của họ. Những người thông minh có thể nhận ra khi họ không biết một thứ gì đó nhưng trên thực tế thì họ là những người có rất nhiều kiến thức Thay vì trở nên quá tự tin thì họ lại có xu hướng tự chỉ trích bản thân.
Bạn hay mơ mộng
Mặc dù các nhà khoa học đã từng nghĩ rằng việc suy nghĩ viển vông sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất của não bộ, nhưng nghiên cứu mới cho thấy điều đó có thể không đúng. Một nghiên cứu của Đại học California đã phát hiện ra rằng khi được giao một nhiệm vụ khó khăn, những người dừng lại để làm việc riêng sẽ hoàn thành công việc tốt hơn. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng việc cho bộ não “thời gian ủ bệnh” bằng cách cho phép não bộ làm những công việc không đòi hỏi suy nghĩ sẽ giúp tăng khả năng giải quyết vấn đề và kích thích sáng tạo. Giống như việc vẽ nguệch ngoạc, hiện tượng này liên quan đến việc giải quyết vấn đề một cách vô thức trong não bộ khi bạn không để ý đến nó. Tiến sĩ Wai cho biết: “Một số khám phá khoa học đã đề cập đến tầm quan trọng của bỏ qua vấn đề, thay đổi cảnh quan và tại sao điều đó có thể giúp não bộ đưa ra nhiều phương pháp để nhìn nhận một vấn đề và có kích thích khả năng sáng tạo.” Vì vậy nếu bạn là một người suy nghĩ viển vông và hay mơ mộng, có thể bạn là người sở hữu trí sáng tạo và kĩ năng giải quyết vấn đề.
Bạn tự nói chuyện một mình
Bạn có thể nghĩ rằng tự nói chuyện với chính mình khiến bạn trông có vẻ không bình thường nhưng trong thực tế, đó có thể là một dấu hiệu của kỹ năng tư duy, trí nhớ tốt và khả năng nhận thức cao hơn. Trong một nghiên cứu của Đại học Wisconsin và Đại học Pennsylvania, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người tham gia ghi nhớ và tìm các đồ vật. Nhóm người tham gia có khả năng ghi nhớ tốt hơn danh sách các vật phẩm cần tìm nếu họ nói to tên của các vật phẩm. “Ngôn ngữ không chỉ là một hệ thống giao tiếp mà tôi muốn nhấn mạnh rằng nó có thể làm tăng nhận thức và tăng cường tư duy,” tác giả nghiên cứu – Tiến sĩ Gary Lupyan chia sẻ. Bằng cách phát âm tên của các đồ vật quen thuộc, “bạn đã kích hoạt các thuộc tính hình ảnh trong não để giúp bạn tìm thấy đồ vật đó.”
Bạn thích ở một mình
Các nhà nghiên cứu Anh và Singapore đã yêu cầu 15.000 người trong độ tuổi từ 18 đến 28 tham gia một cuộc khảo sát và kiểm tra IQ. Họ thấy rằng những người rất thông minh sẽ không hài lòng với cuộc sống của họ nếu họ giao tiếp với bạn bè một cách thường xuyên. Các nhà khảo sát đưa ra giả thuyết rằng sự mất kết nối này là do ma sát tiến hóa giữa não bộ và môi trường xã hội của chúng ta. “Tổ tiên của chúng ta sống như những người thợ săn bắn hái lượm trong các nhóm nhỏ khoảng 150 cá nhân. Ở trong bối cảnh như vậy, việc tiếp xúc thường xuyên với bạn bè và đồng minh là cần thiết cho sự sinh tồn và sinh sản của cả hai giới.” Ngày nay, chúng ta vẫn dựa vào các nhóm xã hội liên kết chặt chẽ nhưng có thể bộ não của chúng ta vẫn chưa bắt kịp với hàng chục tương tác xã hội mà chúng ta phải đối mặt mỗi ngày. Carol Graham, một nhà nghiên cứu của Viện Brookings không tham gia nghiên cứu cũng cho rằng những phát hiện này cho thấy “Những người có chỉ số thông minh cao và khả năng sử dụng trí thông minh thì ít có khả năng dành nhiều thời gian cho việc giao tiếp xã hội vì họ tập trung vào những vấn đề dài lâu.”
Bạn thích ngồi trên ghế cả ngày
Rõ ràng, sự lười biếng có thể là một dấu hiệu của sự thông minh! Trong một nghiên cứu từ vào 2016, các nhà nghiên cứu tại Đại học Florida Gulf Coast đã chia 60 sinh viên thành hai nhóm là những người suy nghĩ và không suy nghĩ. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem ai là người biết suy nghĩ và không suy nghĩ bằng cách sử dụng khảo sát để hỏi các sinh viên liệu có thấy việc suy nghĩ có thú vị hay không hoặc nếu họ thích những nhiệm vụ ít đòi hỏi tư duy. Các nhà khoa học sau đó quan sát các sinh viên hoạt động thể chất trong một tuần. Họ thấy rằng những người không suy nghĩ hoạt động thể chất nhiều hơn những người suy nghĩ. Các tác giả tin rằng điều này có thể là do những người hay suy nghĩ hoàn toàn hài lòng với việc giải trí về mặt tinh thần trong khi những người không suy nghĩ có xu hướng dễ chán hơn và cho rằng kích thích tinh thần là một trải nghiệm tiêu cực.
Bạn ngồi thiền mỗi ngày
Theo tạp chí Y học New England, bắt đầu hoặc kết thúc một ngày của bạn bằng 12 đến 15 phút ngồi thiền giúp sự tăng cường nhu cầu của não bộ. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy ngồi thiền có thể giúp cải thiện trí thông minh của bạn, giúp kích thích sáng tạo, đổi mới và mở rộng tầm nhìn. Một nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người sử dụng phương pháp luyện sóng não (một hình thức thiền) giúp tăng trung bình 23% chỉ số IQ. Trong một nghiên cứu tiếp theo, chỉ số IQ được cải thiện thậm chí kéo dài một năm sau đó. Họ thậm chí còn cho thấy sự thành công trong khả năng sáng tạo và tập trung. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy 20 phút thiền mỗi ngày giúp cải thiện trí nhớ, tăng khả năng nhận thức và giảm mức độ căng thẳng.
Người dịch: Thuỳ Dương (SSDH)