Sẵn sàng du học – Kinh nghiệm trong thời gian học tập, sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia giúp Lê Tâm, du học sinh tại New Zealand, có những suy nghĩ khác biệt trong việc chọn trường.
Lê Tâm cho biết cô từng học ở Australia gần 5 năm, được cấp học bổng chính phủ. Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc cho một số công ty đa quốc gia ở Việt Nam, Thái Lan. Từng đi công tác, du lịch tới nhiều nước khác như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, cuối cùng, Tâm chọn New Zealand là nơi tiếp tục học thạc sĩ.
Lê Tâm chia sẻ với Zing.vn rằng cô không quá quan tâm danh tiếng của những trường đại học hay phải chọn nước lớn để du học.
Khủng hoảng thông tin khi chọn trường
– Từng du học và sinh sống ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc chọn trường khi học thạc sĩ của Tâm hẳn sẽ dễ dàng?
– Đúng là việc chọn trường đối với mình khá đơn giản nhưng không phải vì mình đã đi qua nhiều nơi mà do mình xác định được điều mình muốn.
Thông thường, mọi người sẽ bắt đầu từ quốc gia muốn theo học, vì có người thân, bạn bè, sau đó mới chọn trường theo ngành mong muốn. Tiêu chí chọn trường thường phải có xếp hạng cao, ở thành phố lớn và cũng không ít bạn muốn chi phí càng rẻ càng tốt.
Kiểu "ngon, bổ, rẻ" như vậy ai cũng muốn, nhưng chúng ta phải thực tế một chút. Hãy lùi lại một bước để xem thực sự mình đang có gì trong tay và mục tiêu của bản thân là gì.
Mình biết với nhiều bạn có dự định du học, việc chọn trường khá đau đầu. Các bạn không biết phải chọn trường nào, ở đâu. Hàng ngày, bạn nghe rất nhiều thông tin từ người này người kia, xem không biết bao nhiêu bài báo, website, lời khuyên từ bạn bè, người nổi tiếng. Thế rồi, bạn bị khủng hoảng thông tin, không biết cái nào đúng, ở đâu đáng tin cậy.
-Bạn có lời khuyên gì cho các học sinh và phụ huynh khi chọn trường du học?
– Các bạn đừng căng thẳng quá, không có khái niệm đúng sai ở đây đâu, bởi đây là quyết định và lựa chọn cá nhân. Miễn sao bạn tìm kiếm thông tin kỹ lưỡng, hiểu rõ lý do vì sao mình quyết định chọn quốc gia, thành phố, trường, ngành học đó là được.
Đừng lựa chọn chỉ vì nghe lời người khác. Bạn có thể hỏi thông tin, tham khảo ý kiến của họ, nhưng hãy tự tìm hiểu thêm và ra quyết định. Chỉ bạn mới hiểu rõ mình và đưa ra những lựa chọn phù hợp bản thân. Nếu cho rằng chọn sai, bạn hãy nhớ lại lý do trước đây, cần thiết thì chọn lại. Mình nghĩ thất bại không hẳn hoàn toàn xấu, cá nhân mình học được nhiều từ những lần sai.
Nhất thiết phải là nước lớn, trường xếp hạng cao?
– Khi quyết định du học, bạn nghĩ điều gì đầu tiên?
– Mình nghĩ nên chọn nước nào và không quan trọng đó phải là quốc gia nổi tiếng hoặc đặc biệt.
Một nơi lý tưởng phải có môi trường sống tốt, không khí trong lành, nhiều không gian xanh; an sinh xã hội tốt, có bảo hiểm y tế, giao thông công cộng, không gian cộng đồng.
Tất nhiên, quốc gia đó phải có hệ thống giáo dục tốt, chất lượng đồng đều, mạng lưới trường học, bằng cấp được tích hợp, học phí hợp lý. Một vấn đề cũng khá quan trọng là người dân thân thiện và chi phí sinh hoạt vừa phải.
– Du học sinh có thể tìm thông tin tin cậy về những điều đó ở đâu?
– Phụ huynh và học sinh có thể tham khảo các website của Global Peace Index (Chỉ số hòa bình toàn cầu), The Economist Intelligence Unit (Cơ quan tình báo kinh tế), hoặc trang web của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) để tìm hiểu về tình hình vĩ mô, cũng như thông tin chung về hệ thống giáo dục của các nước phát triển.
Để hiểu rõ hơn về quốc gia mình định đến cũng như hệ thống giáo dục, cuộc sống, chi phí sinh hoạt, cơ hội việc làm, ưu đãi dành cho du học sinh, bạn nên tham khảo các website chính thức của chính phủ. Ví dụ, với New Zealand, học sinh, sinh viên có thể tham khảo website studyinnewzealand.govt.nz hoặc newzealand.com. Cách làm tương tự với các nước khác như Mỹ, Anh, Phần Lan, Thụy Điển…
Chính phủ New Zealand đang có chính sách hỗ trợ visa làm việc đến 3 năm sau khi tốt nghiệp dành cho sinh viên quốc tế, là thông tin quan trọng, đáng để bạn cân nhắc.
Ngoài ra các website của Cơ quan Di trú cũng có thông tin rất hữu ích, không chỉ về việc chuẩn bị hồ sơ visa, mà còn liên quan quyền lợi của những người sở hữu visa nước đó.
Để tìm hiểu về thành phố mình định đến, bạn hãy tra cứu ngay thông tin về thành phố đó. Ví dụ như các diễn đàn người nước ngoài ở đó, website về chi phí sinh hoạt, website của hội đồng thành phố đó.
– Nhiều phụ huynh và du học sinh đều cố gắng vươn tới những ngôi trường danh tiếng trên thế giới. Bạn có từng nghĩ như vậy?
– Mình không quan trọng trường phải có thứ tự xếp hạng cao trên bản đồ thế giới, bởi vì đi học cho bản thân nhiều hơn là người khác, và cũng biết khả năng của mình ở đâu. Vào một ngôi trường với thứ hạng ngất ngưởng mà học không nổi thì cũng giống như mua chiếc smartphone đời mới nhất nhưng chỉ dùng để gọi điện thoại và nhắn tin.
Mình nghĩ quan trọng nhất là học được cái gì và áp dụng nó ra sao, cũng như việc rèn luyện những kỹ năng cá nhân. Bạn tốt nghiệp từ những ngôi trường bình thường không có nghĩa kiến thức và khả năng bình thường. Bạn hoàn toàn có thể xuất sắc và khác biệt trên thị trường lao động.
Với mình, trường đó cần hoạt động hợp pháp, có bề dày hoạt động nhất định, một số tiếng tốt nhất. Bạn có thể tham khảo website của trường, sau đó đối chiếu với website của Bộ giáo dục hoặc Cục khảo thí của quốc gia đó để biết trường mình định học ở mức nào.
Với New Zealand, website của New Zealand Qualifications Authority (NZQA) là nguồn thông tin đáng tin cậy để biết chất lượng của trường định theo học. Bạn cũng có thể liên lạc với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán của nước đó ở Việt Nam để hỏi thêm thông tin.
Nếu quan tâm tới xếp hạng, ngoài những bảng xếp hạng về trường nói chung, bạn cũng nên xem qua qua bảng xếp hạng theo ngành học. Có những trường xếp hạng nói chung không được cao lắm, nhưng riêng một số ngành lại rất tốt. Các bảng xếp hạng THE hay QS đều có các thông tin này.
Thái Hải (SSDH) – Theo Zing news