DHS cẩn trọng khi tham gia các trang trực tuyến ở nước ngoài

0

SSDH – Hiện nay, ngày càng có nhiều sinh viên, học sinh Việt Nam sang nước ngoài để học tập và nghiên cứu. Ngoài những khó khăn ban đầu về việc làm quen với mọi việc của nước sở tại thì vẫn có những nguy cơ, những “tai nạn” luôn “rình rập” với rất nhiều người.

 

Khi công nghệ thông tin phát triển, nhiều trang web bán hàng trực tuyến ra đời, các trang thông tin giao dịch qua mạng cũng ngày càng “nở rộ”. Hình thức giao dịch, buôn bán, trao đổi cũng như thanh toán qua mạng không phải là mới ở các nước tiên tiến. Tuy nhiên, bên cạnh những trang “làm ăn” đàng hoàng, uy tín trên toàn thế giới, thương hiệu đã được khẳng định thì cũng có những trang với thông tin hết sức mập mờ.

 

Và, khi các du học sinh chưa thông thạo ngoại ngữ để hiểu rõ các vấn đề ràng buột trong giao dịch, không nắm rõ luật pháp của nước mà mình đang sinh sống thì cũng rất dễ “sa chân” vào những trang này.

 

Từ “tiền mất, tật mang”…

 

Với nhiều bạn du học sinh, việc mua được các trang thiết bị dùng trong học tập như máy tính xách tay, điện thoại cảm ứng, máy tính bảng giá rẻ được chào bán trên các trang mua sắm trực tuyến là một niềm mơ ước. Nó vừa tiết kiệm được chi phí, vừa an tâm phần nào về chất lượng cho dù đó là những sản phẩm cũ. 

 

dhs-can-trong-khi-tham-gia-cac-trang-truc-tuyen-o-nuoc-ngoai

Ảnh minh họa (Internet) 

 

Tuy nhiên, việc giao dịch hoàn toàn qua mạng này cũng có nhiều điều đáng bàn. Bạn Tuấn Tú (Sv Đại học Magdeburg – Đức) sau một thời gian “ngắm nghía” chiếc điện thoại cảm ứng đã quyết định mua trực tuyến vì giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường, chất lượng còn mới đến 90% như quảng cáo của chủ nhân và hình ảnh xem qua trang web thật bắt mắt. Nhưng, khi nhận được hàng gởi qua đường bưu điện thì mặt sau của chiếc điện thoại đã trầy xước quá nhiều. Không thể bỏ tiếp một khoản tiền lớn để thay mới và không thể liên lạc với người bán nên bạn ấy đã chấp nhận dùng một mặt hàng không đáng giá với số tiền đã bỏ ra.

 

Còn với bạn Thu Thảo (Đại học ứng dụng Ravensburg – Đức), sau khi nhận gói hàng là những đồ dùng cho mùa hè đã không khỏi thất vọng. Màu sắc các áo quần đã phai, không giống như những hình ảnh được xử lý qua Photoshop để đăng tải trên mạng. Không những thế, các đồ đạc này không phù hợp với thể trạng người châu Á. Thế là, sau nhiều lần liên hệ, trao đổi với người bán, bạn đã có thể trả lại nhưng vừa mất phí bưu điện, vừa mất thời gian, vừa mất một khoản phí theo quy định trả – đổi hàng.

 

… đến dính líu vào pháp luật, kiện tụng

 

Ở các nước tiên tiến, pháp luật rất rõ ràng và bên cạnh đó luôn có những luật sư hỗ trợ giải quyết kiện tụng. Tuy nhiên, đó là điều không ai muốn khi phải “dắt nhau” ra tòa và còn nhiều rắc rối khác thường rơi vào người nước ngoài khi không rõ luật, yếu ngoại ngữ.

Một lần tham gia các trang mạng xã hội, bạn Văn Dũng (đang sống và học tại Stuttgart) đã biết được một trang có tổ chức kết nối “đi nhờ” xe đến các thành phố khác nhau của Đức. Và, bạn ấy đã đăng ký các thông tin cá nhân để tham gia với hy vọng sẽ có những chuyến đi bằng ô tô đến các thành phố khác vừa rẻ tiền, vừa nhanh chóng.

 

Nhưng, vì đọc không kỹ thông tin nên Văn Dũng đã phải trả phí đăng ký 132 Euro cho một năm và bắt buộc tham gia hai năm, sau đó sẽ “tính tiếp”. Gởi thư giải thích vì không nắm rõ thông tin, nhờ người giúp đỡ đều không có kết quả nhưng theo Văn Dũng thì đó là “bài học nhớ đời” và phải cẩn thận hơn trong mọi việc.

 

“Cay đắng” hơn là bạn Đình Toàn (đang học tập tại Lindau), vì “lỡ” tham gia trang mạng phải đóng phí nhưng đã không biết và cũng quên vì thấy không có những thông tin cần thiết cho bản thân. Nhưng, sau thời gian dài lại nhận được thư yêu cầu thanh toán. Vì cho rằng mình không biết, không tham gia nên bạn ấy đã im lặng.

 

Cuối cùng, công ty này dù có những thông tin rất mập mờ, không đưa đầy đủ thông tin lên web, không có những thông báo rõ ràng bằng đường bưu điện, không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nhưng họ đã thắng sau phán quyết của tòa án. Một cái “trát” của tòa cộng với số tiền phải nộp, kể cả lãi là một nỗi buồn khó “trôi” trong những ngày tháng học ở nước ngoài.

 

Hiện nay, sau nhiều trường hợp “bị nạn” như vậy thì nhiều diễn đàn, nhiều trang mạng xã hội của các du học sinh đã có những cảnh báo cần thiết. Và, mỗi bạn du học sinh khi chưa hiểu rõ “ngọn nguồn” các vấn đề cũng nên hỏi những người đi trước, nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, của phòng quản lý sinh viên quốc tế.

 

Một cái nhấp chuột, một email xác nhận đôi khi sẽ làm cho các bạn gặp rất nhiều rắc rối trong tương lai. Cần “tỉnh táo” để có được những kỷ niệm đẹp trong những năm tháng học tập ở nước ngoài, các bạn nhé.

 

Nguyễn Quốc Vỹ


Share.

Leave A Reply