SSDH – Người viết bài này muốn chia sẽ một vài kinh nghiệm sống với các bạn nữ độc thân có ý định sang Úc du học, làm việc hoặc di dân đến Úc theo diện tay nghề. Tôi đang làm việc và học tập ở Melbourne nên chỉ đề cập đến những gì được biết về thành phố này.
Có một vài sự khác biệt về văn hóa, cách sống, suy nghĩ và làm việc ở Úc so với Việt Nam mà các bạn cần lưu ý để có sự chuẩn bị tốt hơn và tránh bị sốc khi đến đây sinh sống, học tập hay làm việc. Tuy Melbourne luôn được bầu chọn là một trong những thành phố đáng sinh sống nhất trên thế giới (luôn nằm trong danh sách 10 nước đứng đầu) nhưng các bạn cũng đừng mong đợi quá nhiều về đất nước này, bởi xã hội nào cũng có hai mặt của nó. Không một nơi nào thật sự là thiên đường cả. Sống ở đâu, bạn cũng phải làm việc và học tập. Bạn hãy ghi nhớ câu ca dao tục ngữ Việt Nam: “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho.” Điều quan trọng là bạn tiếp thu, học hỏi được những gì để tích lũy vào vốn sống, thay đổi tư duy và hành động sáng suốt để hòa nhập cuộc sống mới một cách nhanh chóng, đáp ứng, thích nghi với sự phát triển của khoa học, công nghệ và xã hội ngày một đi lên.
Bạn đã biết hết về Melbourne hay chưa? (Nguồn hình: Atn).
Về văn hoá và con người
Melbourne (thuộc tiểu bang Victoria) là thành phố trẻ, có lịch sử khoảng hơn 150 năm. So với các thành phố khác trên thế giới thì Melbourne không có nhiều công trình thật sự đặc sắc, nổi bật và đồng bộ. Dân số Melbourne khoảng 4.350.000 so với cả nước 23.150.000 người. Melbourne nổi tiếng nhất nước Úc về sự đa văn hóa với hơn 200 sắc tộc từ các nơi trên thế giới sinh sống và làm việc tại đây.
Theo cục thống kê Úc vào năm 2011, người Việt di dân đứng hàng thứ tư sau Anh, Ấn Độ và Trung Quốc, sống tập trung nhiều ở Sunshine North và Braybrook (phía Tây của trung tâm Melbourne) hay Springvale và Springvale South (phía Đông Nam trung tâm Melbourne). Một số khu vực nổi tiếng người Việt sinh sống từ thế hệ trước có Footscray và Richmond. Một phần tư dân số Úc có nguồn gốc từ nước ngoài nên các bạn sẽ được giao lưu, gặp gỡ và làm việc với những quốc gia chưa từng nghe nói đến như Mauritius, Samoa… Tiếng Anh là ngôn ngữ chính nhưng không phải là tiếng mẹ đẻ của nhiều người nên các bạn đừng thiếu tự tin khi giao tiếp tiếng Anh tại Úc. Các bạn không cần sử dụng những từ “Sir” hay “Madam” trong giao tiếp hàng ngày, nghe rất lạ lẫm với người thông thường; từ sử dụng phổ biến hơn như “mate” hay “buddy”. Câu chào xã giao hàng ngày: “Hi, how are you?” hay “Hi, how are you going?”, thỉnh thoảng bạn có thể nghe “Good day, mate!”.
Người Úc thường hay nói đùa. Các bạn thường nghe nói đến người Úc nhưng xuất xứ của họ thì chia thành nhiều nhóm chính: người thổ dân Úc (người bản xứ), người Úc xuất xứ từ các nước nói tiếng Anh như người Anh và người Scotland, hoặc từ các nước châu Âu khác như Ý và Đức, một số khác đến từ châu Á-Thái Bình Dương như Việt Nam, Ấn Độ, Fiji và châu Phi như Mozambique hay Sudan… Người Úc được sinh ra và lớn lên tại đây (người Úc thế hệ thứ hai từ những nhóm người di dân) vẫn viết sai lỗi chính tả và nhiều người nói rất giỏi nhưng khi bạn hỏi họ viết từ đó ra sao, không phải ai cũng viết được mặc dù chính phủ quy định độ tuổi học vấn tối thiểu phải đến độ tuổi mười lăm cho đến mười bảy tùy từng tiểu bang và vùng lãnh thổ. Thành phần trí thức có bằng Đại học hoặc cao hơn và biết cách giao tiếp lịch sự (business etiquette) không nhiều lắm nên không việc gì phải đưa người Úc lên cao mà tự hạ thấp mình.
Về môi trường sống và khí hậu ở Melbourne
Chính phủ Úc rất chú trọng về việc giáo dục người dân ý thức bảo vệ môi trường sống bền vững từ việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng thiên nhiên, khuyến khích sử dụng năng lượng điện mặt trời và tái tạo nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng. Mỗi chủ hộ sẽ được chính quyền địa phương cung cấp các thùng rác được phân thành ba loại với ba màu khác nhau: rác thải, rác có thể tái chế được và rác từ cây xanh. Họ sẽ đóng tiền hằng năm cho chính quyền địa phương về phí đổ rác này. Bạn không thể tự tiện đốn cây cổ thụ tại nhà mình mà không xin phép chính quyền địa phương từ trước và sẽ bị phạt nếu vi phạm. “Reduce, reuse, recycle” và “sustainability” là các từ bạn sẽ được nghe nhắc đến khi được học ở trường, các khóa đào tạo hay tại nơi làm việc nhằm giáo dục mọi người giữ gìn môi trường sống phát triển bền vững.
Melbourne có không khí trong lành, nhiều cây cối và công viên. Khi tham qua các thắng cảnh tự nhiên ở khu vực xa trung tâm thành phố, bạn vẫn còn thấy được nét hoang sơ và nước ở sông hồ vẫn trong và sạch. Chính quyền địa phương có thu phí công viên một năm một lần cho người chủ nhà thông qua hóa đơn tiền nước. Lò nướng điện được lắp đặt phổ biến ở các nơi tham quan có thu phí hay không thu phí, đặc biệt hầu như công viên nào cũng có. Đây cũng là một trong những nét đặc trưng văn hoá Úc về thói quen thích ăn đồ nướng ngoài trời.
Khi nhắc đến Melbourne, không ai không nhắc đến một ngày bốn mùa nhưng sự thay đổi đó vẫn đỡ hơn so với Tasmania, một thành phố khác ở Úc. Nhiệt độ bình quân trong năm từ khoảng 10 đến 20 độ C và sự chênh lệch nhiệt độ trong ngày dao động khoảng 10 độ C. Nhiều bạn sống ở phía Nam Việt Nam nếu không thích với thời tiết lạnh thì sẽ chọn Sydney hay Brisbane làm nơi dừng chân. Trung tâm Melbourne không có tuyết như một số vùng núi cao khác nên vào mùa đông các bạn vẫn có thể di chuyển và sinh hoạt bình thường. Úc nằm vị trí ở nam bán cầu nên các mùa trong năm sẽ khác các nước bắc bán cầu: mùa xuân từ tháng 9 đến hết tháng 11, mùa hè từ tháng 12 đến hết tháng 2, mùa thu từ tháng 3 đến hết tháng 5 và mùa đông từ tháng 6 đến hết tháng 8. Do vậy mà người dân Úc thường hay nói đùa là ông già Noel ở Úc mặc quần short (thời tiết rất nóng vào tháng 12) trao quà cho thiếu nhi thay vì phải mặc đồ tuyết. Một năm sẽ đổi giờ hai lần, một lần vào tháng 4, chủ nhật của tuần đầu tiên, chỉnh một tiếng chậm lại và chỉnh một tiếng nhanh hơn vào chủ nhật đầu tiên vào tháng 10. Các phương tiện truyền thông sẽ thông báo bạn biết hoặc điện thoại di động sẽ tự động cập nhật.
Điều quan trọng là bạn tiếp thu, học hỏi được những gì để tích lũy vào vốn sống, thay đổi tư duy và hành động sáng suốt để hòa nhập cuộc sống mới một cách nhanh chóng, đáp ứng, thích nghi với sự phát triển của khoa học, công nghệ và xã hội ngày một đi lên…
Về y tế
Dịch vụ y tế công
Bảo vệ sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nhằm giảm thiểu sự quá tải bệnh nhân ở bệnh viện công và giảm sự chi trả của chính phủ về chi phí y tế. Các nhà vệ sinh công cộng thường có xà bông rửa tay và giấy vệ sinh. Thùng rác thải trong nhà vệ sinh cũng có ghi chú về việc vứt bỏ kim tiêm đúng chỗ để tránh lây nhiễm cho người khác. Người nào có bệnh mà có khả năng lây nhiễm, dù đang đi học hay đi làm, bạn được khuyến khích ở nhà để tránh lan truyền bệnh đến người xung quanh.
Các khoản phí phải trả và không phải trả ngay cho hệ thống y tế
Nếu bạn đi khám mắt thì không phải trả tiền, kết quả của phiếu khám mắt có giá trị trong hai năm. Khi đến gặp bác sĩ gia đình bạn không phải chi trả trả thêm tiền phí, sau này có thể chi trả thêm hay không vẫn còn đang được bàn cãi trong thời gian gần đây. Nếu bạn đi chụp hình răng, siêu âm, chụp X quang, bạn không phải trả tiền thêm mà chỉ cần xuất trình thẻ Medicare. Tuy nhiên, bạn phải trả tiền túi nếu gặp nha sĩ. Bạn gặp bác sĩ chuyên khoa thì bạn sẽ trả tiền trước, sau đó cơ quan y tế Úc (Medicare) sẽ gửi trả lại cho bạn bằng cheque hoặc chuyển khoản khoảng 36% trong tổng số tiền mà bạn đã thanh toán, số tiền hỗ trợ sẽ thay đổi tùy theo số lần viếng thăm. Một số người nói ở Úc không tốn tiền khi đi bác sĩ nhưng thật ra không hoàn toàn chính xác. Người đi làm có đóng thuế thì hiểu được không có gì gọi là miễn phí cả. Chính phủ thu 2% trong tổng số thu nhập trước thuế của người đóng thuế để có thêm quỹ chi trả cho hệ thống y tế ở Úc.
Dịch vụ y tế tư
Chính phủ có hỗ trợ cho bạn khoảng 29% trong tổng số tiền bạn mua bảo hiểm y tế tư, mức hỗ trợ thay đổi tùy vào thu nhập. Nếu bạn có ý định mua bảo hiểm y tế tư thì nên mua trước 32 tuổi để có cùng mức phí. Nếu sau độ tuổi này, ngoài mức phí theo quy định, bạn sẽ phải trả thêm theo độ tuổi và tăng dần theo từng năm. Các bạn lưu ý là sự hỗ trợ sẽ thay đổi tùy từng chính sách của mỗi chính phủ cầm quyền và trong một giai đoạn nào đó mà thôi.
Melbourne, thành phố của cơ hội và thách thức…
Về giáo dục
Nếu bạn có cơ hội học tập tại đây thì bạn sẽ phân vân nên học ngành nào và cấp độ nào (chứng chỉ, cao đẳng, đại học hay sau đại học). Tùy điều kiện tài chính, thời gian, mục tiêu và năng lực mà bạn sẽ chọn trường và mức độ nào cho phù hợp. Nếu bạn là du học sinh thì sự lựa chọn của bạn sẽ khác so với người đến Úc để định cư. Khi đến Úc định cư, không phải ai cũng may mắn kiếm được công việc đúng ngành bạn học và làm ở Việt Nam. Các công ty tuyển dụng vẫn có khuynh hướng chọn người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại Úc hơn là có nhiều bằng cấp từ nước ngoài. Không phải ai ở vị trí quản lý ở Úc đều có bằng Đại học nên việc tuyển một người có bằng Đại học để trả lương theo quy định của chính phủ vẫn không phải là sự ưu tiên so với người có bằng thấp hơn nhưng kinh nghiệm làm việc nhiều hơn; ngoại trừ bạn có bằng Đại học ở Úc và xin vào những công ty lớn có hệ thống đào tạo rõ ràng hoặc làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở ở Úc.
Việc vừa học vừa làm khá phổ biến và chương trình học không quá khó nếu bạn có quyết tâm học thêm. Bạn có thể chọn học toàn thời gian và đi làm thêm vào cuối tuần hoặc đi làm toàn thời gian, học thêm các buổi tối và làm bài tập vào cuối tuần. Chương trình học và công việc làm ở Úc khá đa dạng nên bạn sẽ chọn cách nào cho phù hợp. Thời gian đầu, bạn cảm thấy khá mơ hồ về công việc và thị trường lao động Úc nên đừng vội vã đăng ký học ngay mà hãy dành thời gian tìm hiểu thật kỹ trước khi học để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức. Các bạn du học sinh cũng vậy, nên biết khả năng của mình phù hợp với ngành mình chọn và nhu cầu thị trường nơi mà mình dự định sinh sống và làm việc. Các bạn nên tham gia vào các buổi định hướng nghề nghiệp để tìm hiểu về ngành mình học. Các bậc phụ huynh đừng gửi con sang Úc học theo phong trào, không phải ai đi du học đều sẽ thành công cả.
Một điều cần lưu ý khác là nếu gia đình gửi bạn đi du học thì nên ở riêng như thuê phòng hay ký túc xá hơn là bạn ở chung với họ hàng hay người quen của ba mẹ ở Úc. Thói quen sinh hoạt hàng ngày của bạn khi sống chung với ba mẹ sẽ khác nhiều so với ở chung với bà con hay người quen ở Úc, điều đó sẽ phát sinh mẫu thuẫn, ít nhiều gì sẽ ảnh hưởng đến việc học của bạn. Thời gian đầu nếu cần sự giúp đỡ, bạn có thể ở tạm nhưng chỉ nên ở từ ba đến sáu tháng mà thôi. Nếu chỉ vì tiết kiệm chi phí ăn ở và không an tâm về bạn, gia đình nên cho bạn học ở trường quốc tế ở Việt Nam như RMIT, xem ra vậy sẽ tốt hơn.
Nguồn: Báo Úc