Du học sinh: Cầu nối thúc đẩy tình đoàn kết Việt-Lào

0

SSDH – Cùng với đông đảo bạn trẻ nước ngoài theo học tại các trường đại học ở Việt Nam, nhiều du học sinh đến từ đất nước Lào, Campuchia đã và đang nỗ lực nhằm củng cố hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa ba dân tộc anh em.

du-hoc-sinh-lao

Các du học sinh Lào, Campuchia và đoàn viên thanh niên Việt Nam tham gia hội thao nhân dịp Tết cổ truyền của Lào, Campuchia năm 2016.- Nguồn VGP

Chính đội ngũ du học sinh các thế hệ đã trở thành cầu nối vững chắc, góp phần xây đắp mối quan hệ hữu hảo ấy ngày một tốt đẹp hơn.

Nhiều năm qua, các lớp du học sinh Lào, Campuchia đã đến TPHCM để trải nghiệm môi trường học tập Việt Nam thông qua các suất học bổng hữu nghị dành cho các địa phương của nước bạn. Các du học sinh nhận được nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện từ các cấp lãnh đạo TPHCM trong quá trình học tập, sinh hoạt.

Ký túc xá (KTX) sinh viên Lào tọa lạc trên đường Cách mạng tháng Tám (Quận 3), từ lâu đã trở thành ngôi nhà thân thiết đối với bao lớp du học sinh Lào, Campuchia. Ngoài KTX này, để thuận tiện và tùy theo nhu cầu học tập, nhiều du học sinh đã chọn ở nội trú tại KTX của các trường mà mình theo học, như: Trường Dự bị đại học, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM.

Hiểu hơn về Việt Nam từ những tháng năm làm du học sinh

Tốt nghiệp cử nhân ngành trồng trọt-nông lâm ở Đại học Quốc gia Lào và đã làm việc được 7 năm, anh Bounkhong Thorchongliachi quyết định đến Việt Nam theo học ngành luật hành chính-nhà nước tại Đại học Luật TPHCM. Bounkhong là một trong 5 người được chọn trao học bổng của TPHCM để đi học tiếp khi anh đang là một cán bộ của tỉnh Udomxay.

Cũng như nhiều du học sinh khác, anh Bounkhong, hiện là Trưởng Ban Tự quản sinh viên Lào tại TPHCM, cũng phải trải qua một thời gian ban đầu học tiếng Việt tại Trường Dự bị đại học TPHCM.

Quãng đường học tập, rèn luyện tại TPHCM đã giúp Bounkhong và những đồng môn của mình ngày một am hiểu về đời sống và con người Sài Gòn nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

“Ngoài chương trình học ở trường, chúng mình còn tham gia nhiều hoạt động tham quan, giao lưu sôi nổi cùng sinh viên Việt Nam được tổ chức định kỳ hằng quý, hằng tháng. Đặc biệt, trong dịp Tết cổ truyền của Lào, Campuchia, đợt cao điểm Tháng thanh niên, chúng mình còn nhận được sự quan tâm, chăm lo chu đáo của lãnh đạo TPHCM. Trong những ngày Tết, ngoài nhận lời chúc mừng và quà từ lãnh đạo Thành phố, chúng mình còn được sống trong bầu không khí Tết cổ truyền theo đúng tập quán của Lào với các hoạt động sôi nổi như té nước, buộc chỉ tay, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao”, anh Bounkhong chia sẻ.

sinh-vien-lao-bieu-dien-van-nghe

Một nhóm sinh viên Lào biểu diễn tiết mục múa truyền thống trong một ngày hội tại Nhà văn hóa Thanh niên. – Nguồn VGP

Trưởng Ban Tự quản sinh viên Lào tại TPHCM cũng cho biết, các bạn du học sinh còn được Lãnh sự quán Lào giới thiệu đến biểu diễn văn nghệ tại các cơ quan, trường học ở Thành phố trong các dịp lễ, hội. Trong những dịp như vậy, đội văn nghệ du học sinh luôn trình diễn nét đặc trưng của văn hóa nước nhà bằng những tiết mục múa hát đậm chất truyền thống.

“Sau khi tốt nghiệp và trở về nước, với vai trò, chức trách của mình, tôi sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đặc biệt giữa hai Nhà nước, hai Chính phủ. Là một Đảng viên, một cán bộ của tỉnh Udomxay, tôi sẽ tăng cường mối quan hệ giữa các huyện với huyện, tỉnh với tỉnh của Việt Nam và Lào”, anh Bounkhong nhấn mạnh.

Đến từ tỉnh Champasack (Lào), anh Divisay Sidthisay, theo học ngành quản lý công tại Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM.

Anh Divisay Sidthisay cho biết đã nhận được sự chỉ bảo, giúp đỡ rất lớn trong quá trình học tập: “Các bạn Việt Nam đã hỗ trợ tôi rất nhiều kinh nghiệm, từ việc nhỏ nhất như sửa chữa chính tả, đến tìm tài liệu trong lúc làm luận văn. Ngoài tham gia các hoạt động phong trào, giao lưu của KTX và trường, tôi còn có dịp tham gia các đoàn đi thăm, làm việc của các cấp lãnh đạo Tỉnh đoàn, Thành đoàn hai nước với vai trò người phiên dịch, hướng dẫn”.

Anh bạn du học sinh hiện đang làm luận văn thạc sĩ này cũng rất cảm kích khi thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã giúp đỡ rất nhiều đối với sinh viên, cán bộ của Lào trong giai đoạn học tập tại TPHCM. “Tôi hy vọng Việt, Lào hai nước chúng ta luôn giữ vững tình hữu nghị đặc biệt, hai nhà nước và nhân dân gắn bó mật thiết với nhau”, anh Divisay bộc bạch.

Phó Giám đốc KTX sinh viên Lào Trương Thị Xuân Hoàn, chia sẻ: Sinh viên Lào đến TPHCM học tập đã để lại nhiều tình cảm quý mến với người dân Thành phố. Các bạn vui vẻ, hòa đồng với văn hóa của Việt Nam nhưng vẫn giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tạo được thiện cảm với người tiếp xúc.

Tuy nhiên, theo bà Hoàn, tiếng Việt là rào cản rất lớn đối với các du học sinh trong quá trình giao tiếp và trao đổi, nên việc học tập của các bạn thường kéo dài hơn so với khung chương trình học.  

Thầy Trần Hoàng Hải, Đại học Luật TPHCM, một trong những đơn vị tiếp nhận đào tạo các du học sinh Lào, cho biết, quan điểm của lãnh đạo nhà trường là hỗ trợ tối đa sinh viên Lào đang theo học tại trường.

Các đơn vị trực tiếp quản lý sinh viên như Phòng Đào tạo, Phòng Công tác sinh viên thường xuyên làm việc trực tiếp với từng sinh viên Lào để nắm bắt tình hình học tập, lắng nghe những đề xuất, những vướng mắc của từng sinh viên.

“Ban cán sự các lớp học phân công nhóm sinh viên Việt Nam hỗ trợ từng sinh viên Lào trong học tập và cuộc sống. CLB quốc tế Thanh niên của trường xây dựng chương trình dạy tiếng Việt cho sinh viên Lào, tổ chức các hoạt động phong trào để sinh viên Lào cùng tham gia. Đồng thời, cử những giảng viên trẻ hỗ trợ, phụ đạo phương pháp học tập, hệ thống môn học trước mùa thi cho các bạn du học sinh”, thầy Trần Hoàng Hải cho biết.


Thái Hải (SSDH) – Theo VGP New

Share.

Leave A Reply