SSDH – Tuy người gốc Á, bao gồm Việt Nam, được vào tại các đại học lớn ngày một nhiều hơn, thì những số liệu gần đây vẫn cho thấy con đường đến thành công của các bạn là không hề dễ dàng.
Trong khoảng thời gian này, những ngày cuối Tháng Năm và đầu Tháng Sáu, các tiệm bán hoa lại nườm nượp khách ra vào, mua hoa mừng ngày con em mình tốt nghiệp ra trường.
Tuy người gốc Á, bao gồm Việt Nam, được vào tại các đại học lớn ngày một nhiều hơn, thì những số liệu gần đây vẫn cho thấy con đường đến thành công của các bạn là không hề dễ dàng.
Các sinh viên gốc Á vẫn đã, đang, và sẽ phải chuẩn bị đối mặt với nhiều bất công còn tồn tại trên giảng đường và trong xã hội Hoa Kỳ. Nguyễn, Trần, Vũ, hay Đinh, Lê, Võ… một cái tên họ “không thông thường” cũng có thể gây nhiều bất lợi.
Sinh viên gốc Á phải cố gắng nhiều hơn bạn bè để đạt được thành công. (Hình minh họa: Federick Brown/Getty Images)
Sau đây là một vài số liệu báo trước những khó khăn mà các bạn trẻ nên chuẩn bị tinh thần đương đầu cho cuộc sống sau lễ tốt nghiệp. Các thế hệ đi trước đã làm được, các bạn cũng sẽ làm được, phải không?
1. Khó mời thầy cô làm người cố vấn
Vào được trường, sinh viên chỉ mới đặt chân ở những bậc thềm đầu tiên trên bước đường danh vọng. Một trong những điều các sinh viên cần, hoặc nên có, là kiếm được một người đi trước trong ngành nhận là người “mentor” hướng dẫn cho các bạn.
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy rằng những sinh viên có tên họ gốc Á thường bị làm ngơ hoặc nhận thư từ chối nhiều hơn so với các sắc dân khác.
Cuộc khảo sát do trường Wharton thực hiện, đài NPR tường thuật. Hàng chục ngàn lá thư giả sinh viên, với cùng nội dung cần thầy cô cố vấn, được gửi đến 6,500 giáo sư của 259 đại học tại Hoa Kỳ. Điểm khác biệt duy nhất giữa các lá thư này là tên người gửi đi. Ví dụ, có những cái tên “thông thường” như Brandon hay Robert, và những cái tên của người gốc thiểu số như Á Châu hay Hispanic.
Kết quả, những cái tên của nam sinh viên da trắng nhận được hồi âm chấp thuận với tỉ lệ cao nhất. Trong khi đó, những cái tên của sinh viên Á Châu, đặc biệt là nam giới, có tỉ lệ hồi âm thấp nhất so với tất cả những nhóm còn lại. Trong số thư hồi âm, thư chấp thuận cũng chiếm tỉ lệ nhỏ.
Một số lý giải được đưa ra, như đa số các giáo sư hiện nay là da trắng và là nam giới nên họ cũng muốn làm việc với nam sinh viên cùng màu da, hay một nỗi e dè vô hình nhưng có thực tại các đại học Hoa Kỳ trước “làn sóng” sinh viên Á Châu đang tràn vào…
2. Khó xin việc
Tỉ lệ thất nghiệp trong cộng đồng người Á Châu thấp hơn mức trung bình. Đó là một số liệu đáng mừng. Tuy nhiên, các số liệu chi tiết hơn lại không mấy khả quan cho sinh viên gốc Việt.
Nếu tách nhóm người Á Châu ra thành từng quốc qia riêng lẻ, trong khi người Nhật hay Trung Quốc có tỉ lệ thất nghiệp thật sự thấp, thì người gốc Việt và gốc Philippine có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn người da trắng.
Nếu so sánh theo từng nhóm có cùng trình độ học thức, thì số người Á Châu không kiếm được việc làm là gấp rưỡi người da trắng (khoảng 6.5% so với khoảng 4%).
Nghĩa là, các bạn phải học cao hơn, giỏi hơn, nếu muốn sau này có cùng mức lương với một sinh viên da trắng. Cũng giống như người Á Châu mới sang, các thế hệ sinh ra tại Mỹ cũng chịu kết quả tương tự.
Bên cạnh đó, một thí nghiệm nho nhỏ nhưng gây nhiều phản ứng trong dư luận hồi năm 2012 của một cô gái da màu tên Yolanda Spivey cũng cho thấy rằng, khi cô đổi tên trong hồ sơ xin việc thành Bianca White cho giống “Mỹ trắng” hơn, thì cô lập tức nhận được nhiều lời mời phỏng vấn việc làm dù trước đó cô chẳng nhận được bất kỳ hồi âm nào.
Và nếu sau này bị thất nghiệp vì bất kỳ lý do gì, người gốc Á cũng phải chịu cảnh thất nghiệp lâu hơn bất kỳ sắc dân nào khác.
Liên tiếp trong 5 năm trở lại đây, theo số liệu từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ, trung bình người gốc Á mất gần 28 tuần để kiếm được việc mới. Con số này là 27 tuần cho người da đen, và khoảng 19 tuần cho người da trắng và Hispanic.
3. Khó “hòa nhập” ở sở làm
Vì sao người gốc Á thường được khen là “model minority,” tạm dịch là mô hình mẫu của người thiểu số, mà lại phải đối mặt với những điều có vẻ như phi lý trên?
Một giáo sư kinh tế học tại University of Massachusetts, bà Marlene Kim, viết một bài bình luận, đề cập các điểm sau:
“Kỳ thị chủng tộc có thể giúp giải thích cho những khác biệt trong tỉ lệ và thời gian thất nghiệp. Nghiên cứu cho thấy có sự kỳ thị trong các công việc và chức vụ cao cấp nhất. Nói cách khác, người Mỹ gốc Á được xem là có kỹ thuật cao và có tinh thần làm việc, nhưng không là những người lãnh đạo giỏi. Kết quả tương tự cho thành phần sinh ra tại Hoa Kỳ… Thêm vào đó, một vài thí nghiệm cho thấy người gốc Á bị xem chung là ‘người ngoại quốc’, vì có một số đông người gốc Á là người mới nhập cư.”
Theo lời bà Kim, người gốc Á dễ kiếm được những công việc thông thường, lương thấp, “phổ biến cho dân nhập cư,” hơn là được ưu tiên chọn những chức vụ cao, có tính lãnh đạo, dù các thanh niên gốc Á học cao và có nhiều bằng cấp.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Học Bổng Hay